Đảng Dân Chủ lên kế hoạch cho 3 tuần bận rộn với phiên họp cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ 117
Các thành viên Đảng Dân Chủ đang lên kế hoạch cho ba tuần bận rộn của phiên họp cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ 117, với một loạt nguyện vọng lập pháp được đưa ra để cân nhắc khi đảng này chuẩn bị chấm dứt thời gian cầm quyền độc đảng của mình.
Đảng Cộng Hòa hiện được xác nhận đã lấy lại Hạ viện, mặc dù Đảng Dân Chủ sẽ vẫn nắm giữ Thượng viện.
Nếu các con số hiện tại trong các cuộc tranh cử vẫn chưa loan báo kết quả không thay đổi, thì Đảng Cộng Hòa sẽ bước vào Quốc hội nhiệm kỳ 118 với khối đa số không đáng kể, kết thúc chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo hoàn toàn trong hai năm qua.
Vì họ chuẩn bị nắm giữ nhóm thiểu số lần đầu tiên kể từ năm 2019, Đảng Dân Chủ đang hy vọng thực hiện một số nỗ lực lập pháp cuối cùng trong tám ngày lập pháp cuối cùng còn lại.
Theo lịch làm việc của Hạ viện, các nhà lập pháp sẽ nhóm họp lần cuối bắt đầu vào ngày 29/11. Những cuộc bỏ phiếu cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ 117 sẽ diễn ra vào ngày 15/12.
Trong một bình luận với The Epoch Times, một phụ tá cao cấp của Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã cho biết ông mong đợi sẽ có thêm các ngày lập pháp bổ sung vì một số dự luật quan trọng vẫn chưa đi đến quyết định.
“Có lẽ chúng tôi sẽ phải nán lại lâu hơn vào tháng Mười Hai,” vị phụ tá này nói, và cho biết thêm rằng, “Thời gian nghỉ bắt đầu vào ngày 16 nhưng tôi nghi ngờ điều đó.”
Trong một bức thư hôm 22/11 gửi các đồng sự, Dân biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) nói rằng Đảng Dân Chủ “sẽ bắt tay vào một phiên họp lập pháp bận rộn và đầy tham vọng” trong tám ngày cuối cùng này.
“Trong khoảng thời gian vui vầy cùng gia đình và những người thân yêu của mình này, chúng ta hãy tận hưởng và tiếp thêm sức mạnh khi chúng ta chuẩn bị đối mặt với những thách thức và cơ hội ở phía trước,” bà Pelosi viết. “Và chúng ta hãy thống nhất như một Nhóm, khi chúng ta chuẩn bị cho tương lai.”
Dưới đây là một số dự luật dự kiến sẽ đạt được tiến triển trong phiên họp cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ này.
Dự luật hôn nhân đồng giới của Thượng viện
Đứng đầu danh sách ưu tiên của Đảng Dân Chủ là việc thông qua Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân.
Dự luật đó, vốn được Đảng Dân Chủ thúc đẩy nhằm đáp trả quyết định của Tối cao Pháp viện (SCOTUS) trong vụ Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson, sẽ pháp điển hóa hôn nhân đồng giới và hôn nhân khác chủng tộc như một quyền được liên bang bảo vệ.
Dự luật này dự kiến sẽ được Thượng viện thông qua lần cuối vào ngày 17/11 nhưng vào ngày lập pháp đó, ngày cuối cùng trước kỳ nghỉ Lễ Tạ Ơn, đã đến và đi mà không có cuộc bỏ phiếu cuối cùng nào về dự luật này.
Sự chậm trễ đó xảy ra sau khi dự luật này vượt qua rào cản thủ tục đầu tiên với sự ủng hộ của 12 thành viên Đảng Cộng Hòa.
Cùng ngày, Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) cho biết việc thông qua dự luật này sẽ là “một trong những thành tựu quan trọng hơn của Thượng viện cho đến nay” nhưng không giải thích về sự chậm trễ.
