Đại Xảo Ngôn Xanh mà hầu hết mọi người đều tuyên bố tin tưởng
Hầu hết mọi thành viên của Quốc hội, Đảng Dân Chủ hay Đảng Cộng Hòa, đều thể hiện sự trân trọng đối với Đại Xảo Ngôn Xanh (Big Green Lie). Tất cả các ứng cử viên Đảng Bảo Thủ trước đây và còn lại đang cạnh tranh để trở thành thủ tướng của Vương quốc Anh và mọi ứng cử viên hiện đang cạnh tranh cho vị trí lãnh đạo của Đảng Bảo Thủ của Canada cũng vậy. Hầu như tất cả báo chí chính thống cũng thế. Đại Xảo Ngôn Xanh — cho rằng carbon dioxide (CO2) là một chất gây ô nhiễm — có sức lan tỏa đến mức ngay cả những người được coi là hoài nghi — bao gồm các tổ chức phi chính phủ cánh hữu và các chuyên gia — nhìn chung đều tuân theo chủ nghĩa chính thống, đều giống nhau ở niềm tin đã biểu lộ của họ rằng CO2 là một chất ô nhiễm, mà chỉ khác nhau ở điểm CO2 gây ô nhiễm như thế nào mà thôi.
Bởi vì giờ đây mọi người đều tham gia vào lời xảo ngôn phát-thải-CO2-là-xấu, cuộc tranh luận về chính sách khí hậu không phải là liệu vấn đề CO2 có tồn tại hay không mà là vấn đề CO2 cần được giải quyết khẩn cấp ra sao và cách thức giải quyết vấn đề này như thế nào. Chúng ta còn tám năm trước khi thảm họa cuối cùng trở nên không thể tránh khỏi hay là còn nhiều thập niên nữa? Chúng ta có loại bỏ nhiên liệu hóa thạch bằng cách xây dựng các nhà máy hạt nhân hoặc các tuabin gió không? Chúng ta có nên thay đổi lối sống của mình để ít có nhu cầu về mọi thứ hơn không? Hay chúng ta nên giảm thiểu tai họa này — quan điểm của những người được coi là theo chủ nghĩa sống tối giản vì khí hậu — bằng cách che chắn các lục địa của chúng ta khỏi sự trỗi dậy của các đại dương bằng cách bao bọc chúng sau các bức tường biển?
Với hầu hết tất cả mọi người trên toàn chính trường công khai đồng tình rằng hạn chế CO2 là một điều tốt, cuộc tranh luận này đã diễn ra giữa những người muốn làm việc tốt nhanh chóng bằng cách đạt được Net Zero (phát thải ròng bằng không) vào năm 2040 và những người cố hữu, muốn làm chậm lại việc thực hiện một điều tốt. Với diễn ngôn càng ngày càng tiến tới những điều phi lý, hầu như mọi người đều lạc lối khi theo đuổi các giải pháp cho những ảo tưởng kiểu Alice ở xứ sở thần tiên — và lãng phí hàng ngàn tỷ USD trong quá trình này.
Cho đến những năm 2000, khi biến đổi khí hậu vẫn được gọi là hiện tượng nóng lên toàn cầu và giới truyền thông chính thống vẫn nhận thấy rằng không có dự đoán nào trong số vô vàn dự đoán về một thảm họa khí hậu xảy ra — các chỏm địa cực đã không tan chảy, Manhattan đã không bị nhấn chìm, bệnh sốt rét không lây nhiễm ở bắc bán cầu — nhiều người đã phơi bày sự biến đổi khí hậu do con người tạo ra là một trò lừa bịp. Các thư điện tử Climategate bị rò rỉ đã tiết lộ cách các nhà khoa học âm mưu “che giấu sự suy giảm” trong các mức nhiệt độ vốn không giống với các mô hình của họ. Tuyên bố cho rằng 97% các nhà khoa học ủng hộ lý thuyết nóng lên toàn cầu đã bị bóc trần là gian lận, giống như tuyên bố nói rằng 4,000 nhà khoa học liên kết với Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) đã chứng thực báo cáo của tổ chức này — 4,000 người đó đã không xác nhận báo cáo này, và thậm chí hầu hết những người đó chưa đọc báo cáo này mà chỉ xem xét các phần của báo cáo và thường không đồng tình với những gì họ đã đọc.
Tuyên bố nói rằng “khoa học đã được giải quyết” đối với vấn đề biến đổi khí hậu không bao giờ đứng vững được trước sự giám sát. Các nhà khoa học trên thế giới đã ký một loạt các kiến nghị để phản đối tuyên bố đó. Đơn Kiến Nghị Oregon năm 2008, do một cựu chủ tịch của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (NAS) dẫn đầu và được ông Freeman Dyson, người kế nhiệm ông Albert Einstein tại Đại học Princeton và là một trong những khoa học gia ưu việt nhất thế giới ủng hộ, đã được hơn 31,000 khoa học gia và chuyên gia ký, họ đã đồng ý rằng “các giới hạn được đề nghị về khí nhà kính sẽ gây hại cho môi trường, cản trở sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, và làm tổn hại đến sức khỏe và phúc lợi của nhân loại. … Hơn nữa, có bằng chứng khoa học đáng kể cho thấy sự gia tăng carbon dioxide trong khí quyển tạo ra nhiều tác động có lợi đối với môi trường động thực vật tự nhiên của Trái Đất.”
