Danh họa William-Adolphe Bouguereau, những phác họa về nỗi đau mất mát
Câu chuyện nghệ thuật: Những điều chúng ta có thể học qua cuộc đời của các nghệ sĩ
Con người luôn phải cố gắng để đối mặt với nỗi đau của việc lìa xa trần thế. Hôm nay, chúng ta xem cách mà một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 19, William-Adolphe Bouguereau, đối mặt với sự mất mát này thông qua các tác phẩm nghệ thuật của ông.
Con đường nghệ thuật
Bouguereau sinh năm 1825 tại La Rochelle, Pháp. Khi còn nhỏ khi học tại một trường địa phương ông đã gây ấn tượng với các bạn cùng lớp bằng những bức vẽ trong vở và trên sách giáo khoa. Tuy nhiên,vì công việc kinh doanh của cha ông thất bại, tài chính khó khăn dẫn đến của những cuộc tranh cãi của cha mẹ. Và rồi, không lâu sau, cha mẹ Bouguereau đã gửi các con của họ đến nương nhờ nhà của họ hàng.
Bouguereau đến ở với người chú, người đã cho cậu tình yêu thương và khuyến khích sự đam mê với văn hóa cổ điển. Năm 1839, khi Bouguereau 14 tuổi, người chú đăng ký cho ông vào trường đại học Pons nghiên cứu về tôn giáo và văn học cổ điển, điều này ảnh hưởng nhiều đến các tác phẩm nghệ thuật sau này của ông.
Tại Pons, Bouguereau đã tiếp thu các bài học vẽ vỡ lòng từ giáo sư Louis Sage, học trò của họa sĩ tân cổ điển vĩ đại Jean-Auguste-Dominique Ingres.
Sau vài năm, cha của Bouguereau bắt đầu thử buôn bán dầu ô liu và ông muốn con trai đỡ đần công việc kinh doanh của gia đình. Vậy nên ở tuổi 17, Bouguereau phải trở về nhà dù rất muốn tiếp tục học nghệ thuật.
Tuy nhiên, với năng khiếu nghệ thuật không thể phủ nhận, người thân và bạn bè đã thuyết phục cha cho ông đăng ký tham gia các khóa học nghệ thuật tại trường nghệ thuật thành phố, tại đây ông đã giành được giải bức tranh lịch sử đẹp nhất. Sau đó, được sự ủng hộ của cha, Bouguereau quyết định dành toàn bộ thời gian cho việc học nghệ thuật.
Để trang trải tiền học ở Paris, ông kiếm thu nhập bằng cách vẽ chân dung trong khi người chú chu cấp tiền thuê nhà trọ.
Tại Paris, Bouguereau học việc ở xưởng vẽ của họa sĩ Pháp François Picot. Vì là một sinh viên mới, ông thường bị bắt nạt, bị buộc phải mua đồ uống và làm các việc vặt vãnh. Ông phải làm những việc như vậy cho đến khi có một sinh viên mới khác thay thế.
Tuy nhiên, Bouguereau thích Picot và ông đã cố gắng trở thành họa sĩ tốt nhất có thể dưới sự hướng dẫn của Picot. Đến năm 1846, Bouguereau không được nhận vào École des Beaux-Arts, một trường danh tiếng về mỹ thuật truyền thống.
Năm 1850, nhờ làm việc chăm chỉ và kiên trì, ông đã giành được giải Grand Prix de Rome, giải thưởng cao nhất trong cuộc thi của trường École des Beaux-Arts. Việc thắng giải Grand Prix giúp Bouguereau có được một chuyến đi một năm đến Rome, nơi ông có thể học nghệ thuật từ các bậc thầy vĩ đại.
Khi trở về Pháp, ông nhanh chóng trở thành một trong những họa sĩ được yêu thích và săn đón nhất. Ông ổn định cuộc sống, kết hôn năm 1866 và có con. Và câu chuyện về Bouguereau với sự mất mát cứ tiếp nối: Ông có năm người con với người vợ đầu tiên, Marie-Nelly Monchablon; và ông đã phải vĩnh biệt bốn người trong số họ ra đi mãi mãi.
Phác họa nỗi đau thương
Vẽ tranh đã trở thành cách để Bouguereau đối mặt với những mất mát của mình. Sáng tạo đem lại cho ông sự dễ chịu. Ông nói, “Mỗi ngày tôi đến studio của mình tràn đầy niềm vui; khi phải dừng vẽ vì đêm tối, tôi chỉ có thể đợi đến sáng hôm sau … nếu tôi không thể dành hết tâm sức cho bức tranh thân yêu của mình, tôi thấy thật thống khổ.”
Vậy ông đã vẽ những gì sau sự qua đời của các con mình? Ông đã đối mặt với nỗi đau như thế nào? Ông đã tưởng nhớ các con của mình ra sao?
Một số bức tranh của ông cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về những câu hỏi này.
Theo sách “William Bouguereau: Cuộc đời và tác phẩm” của Damien Bartoli và Frederick Ross, thì Bouguereau “lần nữa đắm mình trong nghệ thuật, cách duy nhất giúp ông xoa dịu nỗi đau buồn.” Sau cái chết của người con trai cả, George, “Bouguereau mong muốn hoàn thành dự án vẫn luôn thường trực trong tâm trí, nó ám ảnh ông, vì ông khao khát thực hiện nó, thông qua nghệ thuật, ông muốn mang lại sự đền bù cuối cùng và tuyệt vời nhất cho đứa con George bất hạnh của mình.”
