Bản tin đặc biệt

Đằng sau dữ liệu kinh tế màu hồng, người Mỹ đang chật vật trang trải cuộc sống

Ít ra ngoài dùng bữa hơn, phải rút tiền từ tài khoản hưu trí, mua thuốc từ ngoại quốc, lựa chọn sản phẩm rẻ hơn—người Mỹ nói rằng họ đang cảm nhận nỗi đau lạm phát.

Bà Monica Lomax, một cư dân 59 tuổi ở Elkridge, Maryland, cảm thấy khó khăn khi phải chi tiêu dè sẻn vì chi phí gia tăng.

Bà đã phải thu hẹp ngân sách của mình, đặc biệt là trong việc mua hàng bách hóa và quần áo. Giờ đây, những chuyến đi mua sắm của bà phần lớn là để mua những mặt hàng thiết yếu, một sự điều chỉnh cần thiết trong cuộc sống của bà để vượt qua thời buổi khó khăn.

Bà nói với The Epoch Times, “Tôi đang nghĩ đến việc mua hoặc chuyển sang một ngôi nhà khác nhỏ hơn. Nhưng vì lãi suất còn cao nên tôi đã hoãn việc đó lại.”

Nhiều người Mỹ như bà Lomax đang trì hoãn những kế hoạch lớn trong đời do lạm phát cao. Chuyển đến một ngôi nhà mới, mua đồ nội thất mới, hoặc đặt một kỳ nghỉ bây giờ dường như là những giấc mơ xa vời.

Trong khi một số người vẫn hy vọng rằng mọi thứ cuối cùng sẽ trở lại bình thường thì những người khác lại lo ngại rằng lạm phát cao sẽ tiếp tục kéo dài.

Bà Susan Garland, 47 tuổi, đến từ Elkridge, Maryland, tin rằng lạm phát vẫn là một trong những vấn đề hàng đầu mà đất nước phải đối mặt.

Bà nói với The Epoch Times, “Chúng tôi chắc chắn đang cảm nhận được lạm phát. Chúng tôi là một gia đình có hai người. Hóa đơn hàng bách hóa của chúng tôi hiện lên tới hơn 100 USD một tuần.”

Bà lưu ý rằng trong hơn 10 năm, hóa đơn hàng bách hóa của gia đình Garland từng ở vào khoảng 70 USD mỗi tuần—trước khi có lạm phát cao. Bà và chồng đã phải cắt giảm chi tiêu cho mọi thứ, từ kỳ nghỉ cho đến việc dùng bữa tại nhà hàng.

Chồng bà, ông Michael Garland, là một thợ sửa ống nước 53 tuổi. Ông cho biết các chủ nhà cũng đang giảm chi tiêu cho các dịch vụ, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của ông.

Ông nói, “Nếu họ không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ, thì họ sẽ không gọi cho tôi, điều này ảnh hưởng đến công việc của tôi.”

Tỷ lệ lạm phát hàng năm đã giảm đáng kể từ mức đỉnh điểm 9.1% vào tháng 06/2022 xuống còn 3.4% vào tháng Tư năm nay. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn là cao hơn tỷ lệ mục tiêu 2% của Hệ thống Dự trữ Liên bang. Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng lạm phát cao có thể là chuẩn mực thông thường mới và khuyên người Mỹ nên chuẩn bị tinh thần cho thực tế này.

Ông Michael Garland, 53 tuổi, một thợ sửa ống nước cùng vợ là bà Susan Garland, 47 tuổi, chuyên gia mã hóa y tế, sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Elkridge, Maryland, hôm 14/05/2024. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Ông Michael Garland, 53 tuổi, một thợ sửa ống nước cùng vợ là bà Susan Garland, 47 tuổi, chuyên gia mã hóa y tế, sau khi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Elkridge, Maryland, hôm 14/05/2024. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Sử dụng tiền hưu trí

Thêm vào những khó khăn về tài chính, ngày càng nhiều người Mỹ buộc phải sử dụng sớm khoản tiết kiệm 401(k) của mình để trang trải cho các trường hợp khẩn cấp và những chi phí cơ bản.

Dữ liệu nội bộ từ công ty đầu tư The Vanguard Group tiết lộ rằng 3.6% người tham gia đã “rút tiền vì khó khăn” vào năm ngoái, tăng từ 2.8% vào năm 2022.

Vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng đối với những người đã về hưu, vì họ phải đối mặt với nguy cơ cạn kiệt tiền tiết kiệm.

Đằng sau dữ liệu kinh tế màu hồng, người Mỹ đang chật vật trang trải cuộc sống

Bà KT Hundsen từ Minneapolis nói với The Epoch Times: “Mặc dù nhìn chung chúng tôi rất tiết kiệm, nhưng có vẻ như những cố gắng của chúng tôi là chưa đủ.”

Bà nói: “Tôi nhận thấy rằng chồng tôi đã nhiều lần bán các tài sản, hoặc trái phiếu hoặc cổ phiếu, với số tiền 10,000 USD để có thể thanh toán các hóa đơn thông thường của chúng tôi.”

Bà và chồng đang tìm cách giảm chi phí bằng cách cắt giảm chi tiêu cho quần áo và đồ đạc, đồng thời trồng thêm cây và hoa từ hạt giống trong vườn của họ.

Bà nói: “Chúng tôi đi ra ngoài ăn một hoặc hai lần một tháng với các cháu, nhưng thay vì ra ngoài ăn tối, chúng tôi đi ăn sáng, như vậy đỡ tốn tiền hơn.”

Những người về hưu dựa vào thu nhập cố định từ chương trình lương hưu hoặc chi phiếu An sinh Xã hội của họ, và lạm phát đang dần làm cạn kiệt các khoản đầu tư và dự trữ khẩn cấp của họ. Trong một báo cáo gần đây, Đại học Boston dự đoán rằng những người về hưu có thu nhập trung bình sẽ chứng kiến ​​tài sản tài chính của họ giảm 14.2% trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2025 do lạm phát.

Ông Dennis O’Connor, một người về hưu 84 tuổi ở Temecula, California, nói rằng những người về hưu khó điều chỉnh mức chi tiêu của họ để ứng phó với lạm phát.

Ông O’Connor nói với The Epoch Times: “Cá nhân tôi, giống như hầu hết người cao tuổi, chúng tôi đã phải điều chỉnh không chỉ chi tiêu hiện tại mà còn cả chi tiêu của mình cho một tương lai rất khó lường.”

Ông Dennis O'Connor cùng vợ, bà Christy O'Connor tại nhà của họ ở Temecula, California, vào hôm 12/10/2022. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)
Ông Dennis O’Connor cùng vợ, bà Christy O’Connor tại nhà của họ ở Temecula, California, vào hôm 12/10/2022. (Ảnh: John Fredricks/The Epoch Times)

Trước đợt tăng giá gần đây, trong hơn 40 năm, người Mỹ đã chỉ phải đối mặt với lạm phát khiêm tốn. Do đó, hầu hết các quỹ hưu trí không được chuẩn bị đầy đủ để ứng phó với những thách thức của môi trường lạm phát cao, ông cho biết.

Vợ chồng ông O’Connor giờ đây chi tiêu ít hơn cho việc đi du lịch, dùng bữa tại nhà hàng, và đi xem phim.

Ông nói, “Lạm phát đã cao hơn nhiều so với mức 19% mà báo chí nói đến. Ví dụ, chúng tôi thường xuyên đi ăn trưa tại một nhà hàng đặc biệt và chi phí đã tăng 40%.”

“Không dừng lại ở đó; giá đồ gia dụng, quà tặng, dụng cụ, và thậm chí cả những mặt hàng như thức ăn cho chó và chim đã tăng vọt. Quả là đáng sợ.”

Người tiêu dùng chuyển sang mua các mặt hàng rẻ hơn

Theo báo cáo mới của Adobe Analytics, người tiêu dùng đang ngày càng chuyển sang mua hàng hóa rẻ hơn để ứng phó với tình trạng lạm phát dai dẳng trong các danh mục thương mại điện tử lớn như chăm sóc cá nhân, điện tử, may mặc, nội thất, và hàng bách hóa.

Adobe đã phân tích thói quen mua sắm trên mạng của người tiêu dùng từ ngày 01/01 đến ngày 03/04/2024. Phân tích cho thấy trong doanh số bán hàng trực tuyến, các mặt hàng giá rẻ đã chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với 5 năm trước.

Tỷ trọng doanh số bán hàng đến từ nhóm hàng hóa rẻ nhất đã tăng 96% trong lĩnh vực chăm sóc cá nhân, 64% trong lĩnh vực điện tử, và 47% trong lĩnh vực may mặc.

Đằng sau dữ liệu kinh tế màu hồng, người Mỹ đang chật vật trang trải cuộc sống

Ngoài ra, người mua hàng đang đổ xô đến các cửa hàng bán các sản phẩm theo thương hiệu riêng của họ (store brand) để tiết kiệm tiền.

Ông O’Connor nói, “Trả giá thấp hơn rõ ràng là một yêu cầu nếu chúng tôi muốn đáp ứng ngân sách đã thiết lập của mình. Có nhiều loại thực phẩm chúng tôi vừa hạn chế khỏi bữa ăn của mình.”

Một số công ty đang theo dõi chặt chẽ xu hướng này và thậm chí đã điều chỉnh chiến lược của mình để cung cấp nhiều ưu đãi hời hơn hoặc nhiều sản phẩm theo thương hiệu của riêng mình hơn.

Ông Andy Jassy, ​​Giám đốc điều hành của Amazon, cho biết trong cuộc họp về thu nhập gần đây của công ty: “Khách hàng đang mua sắm nhưng vẫn thận trọng, trả giá thấp hơn và tìm kiếm các ưu đãi khi họ có thể.”

Một người mua giày tại một cửa hàng ở thành phố Ellicott, Maryland, hôm 24/03/2024. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)
Một người mua giày tại một cửa hàng ở thành phố Ellicott, Maryland, hôm 24/03/2024. (Ảnh: Madalina Vasiliu/The Epoch Times)

Mặc dù bất hợp pháp nhưng hàng triệu người Mỹ cũng đang cố gắng mua thuốc theo toa từ Canada, Mexico, hoặc các quốc gia khác để tiết kiệm tiền.

Theo một nghiên cứu năm 2020 của Đại học Florida, hơn 2 triệu người Mỹ, tương đương 1.5%, mua thuốc theo toa từ ngoại quốc.

Tháng trước (04/2024), lạm phát hàng năm đã giảm xuống 3.4% từ mức 3.5% trong tháng Ba, theo dữ liệu mới nhất của Bộ Lao động, làm tăng khả năng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới và mang lại một tia hy vọng cho thị trường tài chính.

Hôm 15/05, Tổng thống Joe Biden đã hoan nghênh việc lạm phát giảm đồng thời thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Đằng sau dữ liệu kinh tế màu hồng, người Mỹ đang chật vật trang trải cuộc sống

Tổng thống Biden tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội X, “Lạm phát cơ bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm. Nhưng nhiều gia đình đang gặp khó khăn và chúng ta còn rất nhiều việc phải làm.”

“Đó là lý do tại sao tôi dự định giảm chi phí nhà ở, giảm giá thuốc theo toa, và giảm chi phí chăm sóc trẻ em.”

Tuy nhiên, tâm lý của người dân vẫn bi quan. Theo cuộc thăm dò của ABC News/Ipsos, nền kinh tế và lạm phát là một trong những vấn đề quan trọng nhất đối với cử tri trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, khi ngày càng có nhiều người Mỹ tin tưởng cựu Tổng thống Donald Trump về những vấn đề này hơn Tổng thống Biden.

Nhìn chung, giá cả đã tăng gần 20% kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào tháng 01/2021. Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, giá xăng đã tăng hơn 55%, trong khi giá thực phẩm và nhà ở đã tăng 21%.

Bản tin có sự đóng góp của Stacy Robinson

Vân Du biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times