Hôm 28/11, Thượng viện dự kiến sẽ bỏ phiếu kết thúc phần tranh luận và thông qua dự luật mà Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký.
12 thành viên Đảng Cộng Hòa đã tham gia cùng Đảng Dân Chủ để thúc đẩy dự luật này, bao gồm:
- TNS. Roy Blunt (Cộng Hòa-Missouri)
- TNS. Richard Burr (Cộng Hòa-North Carolina)
- TNS. Shelley Moore Capito (Cộng Hòa-West Virginia)
- TNS. Susan Collins (Cộng Hòa-Maine)
- TNS. Joni Ernst (Cộng Hòa-Iowa)
- TNS. Cynthia Lummis (Cộng Hòa-Wyoming)
- TNS. Lisa Murkowski (Cộng Hòa-Alaska)
- TNS. Rob Portman (Cộng Hòa-Ohio)
- TNS. Dan Sullivan (Cộng Hòa-Alaska)
- TNS. Mitt Romney (Cộng Hòa-Utah)
- TNS. Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina)
- TNS.Todd Young (Cộng Hòa-Indiana)
Những thành viên này dự kiến sẽ bỏ phiếu ủng hộ dự luật khi dự luật được đưa ra tại sàn Thượng viện, có nghĩa là dự luật này sẽ có một con đường dễ dàng đến bàn làm việc của tổng thống.
Dự luật này đã được đề xướng suốt mùa hè vừa qua sau khi SCOTUS bỏ phiếu bác bỏ án lệ được đặt ra trong vụ Roe kiện Wade, một vụ kiện năm 1973 tuyên bố phá thai là một quyền được Hiến Pháp bảo vệ.
Phán quyết đó dựa trên một cách giải thích bao quát của Hiến Pháp, và cụ thể là Điều khoản Bảo vệ Bình đẳng của Tu chính án thứ 14. Cách diễn giải bao quát này được sử dụng lần đầu tiên trong một án lệ trước đó, vụ Griswold kiện Connecticut, trong đó phán quyết rằng Hiến Pháp đã tạo ra “một nhóm các quyền phát sinh” được bảo vệ vốn cấp các quyền không được Hiến Pháp xác định rõ ràng.
Tiêu chuẩn Griswold đã đóng một vai trò quan trọng trong một loạt các phán quyết của SCOTUS liên quan đến các vấn đề xã hội, không chỉ bao gồm án lệ Roe kiện Wade mà còn cả án lệ Lawrence kiện Texas, trong đó phán quyết rằng kê gian là một quyền được Hiến Pháp bảo vệ, và án lệ Obergefell kiện Hodges, trong đó phán quyết rằng sự kết hợp dân sự đồng giới là một quyền liên bang.
SCOTUS đã khẳng định theo bản ý kiến đa số của họ trong án lệ Dobbs rằng các phán quyết khác trong các án lệ về Tu chính án thứ 14 không có nguy cơ bị lật ngược. Tuy nhiên, Đảng Dân Chủ đã lo lắng trước ý kiến đồng thuận của Thẩm phán Clarence Thomas, trong đó ông kêu gọi xem xét lại các án lệ khác về Tu chính án thứ 14.
Đạo luật Tôn trọng Hôn nhân là một trong một loạt các dự luật được Hạ viện do Đảng Dân Chủ lãnh đạo thông qua vào mùa hè để đáp lại phán quyết này.
Tổng thống Biden thúc đẩy lệnh cấm ‘vũ khí tấn công’
TT Biden nói rằng ông sẽ khuyến khích Đảng Dân Chủ sử dụng phiên họp cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ 117 để thúc đẩy luật cấm được gọi là “vũ khí tấn công.”
Hồi tháng Sáu, sau một vụ xả súng hàng loạt ở Uvalde, Texas, khiến 19 trẻ em và 2 người lớn thiệt mạng, Đảng Dân Chủ đã thông qua gói dự luật kiểm soát súng có tên là Đạo luật “Bảo vệ Trẻ em của Chúng ta” (Protecting Our Kids). Những dự luật này không thu hút được đủ sự ủng hộ tại Thượng viện.
Tuy nhiên, các thành viên Đảng Cộng Hòa do Thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) dẫn đầu cuối cùng đã đồng ý với một dự luật kiểm soát súng khác. Những đề xướng chính trong gói dự luật này bao gồm chấm dứt cái gọi là “lỗ hổng bạn trai,” tài trợ của liên bang cho luật “cảnh báo” (red flag) đầy tranh cãi, tăng cường kiểm tra lý lịch, và tài trợ cho các dịch vụ sức khỏe tâm thần được mở rộng.
Hôm 23/06, Thượng viện đã thông qua dự luật này khi vượt qua ngưỡng tranh luận không giới hạn (filibuster) 60 phiếu bầu.
Sau đó, dự luật đã được Hạ viện thông qua, và được TT Biden ký thành luật.
Tuy nhiên, dự luật đó không phải là lý tưởng đối với Đảng Dân Chủ, vốn từ lâu đã thúc đẩy một lệnh cấm “vũ khí tấn công.” Thuật ngữ này thường được những người ủng hộ kiểm soát súng áp dụng cho súng trường bán tự động kiểu quân đội, nhưng nhiều người đã cố gắng để xác định rõ ràng thuật ngữ này.
Giờ đây, TT Biden cho biết ông sẽ hối thúc Quốc hội xem xét việc cấm vũ khí tấn công trong phiên họp cuối cùng của họ.
Đảng Dân Chủ thừa nhận rằng một dự luật như vậy gần như chắc chắn sẽ thất bại tại Thượng viện. Ngay cả ông Cornyn, người có công trong sự thành công của dự luật kiểm soát súng tại Thượng viện, đã nói rằng ông không sẵn sàng mở rộng hơn nữa việc kiểm soát súng của liên bang.
Trong bài diễn văn vào ngày Lễ Tạ Ơn, ông Biden cho rằng việc các luật cảnh báo — vốn cho phép tòa án tịch thu vũ khí của công dân trong một quy trình mà những người chỉ trích cho là đã cắt bớt sự bảo vệ theo thủ tục tố tụng công bằng dành cho các quyền Tu chính án thứ Hai của họ — không có hiệu lực trên nhiều vùng rộng lớn của đất nước, là “lố bịch”.
Ông Biden cũng chỉ trích một thực tế là người Mỹ được phép mua vũ khí bán tự động một cách hợp pháp.
Ông Biden phân bua: “Chuyện này thật điên rồ. Nó không có, không có giá trị để cứu chuộc về mặt xã hội. Không. Hoàn toàn không. Chẳng có một cơ sở lý luận nào cho chuyện đó, dù chỉ một thôi cũng không có, ngoại trừ đem lại lợi nhuận cho các nhà sản xuất súng.”
Những người phản đối đã nói rằng dự luật này sẽ chỉ ngăn cản những người sở hữu súng tuân thủ luật pháp được tự trang bị để bảo vệ mình khỏi những tên tội phạm, những kẻ dù sao cũng vẫn sẽ tìm cách có được các loại vũ khí tấn công như vậy.
Tổng thống tuyên bố sẽ “cố gắng loại bỏ vũ khí tấn công” trong phiên họp cuối cùng nếu ông có thể có được đủ số phiếu bầu.
Ông nói, “Tôi sẽ làm điều đó bất cứ khi nào tôi — tôi phải đưa ra đánh giá đó khi tôi tham gia và bắt đầu kiểm đếm những lá phiếu này.”
Mặc dù một đạo luật thông thường sẽ phải tuân theo ngưỡng tranh luận không giới hạn 60 phiếu bầu tại Thượng viện, nhưng Đảng Dân Chủ có thể thử một chiêu thức của Quốc hội bằng cách thông qua một dự luật khi sử dụng quy trình điều chỉnh ngân sách.
Các dự luật được thông qua theo quy trình này không phải trải qua quy trình tranh luận không giới hạn của Thượng viện.
Trong bối cảnh Đảng Dân Chủ đang đưa ra một loạt các đề xướng lập pháp bình thường sau vụ xả súng ở Uvalde, Dân biểu Don Beyer (Dân Chủ-Virginia) đã đề nghị một dự luật điều chỉnh ngân sách sẽ đánh thuế 1,000% đối với một loạt súng trường bán tự động.
Tuy nhiên, một biện pháp như vậy sẽ cần sự chấp thuận của nghị sĩ Thượng viện. Cần có sự chấp thuận của vị trọng tài phi đảng phái này đối với tất cả các điều khoản trong một dự luật điều chỉnh ngân sách.
Dự luật quốc phòng
Trước khi bế mạc Quốc hội nhiệm kỳ 117, các nhà lập pháp cũng sẽ cần thông qua dự luật chi tiêu quốc phòng thường niên.
Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) năm nay đã được giới thiệu tại Thượng viện bởi Thượng nghị sĩ Jack Read (Dân Chủ-Rhode Island). Nó được đặt theo tên của Thượng nghị sĩ sắp mãn nhiệm James Inhofe (Cộng Hòa-Oklahoma), người đã có công trong việc soạn thảo từng phiên bản của NDAA kể từ khi ông đến Quốc hội vào năm 1995.
Một tranh chấp quan trọng về dự luật liên quan đến yêu cầu của Thượng nghị sĩ Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) về việc thêm vào luật thay đổi các yêu cầu cấp phép sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Hiện tại, việc cấp phép các dự án nhiên liệu hóa thạch mới là một quá trình kéo dài nhiều năm. Ông Manchin đã kêu gọi cải cách quy trình này ngay bây giờ khi người tiêu dùng Hoa Kỳ tiếp tục phải đối mặt với giá xăng cao và khi Âu Châu chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng năng lượng đích thực vào mùa đông này.
Ông Manchin đã được ông Schumer hứa rằng luật đó sẽ được thông qua trước khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội hiện tại để đổi lấy sự ủng hộ quan trọng của ông Manchin dành cho Đạo luật Giảm Lạm Phát trị giá 740 tỷ USD.
Một nỗ lực trước đó của ông Manchin nhằm đưa việc cải cách quy trình cấp phép vào một dự luật chi tiêu dự phòng tạm thời đã thất bại trước sự phản đối của cả Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ.
Nhìn bề ngoài, khả năng thông qua các cải cách quy trình cấp phép dường như có lợi cho các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, những người từ lâu đã thúc đẩy những cải cách như vậy. Tuy nhiên, đảng thiểu số đã gợi ý rằng họ sẽ không ủng hộ bất kỳ dự luật nào như vậy như một phần của một dự luật chi tiêu tạm thời buộc-phải-thông-qua, nói rằng họ từ chối ủng hộ một kế hoạch được đưa ra trong một thỏa thuận hậu trường giữa hai thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu.
Trong một bình luận như vậy, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) nói rằng bất kỳ dự luật nào kiểu này sẽ là “một phần của kế hoạch trả thù chính trị” và tuyên bố sẽ không ủng hộ hành động đó. Thái độ này dường như được chia sẻ bởi nhiều đồng sự trong GOP của ông Graham.
Cũng đe dọa hy vọng cải cách quy trình cấp phép của ông Manchin là Thượng nghị sĩ Bernie Sanders (Độc Lập-Vermont), người mà lập trường phản đối nhiên liệu hóa thạch đã khiến ông không đồng tình với dự luật do ông Manchin đề nghị.
Ông Manchin đã chỉ trích liên minh hiếm gặp này hồi tháng Chín.
Giờ đây, ông Manchin đang cố gắng gắn cải cách quy trình cấp phép với NDAA nhưng các nhà đàm phán của Đảng Cộng Hòa đã bác bỏ nỗ lực này.