Điều được kết luận là thất bại nặng nề của nỗ lực kéo dài ba thập niên của các cơ quan của 195 quốc gia thuộc Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc nhằm thuyết phục bất kỳ ai khác ngoài chính họ, môt hãng truyền thông nhẹ dạ, và một số tương đối ít người cả tin rằng biến đổi khí hậu đại diện cho một mối đe dọa sống còn. Thăm dò ý kiến trong nhiều thập niên cho thấy công chúng đánh giá thấp biến đổi khí hậu khi được yêu cầu xếp hạng tầm quan trọng của vấn đề này.
Một cuộc thăm dò ý kiến của Gallup được công bố trong tuần này (01-07/08), hỏi những người dân Mỹ rằng, “Quý vị nghĩ vấn đề quan trọng nhất mà ngày nay đất nước này đang phải đối mặt là gì?” đã cho thấy rằng biến đổi khí hậu không đáp ứng các tiêu chí của cuộc thăm dò dành cho nhiều vấn đề đáng được nêu ra. Như Gallup đã lưu ý, “Nhiều khu vực trên toàn quốc đã phải hứng chịu nắng nóng kỷ lục trong những tuần gần đây, và các khu vực khác đã hứng chịu lũ lụt kỷ lục. Nhưng chỉ có 3% người Mỹ đề cập đến vấn đề thời tiết, môi trường hoặc biến đổi khí hậu như là vấn đề hàng đầu của quốc gia.”
Vì vậy, hồi tháng trước (07/2022), cũng “chỉ có 1% các cử tri trong cuộc thăm dò gần đây của New York Times/Siena College gọi biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng nhất mà đất nước đang phải đối mặt … Ngay cả trong số những cử tri dưới 30 tuổi, nhóm được cho là quan tâm đến vấn đề này nhất, thì con số đó là 3%.”
Mặc dù hầu hết giới tinh hoa tiếp tục đãi bôi về sự cấp thiết của việc hạn chế carbon dioxide, nhưng lời nói và việc làm của họ không đi đôi với nhau, cho dù là đánh giá qua xu hướng đi phi cơ riêng hay cam kết không trung thực của họ đối với các chính sách liên quan đến khí hậu. Theo một thông báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hồi tuần trước (25-31/07), một lần nữa than đá trở thành vua: Nhu cầu than toàn cầu trong năm nay sẽ “tương đương với kỷ lục hàng năm được thiết lập vào năm 2013, và nhu cầu than có thể sẽ tăng hơn nữa trong năm tới lên mức cao nhất mọi thời đại mới.” Đánh giá của IEA tương ứng với xu hướng đón nhận sử dụng than trên toàn thế giới, tính cả ở Liên minh Âu Châu, vốn cho đến gần đây là địa khu quở trách sốt sắng nhất trên thế giới về khí hậu. EU hiện đang rút trở lại các cam kết Net Zero của khối.
Ở một số quốc gia, các chính phủ loại bỏ các chính sách khí hậu một cách không thương tiếc hơn là rút lại chúng. Gọi các tuabin gió là “các cây quạt” gây hại cho môi trường và gây “ô nhiễm thị giác” trong khi không cung cấp nhiều năng lượng, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cho biết chính phủ của ông sẽ chấm dứt trợ cấp và ngừng cấp giấy phép cho các dự án gió mới. Israel cũng chuẩn bị từ bỏ ngành năng lượng gió của quốc gia này. Bộ trưởng bảo vệ môi trường của Israel lập luận rằng gió mang lại “đóng góp không đáng kể” cho hệ thống điện của đất nước “so với nguy cơ gây hại rất lớn cho thiên nhiên.”
Nhận ra rằng các nguồn năng lượng tái tạo là những dự án vô ích lãng phí về kinh tế và môi trường, như Mexico và Israel đã làm, là một bước tiến để phá vỡ xảo ngôn cho rằng một loại nhiên liệu thải ra carbon dioxide có thể được thay thế một cách hợp lý. Chỉ còn cần phải chờ một thứ nữa lộ rõ ra là xảo ngôn về việc nên thay thế các loại nhiên liệu thải ra carbon dioxide.
Tuyên bố kỳ quặc cho rằng CO2 là một chất ô nhiễm hoàn toàn không có cơ sở. Tuyên bố năm 2008 của 31,000 chuyên gia (Đơn Kiến Nghị Oregon) — rằng “không có bằng chứng khoa học thuyết phục nào cho thấy việc con người thải ra khí carbon dioxide, methane, hoặc các khí nhà kính khác đang hoặc sẽ gây ra trong tương lai gần, dẫn đến sự nóng lên thảm khốc của bầu khí quyển Trái Đất và phá vỡ Khí hậu Trái Đất” ngày nay vẫn đúng như thời đó, và vẫn luôn như vậy. Không một khoa học gia nào ở bất kỳ thời điểm nào đã chứng minh được rằng khí thải CO2 do con người tạo ra — hay còn gọi là phân bón của tự nhiên — có thể gây hại cho bất cứ thứ gì.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bà Patricia Adams là một nhà kinh tế học và là Chủ tịch của tổ chức nghiên cứu Energy Probe Research Foundation và Probe International, một tổ chức tư vấn độc lập ở Canada và trên thế giới. Bà là chủ biên của dịch vụ tin tức Internet Three Gorges Probe và Odious Debts Online và là tác giả hoặc biên tập viên của nhiều cuốn sách. Các cuốn sách và bài báo của bà đã được dịch sang tiếng Trung, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Bengali, tiếng Nhật, và tiếng Indonesia. Quý vị có thể liên lạc với bà tại [email protected]
Ông Lawrence Solomon là một ký giả chuyên mục của The Epoch Times, tác giả, và giám đốc điều hành của Viện Chính sách Người tiêu dùng ở Toronto.