Đảng Cộng Hòa đưa ra luật lưỡng viện để chống lại cuộc đàn áp các nhóm tôn giáo của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Dự luật đã nêu bật tình cảnh của những tín đồ Thiên Chúa Giáo, các học viên Pháp Luân Công, và người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc.
Một dự luật lưỡng viện đã được đưa ra với mục đích buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp các nhóm tôn giáo ở Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Ted Budd (Cộng Hòa-North Carolina) cùng với đồng sự của mình là Thượng nghị sĩ Thom Tillis (Cộng Hòa-North Carolina) đã trình lên dự luật này, trong khi Dân biểu Mark Alford (Cộng Hòa-Missouri) đang dẫn đầu dự luật đồng hành (H.R.6069) tại Hạ viện.
“Một trong những quyền thiêng liêng nhất của con người là quyền tự do thực hành tôn giáo của mình,” ông Budd nói trong một video công bố luật này. “Chính quyền Trung Quốc đã vi phạm những quyền này trong nhiều thập niên với việc đàn áp thường xuyên và nghiêm trọng những người theo Cơ Đốc Giáo và các nhóm tôn giáo khác, từ việc đưa người Duy Ngô Nhĩ vào các trại tập trung cho đến cấm tín đồ Cơ Đốc Giáo tổ chức các buổi lễ tại nhà thờ.”
“Đó là lý do tại sao dự luật ‘Chống đàn áp các nhóm tôn giáo và Đạo luật Trung Quốc’ của tôi lại quan trọng đến vậy. Dự luật tuyên bố rằng chính sách của Hoa Kỳ là buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm nhân quyền, bằng việc sử dụng cả đòn bẩy kinh tế và các cuộc đàm phán thương mại.”
Theo thông cáo báo chí hôm 27/10, dự luật sẽ bảo đảm các cuộc đàm phán thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc có bao gồm các điều kiện về bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tiếp tục nhận định Trung Quốc là “quốc gia thuộc diện đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo và buộc các quan chức Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm nhân quyền thô bạo.
“Chính quyền Trung Quốc bị ghi nhận là quốc gia có nhân quyền tồi tệ và đã đàn áp công dân của mình vì đức tin của họ trong một thời gian rất lâu rồi,” ông Tillis cho biết trong một tuyên bố kèm theo phần giới thiệu dự luật. “Hoa Kỳ nên nỗ lực để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm và đưa lên bàn cân việc quốc gia này rõ ràng xem nhẹ quyền tự do tôn giáo khi tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán thương mại hoặc kinh doanh nào trong tương lai.”
Văn bản của dự luật cho thấy có sự đồng thuận trong Quốc hội rằng Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên đưa ra “lời lên án chính thức” đối với các hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc.
Dự luật cho biết, “Ý của Quốc hội là Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nên đưa ra lời lên án chính thức đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vì tội ác diệt chủng đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ, các nhóm tôn giáo và dân tộc thiểu số khác, cũng như cuộc đàn áp người theo Cơ Đốc Giáo, Pháp Luân Công, và các nhóm tôn giáo khác.”
Đầu tháng này, Trung Quốc, hiện là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đã giành được thêm một nhiệm kỳ ba năm nữa bắt đầu từ năm 2024 sau một cuộc bỏ phiếu. Các nhà phê bình đã nêu lên lo ngại về việc tại sao các chính phủ có hành vi về nhân quyền tệ hại lại có thể ngồi vào cơ quan nhân quyền hàng đầu thế giới.
Cuộc đàn áp của Trung Quốc
Ông Budd cho biết trong video của mình rằng dự luật cũng “công khai việc nhiều nhóm tôn giáo thiểu số ở Trung Quốc đang bị bỏ tù vì đức tin của mình.”
Dự luật liệt kê một số tên của những người hiện đang bị bức hại ở Trung Quốc. Trong số đó có Mục sư John Cao, một thường trú nhân Hoa Kỳ đến từ Greensboro, North Carolina, người đã bị kết án bảy năm tù ở Trung Quốc vào tháng 03/ 2018 với “các cáo buộc giả tạo về việc tổ chức vượt biên trái phép.”
Một cái tên khác được đề cập trong dự luật là Mục sư Vương Nghị, người đã bị kết án chín năm tù ở Trung Quốc vào tháng 12/2019 với cáo buộc “hoạt động kinh doanh bất hợp pháp” và “kích động lật đổ quyền lực nhà nước”, đây là cáo buộc chung chung mà chính quyền Trung Quốc thường xuyên sử dụng để buộc tội chống lại những người bất đồng chính kiến.
Dự luật cho biết Trung Quốc đã tùy tiện giam giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở khu vực Tân Cương viễn tây Trung Quốc, trước khi lưu ý đến hai luật đã có hiệu lực trong những năm gần đây là Đạo luật Chính sách Nhân quyền của người Duy Ngô Nhĩ và Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Dự luật cũng nói rằng chính quyền ĐCSTQ “vẫn đang tiếp tục giam giữ các học viên Pháp Luân Công và đối xử với họ một cách khắc nghiệt và vô nhân đạo.”
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần cổ xưa của Trung Quốc bao gồm các bài tập thiền định chậm rãi và các bài giảng đạo đức. Theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, kể từ khi ĐCSTQ phát động chiến dịch xóa sổ môn tu luyện này một cách có hệ thống vào năm 1999, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở giam giữ khác, và có hàng trăm nghìn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
Minghui.org, một trang web của Hoa Kỳ chuyên đưa tin về cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc, đã báo cáo ít nhất 172 vụ bức hại các học viên Pháp Luân Công đến tử vong vào năm 2022. Trong sáu tháng đầu năm nay, trang web này đã báo cáo có ít nhất 120 trường hợp tử vong khác.
Hồi tháng Bảy, Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey) và Thượng nghị sĩ Jeff Merkley (Dân Chủ-Oregon), chủ tịch và đồng chủ tịch của Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc (CECC), đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi yêu cầu Trung Quốc “thả tự do vô điều kiện” tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ, bao gồm bà Hứa Na (Xu Na), bà Đặng Thúy Bình (Deng Cuiping), và ông Chu Đức Dũng (Zhou Deyong).
Ông Chu, có vợ và con trai hiện sống ở Florida, đã bị kết án tám năm tù vào tháng Tư.
Ông Budd nói trong video của mình rằng: “Chúng tôi hy vọng rằng để đứng vững, chính phủ Trung Quốc sẽ thay đổi đường hướng, đảo ngược các chính sách đàn áp của họ, và cho phép hàng triệu nhóm tôn giáo thiểu số thực hiện các quyền tự do mà Chúa Trời ban cho họ.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times