Đạo đức và niềm vui đóng vai trò thiết yếu trong việc học của trẻ
Những tháng học tập từ xa, học trực tuyến, học tại nhà và các phương pháp kết hợp đã áp dụng trong năm học gần đây chứng minh rằng các tài liệu học không phải là điều quan trọng duy nhất trong việc học tập. Giãn cách xã hội làm nổi bật tầm quan trọng của mối quan hệ thầy trò đối với trẻ em.
Nhiều giáo viên có kinh nghiệm đã nhận ra cấu trúc, tính nhất quán, nét đặc sắc và sự vui chơi là vô cùng cần thiết trong việc tạo ra một môi trường tốt để học tập.
Theo giáo viên lớp 8 dạy môn viết sáng tạo, Andrew Cotten, bất chấp sự thay đổi đột ngột trạng thái bình thường trong năm qua – từ việc dạy trực tuyến vào mùa xuân đến một lịch trình mới thận trọng vào mùa thu – một số nguyên tắc giao tiếp của anh ấy vẫn hữu ích mặc dù chúng có thể vấp phải những thử thách trong hiện tại.
Anh nói: “Điều gì hoạt động tốt và điều gì sẽ luôn luôn hoạt động tốt sẽ phụ thuộc vào học sinh. Hãy coi các em giống như mọi người, tìm hiểu về các em.”
Việc xây dựng mối quan hệ là khó khăn khi học tập từ xa, mặc dù lớp học của Cotten có thuận lợi là thầy trò họ đã làm quen với nhau vào đầu năm. Nhưng khi các học sinh tựu trường vào mùa thu, thì lại có một khoảng cách nhất định và thậm chí các em còn mang theo một số tổn thương tâm lý. Vậy nên, anh đã mất rất nhiều thời gian, sự bao dung và nỗ lực để nuôi dưỡng lòng tin và xây dựng mối quan hệ với học sinh.
Điểm số và Sự phát triển
Cotten là giáo viên tại Mountain Brook, tiểu bang Alabama. Có một người cố vấn đã từng nói với anh rằng giáo viên không còn được coi là người gác cổng của tri thức, rằng người thông minh nhất trong phòng học không còn là học giả mặc áo choàng đứng trước bảng phấn nữa, mà chính là một thiết bị trong tay của mọi người. Tuy nhiên việc chú tâm đến trẻ em thì không hề thay đổi, anh nói.
Học trò của Cotten là những đứa trẻ 13 tuổi – độ tuổi không còn là trẻ con nhưng cũng chưa trở thành người lớn, “chúng ở độ tuổi Peter Pan – Wendy thì muốn bọn trẻ trưởng thành, nhưng những Cậu bé Thất lạc muốn chúng mãi mãi ở tuổi thanh xuân.”
Theo Cotten, “Trong bản thân chúng vẫn còn một đứa trẻ muốn cư xử thật ngầu. Chúng đang ở một ngã rẽ thực sự kỳ quặc.” Anh nói rằng bọn trẻ muốn khẳng định sự độc lập của mình, nhưng chúng vẫn cần sự dẫn dắt. Chúng vừa muốn được chú ý, nhưng cũng muốn vô hình. Ở độ tuổi này, trong một lớp học viết sáng tạo, các em không còn ở giai đoạn xây dựng nền tảng nữa, chúng cần một thứ khác.
Anh nói: “Dạy học trở thành việc đáp ứng bản thân chúng chứ không phải nội dung học của chúng.” Vấn đề là bạn cần giúp bọn trẻ phát triển và yêu thích việc học tập.
Một học sinh sẽ hỏi “Khi nào em cần học cái này” và “Cái này có xuất hiện trong bài kiểm tra không?” và tiếp tục những ngày học với sự lo lắng về điểm số.
“Thế nhưng học sinh là những người sẵn sàng chấp nhận rủi ro, trưởng thành và nhìn nhận điều này giống như một trải nghiệm toàn diện,” Cotten nói.
Học sinh nhìn thấy cơ hội trong mọi việc chúng làm để tiếp thu và trau dồi các kỹ năng của mình, ngay cả khi đó là bài học dạy về cách làm việc với những người bất đồng quan điểm, hoặc là học cách sàng lọc thông tin, hoặc thực hành thật nhiều để thành thục. Trong lớp học của Cotten, các bài tiểu luận là “cơ hội để thể hiện bản thân, thực hành kỹ năng giao tiếp và giao tiếp hiệu quả.”
“Trong khía cạnh mối quan hệ thầy trò, niềm tin vào điểm số và sự phát triển đã giúp tôi hiểu hơn về việc trở thành một giáo viên, rằng các học sinh không chỉ ở đây để có điểm số, và nếu có, làm cách nào tôi có thể giúp chúng đạt được điều gì đó và xem đây là một cơ hội để phát triển?” anh nói.
“Nó là việc đánh giá quá trình học hỏi chứ không phải chỉ quan tâm vào kết quả mỗi ngày”.
Văn hóa lớp học của Cotten dựa trên câu thần chú cá nhân mà anh có: ngốc nghếch, trung thực, tử tế. “Ngốc nghếch” phù hợp với lứa tuổi 13, sự trung thực nghe có vẻ đơn giản nhưng có thể khó hơn khi nói đến sự trung thực về cảm xúc, và sự tử tế là một quy tắc quan trọng không thể thiếu trong lớp học. Nhưng với sự nhiệt tình, điềm tĩnh và mẫu mực, Cotten đưa ra một ví dụ tốt để cho phép học sinh làm điều đó. Sự ngốc nghếch khuyến khích sự tò mò, phát triển học sinh thay vì chấm điểm học sinh, và điều đó thay đổi toàn bộ mối quan hệ thầy trò.
Cotten nói: “Vấn đề là các học sinh muốn chống lại giáo viên của mình, phải không? Nhưng chúng bắt đầu dựa vào thầy cô của mình và nhận sự trợ giúp từ họ. Nếu thầy cô không quan tâm đến bạn, mỗi lớp học đều là một chiến trường, bạn biết không? Nhưng khi văn hóa trong lớp được xây dựng, thì thực sự, chỉ có đứa trẻ cứng đầu mới muốn trở nên xấu tính.”
Đam mê và Vui chơi
Một trong những câu nói yêu thích của Cotten về kỹ năng viết là: “Mỗi câu văn là một sân chơi”. Đây là điều mà một giáo sư từng nói với anh; ông ấy là một người có niềm tin vững chắc vào sự vui chơi, cả trong và ngoài lớp học.
Aaron Benner, là thầy dạy học sinh lớp 4, 5 và 6, cho biết điều hiệu quả nhất mà anh ấy làm để xây dựng lòng tin, và trên thực tế là uy tín, là anh ấy cùng với các học sinh của mình đá bóng trong giờ giải lao.
“Chiến lược yêu thích của tôi là chơi bóng với các học trò của mình,” Benner nói. Anh sẽ không ăn trưa tại phòng ăn của giáo viên để dành thời gian chơi với các học sinh ngoài trời và đảm nhận vai trò tiền vệ. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể tham gia, và thường thì học sinh các lớp khác cũng vậy. Các quy tắc bao gồm chạm bằng hai tay [cả hai tay của đối thủ phải chạm vào người chơi] và mọi người đều có cơ hội bắt bóng.
“Chúng tôi luôn cố gắng quan tâm đến tất cả các trò và cố gắng bảo đảm các em đều vui vẻ.”
Benner nói: “Điều đó đã làm giảm bớt rất nhiều sự thù oán và căng thẳng. Nó giống như một phép màu, và nó cũng giúp tôi giữ được vóc dáng”.
“Các trò sẵn sàng học hỏi hơn, các em tỉnh táo, thay đổi nhanh chóng. Nếu tôi phải thực hiện bất kỳ vấn đề kỷ luật nào, sự tôn trọng mà chúng dành cho tôi là vô cùng to lớn, nó hoàn toàn khác với những giáo viên khác”.