Dự án này là phiên bản “Đức Mẹ sầu bi” (Pietà) của ông, đây là một từ tiếng Ý có nghĩa là “sự tiếc thương” hoặc “lòng trắc ẩn”. Trong “Pietà”, Bouguereau mô tả Đức Mẹ Maria mặc đồ đen thương tiếc cho sự ra đi vĩnh viễn của cậu con trai của mình, người mà Đức Mẹ đang ôm chặt trong tay.
Đức Mẹ Maria dường như nhìn chằm chằm vào chúng ta, mặc dù có thể Người đang nhìn lên. Dù sao thì cái nhìn chằm chằm ấy khiến chúng ta chia sẻ sự mất mát của Người. Việc khắc họa vầng hào quang mạ vàng của cả Đức Mẹ và Chúa Jesus như thể hiện Thần tính của họ.
Chín thiên thần với trang phục mang các màu sắc của cầu vồng bao xung quanh hai nhân vật trung tâm và tạo vẻ tương phản với áo choàng màu đen của Đức Trinh Nữ và chiếc khố trắng của Chúa Jesus. Cùng với màu đen của Đức Trinh Nữ Maria và màu trắng của Chúa Jesus, cầu vồng đại diện cho tất cả các màu có thể được sử dụng để vẽ tranh.
Theo Kara Ross của Trung Tâm Đổi mới Nghệ thuật (Art Renewal Center), trong bức tranh này “cầu vồng tượng trưng cho việc sự hy sinh của Đức Chúa Jesus đã hoàn tất, và rằng linh hồn con người có thể được tái sinh và về với Chúa sau khi qua đời.”
Niềm an ủi từ nghệ thuật
Phải chăng Bouguereau chỉ đơn giản vẽ một hình ảnh liên quan đến giai đoạn đau khổ của ông? Hay ông mong muốn người xem cảm nhận được nỗi đau của ông? Hoặc có lẽ ông tin rằng việc khắc họa những hình ảnh thần thánh có thể giảm bớt đau khổ và giúp tâm hồn ông được tái sinh?
Không lâu sau cái chết của con trai, Nelly, vợ của Bouguereau bị ốm nặng. Cô vừa sinh một cậu con trai tên Maurice. Trong vòng khoảng hai tháng, cả Nelly và Maurice đều ra đi.
Lần này, Bouguereau gửi gắm nỗi đau buồn vào hai bức tranh: “Sự An Ủi Của Đức Mẹ” (The Virgin of Consolation) và “Linh Hồn nơi Thiên Đàng” (A Soul in Paradise).
Bức tranh “Sự An Ủi của Đức Mẹ” mô tả một người mẹ mặc đồ đen – đau khổ vì cái chết của con trai mình – đang ngả vào lòng Đức Mẹ. Đức Mẹ Maria ngồi trên ngai vàng trang nghiêm với một vầng kim quang. Người đưa hai tay lên và ánh mắt hướng lên như muốn nói rằng những việc này là sự an bài của Chúa.
Họa phẩm “Linh Hồn nơi Thiên Đàng” vẽ hai thiên thần mang theo một phụ nữ trẻ từ vùng tối bên dưới bay đến vầng sáng vàng nơi thiên đường, bóng hình thiên thần ở phía trên cùng góc phải của bố cục là hình ảnh biểu trưng cho thiên đường ấy.
Một lần nữa, Bouguereau đã dùng hình ảnh thần thánh để gợi ý rằng những hoàn cảnh bi thương trong cuộc sống nằm ngoài tầm kiểm soát của con người, đều nằm trong tay của Chúa và rằng ánh sáng thiêng liêng của thiên đàng có khả năng mở ra cho tất cả chúng ta.
Nghệ thuật có thể mang lại niềm an ủi và giúp trị liệu tâm hồn, không chỉ đối với họa sĩ mà còn ảnh hưởng đến người xem. Nghệ thuật có thể khơi dậy lòng trắc ẩn. Từ việc thể hiện nỗi đau khổ của người khác, các tác phẩm nghệ thuật có thể khiến chúng ta muốn chia sẻ niềm đau ấy. Cuối cùng, nghệ thuật có thể khiến chúng ta suy ngẫm về những điều vượt ra khỏi cuộc sống con người.
Lịch sử nghệ thuật là một câu chuyện không có hồi kết, cũng là câu chuyện của loài người chúng ta. Mỗi thế hệ họa sĩ ảnh hưởng đến nền văn hóa tương đồng của họ thông qua các tác phẩm nghệ thuật và lựa chọn của họ trong cuộc sống. Loạt bài này chia sẻ những câu chuyện trong lịch sử nghệ thuật, khuyến khích việc tự vấn bản thân làm thế nào để chúng ta có thể trở thành những con người chân thành, biết quan tâm và kiên nhẫn hơn.
Eric Bess là họa sĩ nghệ thuật đại diện (representational art), hiện đang học Tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).
Do Eric Best thực hiện
Phương Du biên dịch
Tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: