Chuyên gia: Khủng hoảng thủy điện ở Tứ Xuyên của Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến sản xuất chất bán dẫn
Nhiệt độ cao và hạn hán khắp miền nam Trung Quốc trong tháng Tám đã khiến nhiều nơi ở tỉnh Tứ Xuyên buộc phải áp đặt việc cắt điện đối với các ngành công nghiệp. Sự gián đoạn này có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất chất bán dẫn ở thành phố Thành Đô và ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty Đài Loan và chuỗi cung ứng bán dẫn.
Là một cường quốc sản xuất chất bán dẫn, tỉnh lỵ Thành Đô của Tứ Xuyên đã thu hút nhiều công ty bán dẫn quốc tế và Trung Quốc, bao gồm các công ty thử nghiệm như SK Hynix; các công ty thiết kế vi mạch bán dẫn như NXP Semiconductors, Unisoc, và Vimicro; và các công ty khác như China Resources Microelectronics, CSEC, AOS, Tsinghua Unigroup’s DRAM, và Xinxin Quantum.
Bà Liêu Bội Chân (Liu Pei-chen), một chuyên gia về ngành bán dẫn và là giám đốc của Dịch vụ Kinh tế Công nghiệp Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 28/08 rằng mặc dù tác động của việc hạn chế năng lượng đối với ngành công nghiệp bán dẫn ở Tứ Xuyên là rất hạn chế trong giai đoạn này, nhưng việc này đáng để quan tâm và mọi người nên chú ý đến tình hình.
Bà Liêu chỉ ra rằng dưới những thay đổi địa chính trị tổng thể, cùng với môi trường hoạt động tương đối bất lợi của Trung Quốc đối với các công ty nội địa và ngoại quốc, vị thế trung tâm sản xuất chất bán dẫn của Thành Đô có thể sớm thay đổi.
Bà nói thêm rằng các nhà đầu tư ngoại quốc đang thận trọng hơn đối với việc đầu tư trong bối cảnh căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc gia tăng, các lệnh trừng phạt mà Hoa Thịnh Đốn áp đặt lên một số quan chức và các công ty Trung Quốc, cũng như các đợt phong tỏa COVID-19 hà khắc của Trung Quốc và nguồn cung cấp điện không ổn định ở Trung Quốc trong tương lai.
Theo giới truyền thông Trung Quốc, tình trạng thiếu điện ở Tứ Xuyên đã giảm bớt trong hôm 28/08 do mưa giảm ở một số khu vực. Tỉnh này đã khôi phục điện cho công thương nghiệp nói chung. Mức tiêu thụ điện của các ngành công nghiệp lớn, ngoại trừ ngành năng lượng chịu tải cao, đang dần được khôi phục. Mức tiêu thụ điện của các ngành công nghiệp lớn sẽ hoàn toàn trở lại bình thường sau khi nguồn nước cho thủy điện được cải thiện.
Theo các nhà tham gia thị trường, việc cắt điện kéo dài 6 tháng ở Tứ Xuyên và Trùng Khánh — là các trung tâm sản xuất xe hơi, hóa chất, quang năng lượng mặt trời, điện tử, và chất bán dẫn — chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng điện tử ở địa phương. Do các yếu tố thời tiết và môi trường, các doanh nghiệp buộc phải hợp tác với những hạn chế bắt buộc về điện năng, làm gián đoạn tiến độ sản xuất của họ.
Đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc
Hôm 25/08, Bộ trưởng Bộ Kinh tế Đài Loan Vương Mỹ Hoa hôm 25/08 cho biết Tứ Xuyên và Trùng Khánh là những cơ sở lắp ráp máy điện toán xách tay và thiết bị điện tử tiêu dùng quan trọng cho các công ty Đài Loan có đầu tư vào Trung Quốc, và thị trường toàn cầu đang theo dõi tác động của việc cắt giảm điện đối với các chuỗi cung ứng.
Theo Bộ Kinh tế Đài Loan, các tác động ngắn hạn đối với các nhà vận hành lắp ráp này đang được giải quyết thông qua việc sản xuất ngoài giờ cao điểm, sử dụng hàng tồn kho hiện có, và quản lý sản xuất. Mặc dù cần nhiều thời gian hơn để hiểu các tác động lâu dài, nhưng bà Vương nói rằng họ sẽ liên lạc chặt chẽ với các nhà vận hànhđó.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Đầu tư của Bộ Kinh tế (MOEAIC), đầu tư được chấp thuận vào Trung Quốc đại lục đạt 5.863 tỷ USD trong năm 2021, chiếm khoảng 35% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đại lục vẫn là tâm điểm đầu tư ra ngoại quốc của các doanh nghiệp Đài Loan.
Theo thống kê của MOEAIC, từ năm 2016 đến tháng 07/2022, đầu tư được chấp thuận của Đài Loan vào Trung Quốc lần lượt là 9.67 tỷ USD, 9.248 tỷ USD, 8.497 tỷ USD, 4.173 tỷ USD, 5.906 tỷ USD, 5.863 tỷ USD, và 2.115 tỷ USD. Mức giá trị đầu tư đã giảm đáng kể kể từ năm 2019, cho thấy hầu hết các khoản đầu tư của Đài Loan đã chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Do Yun Yun Huang thực hiện
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times