Trong 21 năm, Benner đã giảng dạy tại trường tiểu học ở St. Paul, Minnesota, và ngôi trường này đã có đầy rẫy các vấn đề kỷ luật.
Kỷ luật và An toàn
Nói đến lớp học mà Benner phụ trách là nói đến những lớp học ổn định và an toàn; anh thường xuyên được giao phụ trách những học sinh ở các lớp khác nhau, có độ tuổi khác nhau. Đó là những lớp rất hỗn loạn khiến các giáo viên không thể giải quyết hết được.
Nhưng ngoài giờ học, nó trở thành một câu chuyện hoàn toàn khác. Học sinh coi thường trắng trợn các quy tắc trong hành lang [trường học], thực hiện hành vi gây rối và thậm chí là bạo lực. Trên thực tế, Benner đã gây chú ý trên toàn quốc cách đây vài năm khi trở thành “người thổi còi” cho sự coi nhẹ kỷ luật ở học khu của mình.
Năm 2017, Benner đã đệ đơn kiện học khu vì những gì họ đã làm với anh sau khi anh lên tiếng phản đối các chính sách. Trường học nơi Benner làm việc đã có vấn đề về kỷ luật, nhưng khi học khu thông qua một chương trình bình đẳng chủng tộc vào năm 2014 nhằm tìm cách giảm bớt việc đình chỉ học tập đối với các học sinh da đen, Benner nhận thấy rằng các nhà quản lý hầu như đã ngừng áp dụng các biện pháp kỷ luật đối với học sinh da đen, xem nhẹ các khuyến nghị của giáo viên. Benner nói thêm rằng một người da đen chắc chắn đã phải đối mặt với nạn phân biệt chủng tộc, nhưng đó không phải là cách để giải quyết vấn đề.
Chính sách này đã giảm bớt số vụ đình chỉ học, đồng nghĩa với việc các hiệu trưởng có thể nhận được phần thưởng bằng tiền mặt, nhưng nó không làm giảm các hành vi xấu và bạo lực. Thay vào đó, hành vi xấu tăng vọt.
Mọi chuyện đã đạt đến đỉnh điểm khi Benner nhìn thấy một cậu bé lớp 4 đấm một cô bé đến nỗi cô bé bất tỉnh. Anh báo cáo sự việc với hiệu trưởng và đã nói chuyện với mẹ của cô bé hai ngày sau đó. Người mẹ đã không được thông báo về vụ hành hung và khi cô ấy đặt ra những câu hỏi, nhà trường đã đưa Benner vào diện điều tra — người đầu tiên trong số bốn người.
Benner cuối cùng đã phát biểu trên truyền hình quốc gia về những gì đang xảy ra trong trường học của mình, về sự an toàn của học sinh bị gạt sang một bên vì các chương trình bình đẳng sắc tộc và công đoàn giáo viên đã buộc anh phải thừa nhận điều anh không làm thay vì bảo vệ anh.
Anh nói: “Những điều mà tôi đã chứng kiến khi học sinh đi dạo trong trường gần như là phạm pháp. Tôi đã bị sốc về cách những đứa trẻ kiên cường tại các trường công lập ở St.Paul sẽ phản ứng trước sự hỗn loạn mà chúng nhìn thấy hàng ngày.”
“Điểm mấu chốt là tôi phải giữ an toàn cho các học sinh của mình, việc giảng dạy chỉ xếp thứ hai sau sự an toàn của các học sinh trong suốt cả ngày học.” Benner nói.
Một thách thức khác là duy trì văn hóa lớp học của riêng anh, vì các học sinh bây giờ nhận được nhiều thông điệp lẫn lộn. Trong các lớp học của Benner, đánh nhau sẽ bị trừng phạt, nhưng chúng lại thấy những học sinh khác vô sự khi làm điều gì đó sai trái trên sân chơi. Điều này làm những giáo viên giỏi như Benner cảm thấy mệt mỏi.