Thượng nghị sĩ Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) nói với các phóng viên: “Chúng tôi thậm chí còn chưa nói về nó vì nó không phải là một lựa chọn.”
Ông Inhofe lặp lại thái độ này, bày tỏ sự phản đối của mình đối với việc thêm vào một điều khoản không mấy liên quan đến chủ đề của dự luật như vậy.
Cả Đảng Cộng Hòa và ông Sanders đều vận động chống lại ông Manchin, do đó ông Manchin có thể sẽ khó thúc đẩy những cải tổ mà ông đã đề nghị thông qua trước khi kết thúc Quốc hội này.
Hôm 15/11, ông Schumer nói với các phóng viên rằng ông vẫn đang cố gắng tôn trọng thỏa thuận của mình với ông Manchin, nhưng lưu ý rằng các phiếu bầu chỉ đơn giản là không có ở đó.
“Như quý vị đã thấy khi chúng tôi thử lần trước, đã không có đủ phiếu bầu của Đảng Cộng Hòa,” ông Schumer nói. “Tôi đang làm việc với Thượng nghị sĩ Manchin để xem chúng ta có thể làm được gì.”
NDAA là một dự luật phải được thông qua trong phiên họp cuối cùng Quốc hội. Các cuộc đàm phán cho bản dự thảo cuối cùng của dự luật này vẫn tiếp tục.
Có khả năng sẽ loại bỏ mức trần nợ
Đảng Dân Chủ cũng đã cân nhắc khả năng loại bỏ mức trần nợ trước khi kết thúc Quốc hội nhiệm kỳ 117.
Hôm 31/10, trong một bức thư gửi cho Chủ tịch Pelosi và Lãnh đạo Schumer, một liên minh gồm các thành viên Đảng Dân Chủ đã kêu gọi giới lãnh đạo “thực hiện hành động lập pháp nhằm loại bỏ vĩnh viễn mối đe dọa do giới hạn nợ gây ra.”
Sự thúc đẩy của Đảng Dân Chủ diễn ra trong bối cảnh đảng đa số lo ngại rằng Đảng Cộng Hòa có thể sử dụng mức trần nợ như một quân bài thương lượng khi họ đã giành được Hạ viện.
“Nếu bản chất trái với lẽ thường của quy trình trần nợ hiện tại không phải là lý do đủ để thúc đẩy sự thay đổi, thì viễn cảnh Đảng Cộng Hòa khiến nền kinh tế của chúng ta vỡ nợ vì lợi ích chính trị là điều nên xảy ra,” Đảng Dân Chủ viết. “Đảng Cộng Hòa đã nhiều lần báo hiệu rằng họ sẵn sàng và háo hức sử dụng giới hạn nợ như một công cụ thương lượng nếu có cơ hội, và chúng ta nên tin lời họ.”
Trước Quốc hội nhiệm kỳ 117, mức trần nợ đã từng là tâm điểm tranh cãi từ rất lâu.
Bộ Ngân khố Hoa Kỳ được phép vay tiền bằng tín dụng của Hoa Kỳ, nhưng chỉ với sự chấp thuận của Quốc hội. Bởi vì Bộ Ngân khố thường xuyên đạt đến giới hạn này, theo thời gian, Quốc hội phải chấp thuận cho vay thêm.
Không tăng trần nợ sẽ có những tác động thảm khốc — đáng chú ý nhất là việc Hoa Kỳ vỡ nợ sẽ lấy đi phần lớn giá trị của đồng dollar Mỹ. Đồng thời, các thành viên Đảng Cộng Hòa trong chính phủ hạn chế từ lâu đã cảnh báo về sự nguy hiểm của việc thường xuyên nâng mức trần nợ mà không có một nỗ lực cắt giảm chi tiêu và giảm nợ quốc gia.
Các thành viên của cả hai đảng đã từng sử dụng mức trần nợ như một quân bài thương lượng trong quá khứ.
