Đặc phái viên của Canada nêu lên cuộc đàn áp Pháp Luân Công của Trung Quốc trong phiên họp đánh giá của LHQ
Trong một phiên họp bình duyệt hồ sơ nhân quyền gần đây, đại diện của Canada tại Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích Trung Quốc vì cuộc đàn áp của quốc gia này đối với các học viên Pháp Luân Công, cùng với nhiều hành vi vi phạm nhân quyền khác.
Bà Leslie Norton, đại sứ Canada và là đại diện thường trực của Canada tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, đã đưa ra một số khuyến nghị liên quan đến nhân quyền ở Trung Quốc, trong số đó có lời kêu gọi chính quyền cộng sản này “chấm dứt mọi hình thức cưỡng bức mất tích, nhắm vào những người bảo vệ nhân quyền, người dân tộc thiểu số, và các học viên Pháp Luân Công.”
Bà Norton đưa ra những nhận xét này hôm 23/01, trong phiên đánh giá về Trung Quốc tại Cơ quan Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) của Liên Hiệp Quốc. UPR là một quy định của Hội đồng Nhân quyền, yêu cầu mỗi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc phải chịu sự bình duyệt về hồ sơ nhân quyền của mình khoảng bốn năm một lần.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần được bắt nguồn từ truyền thống Phật Gia, gồm các bài tập thiền định và và các bài giảng đạo đức dựa trên nguyên lý “chân, thiện, và nhẫn.” Trong 24 năm qua, những người học viên của môn tập này liên tục là mục tiêu của cuộc đàn áp tàn bạo do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khởi xướng.
ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công với các thủ đoạn vô nhân đạo nhất, trong đó có tra tấn, lạm dụng tình dục, và hành vi vốn đang bị lên án rộng rãi– thu hoạch nội tạng cưỡng bức. Những hành vi này đã được nêu trong một báo cáo của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp Canada công bố vào tháng Mười năm ngoái (2023).
Báo cáo cũng ghi lại nhiều trường hợp các cá nhân hoặc tổ chức ở Canada có hành vi tấn công, đe dọa, quấy rối, và trừ khử khỏi xã hội đối với các học viên Pháp Luân Công.
Trong cuộc bình duyệt của Liên Hiệp Quốc, bà Norton cũng nêu lên mối lo ngại về việc Bắc Kinh “ngày càng gia tăng đàn áp bên ngoài lãnh thổ” đối với những người bảo vệ nhân quyền.
Thu hoạch nội tạng
Hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của ĐCSTQ đã thu hút sự chú ý của công chúng thông qua một nghiên cứu do luật sư nhân quyền người Canada, ông David Matas, và cựu Quốc vụ khanh Canada đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền, ông David Kilgour, thực hiện. Cuộc điều tra của họ bắt đầu sau lời khai vào tháng 03/2006 từ một phụ nữ Trung Quốc sống ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, người đã tiết lộ rằng chồng cũ của bà đã lấy giác mạc từ các học viên Pháp Luân Công tại bệnh viện Tô Gia Đồn ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc bác bỏ những cáo buộc này, nhưng ông Kilgour và ông Matas đã kết luận trong báo cáo “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest) của họ rằng nguồn tạng của 41,500 ca cấy ghép tạng ở Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2005 là không thể giải thích được. Họ cho rằng “lời giải thích duy nhất cho nguồn tạng này là họ đã lấy tạng từ các học viên Pháp Luân Công.”
Sau đó, họ hợp tác với ký giả điều tra Ethan Gutmann để xuất bản cuốn “Thu hoạch đẫm máu/Cuộc tàn sát: Cập nhật” (Bloody Harvest/The Slaughter: An Update) vào năm 2016. Trong báo cáo cập nhật này, các tác giả ước tính rằng mỗi năm có khoảng 60,000 đến 100,000 ca cấy ghép tạng, vốn được tiến hành hàng năm tại các bệnh viện Trung Quốc, là có liên quan đến việc dùng nguồn tạng có được từ hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức.
Trình bày tại một hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Geneva hôm 22/01, ông Matas nhấn mạnh sự nhận thức và sự chỉ trích ngày càng tăng của quốc tế đối với hoạt động thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ. Trong số đó có tuyên bố chung của các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào tháng 06/2021, một tuyên bố bày tỏ sự cảnh báo về các báo cáo có chủ đề “thu hoạch nội tạng”, một hoạt động nhắm vào cả các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm tôn giáo như các học viên Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, và tín đồ Cơ Đốc đang bị giam giữ ở Trung Quốc.
Ông Matas cũng nhấn mạnh một bức thư chung của 107 chuyên gia và tổ chức được ban hành trước UPR 2024. Trích dẫn từ nghiên cứu học thuật, bức thư cho biết cuộc đàn áp liên tục của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công tạo thành một “Cuộc diệt chủng lạnh lùng” (Cold Genocide).
Các chuyên gia kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc xem xét kỹ lưỡng hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc trong phiên bình duyệt. Thêm vào đó, các chuyên gia kêu gọi bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt về thu hoạch nội tạng cưỡng bức đối với các tù nhân lương tâm còn sống ở Trung Quốc và thành lập một Tòa án Hình sự Quốc tế về nạn Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức ở Trung Quốc.
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times