Vụ kiện của Benner đã được giải quyết vào năm ngoái, nhưng anh đã nghỉ việc vài năm trước đó và đảm nhận vị trí Trưởng khoa hỗ trợ học sinh tại một trường trung học bán Công giáo tư thục. Anh nhớ việc giảng dạy, nhưng đã đem lại cho [ngôi trường mới] rất nhiều hiểu biết của anh về hành vi của học sinh.
Thể hiện sự ổn định
Thời gian mà Benner dạy các lớp tiểu học ở St.Paul, ngay từ buổi đầu tiên, anh sẽ bảo đảm nói rõ với các học sinh của mình về các nghi lễ và thói quen của lớp học, đồng thời sẽ giải thích và trình bày các quy tắc.
“Nếu tôi không muốn các học sinh đi lại trong lớp, tôi sẽ làm mẫu điều đó, tôi sẽ giải thích điều đó và tôi sẽ có rất nhiều thời gian nghỉ chuyển động [là những khoảng thời gian ngắn cho phép tất cả học sinh di chuyển cơ thể và giúp giáo viên thu hút học sinh theo những cách thể chất]”, anh nói. Anh cũng sẽ yêu cầu cả lớp đồng thuận về các hành vi đó vào đầu năm học. “Và đôi khi nó nghe thật ngớ ngẩn, kiểu như ‘Chúng ta có cho phép ai đó đánh nhau trong lớp không?’ ‘Không.’ ‘Chúng ta có cho phép ngôn ngữ xấu không?’ ‘Không!’ ”
Benner nói rằng anh đã tạo những điều thú vị trong lớp – như kỷ niệm ngày kết thúc năm học bằng cách làm bánh mì nhúng hỗn hợp trứng sữa áp chảo cho các học sinh – nhưng anh luôn khẳng định rõ ràng rằng anh là một giáo viên ở đó chứ không phải bạn của chúng.
“Và điều đó sẽ khiến các học sinh của tôi kinh ngạc: ‘Tôi không ở đây để làm bạn của các em.’ Chúng sẽ há hốc miệng vì ngạc nhiên,” Benner nói. “Tôi sẽ nói, ‘Tôi ở đây để trở thành giáo viên của các em. Tôi ở đây để thử thách các em.’”
“Tôi thích giúp mọi người trở nên tốt hơn,” anh nói. Đối với Benner, đó là một nghề nghiệp. Anh tình cờ tham gia giảng dạy khi làm việc tại một trung tâm giúp đỡ những người từng nghiện ma túy, tù nhân, bệnh nhân tâm thần, hoặc những người khác thích nghi với cuộc sống trong xã hội nói chung. Đây là công việc đầu tiên của anh sau khi có bằng xã hội học và tư pháp hình sự. Việc giảng dạy khơi dậy trong anh điều gì đó khi học sinh lắng nghe anh nhiều hơn các giáo viên bình thường khác.
Là một giáo viên của những học sinh tiểu học, Benner ý thức rất rõ rằng lớp học vừa là nơi hình thành nhân cách vừa là nơi học tập. Anh nói: “Bạn cần phải là một người có tư cách đạo đức tốt. Bạn không cần phải theo tôn giáo nhưng bạn phải dạy điều nào đúng và điều nào sai. Bạn phải có một la bàn đạo đức, bạn phải nói về đạo đức, bạn phải dạy học sinh của mình trở thành những người có tư duy phản biện, đó là những điều rất quan trọng.”
Kỷ luật cũng quan trọng, nhưng kỷ luật cần phải phù hợp với hành vi. Trường học hiện tại của Benner từng có quy định tự động đuổi học vì ăn cắp, nhưng sau khi một nhóm học sinh bị đình chỉ vì ăn cắp thức ăn đã xuất hiện một cuộc náo động. Hậu quả rất nghiêm trọng nhưng không giải quyết được chính nạn ăn cắp.
Benner đã hỏi về tiền ăn trưa còn lại trong tài khoản của những học sinh tốt nghiệp, liệu họ có sẵn sàng quyên góp vào quỹ tiền ăn trưa hay không, vì vậy những học sinh hết tiền có thể đến gặp anh để nhận một bữa ăn trưa miễn phí.
Không ai bị đuổi học vì ăn cắp thức ăn nữa.
“Bạn đang cố gắng trở nên tử tế và giàu lòng trắc ẩn, nhưng bạn cũng đang cố gắng dạy các học sinh rằng có những hậu quả do hành vi của bạn và những hậu quả cho hành động của bạn,” Benner chia sẻ.
Có được sự đồng thuận của phụ huynh cũng thiết yếu nếu bạn thực sự muốn truyền đạt những bài học lâu dài về nhân cách và hành vi. Nó tạo ra một cảm giác ổn định trong cuộc sống của học sinh, khiến chúng hành xử tốt một cách nhất quán.
Ví dụ, Benner luôn thực hiện cuộc điện thoại đầu tiên về nhà của học sinh vào đầu năm học và thông báo tin tốt. Anh muốn các phụ huynh biết rằng anh sẽ không chỉ gọi khi có rắc rối; điều đó ngăn ngừa các phụ huynh dựng lên một bức tường phòng vệ. Anh cũng bảo đảm rằng các phụ huynh nhận thức được tất cả các quy tắc và hình phạt vào đầu năm học. Trường học mới của anh ấy cũng thực hiện rộng rãi hành động này.
Cách đây không lâu, Benner tình cờ gặp một trong những học sinh lớn tuổi nhất của mình, hiện đã 37 tuổi, người này khiến anh nhớ những chuyến thăm nhà [học sinh] của mình có ý nghĩa như thế nào. Đó không phải là ý tưởng của Benner; đó là yêu cầu của nhà trường khi anh bắt đầu, nhưng cậu học sinh đã cười và nói rằng cậu đã lo lắng các băng đảng hàng xóm sẽ xua đuổi thầy giáo mình, và nghĩ rằng thật là tuyệt khi người thầy của mình đã quan tâm đến mình và đến thăm.
“Cậu ấy ôm tôi và nói với vợ, thầy giáo anh đã từng đến nhà anh và thăm nom anh,” Benner nói.
Não bộ và Cơ thể
Leigh Bortins, là một phụ huynh dạy trẻ tại nhà ở tiểu bang Bắc Carolina và người sáng lập ra Classical Conversations, cũng đã nhanh chóng nhận thấy tầm quan trọng của việc vận động.
Bà nói: “Bộ não của chúng ta gắn liền với cơ thể và một số người học tập được trong khi di chuyển. Vì vậy, đó là lý do tại sao bạn sẽ thấy một cô gái đang mím môi, đi đi lại lại trong phòng ngủ của cô ấy khi đang cố gắng tìm ra những gì để viết, hoặc bạn sẽ thấy một cậu bé phải ra ngoài và chơi bóng rổ trước khi cậu ấy có thể giải một bài toán khó.”
“Sự vận động thường hữu ích khi chúng ta gặp khó khăn. Một trong những điều chúng ta rất giỏi làm với những đứa trẻ là đưa cho chúng phấn vẽ màu, bút chì và những mẩu giấy lớn – đây là lý do tại sao chúng ta cần làm điều tương tự với những trẻ vị thành niên đang gặp khó khăn – hãy để chúng đi đến tấm bảng, hoặc hãy để chúng dùng phấn làm điều đó trên đường lái xe, hãy để chúng lớn lên trong suy nghĩ của mình,” Bortins nói.
Hành vi và ý thức kỷ luật cũng liên quan rất nhiều đến sự vận động. Trên thực tế, đó chỉ là sự mở rộng của tất cả những điều tốt đẹp mà bạn đã bắt đầu làm với tư cách là một phụ huynh mới có con nhỏ, Bortins nói. “Và, tất nhiên, một trong những điều đầu tiên bạn làm với đứa con rất nhỏ của mình là dạy chúng cách kiểm soát cơ thể của mình.”
