Cựu TT Trump phải đối mặt với thời hạn nộp khoản bảo lãnh trị giá 464 triệu USD trong vụ án dân sự ở New York
Tổng chưởng lý New York Letitia James đe dọa sẽ tịch thu tài sản của cựu TT Trump nếu ông không nộp khoản bảo lãnh trị giá 464 triệu USD trước ngày 25/03.
Cựu Tổng thống (TT) Donald Trump phải đối mặt với thời hạn ngày 25/03 để nộp khoản tiền bảo lãnh trị giá 464 triệu USD cho tiểu bang New York trong vụ án gian lận dân sự.
Tổng chưởng lý New York Letitia James, người khởi kiện cựu tổng thống, đã cho ông thời hạn đến cuối ngày 25/03 để nộp khoản tiền bảo lãnh trị giá gần nửa tỷ dollar trước khi có thể kháng cáo phán quyết này.
Hồi tháng Hai, Thẩm phán Arthur Engoron đã tuyên bố cá nhân cựu Tổng thống Trump có nghĩa vụ phải nộp 454 triệu USD vì đã báo cáo gian lận giá trị tài sản ròng của mình để có được các khoản vay ưu đãi.
Bà James đã nói rằng nếu ông không nộp tiền, bà sẽ bắt đầu có hành động để tịch thu tài sản của ông.
Hồi tháng Hai, bà nói với ABC News: “Nếu ông ấy không có tiền để nộp cho bản án, thì chúng tôi sẽ theo đuổi các quy định thi hành án tại tòa, và chúng tôi sẽ yêu cầu thẩm phán tịch thu tài sản của ông ấy.”
Tuần trước, bà James đã đệ trình phán quyết tại quận Westchester, phía bắc New York, một hành động được coi là bước khởi đầu để tịch thu các tài sản mà cựu Tổng thống Trump sở hữu trong khu vực này gồm: khu địa ốc Seven Springs và Sân Golf Quốc gia Trump ở Westchester.
Trong một hồ sơ, các luật sư của cựu Tổng thống Trump cho biết “không thể nào” thực hiện được việc bảo lãnh này, lưu ý rằng họ đã tiếp cận 30 nhà môi giới và không ai sẵn sàng nộp số tiền này.
Cựu Tổng thống Trump đã yêu cầu tòa phúc thẩm tiểu bang giảm số tiền bảo lãnh xuống còn 100 triệu USD. Nhưng vẫn chưa rõ liệu tòa án này có ra phán quyết trước ngày 25/03 hay không.
Làm thế nào ông ấy có thể nộp khoản bảo lãnh?
Cựu Tổng thống Trump trước đó từng nói rằng khoản bảo lãnh có thể buộc ông phải tổ chức một cuộc “bán tháo” tài sản của mình, nhưng điều này xem ra đã không xảy ra.
Công ty truyền thông xã hội của cựu tổng thống, Truth Social, sẽ bắt đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng trong tuần này sau khi các cổ đông chấp thuận sáp nhập hôm 22/03. Việc niêm yết này có thể ngay lập tức tăng gấp đôi giá trị tài sản ròng của cựu tổng thống và mang về cho ông số tiền bất ngờ lên tới 3 tỷ USD. Nhưng cựu Tổng thống Trump sẽ không thể rút tiền trong sáu tháng vì một điều khoản hạn chế trong thỏa thuận.
Trong mọi trường hợp, ông nói rằng mình không có ý định đưa một chút tiền nào trong số đó cho New York và thề sẽ kháng cáo quyết định này lên tới tận Tối cao Pháp viện.
Cựu Tổng thống Trump nói với Fox News hôm 22/03 rằng, chỉ vì lợi nhuận khổng lồ có thể kiếm được từ việc niêm yết này “không có nghĩa là tôi sẽ đưa tiền cho một thẩm phán lừa đảo và bất tài—con rối của một tổng chưởng lý tham nhũng đang thất bại với tội phạm bạo lực và tội phạm nhập cư và mục đích duy nhất trong cuộc đời của họ là cố gắng bắt được Trump.”
“Tôi sẽ kháng cáo vụ việc này lên tới Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ nếu cần thiết,” ông nói. “Họ không thể tịch thu tài sản của quý vị trước khi quý vị có cơ hội kháng cáo quyết định của một thẩm phán kém năng lực, ghét Trump, người mà đã bị đảo ngược phán quyết nhiều hơn bất kỳ thẩm phán nào trong tiểu bang này.”
Mặt khác, hôm 22/03, cựu Tổng thống Trump dường như gợi ý rằng ông đã thu thập đủ tiền để nộp khoản bảo lãnh “thông qua làm việc chăm chỉ, tài năng, và may mắn” nhưng chỉ bằng cách chuyển một “số tiền lớn” trước đó đã được dành riêng cho chiến dịch tranh cử của ông. Trong một bài đăng trên mạng xã hội, cựu Tổng thống Trump cho biết ông có gần 500 triệu USD tiền mặt.
‘Can thiệp bầu cử’
Cựu Tổng thống Trump và các đồng minh của ông đã mô tả nỗ lực tước đoạt tài sản của ông là “chiến tranh pháp lý” và “can thiệp bầu cử” được tạo ra có chủ ý nhằm chuyển nguồn lực ra khỏi chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Ông Eric Trump, con trai của cựu tổng thống và là phó chủ tịch điều hành của Trump Organization, đã nói như vậy trong lần xuất hiện hôm 24/03 trên chương trình “Sunday Morning Futures” của Fox News.
“Không có nạn nhân,” ông Eric Trump nói, trích dẫn lời khai nhất quán của các ngân hàng rằng cựu Tổng thống Trump là một người đi vay và khách hàng trung thực. “Đây là một hệ thống không trung thực với một tổng chưởng lý lươn lẹo trong một tòa án lươn lẹo mà thực chất là muốn cha tôi phá sản.”
“Cha tôi đã điều hành một công ty tuyệt vời. Tôi điều hành một công ty tuyệt vời. Chúng tôi chưa bao giờ lâm vào tình trạng không trả được nợ. Chúng tôi chưa bao giờ bỏ qua một khoản thanh toán. Chúng tôi chưa bao giờ vi phạm thỏa thuận.”
Khi các đại diện ngân hàng của cựu Tổng thống Trump đưa ra lời khai với tư cách được cho là nạn nhân trong vụ án, thì họ cho biết bản thân Deutsche Bank chưa bao giờ đưa ra bất kỳ tuyên bố nào rằng cựu Tổng thống Trump gian lận hay có hành động phi pháp—tất cả các cáo buộc đều đến từ bà James.
Một giám đốc của Deutsche Bank cũng làm chứng rằng không có vi phạm nào, vì không có gì lạ khi ngân hàng giảm bớt giá trị tài sản mà khách hàng đã báo cáo—thậm chí là giảm đi một nửa—và vẫn chấp thuận một khoản vay, giống như họ đã làm với cựu Tổng thống Trump.
Ông Eric Trump cho rằng mục tiêu thực sự của quá trình tố tụng này là làm tổn hại đến nỗ lực tái tranh cử của cựu Tổng thống Trump.
“Đây là chiến tranh pháp lý. Họ muốn gây thiệt hại cho cha tôi, người đang giành chiến thắng trong cuộc tranh cử tổng thống hiện nay,” ông Eric Trump nói, dẫn ra các cuộc thăm dò cho thấy cựu Tổng thống Trump đang đánh bại Tổng thống Joe Biden ở mọi tiểu bang dao động quan trọng.
Theo ông Eric Trump, tác động của phán quyết nghiêm trọng này là “can thiệp bầu cử,” làm chuyển hướng các nguồn lực quan trọng khỏi chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Trump.
Bản tin có sự đóng góp của Catherine Yang, Jack Phillips, và Andrew Moran
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times