Tình báo Mỹ: Lãnh đạo cấp địa phương phải cảnh giác trước ảnh hưởng của Trung Quốc
Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia đã công bố một tài liệu hôm 06/07 cảnh báo các nhà lãnh đạo tiểu bang, địa phương, và doanh nghiệp phải cảnh giác trước các hoạt động gây ảnh hưởng xấu mà ĐCSTQ đang thực hiện.
Tài liệu (pdf) cho biết: “Trong nhiều thập niên, một loạt các tổ chức ở Trung Quốc đã tạo dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp ở cấp tiểu bang và địa phương của Hoa Kỳ, thường mang lại lợi ích cho cả hai bên.”
“Tuy nhiên, khi căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn ngày càng gia tăng, chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) dưới sự cai trị của Chủ tịch Tập Cận Bình ngày càng tìm cách khai thác các mối liên kết Trung-Mỹ cấp địa phương này để tác động đến các chính sách của Hoa Kỳ và thúc đẩy các lợi ích địa chính trị của CHND Trung Hoa”.
Tài liệu nói rằng mối đe dọa đối với an ninh của Hoa Kỳ về căn bản không đến từ Trung Quốc, cũng không phải từ những người Hoa sống ở Mỹ, mà là từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ đã âm thầm chỉ đạo nhiều dự án tiếp cận địa phương hoặc khu vực khởi nguồn từ Trung Quốc, và qua đó tìm cách giành được lợi thế trong các cộng đồng chính trị và kinh doanh của Mỹ.
Các tổ chức tiếp cận của Trung Quốc
Tài liệu cho biết, nhiều nỗ lực tiếp cận như vậy đã ngấm ngầm tìm cách mở rộng sự ủng hộ đối với lợi ích của ĐCSTQ và tạo ra thái độ thân thiện hơn với Bắc Kinh ở Hoa Thịnh Đốn bằng cách tạo ra một hình ảnh thuận lợi về ĐCSTQ trong cộng đồng doanh nghiệp và các nhà lãnh đạo địa phương.
Theo cách này, ĐCSTQ đã tìm cách lợi dụng các nhà lãnh đạo của tiểu bang và địa phương như “những người đại diện” (thay mặt cho ĐCSTQ) để vận động cho các vị trí mà ĐCSTQ nghĩ là sẽ có lợi cho mình.
Tài liệu cho biết: “Các nhà lãnh đạo ở cấp tiểu bang, địa phương, bộ lạc, và lãnh thổ của Hoa Kỳ có nguy cơ bị thao túng để hỗ trợ các nghị trình ẩn giấu của CHND Trung Hoa. Các hoạt động gây ảnh hưởng của CHND Trung Hoa có thể mang tính lừa mị và cưỡng chế, trong đó những cái nhìn bề ngoài thì có vẻ là các cơ hội kinh doanh tốt đẹp hay chỉ là các cuộc giao lưu tiếp xúc giữa đôi bên, nhưng nhiều khi bên trong lại ẩn chứa các nghị trình chính trị của CHND Trung Hoa.”
Tài liệu đã vạch ra cách ĐCSTQ sử dụng các ưu đãi tài chính và quyền lực mềm để thuyết phục hoặc cưỡng bách giới lãnh đạo Mỹ ủng hộ các chính sách có thể trợ giúp ĐCSTQ trong nỗ lực bành trướng trên toàn cầu của họ và cuối cùng là làm suy yếu an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Cụ thể, tài liệu giải thích cách Ban Công tác Mặt trận Thống nhất (UFWD) – cơ quan khuếch trương ảnh hưởng của ĐCSTQ – điều phối các hoạt động gây ảnh hưởng ngoại quốc ở Hoa Kỳ và các nơi khác.
Tài liệu trích dẫn trường hợp của bà Lý Trinh Câu (Christine Lee), một luật sư quen biết rộng, người đã móc nối đường dây khắp Nghị viện Anh để vận động hành lang cho các vị trí ủng hộ Trung Quốc. Tình báo Anh sau đó tiết lộ bà Lý là một đặc vụ làm việc cho UFWD nhằm gây ảnh hưởng đến chính sách của Anh có lợi cho Bắc Kinh.
Tài liệu này cho biết, các cơ quan nhà nước khác không dễ dàng phân biệt được về nguồn gốc và cách quản trị của họ.
Tài liệu cho biết, một số, chẳng hạn như Hiệp hội Hữu hảo với Ngoại quốc của Nhân dân Trung Quốc, ngụy trang thành các tổ chức ra vẻ quan tâm đến người dân trong khi hoạt động để “gây ảnh hưởng xấu đến các nhà lãnh đạo địa phương và tiểu bang nhằm thúc đẩy nghị trình toàn cầu của CHND Trung Hoa.”
Tuy nhiên, những tổ chức khác, chẳng hạn như Hiệp hội Quốc gia vì Sự thống nhất Hòa bình của Trung Quốc, tự rêu rao mình là tổ chức bất vụ lợi trong khi âm thầm tìm cách quảng bá các chính sách châm chước việc ĐCSTQ thống nhất Đài Loan với Trung Quốc bằng vũ lực.
Tài liệu cho biết rằng những nỗ lực xây dựng cộng đồng thậm chí còn tốt lành hơn, chẳng hạn như cái gọi là các chương trình của Thành phố Kết nghĩa, đã được ĐCSTQ sử dụng để thúc đẩy hệ tư tưởng và nghị trình chính trị của họ.
Như Irvine, California chẳng hạn, hai tiểu bang này đã tham gia một chương trình như vậy với quận Từ Hối của Thượng Hải vào đầu những năm 2000. Là một phần trong các nghĩa vụ của giao kèo thành phố kết nghĩa này, Irvine chính thức được yêu cầu phủ nhận sự tồn tại của Đài Loan và bị ĐCSTQ cấm treo cờ Đài Loan hay bật quốc ca của Đài Loan.
Hành động này đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ của khoảng 10,000 người Đài Loan sống trong thành phố này, và cuối cùng thỏa thuận kết nghĩa đó đã bị hủy bỏ.
Tuy nhiên, tài liệu cho biết các chính sách tương tự cũng được thực hiện với các chương trình thành phố kết nghĩa trên khắp Âu Châu và Úc. Và những thỏa thuận đó cũng yêu cầu các thành phố ở Âu Châu và Úc ngăn chặn thông tin về hành vi bạo lực chính trị của ĐCSTQ, bao gồm cả thông tin về các cuộc biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và vụ thảm sát sau đó.
Thu thập dữ liệu
Tài liệu cũng cảnh báo rằng ĐCSTQ đã tiến hành các kế hoạch thu thập dữ liệu quy mô lớn thông qua các cơ quan trực thuộc của mình, tìm cách thu thập thông tin về người Mỹ và đánh giá xem ai là người có khuynh hướng thiện chí với Trung Quốc cũng như cách sử dụng những người này.
Một ví dụ bao gồm một cuộc khảo sát và nghiên cứu trên diện rộng do một trường đại học nhà nước Trung Quốc phối hợp với ĐCSTQ thực hiện, “đã phân tích và xếp hạng tất cả thái độ của 50 vị Thống đốc Hoa Kỳ đối với Trung Quốc là thân thiện, cứng rắn, hoặc mơ hồ, đồng thời bao gồm cả tuổi tác, giới tính, mối liên kết chính trị của họ, lý lịch làm việc, và các tiểu bang theo quy mô kinh tế, vị trí địa lý, và mức độ giao thương với Trung Quốc.”
Đáng chú ý, tài liệu này nói rằng các nhà lãnh đạo và chủ doanh nghiệp nên cảnh giác với khả năng xảy ra các hoạt động gây ảnh hưởng của ĐCSTQ, bất kể phạm vi tiếp cận của họ đến đâu.
Tài liệu cho biết, chiến lược của ĐCSTQ tìm cách thiết lập các bước cần thiết cho một trận đấu dài hơi, đầu tư và xây dựng mối liên hệ với các nhà hoạt động nhỏ bé hoặc các nhà lãnh đạo địa phương với hy vọng một ngày nào đó những nhà lãnh đạo đó sẽ đạt được những vị trí quan trọng của quốc gia và có thể được lợi dụng để thúc đẩy vì lợi ích của ĐCSTQ.
Tạo ra sự lệ thuộc và những người đại diện vô thức cho ĐCSTQ
Thông thường, tài liệu cho biết, các nhà lãnh đạo địa phương có thể không biết rằng liên kết đối tác của họ với các cơ quan tiếp cận tại khu vực hoặc các cơ quan tiếp cận khác ở Trung Quốc đang thực sự được ĐCSTQ quản lý tập trung.
Thật vậy, ĐCSTQ tích cực che giấu sự tham gia của mình trong một số trường hợp, tìm cách ngấm ngầm tạo ra những sự lệ thuộc trong toàn bộ hệ thống kinh tế Hoa Kỳ. Điều này cho phép họ gây áp lực lớn hơn trong các sự kiện trên thế giới, tài liệu cho biết, bằng cách kiểm soát việc tiếp cận thị trường hoặc các nguồn lực cần thiết, trên thực tế cho phép ĐCSTQ có khả năng cưỡng cầu gò ép giới lãnh đạo Mỹ trong việc thúc đẩy chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc.