“Chúng vươn tay để lấy đồ vật, cuối cùng là tập ngồi bô, bỏ thức ăn vào miệng, dọn giường, tất cả những thứ đó.”
“Dạy một đứa trẻ cách kiểm soát bản thân là một chuyện hiển nhiên, bởi vì bạn không muốn chúng ngọ nguậy như một con sâu trong mọi tình huống mà chúng gặp phải. Vì vậy, điều mà nhiều người quên mất là một trong những cách chuẩn bị tốt nhất cho việc đào tạo học thuật là kiểm soát toàn bộ cơ thể. Bạn phải phối hợp tay và mắt để cầm phấn màu, cọ vẽ, bút chì,” bà nói.
Nó giống như thực hành một kỹ năng; một người quen của bà ấy có ba đứa con nhỏ, một trong số đó đặc biệt tăng động, nhưng một số bà mẹ khác đã giúp đưa đứa trẻ đi dạo quanh tòa nhà để giải tỏa năng lượng trong khi cho cô ấy thời gian với hai đứa con khác của mình. Nó đã dạy cho cậu bé rằng các quy tắc sẽ không được bỏ chỉ vì chúng bất tiện và rằng họ sẽ không bỏ cuộc chỉ vì cậu không học cách làm điều đó ngay lập tức.
“Bạn cũng cần kiểm soát bản thân để hòa hợp với người khác,” Bortins nói. Một trong những điều bà ấy nói với các con của mình là con cần phải tôn trọng anh trai mình hơn những người bạn của con, con cần phải tôn trọng chị gái hơn những con búp bê của mình.
“Mối quan hệ anh chị em được đặt lên trước tiên, ngay cả trước khi chúng đến trường, những đứa trẻ học cách kiểm soát sự khao khát và đam mê và mong muốn của mình và mong đợi được chia sẻ.”
Gia đình là nơi đầu tiên chúng ta học về các mối quan hệ, hành vi và cách tương tác với thế giới. Bortins nhớ rằng lớn lên, khi bà hoặc các anh chị em của bà ấy rời khỏi nhà, cha mẹ họ sẽ nói, “Hãy nhớ rằng, con là một Bryant [một người cao quý, mạnh mẽ, đức hạnh!”]
Bà nói: “Cả bốn chúng tôi đều lớn lên và biết rằng chúng tôi đại diện cho mẹ và cha, anh chị em và ông bà ngoại, anh chị em họ, cô, dì, chú, bác và cả đại gia đình. Điều đó nó phản ánh về tất cả chúng tôi, rằng chúng tôi là một gia đình.”
Học cách đánh giá cao anh chị em đi đôi với vâng lời cha mẹ và nói thêm rằng có thể không phải ai cũng thích từ vâng lời, nhưng đó thực sự là thế, Bortins nói. Bạn dạy dỗ hoặc đào tạo con cái của bạn để cư xử theo một cách nhất định. Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra và nó giúp cho cả gia đình có trải nghiệm dễ chịu.
“Và các bài học về nhân cách không phải lúc nào cũng dành cho trẻ em – đôi khi chúng dành cho các bậc cha mẹ”, Bortins cho biết. Việc hình thành nhân cách là một quá trình suốt đời và “Tất cả chúng ta đều đang rèn luyện cho ngày mai.”
Nhiều người cho rằng trường học là theo tuần hoặc học kỳ, nhưng cuộc sống không phải như vậy.
“Là những người giáo dục tại gia, chúng tôi không thực sự nghĩ về ngắn hạn, chúng tôi nghĩ về cuộc sống của con mình, cuộc sống của gia đình chúng tôi và thậm chí là với cháu của tôi,” bà nói.
Catherine Yang
Văn Thanh Bùi biên dịch
Xem thêm: