Đại sứ quán Hoa Kỳ cảnh báo an ninh do các cuộc tấn công vào các doanh nghiệp Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ
Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi cảnh báo tới công dân Mỹ.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra một cảnh báo an ninh do các cuộc biểu tình và tấn công gần đây nhắm vào các doanh nghiệp mang thương hiệu Hoa Kỳ tại quốc gia này trong bối cảnh xung đột Israel-Hamas.
“Các cuộc biểu tình chỉ trích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục diễn ra cùng với những lời kêu gọi tẩy chay các doanh nghiệp Hoa Kỳ,” đại sứ quán cho biết trong một thông báo hôm 08/11. “Các cuộc tụ tập đông người có thể dẫn đến tăng cường sự hiện diện của cảnh sát, đường bị đóng, và gián đoạn giao thông.”
Bản thông báo lưu ý rằng các cuộc biểu tình, kể cả những cuộc biểu tình “có chủ ý là ôn hòa,” có thể “biến thành bạo lực.” Thông báo cũng nói rằng “các cuộc biểu tình gần đây tại các quán cà phê và chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh nổi tiếng của Hoa Kỳ ở Turkiye đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh và leo thang dẫn đến việc phá hoại, hư hại tài sản, và một số người bị thương.” Turkiye được đề cập là cách viết khác của tên quốc gia này bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ.
Hồi tháng Mười, đoạn video được tải lên mạng cho thấy những kẻ bạo loạn ủng hộ Palestine đã tấn công nhiều doanh nghiệp có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong đó có một nhà hàng McDonald’s, ở Istanbul, thành phố lớn nhất nước này. Trong một vụ việc khác, hãng thông tấn địa phương Duvar English đưa tin rằng hôm 30/10, một người đàn ông đã bị bắt vì tấn công một địa điểm của Burger King và đâm một nhân viên ở tỉnh Adana, cho rằng thức ăn bị nhiễm “máu em bé.”
Theo thông báo của đại sứ quán, người Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ được khuyến nghị nên “tránh gây chú ý,” tránh các cuộc biểu tình và đám đông, và hãy theo dõi truyền thông địa phương để cập nhật thông tin, đồng thời lưu ý đến môi trường xung quanh. Các chi tiết khác không được đưa ra.
Hiện tại, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ xếp Thổ Nhĩ Kỳ vào [cảnh báo] Cấp độ 2, khuyến nghị công dân Hoa Kỳ “tăng cường thận trọng.” Họ cũng khuyên người Mỹ không nên đi đến tỉnh Sirnak, tỉnh Hakkari, hoặc bất kỳ khu vực nào trong vòng 6 dặm từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Theo Reuters, thông báo này được đưa ra khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 07/11, được cho là đã bắt đầu loại bỏ các sản phẩm của Coca-Cola và Nestle khỏi các nhà hàng của nước này vì cáo buộc hai công ty này ủng hộ Israel trong cuộc xung đột ở Gaza.
Đại hội đồng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Sản phẩm của các công ty nào ủng hộ Israel sẽ không được bán trong các nhà hàng, quán cà phê, và quán trà trong khuôn viên Quốc hội.”
Trong những ngày gần đây, các nhà hoạt động Thổ Nhĩ Kỳ đã nêu tên cả hai công ty này trong các bài đăng trên mạng xã hội, kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Israel và các công ty của phương Tây mà họ cho là đang ủng hộ Israel. Hành động của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những hành động đầu tiên của một chính phủ hoặc tổ chức lớn nhắm vào các thương hiệu lớn toàn cầu vì cuộc chiến kéo dài một tháng qua giữa Israel và nhóm khủng bố Hamas của người Palestine.
Những cảnh báo khác
Tháng trước, trong một hành động hiếm hoi, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo “thận trọng trên toàn thế giới,” được gia hạn hôm 09/11, cho những người Mỹ đi du lịch hoặc đang sống ở ngoại quốc.
Cảnh báo đó đã không viện dẫn ra một quốc gia hoặc cuộc xung đột cụ thể nào nhưng nói rằng “do căng thẳng gia tăng ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thế giới, các cuộc tấn công khủng bố tiềm ẩn, biểu tình hoặc hành động bạo lực chống lại công dân và lợi ích của Hoa Kỳ, nên Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Hoa Kỳ ở ngoại quốc phải tăng cường thận trọng.”
Sau đó, bộ này khuyên công dân Hoa Kỳ nên luôn cảnh giác ở những địa điểm có nhiều khách du lịch lui tới, ghi danh tham gia chương trình đi lại của cơ quan này, và theo dõi cơ quan này trên mạng xã hội để nhận cảnh báo và thông tin cập nhật. Các chi tiết khác đã không được cung cấp.
Tháng trước, Bộ Ngoại giao đã nâng cảnh báo đi lại đối với cả Israel và Lebanon phụ cận lên Cấp độ 4, tức là mức cao nhất. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Beirut cũng cho phép nhân viên không thuộc tình huống khẩn cấp và thành viên gia đình rời khỏi Lebanon và Israel.
Cuối tuần trước, các quan chức đại sứ quán đã yêu cầu người Mỹ rời khỏi Lebanon giữa lúc cuộc xung đột đang diễn ra.
“[Bộ Ngoại giao] khuyến nghị công dân Hoa Kỳ ở Lebanon rời đi ngay bây giờ trong khi các chuyến bay thương mại vẫn được cung cấp do tình hình an ninh khó lường,” cơ quan này đăng trên mạng xã hội hôm 04/11.
Bài đăng này gợi ý rằng những người Mỹ vẫn ở Lebanon nên “có một kế hoạch hành động cho các tình huống khủng hoảng mà không dựa vào sự trợ giúp của chính phủ Hoa Kỳ,” và nói thêm rằng “việc quân đội Hoa Kỳ trợ giúp di tản thường dân khỏi một quốc gia ngoại quốc là rất hiếm.”
Bộ này nói tiếp: “Không bảo đảm rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ di tản thường dân Hoa Kỳ và các thành viên gia đình của họ trong tình huống xảy ra khủng hoảng.” Bộ này không liệt kê bất kỳ mối đe dọa cụ thể nào mà người Mỹ ở Lebanon có thể phải đối mặt.
Các quốc gia khác ở khu vực trong mức cảnh báo Cấp độ 4, tức là “không đi đến,” bao gồm Iraq, Syria, Yemen, Iran, và Afghanistan.
Người đứng đầu Ngũ Giác Đài Lloyd Austin cho biết trong một tuyên bố rằng cảnh báo mới nhất này được đưa ra khi các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tấn công nhiều mục tiêu ở Syria. Ông cho hay cuộc tấn công ở miền đông nước này là do Tổng thống Joe Biden ra lệnh.
Ông Austin cho biết: “Cuộc tấn công tự vệ chính xác này là một phản ứng trước một loạt các cuộc tấn công nhắm vào quân nhân Hoa Kỳ ở Iraq và Syria bởi các nhánh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi Giáo Iran (IRGC-Quds).”
Các quan chức cho biết, vài tuần trước, Hoa Kỳ đã tiến hành những cuộc tấn công nhắm vào các mục tiêu có liên quan đến Iran ở nước này, đáp trả các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và phi cơ không người lái gần đây nhắm vào quân đội Mỹ trong khu vực. Vào thời điểm đó, một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài cho biết một khu trục hạm của Hải quân Hoa Kỳ cũng đã bắn hạ các hỏa tiễn và phi cơ không người lái được phóng từ Yemen vốn được cho là đang hướng tới Israel hồi tháng trước.