Đại sứ Mỹ cho biết Hoa Kỳ cam kết tuân theo hiệp định đại dịch của WHO
Tuần này (27/02-05/03), nhà đàm phán chính đại diện cho Hoa Kỳ trong các cuộc thảo luận về hiệp định đại dịch toàn cầu cho biết trong một tuyên bố rằng Hoa Kỳ cam kết tuân thủ hiệp định trong bối cảnh tranh luận về tài liệu dự thảo này.
Các nhà lãnh đạo sẽ nhóm họp vào tuần này tại Geneva như một phần của cuộc họp lần thứ tư của Cơ quan Đàm phán Liên chính phủ (INB) để xem xét một bản “Dự thảo ban đầu” (pdf) của thỏa thuận.
INB được Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thành lập vào tháng 12/2021 để “soạn thảo và đàm phán một công ước, thỏa thuận hoặc văn kiện quốc tế khác theo Hiến chương của Tổ chức Y tế Thế giới nhằm tăng cường việc phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.”
Bản dự thảo ban đầu đã được phát hành trong tháng này và đang được tranh luận trong cuộc họp tuần này và sẽ tiếp tục vào tháng Tư. INB sẽ ra một báo cáo về việc phát triển hiệp định tại WHA vào tháng Năm với báo cáo cuối cùng dự kiến vào năm 2024. Nghị trình thảo luận tuần này là quyết định liệu bản dự thảo có phải là cơ sở đàm phán cho một hiệp định đại dịch hay không và thảo luận chuyên sâu về tài liệu này.
Khuyến nghị của đại sứ
Nhà đàm phán về đại dịch của Hoa Kỳ cho hiệp định được đề xướng nêu trên, Đại sứ Pamela Hamamoto, cho biết trong tuần này rằng Hoa Kỳ cam kết xây dựng hiệp định thành một phần của một “thành phần chính của cấu trúc y tế toàn cầu cho các thế hệ mai sau.”
“Cam kết chung, nguyện vọng chung và trách nhiệm chung sẽ cải thiện đáng kể hệ thống của chúng ta trong việc ngăn ngừa, chuẩn bị, và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp do đại dịch trong tương lai,” bà nói. “Chúng tôi tìm kiếm một Hiệp định Đại dịch để xây dựng các năng lực; giảm thiểu các mối đe dọa đại dịch do các bệnh lây truyền từ động vật sang người; cho phép phản ứng nhanh chóng và công bằng hơn; và thiết lập nguồn tài chính bền vững, quản trị, và trách nhiệm giải trình để cuối cùng phá vỡ chu kỳ hoảng loạn và bỏ bê.”
Bà Hamamoto cho biết dự thảo này còn rất nhiều chỗ phải cải thiện và đặc biệt chỉ ra rằng tài liệu này nhấn mạnh hơn một cách không cân xứng vào việc ứng phó thay vì phòng ngừa và chuẩn bị.
“Mặc dù chúng ta cần tránh lặp lại các yếu tố quan trọng có trong Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR), chẳng hạn như giám sát và cảnh báo, nhưng chúng ta cũng cần thảo luận về cách tốt nhất để nói về vấn đề phòng ngừa và chuẩn bị cho đại dịch ở đây,” bà nói thêm. “Những nỗ lực này nên hỗ trợ và bổ sung cho nhau.”
Bà nói thêm rằng Hoa Kỳ muốn thấy sự tập trung vào “tính công bằng” trong dự thảo, để “mang tính hòa nhập và có thể áp dụng để cải thiện sức khỏe và phúc lợi của tất cả mọi người” không chỉ giữa các quốc gia mà còn “ngay bên trong nội bộ các quốc gia đó.”
“Không chỉ bảo vệ người dân khỏi đại dịch — mà còn khỏi bệnh tật, tử vong, và việc gián đoạn khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu trong thời kỳ đại dịch, bao gồm cả các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tính dục,” bà nói trong bức thư ngày 27/02.
Bà Hamamoto cho biết Hoa Kỳ không đồng thuận về “những trách nhiệm và năng lực chung nhưng có sự khác biệt,” điều mà bà cho là “không phù hợp” trong bối cảnh phòng ngừa, chuẩn bị, và ứng phó với đại dịch.
