Đài Loan có thể tái kích hoạt các nhà máy hạt nhân trong trường hợp bị Trung Quốc phong tỏa
Hôm 28/05, một ủy viên lập pháp cho biết Đài Loan dự trù duy trì các nhà máy điện hạt nhân vốn đang ngừng hoạt động để bảo đảm sẵn sàng cho sự tái kích hoạt trong trường hợp khẩn cấp, kể cả trong khả năng bị Trung Quốc phong tỏa.
Theo Taiwan News, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) trả lời một câu hỏi được đặt ra trong diễn đàn của Đại học Quốc gia Đài Loan về việc hòn đảo tự trị này sẽ ứng phó như thế nào nếu những căng thẳng xuyên eo biển cản trở hoạt động nhập cảng khí đốt tự nhiên của họ.
“Trong những trường hợp như vậy, thì các cơ quan liên quan đang trù tính cách để duy trì các nhà máy vốn đã ngừng hoạt động để có thể được sử dụng trong tương lai nếu như cần thiết trong một trường hợp khẩn cấp,” ông Lại, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, cho biết.
Bình luận về phát ngôn của ông Lại, phát ngôn viên Chang Chih-hao của DPP cho biết chính phủ vẫn cam kết để trở thành một “quốc gia không có hạt nhân” và sẽ tiếp tục mở rộng các nguồn năng lượng tái tạo của đất nước.
Đảng DPP đặt mục tiêu loại bỏ dần việc sản xuất điện hạt nhân vào năm 2025. Đài Loan tìm cách đạt được một sự kết hợp năng lượng gồm 20% nguồn tái tạo, 30% than đá, và 50% khí đốt tự nhiên.
Theo Hiệp hội Hạt nhân Thế giới, Đài Loan nhập cảng 98% năng lượng và có hai lò phản ứng điện hạt nhân có thể vận hành tại nhà máy Mã An Sơn (Maanshan). Được biết, Đài Loan đã bị cắt điện trên diện rộng vào năm 2017, 2021, và 2022.
Tháng Ba năm ngoái (2022), Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố sẽ xem xét kỹ lưỡng cơ sở hạ tầng và cải thiện độ tin cậy của lưới điện quốc gia sau một vụ mất điện trên diện rộng khiến hơn 5 triệu người không có điện.
Phong tỏa trên biển
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xem Đài Loan là một tỉnh nổi loạn phải được thống nhất với Hoa lục bằng mọi cách cần thiết, ngay cả khi Đài Loan là một nền dân chủ tự trị.
Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận xung quanh hòn đảo này sau khi Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan hồi tháng Tám năm ngoái, bắn các hỏa tiễn qua Đài Loan và tuyên bố các vùng cấm bay trong một cuộc tập trận mô phỏng cách mà họ cô lập Đài Loan trong một cuộc chiến.
Trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal hồi tháng Chín năm ngoái, Phó Đô đốc Karl Thomas, chỉ huy Hạm đội Bảy của Hoa Kỳ, cho biết Trung Quốc có “một lực lượng hải quân rất lớn” có thể “uy hiếp và đưa các tàu vây quanh Đài Loan.”
Mặc dù không thể dự đoán liệu chính quyền Trung Quốc sẽ phong tỏa hay tiến hành một cuộc tấn công toàn diện vào Đài Loan, nhưng ông Thomas cho biết Hải quân Hoa Kỳ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
“Rõ ràng, nếu họ làm điều gì đó phi động lực, nghĩa là, quý vị biết đấy, một cuộc phong tỏa ít động lực hơn, thì điều đó cho phép cộng đồng quốc tế cân nhắc và cùng nhau tìm cách giải quyết thách thức đó,” ông nói.
Bắc Kinh cũng đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự kéo dài ba ngày xung quanh Đài Loan để đáp lại cuộc gặp gỡ giữa bà Thái với Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) tại California hồi tháng trước (tháng Tư), điều động một số lượng kỷ lục gồm 91 chiến đấu cơ và 12 tàu hải quân tới hòn đảo này vào ngày cuối cùng của cuộc tập trận.
Ông Greg Copley, chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết các cuộc tập trận và tuyên bố leo thang chứng tỏ chính quyền Trung Quốc đang không sẵn sàng khơi mào một cuộc chiến tranh “kịch liệt,” mà thay vào đó, họ đang chuẩn bị các biện pháp mạnh mẽ phi chiến tranh nhằm cưỡng bách Đài Loan.
“Tôi nghĩ một trong những điều mà các cuộc tập trận đó cho chúng ta thấy không phải là họ đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lược thực sự sắp xảy ra vào Đài Loan, mà đúng hơn là họ đang xem xét các phương pháp không phải là một cuộc xâm lược thực sự,” ông nói trong một cuộc phỏng vấn với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Bản tin có sự đóng góp của Andrew Thornebrooke and Reuters
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times