Cựu trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ: Hoa Kỳ nên áp dụng chính sách có đi có lại đối với Trung Quốc
Theo cựu Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell, Hoa Kỳ nên áp dụng một chiến lược có đi có lại trong mối bang giao với Trung Quốc.
“Ý tưởng là cho đến khi quý vị bắt đầu thực hiện đúng các cam kết hợp tác, thì chúng tôi sẽ đối xử với quý vị giống hệt như cách quý vị đối xử với chúng tôi. Vì vậy, có đi có lại là phương tiện, chứ không phải là mục đích,” ông Stilwell gần đây đã nói với chương trình “American Thought Leaders” (“Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ”) của Epoch TV.
“Bất kỳ mối quan hệ nào cũng phải có lợi cho cả hai bên, nếu không nó sẽ không thể kéo dài,” ông nói thêm.
Ông còn giải thích thêm về cách mà chính quyền Trung Quốc đã chơi một trò chơi một phía để đạt được lợi thế trong mối bang giao với Hoa Kỳ ở một số lĩnh vực.
Truyền thông
Ông Stilwell đã chỉ ra thực tế là vào năm 2020, Trung Quốc đã cử hơn 100 ký giả đến Mỹ nhưng chỉ cấp thị thực cho 30 ký giả Mỹ đến làm việc tại nước mình.
“Vì vậy, những người duy nhất được phép ở lại đó để đưa tin là những người mà CHND Trung Hoa đã xác định là có cái nhìn thân thiện hơn với chế độ này,” ông Stilwell nói, đồng thời đề cập đến từ viết tắt tên chính thức của Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Và đối với những người được gửi đến Mỹ, ông cho biết, “Họ làm việc cho chính quyền này, vì vậy họ không thực sự ở đó để phân biệt đâu là sự thật và đâu là không.”
Ông cũng lưu ý rằng những ký giả Trung Quốc này đang tìm cách đưa tuyên truyền của họ tới người dân Mỹ.
Ông Stilwell nói, “Trong hệ thống của CHND Trung Hoa … thật hợp lệ khi có một ký giả ở đây sử dụng ngôn ngữ của CHND Trung Hoa và phát sóng nó cho người Mỹ, thuyết phục người Mỹ về cách mọi thứ nên như thế nào, cho chúng ta biết chính phủ này tồi tệ như thế nào, làm hỏng mối bang giao [Mỹ-Trung].”
Cựu nhà ngoại giao này nêu rõ về sự việc trong đó Đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ đã có thể đăng đàn trên tờ New York Times, thế nhưng các hãng thông tấn Trung Quốc đã từ chối công bố một bài viết của người đồng cấp của ông ở Bắc Kinh.
“Chúng ta từng có Đại sứ [Terry] Branstad viết một bài bình luận, một bài viết rất lành tính … ngay sau khi Đại sứ đương thời Thôi Thiên Khải (Cui Tian Kai) ở đây ở Hoa Kỳ đã thực hiện bài bình luận thực sự mang tính kích động này trong giới truyền thông Mỹ,” ông nói.
“Vì vậy, chúng tôi đã soạn thảo một bài bình luận để Đại sứ Branstad đăng trên Nhân dân Nhật báo (People’s Daily). Và khi biết rõ rằng họ sẽ không làm như vậy,” ông nói thêm, khi đề cập đến cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
“Họ không chỉ từ chối mà còn thực sự đưa cho chúng tôi một lá thư từ chối mà sau đó chúng tôi đã cho xuất bản.”
Khí hậu
Ông Stilwell cũng nói như vậy đối với hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Về Hiệp định Paris, ông Stilwell đã chỉ ra, “Chế độ này đã ký kết để tiếp tục gia tăng ô nhiễm khi nền kinh tế của họ phát triển. Họ nói rằng lượng khí thải carbon sẽ tăng cho đến năm 2030, tại thời điểm đó [nó] bắt đầu giảm dần và sau đó đạt được mức độ trung hòa carbon vào năm 2060.”