Dự thảo về thỏa thuận này giải thích rằng hiệp định nên nhấn mạnh “việc cải thiện hoạt động phòng chống đại dịch, chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó và phục hồi hệ thống y tế dựa trên cam kết về trách nhiệm giải trình lẫn nhau, tính minh bạch và những trách nhiệm chung nhưng có sự khác biệt của tất cả các Quốc gia Thành viên và các bên liên quan.”
Khái niệm về những trách nhiệm và khả năng chung nhưng có sự khác biệt nói rằng tất cả các quốc gia thành viên đều chịu trách nhiệm đối với sức khỏe của người dân họ.
“Vì sức khỏe của tất cả mọi người phụ thuộc vào sự hợp tác đầy đủ nhất của các cá nhân và các Quốc gia, tất cả các Bên đều bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ [trong hiệp định được đề xướng] của WHO,” bản dự thảo nêu rõ. “Các quốc gia nắm giữ nhiều nguồn lực hơn liên quan đến đại dịch, bao gồm các sản phẩm liên quan đến đại dịch và năng lực sản xuất, nếu thích hợp, phải chịu một mức độ trách nhiệm khác biệt tương xứng đối với việc ngăn ngừa, chuẩn bị, ứng phó và phục hồi trong đại dịch toàn cầu.”
Dự thảo nêu rõ thêm mục tiêu là hỗ trợ mọi bên tham gia đạt được năng lực ở mức cao nhất đồng thời ưu tiên các nhu cầu cụ thể và hoàn cảnh đặc biệt của các nước đang phát triển có thể không có khả năng ứng phó tốt với đại dịch.
“Chúng tôi mong muốn tìm kiếm điểm chung để bảo đảm tốt nhất việc áp dụng phổ biến đồng thời bảo đảm năng lực được tăng cường để các quốc gia có thể đáp ứng các nghĩa vụ của mình.”
Vị Đại sứ Mỹ này cũng cho biết Hoa Kỳ lo ngại về ngôn ngữ tài trợ trong hiệp định liên quan đến việc phân bổ cụ thể ngân sách trong nước hoặc GDP, và hy vọng sẽ làm việc để xác định các phương thức tài trợ phù hợp cho hiệp định.
Bà nói thêm rằng hiệp định này phải “vượt qua được thử thách của thời gian” trong khi xây dựng dựa trên các đại dịch trước đó và cũng tạo ra các giải pháp “linh hoạt và có khả năng thích ứng.”
“Bằng cách tạo ra các giải pháp linh hoạt và có khả năng thích ứng, bằng cách đưa ra các cam kết rõ ràng về các yếu tố kích hoạt và trách nhiệm, đồng thời bằng cách tăng cường việc phối hợp và các năng lực, chúng ta có thể cùng nhau xây dựng một cấu trúc y tế toàn cầu mạnh mẽ hơn cho tất cả mọi người.”
Hiệp định có thể làm được gì
“Các quốc gia đã đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng thế giới phải được chuẩn bị, phối hợp, và hỗ trợ tốt hơn để bảo vệ tất cả mọi người, ở mọi nơi, khỏi sự lặp lại của COVID-19,” ông Roland Driece, Đồng Chủ tịch của INB, cho biết. “Quyết định giao nhiệm vụ cho chúng tôi phát triển một dự thảo ban đầu về hiệp định đại dịch thể hiện một cột mốc quan trọng trên con đường hướng tới mục tiêu làm cho thế giới an toàn hơn.”
Một số người lo lắng rằng hiệp định này có thể cản trở quyền tự chủ của từng quốc gia khi ứng phó với đại dịch, trong khi những người khác cho rằng hiệp định này không có phương tiện thực thi pháp lý thực chất.
“Bản dự thảo này cần hao tâm tổn trí hơn tôi mong đợi,” bà Kelley Lee, đồng giám đốc khoa học tại Viện Thái Bình Dương về Mầm bệnh, Đại dịch và Xã hội (PIPPS), cho biết. “Nhưng nó vẫn chưa đủ phần cốt lõi thực chất để bảo đảm rằng lần sau chúng ta chắc chắn sẽ có phản ứng tốt hơn.”
Theo Nature, các nhà nghiên cứu lo ngại hiệp ước ở dạng hiện tại là quá yếu để ràng buộc các bên ký kết tuân theo các quy tắc của nó.
“Hiệp định vẫn phụ thuộc khá nhiều vào sự tuân thủ tự nguyện,” bà Lee nói với Nature.
Cựu nữ nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc Đảng Cộng Hòa Michelle Backmann gọi khả năng Hoa Kỳ tham gia hiệp định này là một hành động thâu tóm quyền lực của chính phủ Tổng thống Biden.
“Chưa bao giờ có một vụ thâu tóm quyền lực nào lớn hơn vụ thâu tóm quyền lực này — và nó đang được dẫn dắt bởi chính phủ Tổng thống Biden,” bà Bachmann nói với ông Tony Perkins, chủ tịch Hội đồng Nghiên cứu Gia đình (FRC). “Toàn bộ mục đích của luật này là 194 quốc gia, tất cả các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, sẽ từ bỏ chủ quyền của họ về chăm sóc sức khỏe cho Tổ chức Y tế Thế giới.”
Bà nói thêm bà tin rằng hiệp định sẽ trao quyền cho WHO ra quyết định về những vấn đề như vaccine, khẩu trang, phong tỏa, và chuỗi cung ứng.
Quyền tự trị của Hoa Kỳ
Mặc dù tài liệu này (pdf) có một số ngôn ngữ dành cho các thỏa thuận mang tính ràng buộc về mặt pháp lý và không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng Hoa Kỳ sẽ vẫn giữ nguyên quyền tự trị ngay cả khi tham gia hiệp ước vào năm tới.
“Các Bên cam kết bảo vệ các nguyên tắc nhân đạo của con người, tính trung lập, khách quan và độc lập, đồng thời tạo điều kiện cho nhân viên và hàng hóa nhân đạo không bị cản trở tiếp cận,” bản dự thảo ban đầu cho biết. “Cam kết tạo điều kiện tiếp cận như vậy được hiểu là ràng buộc về mặt pháp lý và áp dụng trong mọi trường hợp, phù hợp với các nguyên tắc nhân đạo.”
Ngôn ngữ khác trong tài liệu có chứa ngôn ngữ ràng buộc pháp lý bao gồm việc chia sẻ thông tin liên quan đến bất kỳ loại virus nào, chẳng hạn như chia sẻ trình tự bộ gene theo Hệ thống Chia sẻ Lợi ích và Truy cập Mầm bệnh (PABS) được đề xướng.
“Hệ thống PABS sẽ phù hợp với các khuôn khổ pháp lý quốc tế, đặc biệt là các khuôn khổ để thu thập mẫu bệnh phẩm, vật liệu và dữ liệu, đồng thời sẽ thúc đẩy các nền tảng toàn cầu và khu vực hiệu quả, có cùng tiêu chuẩn, theo thời gian thực nhằm thúc đẩy dữ liệu có thể tìm kiếm, có thể truy cập, có thể tương tác và tái sử dụng cho tất cả các Bên,” bản dự thảo ban đầu nêu rõ.
Các quốc gia cũng được khuyến khích kết hợp các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc gia của mình để bảo vệ nhân quyền trong quá trình chuẩn bị, phòng ngừa, ứng phó, và phục hồi đại dịch.
Tài liệu dự thảo này nên lên mục tiêu “tái khẳng định nguyên tắc chủ quyền của các Quốc gia Thành viên trong việc giải quyết các vấn đề y tế công cộng mang tính lặp lại, đặc biệt là trong việc phòng chống, chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó với đại dịch và phục hồi các hệ thống y tế.”
Dự thảo này của WHO cũng cho biết tầm nhìn của thỏa thuận là cố gắng vì một thế giới “nơi đại dịch được kiểm soát hiệu quả” đồng thời “công nhận quyền chủ quyền của các quốc gia.”
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times