Ví dụ, các thành viên Đảng Dân Chủ — bao gồm cả Thượng nghị sĩ đương thời Joe Biden — phần lớn đã bỏ phiếu chống lại việc tăng trần nợ trong nhiệm kỳ của TT George W. Bush vì những bất đồng với các chính sách của chính phủ.
Năm 2011, Đảng Cộng Hòa đã buộc TT Barack Obama phải nhượng bộ, bao gồm cả việc cắt giảm chi tiêu, thông qua đe dọa để mức trần nợ công đáo hạn.
Vấn đề này cũng đã làm các thành viên Đảng Dân Chủ khó xử tại Quốc hội nhiệm kỳ 117. Năm ngoái, một vụ vỡ nợ của Hoa Kỳ đã tránh được trong gang tấc nhờ một thỏa thuận phút chót giữa Lãnh đạo Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky) và ông Schumer.
Tuy nhiên, nỗ lực loại bỏ trần nợ chỉ có thể tiến triển với sự ủng hộ của Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện.
Sẽ rất khó để giành được sự ủng hộ như vậy, vì trần nợ có thể là một trong những công cụ đàm phán mạnh mẽ nhất của Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội nhiệm kỳ 118 đang bị chia rẽ. Sẽ cần có ít nhất 10 thành viên Đảng Cộng Hòa ủng hộ quyết định như vậy để vượt qua ngưỡng tranh luận không giới hạn 60 phiếu bầu.
Dự luật chi tiêu
Trọng tâm chính của phiên họp cuối cùng của Quốc hội nhiệm kỳ 117 sẽ là việc thông qua một gói chi tiêu mới.
Hồi tháng Chín, các nhà lập pháp đã đồng ý với một nghị quyết chi tiêu tạm thời để tiếp tục tài trợ cho chính phủ đến hết ngày 16/12. Giờ đây, khi thời hạn đó đang đến rất nhanh và thời gian không còn nhiều, Đảng Dân Chủ sẽ phải hối hả nếu họ hy vọng tạo ra một gói chi tiêu tổng hợp.
Một gói tổng hợp, trái ngược với nghị quyết chi tiêu tạm thời, sẽ thiết lập các mức phân bổ ngân sách liên bang cho cả năm tài khóa 2023, mang lại cho Đảng Dân Chủ khả năng cản trở sự can thiệp của Đảng Cộng Hòa một cách hiệu quả trong những năm đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ 118.
Nếu Đảng Dân Chủ không thể tìm thấy sự ủng hộ nào cho một gói tổng hợp toàn diện, thì họ sẽ buộc phải thông qua một nghị quyết chi tiêu tạm thời khác để tránh việc đóng cửa chính phủ.
Một quyết định như vậy sẽ loại bỏ mọi hy vọng của Đảng Dân Chủ về việc thiết lập mức chi tiêu cho năm tài khóa tiếp theo và sẽ cho phép khối đa số của Đảng Cộng Hòa chịu trách nhiệm xây dựng dự luật khi họ nắm quyền kiểm soát.
Sửa đổi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri
Đảng Dân Chủ cũng đang hy vọng thông qua một dự luật sửa đổi quy trình chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống trước Quốc hội.
Dự luật được đề xướng này, do các Thượng nghị sĩ Susan Collins (Cộng Hòa-Maine) và Joe Manchin (Dân Chủ-West Virginia) trình bày, sẽ sửa đổi Đạo luật Kiểm phiếu Đại cử tri năm 1887 (Electoral Count Act, ECA), một dự luật được thông qua sau cuộc khủng hoảng đại cử tri trong cuộc bầu cử năm 1876.
Trong bối cảnh cuộc tranh chấp về khả năng gian lận trong cuộc bầu cử năm 2020 đang diễn ra, ông Donald Trump, lúc bấy giờ là tổng thống, đã cố gắng thuyết phục Phó Tổng thống Mike Pence sử dụng vai trò của mình theo phiên bản ECA gốc để thách thức kết quả trong một số cuộc bầu cử cấp tiểu bang có nguy cơ gian lận trên diện rộng cao nhất. Ông Pence đã từ chối và để ông Joe Biden được Thượng viện xác nhận là tổng thống đắc cử.
