Để làm bếp an toàn, có 6 thứ không được cho vào lò nướng
Ngay cả khi làm cơm hàng ngày và rất quen thuộc với mọi thứ trong nhà bếp, mỗi ngày bạn vẫn có thể tìm thấy một vài thứ mới trong nhà bếp, chẳng hạn như giấy nướng và giấy sáp được bỏ vào trong lò nướng…
Khi nấu ăn trong nhà bếp thì vấn đề an toàn là thượng sách, đặc biệt là với các thiết bị nấu thực phẩm ở nhiệt độ cao như lò nướng, chỉ hơi sơ suất một chút là rất có thể sẽ xảy ra hỏa hoạn hoặc nổ vỡ. Để bảo đảm sự an toàn trong nhà bếp, tốt hơn là nên thận trọng để tránh mọi rủi ro. Các chuyên gia khuyên rằng không bao giờ được cho vào lò nướng 6 thứ sau đây:
1. Giấy sáp, khăn giấy hoặc các sản phẩm từ giấy khác
Giấy nướng là loại giấy chuyên dùng để nướng các món ăn. Nó có đặc tính chống dính, chống dầu, chống ẩm, rất an toàn khi cho vào lò nướng. Tuy nhiên, khi bạn định lấy giấy nướng để bọc cá hồi nhưng phát hiện đã hết, hãy nhớ tuyệt đối không được sử dụng giấy sáp thay cho giấy nướng.
Nếu cho giấy sáp vào trong lò nướng, không chỉ sáp trên giấy bị chảy mà giấy còn sẽ bắt lửa. Đầu tiên lò sẽ có mùi lạ, sau đó sẽ bắt đầu bốc khói, lúc này chỉ có thể nhanh chóng tắt nguồn lò, lấy giấy sáp ra và vứt bỏ hết nguyên liệu đi.
Đĩa giấy, hộp giấy và khăn giấy không thể bảo đảm là 100% từ giấy hoặc vật liệu tự nhiên. Ví dụ, hộp giấy đựng thức ăn nóng mang đi được tráng một lớp nhựa hoặc sáp mỏng để tránh rò rỉ. Loại hộp giấy này sẽ bắt lửa khi gặp nhiệt độ cao, vì vậy nếu bạn muốn sử dụng lò nướng để hâm nóng thức ăn mang đi thì tốt nhất nên sử dụng loại hộp thích hợp với lò nướng.
2. Đồ đựng bằng thủy tinh
Trước đây mọi người thường quen cho các khay nướng thủy tinh vào lò nướng, cho nên lầm tưởng rằng tất cả các đồ đựng bằng thủy tinh đều có thể cho vào lò nướng. Trên thực tế, không phải tất cả các đồ đựng bằng thủy tinh đều được làm từ cùng một chất liệu. Trừ khi khay thủy tinh được dán nhãn “Chuyên dụng cho lò nướng”, chẳng hạn như thủy tinh Pyrex có khả năng chịu nhiệt cực tốt, nếu không thì đừng mạo hiểm đặt đồ thủy tinh vào lò.
Đồng thời, để tránh trường hợp đồ thủy tinh bị sốc nhiệt, thậm chí nổ tung, nên sử dụng đồ thủy tinh được thiết kế đặc biệt cho lò nướng, không bị nứt, vỡ. Đồng thời chú ý không được là một hộp thủy tinh rỗng, nhất định phải được đặt đầy nguyên liệu. Khi đặt đồ thủy tinh vào lò, tốt nhất là để ở nhiệt độ phòng trước, không được đặt đồ thủy tinh đông lạnh trực tiếp vào lò.
Các nguyên liệu và đồ thủy tinh trong ngăn đá tủ lạnh nên được rã đông từ 24 đến 36 giờ, sau đó đặt ở nhiệt độ phòng ít nhất 1 giờ trước khi cho vào lò nướng. Khay nướng thủy tinh vừa lấy ra khỏi lò không được đặt trực tiếp lên mặt bếp bằng đá hoa cương lạnh hoặc nước lạnh, nếu phải đặt trên mặt bếp thì nên dùng khung sắt tam giác đỡ ở bên dưới.
