Đài Loan tuyên bố sẽ tuân thủ các quy tắc xuất cảng vi mạch mới nhất do Hoa Kỳ ban hành nhằm vào Trung Quốc
Chuyên gia nói rằng Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào Đài Loan hơn là theo chiều ngược lại
Hôm 07/10, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố mở rộng các biện pháp kiểm soát xuất cảng mới sẽ ngăn Trung Quốc tiếp cận một số vi mạch bán dẫn được sản xuất theo công nghệ của Hoa Kỳ, bất kể các vi mạch đó có được sản xuất tại Hoa Kỳ hay không.
Trước hành động mới này, Bộ Kinh tế Đài Loan hôm 08/10 cho biết các công ty Đài Loan sẽ tuân thủ các biện pháp mới nhất do Hoa Kỳ đưa ra.
Theo Reuters, “Ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan từ lâu đã phục vụ khách hàng toàn cầu và coi trọng việc tuân thủ luật pháp.”
Hành động mới này là nỗ lực gần đây nhất của chính phủ ông Biden nhằm cản trở quá trình hiện đại hóa quân sự của một Trung Quốc ngày càng trở nên thù địch.
Mặc dù nền kinh tế Đài Loan vẫn phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, nhưng các chuyên gia tin rằng ngược lại – Trung Quốc có sự phụ thuộc tổng thể lớn hơn vào Đài Loan về chất bán dẫn của họ. Và rằng bất kỳ hành động thù địch nào của Trung Quốc đối với hòn đảo này đều có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho nền kinh tế Trung Quốc.
‘Bất kỳ hành động xâm lược nào của Trung Quốc đều có thể phản tác dụng’
Một báo cáo được công bố hôm 07/10 gần đây của Bloomberg nói rằng Hoa Kỳ “sẽ xem xét việc sơ tán các kỹ sư vi mạch có tay nghề cao của Đài Loan” trong trường hợp xấu nhất nếu Trung Quốc xâm lược, trích dẫn những người quen thuộc với các cân nhắc của chính phủ ông Biden.
Trả lời về chủ đề này, Bộ Kinh tế Đài Loan hôm 08/10 cho biết cộng đồng quốc tế, bao gồm cả chính quyền Trung Quốc, nên hiểu rằng nền kinh tế Đài Loan gắn bó chặt chẽ với nền kinh tế thế giới, trong đó có Trung Quốc. Và đối với thế giới, hòa bình và an ninh ở eo biển Đài Loan là lợi ích tốt nhất của tất cả các bên.
Bộ nói thêm rằng sự bất ổn ở eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ gây nguy hiểm cho an ninh của khu vực Á Châu-Thái Bình Dương, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng là một phần của chuỗi cung ứng chất bán dẫn quan trọng.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun, Bộ trưởng Kinh tế Đài Loan Wang Mei-Hua cho biết Trung Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Đài Loan về nhập cảng chất bán dẫn của họ. Và rằng bất kỳ sự cố nào xảy ra ở eo biển Đài Loan sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng này và tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc.
Bà nói thêm rằng nếu Bắc Kinh sử dụng chất bán dẫn do Đài Loan sản xuất theo cách đe dọa an ninh của Đài Loan, xuất cảng của họ sẽ bị hạn chế hoặc kiểm soát theo các quy tắc và quy định quốc tế.
Phụ thuộc nhiều vào vi mạch sản xuất tại Đài Loan
Hôm 05/10, Liên minh Dân chủ Kinh tế Đài Loan (EDU) đã tổ chức một diễn đàn phân tích những rủi ro địa chính trị của Đài Loan và vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.
Trong diễn đàn, ông Wu Jieh-min, nhà nghiên cứu tại Học viện quốc gia Đài Loan Academia Sinica, và ông Li Pao-wen, một giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Châu Á-Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn, cũng chỉ ra mức độ phụ thuộc cao của Trung Quốc vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn của Đài Loan.
Ông cho biết theo cục ngoại thương của Đài Loan, tổng kim ngạch xuất cảng chất bán dẫn từ Đài Loan sang Trung Quốc và Hồng Kông vào khoảng 68.36 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 60.4% tổng xuất cảng sang các thị trường toàn cầu.
Ngoài ra, trong cùng năm đó, tổng xuất cảng chất bán dẫn của Đài Loan sang Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 49.4% tổng xuất cảng của Đài Loan (của tất cả hàng hóa và dịch vụ) sang Trung Quốc và Hồng Kông.
Ông Wu giải thích rằng mặc dù Đài Loan dường như xuất cảng một khối lượng lớn các sản phẩm bán dẫn sang Trung Quốc, nhưng hầu hết chỉ đến đó để phục vụ cho quá trình lắp ráp và sau đó được xuất cảng sang các nước khác.
Ông nói rằng Trung Quốc không phải là thị trường tiêu thụ cuối cùng trong khi ước tính hơn 2/3 là hàng tái xuất cảng ra toàn thế giới. Do đó, sự phụ thuộc của Đài Loan vào thị trường Trung Quốc “phần nào bị thổi phồng quá mức,” và nói thêm rằng xuất cảng trong tương lai từ Đài Loan sang Trung Quốc dự kiến sẽ giảm do Trung Quốc mất vị thế công xưởng thế giới, và chuỗi cung ứng sản xuất chuyển dần sang Đông Nam Á.
Ông Wu cũng đề cập rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng cái gọi là “kế hoạch hợp nhất quân sự-dân sự” để có thêm vi mạch từ Đài Loan trong bối cảnh các lệnh trừng phạt nặng nề của Hoa Kỳ. Ông cho biết các công ty Trung Quốc sẽ đặt mua vi mạch để “sử dụng cho mục đích phi quân sự [dân sự]” như một cái bình phong nhưng sau đó sẽ sử dụng chúng cho mục đích quân sự.
‘Đài Loan là quá quan trọng để đánh mất’
Ông Wu cho biết theo TrendForce, nhà cung cấp dữ liệu thị trường chất bán dẫn hàng đầu, Công ty Bán dẫn Đài Loan (TSMC) chiếm 55% thị trường đúc toàn cầu vào năm 2020, United Microelectronics Corp. (UMC) chiếm 7%, PowerChip Semiconductor Manufacturing Corp. (PSMC) chiếm 2%, và Vanguard International Semiconductor Corp. (VIS) chiếm 1%.
Tất cả các công ty được đề cập đều có trụ sở chính tại Đài Loan. Do đó, chỉ riêng các nhà sản xuất vi mạch Đài Loan đã chiếm tới 65% doanh nghiệp đúc toàn cầu.
Trong số đó, TSMC sản xuất 92% vi mạch tiên tiến trên thế giới với các nút xử lý dưới 10 nanomet, Wu cho biết thêm rằng chỉ riêng lý do này đã khiến Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế cảnh giác cao độ trước bất kỳ sự xâm lược tiềm tàng nào của Trung Quốc đối với hòn đảo này.
Ông Wu cho hay một số người tham gia thị trường tin rằng Samsung có khả năng cạnh tranh với TSMC, nhưng quan điểm của ông lại khác. Ông cho biết Samsung không lý tưởng về mặt sản lượng, nhưng TSMC lại có sản lượng rất cao, khiến họ trở thành công ty dẫn đầu thế giới về sản xuất tấm wafer.
Ông nói thêm rằng tổng đóng góp (và giá trị gia tăng) của các ngành liên quan đến chất bán dẫn của Đài Loan sẽ chiếm khoảng 13% GDP của Đài Loan vào năm 2022, tăng 2% so với 11% vào năm 2021. Ngoài ra, vốn hóa thị trường của TSMC chiếm khoảng 26% tổng vốn hóa thị trường của Đài Loan, cho thấy tầm quan trọng to lớn của ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan.
Mặt khác, ông Li Pao-wen, diễn giả khác tại sự kiện nói trên và là giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc và Á Châu-Thái Bình Dương của Đại học Quốc gia Tôn Trung Sơn tin rằng Đài Loan hiện là “tài sản hơn là gánh nặng” đối với Hoa Kỳ trong cuộc cạnh tranh chiến lược Hoa Kỳ-Trung Quốc.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times