Phiên bản ECA cập nhật sẽ thay đổi luật liên bang để giảm bớt đáng kể vai trò của phó tổng thống đối với các cuộc bầu cử. Luật cũng sẽ gia tăng đáng kể các yêu cầu đối với các thành viên của Hạ viện hoặc Thượng viện để phản đối việc xác nhận kết quả bầu cử.
Theo luật năm 1887, chỉ cần một thành viên của Hạ viện và một thành viên của Thượng viện phản đối trước khi yêu cầu phản đối được chuyển sang biểu quyết trực tiếp trong phòng họp. Theo dự thảo mới của dự luật, tỷ lệ ủng hộ của Thượng viện sẽ phải tăng lên một phần ba trước khi phản đối có thể được chuyển sang bỏ phiếu kín.
Luật cũng sẽ thu hẹp danh sách các phản đối tiềm năng mà các nhà lập pháp có thể đưa ra đối với việc chứng nhận một nhóm đại cử tri.
Trong cuộc bầu cử năm 2020, các tranh chấp về kết quả bầu cử ở nhiều tiểu bang vẫn tiếp tục kéo dài đến tháng 12/2020. Theo bản sửa đổi của ECA, các tranh chấp bầu cử cấp tiểu bang trong tương lai sẽ cần phải được giải quyết trước thời hạn đã định.
Vào tháng Chín, Hạ viện đã thông qua phiên bản dự luật của riêng mình, được Dân biểu Zoe Lofgren (Dân Chủ-California) và dân biểu Liz Cheney (Cộng Hòa-Wyoming) đệ trình.
Dự thảo về dự luật của Thượng viện đã giành được sự ủng hộ rộng khắp từ các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, gồm ông McConnell và 15 người khác. Vào tháng Chín, bản sửa đổi ECA đã vượt qua được một cuộc bỏ phiếu của ủy ban.
Tuy nhiên, những người đệ trình dự luật sắp hết thời gian và các lựa chọn để thông qua luật.
Nếu những người ủng hộ cố gắng tự mình đưa ra dự luật để biểu quyết, thì dự luật này sẽ phải trải qua một quy trình sửa đổi kéo dài, một quy trình có thể mất nhiều thời gian hơn khả năng của các nhà lãnh đạo.
Nếu dự luật thông qua được Thượng viện, thì Hạ viện sẽ phải chọn giữa thông qua phiên bản dự luật của Thượng viện hoặc bắt đầu một quy trình dài khác để hòa giải hai dự luật.
Ngoài ra, dự luật có thể được đính kèm với một dự luật phải được thông qua như NDAA, nhưng vẫn chưa rõ liệu các nhà lãnh đạo có thực hiện phương pháp tiếp cận này hay không.
Bầu các lãnh đạo mới
Trong hai tuần đầu tiên trở lại Hoa Thịnh Đốn, các thành viên Đảng Dân Chủ dự kiến sẽ tiến hành các cuộc bầu cử lãnh đạo.
Sau hơn một thập niên lãnh đạo đảng ở Hạ viện, bà Pelosi — chịu áp lực từ các thành viên trẻ hơn trong nhóm của mình — tuyên bố rằng bà sẽ không tái tranh cử với tư cách là thành viên Đảng Dân Chủ đứng đầu tại Hạ viện.
“Kinh Thánh dạy chúng ta rằng mọi mục đích dưới thiên đàng đều có một mùa, một thời điểm,” bà Pelosi nói tại Hạ viện hôm 17/11. “Đối với tôi, đã đến lúc một thế hệ mới sẽ lãnh đạo nhóm Đảng Dân Chủ mà tôi vô cùng kính trọng, và tôi biết ơn vì có rất nhiều người đã sẵn sàng và quyết tâm gánh vác trách nhiệm to lớn này.”