3. Cặn thức ăn
Khi nướng bánh táo, vì bánh quá nhiều nên bạn nghe thấy tiếng xèo xèo, thậm chí có tiếng nổ lách tách trong lò, bạn có thể sẽ bực mình vì lẽ ra bạn nên lót thêm một khay nướng khác bên dưới khay bánh táo.
Tất cả thực phẩm, đặc biệt là những thực phẩm có chứa chất béo hoặc đường, đều có thể dễ dàng bắt lửa ở trong lò. Nếu những thành phần này bắn ra, chúng sẽ cháy khi rơi xuống đáy lò. Hơi khói không chỉ ảnh hưởng đến hương vị của món ăn mà trong trường hợp nghiêm trọng, nó thậm chí có thể bốc cháy.
Khi cho khay bánh, nồi hầm kiểu Pháp (Casserole), v.v. vào lò nướng, tốt nhất nên lót bên dưới một khay nướng nông bằng kim loại, trên khay nướng lót giấy nhôm, trong trường hợp thức ăn bị bắn ra ngoài hoặc nhỏ giọt, lớp giấy nhôm có thể bỏ đi, tiết kiệm thời gian vệ sinh khay nướng. Nếu trong khi làm nóng lò, bạn phát hiện thấy các vật nhỏ, vụn cháy trong lò, hãy kiểm tra một chút, xem xem có cặn thức ăn nào trong lò không, sau khi loại bỏ cặn thì mới tiếp tục nướng.
4. Hộp đựng bằng nhựa
Rất nhiều thực phẩm đông lạnh tốt cho sức khỏe đều dùng hộp nhựa để đựng. Một số người có thể sẽ hỏi, những hộp nhựa này có thể được hâm nóng trong lò nướng không? Kỳ thực dù nhiệt độ lò thấp đến đâu thì bất kỳ hộp nhựa nào cũng không thể đặt vào trong lò được.
Ngay cả những hộp nhựa siêu bền như Tupperware hoặc Rubbermaid, hoặc một nhãn hiệu hộp nhựa như Saran, chúng đều có vấn đề an toàn khi cho vào lò để hâm nóng.
Thông thường hộp nhựa đựng thực phẩm đông lạnh chỉ có thể dùng làm hộp đựng thương phẩm, không phù hợp với mục đích nấu nướng, hơn nữa sau một thời gian sử dụng, nhựa sẽ biến chất và không thể tái sử dụng. Ngay cả khi hộp nhựa không nóng chảy khi đun ở nhiệt độ cao, chúng sẽ giải phóng các hóa chất độc hại làm ô nhiễm thực phẩm.
5. Tấm cách nhiệt hoặc găng tay lò nướng ướt
Khi lấy khay nướng ra, di chuyển khay nướng hoặc giá đỡ lò nướng từ trong lò nướng nóng bỏng, tuyệt đối không được dùng khăn ẩm, miếng cách nhiệt hoặc găng tay, nếu không tay bạn sẽ rất nhanh bị bỏng. Nếu bạn sử dụng găng tay lò nướng ướt để lấy khay nướng ra khỏi lò nhiệt độ cao, hơi ẩm trên găng tay sẽ chuyển thành hơi nước ngay lập tức và khiến tay bạn bị bỏng. Hãy thử găng tay lò nướng cách nhiệt bằng silicon, loại găng tay này khá dày, chịu nhiệt, chống thấm nước, chống ố, không có lỗ hổng và có thể giặt bằng máy rửa bát.
6. Thực phẩm đông lạnh
Đôi khi quá bận rộn, bạn muốn tiết kiệm thời gian trong khi nấu nướng và trực tiếp cho thực phẩm đông lạnh vào lò, bỏ qua quá trình rã đông. Tuy nhiên, tốt nhất bạn vẫn nên làm theo hướng dẫn trên bao bì, nấu thực phẩm đông lạnh theo từng bước một.
Một số thực phẩm đông lạnh như gà cốm đông lạnh, pizza đông lạnh, v.v. có thể cho trực tiếp vào lò để làm nóng mà không cần rã đông. Nhưng một số thực phẩm đông lạnh, như gà tây đông lạnh cho Lễ Tạ ơn thì phải được rã đông hoàn toàn trước khi cho vào lò nướng. Nếu không rất có thể sẽ bị ngộ độc thực phẩm do thịt gà chưa được nướng chín, hoặc thịt gà nướng quá lâu mà bị khô quá.