Ông Stilwell nói, “Chúng tôi giả định rằng họ đóng cửa tất cả các nhà máy than của họ và tất cả chúng đều biến thành quang năng và đại loại như thế … Điều đó không đúng. Đây là một chiến thuật chiến tranh thông tin.”
Trong khi đó, những hạn chế mà Hoa Thịnh Đốn đã ký trong Hiệp định Paris “đã gây thiệt hại về kinh tế nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào.”
Và do chiến thuật chiến tranh thông tin mà chế độ này đang tận dụng, ông nói, “ngay cả các đồng minh và bạn bè của chúng ta cũng chỉ vào chúng ta và nói rằng, ‘Các vị đã ủng hộ [thỏa thuận] Paris. Các vị không nghiêm túc về vấn đề khí hậu.”
Hợp tác kinh tế
Về hợp tác kinh tế, ông Stilwell cho biết có khoảng 200 công ty từ Trung Quốc đã niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York mà không tuân thủ các yêu cầu kiểm toán của Hoa Kỳ. Chính quyền Trung Quốc không cho phép các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ kiểm tra sổ sách kiểm toán của các công ty kế toán có trụ sở tại Trung Quốc hoặc Hồng Kông, với lý do giữ bí mật nhà nước.
Trong khi đó, ông cho biết, “Không có công ty Mỹ nào mà không phải đáp ứng các yêu cầu kiểm toán đó.”
“Nếu họ thực hiện một cuộc kiểm toán, thì họ sẽ thấy rằng thứ này không nên có trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York. Nó không thuộc về nơi đó. Đó không phải là một cuộc kiểm toán hợp pháp thực sự, nhưng chúng ta đã cho phép điều đó,” ông Stilwell nói.
Cựu nhà ngoại giao này cũng đề cập đến gợi ý của chính phủ ông Biden rằng ông có thể cắt giảm thuế đối với hàng nhập cảng của Trung Quốc để giảm bớt lạm phát, vốn đã được cựu Tổng thống Donald Trump áp vào năm 2018 để chống lại một loạt các hành vi thương mại không công bằng của chính quyền Trung Quốc.
Ông cho biết, “Các mức thuế quan vẫn ở đó bởi vì chế độ này đã không đáp ứng phần của mình trong thỏa thuận mặc cả để mua bằng này nông sản Mỹ, mua bằng này sản phẩm Mỹ, để tạo ra quyền tiếp cận cho những thứ khác của Mỹ mà họ có thể tiếp cận ở đây ở Hoa Kỳ. Điều đó không phải là đôi bên cùng có lợi.”
Theo ý kiến của ông Stilwell, để chống lại chiến tranh thông tin, chiến tranh thương mại, và chiến tranh chính trị do nhà cầm quyền này khai triển, thì Hoa Kỳ nên xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với Bắc Kinh.
Ông cho biết, “Chúng ta muốn đây là một mối liên kết đối tác như chúng ta đang có với các quốc gia khác. Chúng ta đã cố gắng trong suốt 40 năm để đạt đến điểm đó. Nhưng sau 40 năm, quý vị phải cho rằng kế hoạch này không hiệu quả và chúng ta sẽ phải thay đổi hướng đi.”
Cô Hannah Ng là một phóng viên đưa tin về Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cô có bằng thạc sĩ về kinh tế học quốc tế và phát triển tại Đại học Khoa học Ứng dụng Kinh tế và Kỹ thuật Berlin.
Ông Jan Jekielek là Biên tập viên Cao cấp của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Các Nhà Lãnh Đạo Tư Tưởng Hoa Kỳ.” Sự nghiệp của ông Jan đã trải dài trên các lĩnh vực học thuật, truyền thông và nhân quyền quốc tế. Năm 2009, ông tham gia The Epoch Times toàn thời gian và đã đảm nhận nhiều vai trò khác nhau, bao gồm cả vị trí Tổng Biên tập Trang web. Ông là nhà sản xuất của bộ phim tài liệu về Holocaust từng đạt giải thưởng “Đi tìm Manny.”