Các nhà lãnh đạo Đảng Dân Chủ khác, bao gồm Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steny Hoyer (Dân Chủ-Maryland) và Phó Lãnh đạo Đa số Jim Clyburn (Dân Chủ-South Carolina), đã thông báo rằng họ sẽ theo chân bà Pelosi, để lại ba vị trí hàng đầu của Đảng Dân Chủ. Ông Clyburn, với lý do cần có đại diện miền nam trong giới lãnh đạo Đảng Dân Chủ, đang tìm kiếm một vị trí lãnh đạo thấp hơn.
Giờ đây khi họ đã được xác nhận là khối thiểu số trong Quốc hội nhiệm kỳ 118, các thành viên Đảng Dân Chủ sẽ tập hợp thành một nhóm trong tuần này để bầu ra các nhà lãnh đạo mới của họ.
Dân biểu Hakeem Jeffries (Dân Chủ-New York), người trong Quốc hội nhiệm kỳ 117 từng là chủ tịch của nhóm, là ứng cử viên sáng giá rõ ràng cho vị trí hàng đầu: Lãnh đạo Thiểu số Hạ viện.
Ông Jeffries, 52 tuổi, chủ tịch Nhóm Hạ viện Đảng Dân chủ, đã công bố nỗ lực ứng cử của mình hôm 18/11 trong một lá thư gửi cho các đồng sự Đảng Dân Chủ (pdf).
Nếu được bầu làm lãnh đạo thiểu số, ông Jeffries nói: “Tôi hy vọng sẽ dẫn đầu một nỗ lực tập trung vào chiến lược truyền thông của chúng ta xung quanh một nguyên tắc truyền thông điệp là các giá trị sẽ tạo sự gắn kết, các vấn đề sẽ gây chia rẽ.”
Ông đã nhận được sự ủng hộ của cả ba thành viên Đảng Dân Chủ hàng đầu, gồm bà Pelosi, ông Hoyer, và ông Clyburn.
Thông báo của ông Jeffries được đưa ra sau khi Trợ lý Chủ tịch Hạ viện Katherine Clark (Dân Chủ-Massachusetts) tuyên bố tham gia ứng cử để trở thành phó lãnh đạo thiểu số tiếp theo, vị trí hiện do ông Clyburn nắm giữ.
“Tôi sẽ đấu tranh cho nghị trình của chúng ta và các ưu tiên của quý vị trong khi điều hành một cuộc phòng thủ chiến lược,” bà Clark viết. “Quý vị có thể tin tưởng tôi sẽ lắng nghe tất cả các khía cạnh của Nhóm, hướng đến kết quả, và kiên quyết cam kết với các giá trị của chúng ta.”
Dân biểu Pete Aguilar (Dân Chủ-California), 43 tuổi, phó chủ tịch của nhóm hiện tại, cho biết ông sẽ tìm cách thay thế ông Jeffries làm chủ tịch của nhóm.
Bà Pelosi, ông Hoyer, và ông Clyburn — tất cả đều đã 82 hoặc 83 tuổi — đã nắm quyền trong nhiều năm, với việc bà Pelosi trở thành lãnh đạo cao cấp của đảng vào năm 2003, ông Hoyer tham gia một năm sau đó, và ông Clyburn tham gia vào năm 2007.
Các thành viên Đảng Dân Chủ trẻ tuổi hơn đã kích động sự thay đổi ở cấp cao nhất. Nhóm này bao gồm ba trong số năm thành viên trẻ nhất của Quốc hội — bao gồm các Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York), Sara Jacobs (Dân Chủ-California), và Ritchie Torres (Dân Chủ-New York).
Độ tuổi trung bình của các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện là 59 tuổi theo dữ liệu từ FiscalNote và căng thẳng giữa các thế hệ đã gia tăng trong những năm gần đây.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times