Tài liệu cho biết: “CHND Trung Hoa có thể coi cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ là một phương tiện đặc biệt quan trọng để tác động đến các nhà lãnh đạo địa phương, tiểu bang và quốc gia, vì các công ty là những thành phần quan trọng và thường là những người đóng góp cho các chính trị gia ở mọi cấp độ.”
“CHND Trung Hoa có thể sử dụng khả năng tiếp cận thị trường, đầu tư, hoặc phụ thuộc kinh tế làm đòn bẩy, và công khai gây sức ép với giới lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ, đặc biệt là những người có lợi ích thương mại ở Trung Quốc, để vận động Hoa Thịnh Đốn ủng hộ các chính sách có lợi cho Bắc Kinh.”
Thật vậy, một cơ quan cố vấn của Quốc hội đã nhận được nội dung điều trần của chuyên gia hồi tháng Tư rằng nhiều CEO Mỹ, bao gồm cả Tim Cook của Apple, cần phải ghi danh là đại diện của Trung Quốc, vì họ đã cống hiến hết mình để theo đuổi lợi ích của ĐCSTQ.
Sự cống hiến này, được cho là, được thúc đẩy chủ yếu bởi nỗi sợ mất quyền tiếp cận thị trường ở Trung Quốc.
Có lẽ ví dụ sâu sắc nhất về điều này là thông báo của Bộ Tư pháp hồi tháng Năm rằng họ đã kiện ông Stephen Wynn, cựu Giám đốc điều hành của Wynn Resorts, buộc ông Wynn ghi danh là đại diện của ĐCSTQ.
Vụ kiện theo sau một cuộc điều tra cho thấy ông Wynn đích thân tìm cách vận động cựu Tổng thống Donald Trump “hủy thị thực hay nói cách khác là trục xuất khỏi Hoa Kỳ” một doanh nhân Trung Quốc cũng là người xin tị nạn bị ĐCSTQ truy nã.
DOJ cho biết, ông Wynn đã làm điều này theo yêu cầu trực tiếp của lãnh đạo ĐCSTQ, vì ông muốn bảo vệ các Sòng bạc của mình ở Ma Cao, vốn được biết đến là một khu vực hành chính đặc biệt của Trung Quốc.
Tương tự như vậy, tài liệu cho biết, ĐCSTQ đã tạo ra những sự lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều cộng đồng người Mỹ.
Tài liệu cho biết: “Lý giải được phạm vi và chiều sâu của vai trò tích cực của chính quyền CHND Trung Hoa trong việc hướng dẫn và thường xuyên khai thác các mối liên hệ cấp địa phương của Trung Quốc ở hải ngoại là bước đầu tiên để giảm thiểu rủi ro.”
“Thực tế địa chính trị này đã đặt các quan chức tiểu bang và địa phương ở Hoa Kỳ cũng như ở các quốc gia khác lên vị trí [nguy cấp] hàng đầu trong vấn đề an ninh quốc gia.”
Nếu nhìn thấy, hãy mạnh dạn lên tiếng
Tài liệu của DNI kêu gọi các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp Mỹ đề cao cảnh giác khi tiếp xúc với các tổ chức ngoại quốc.
Tài liệu cho biết không có “bữa trưa miễn phí”, và các giao dịch với tổ chức của Trung Quốc dường như quá lý tưởng, thì rất có thể là không có thật. Do đó, tài liệu này kêu gọi các nhà lãnh đạo cộng đồng tiến hành kỹ lưỡng trong việc tìm hiểu các đối tác của họ, và đòi hỏi tính minh bạch trong tất cả các văn bản và thỏa thuận.
Hơn nữa, tài liệu này khuyến khích các nhà lãnh đạo trên khắp các cộng đồng Hoa Kỳ tương tác với nhau và chia sẻ kinh nghiệm của mình, cũng như duy trì sự kết nối thường hằng với các chi nhánh địa phương của FBI và Bộ An ninh Nội địa về bất kỳ hoạt động đáng ngờ và khả nghi nào, hoặc họ phải tự mình học hỏi nghiên cứu về các kỹ thuật mà ĐCSTQ sử dụng nhằm gây ảnh hưởng xấu đến các hoạt động ở Hoa Kỳ.
Tài liệu cho biết: “Hãy cẩn thận với các đề xuất có vẻ như đi ngược lại các giá trị dân chủ hoặc xung đột với lợi ích của Hoa Kỳ. Không cho phép bất kỳ quốc gia ngoại quốc nào cấm quý vị tương tác với các quốc gia, tổ chức, hoặc cá nhân khác.”
“Vạch ra ranh giới trong mối liên hệ và không đưa ra các ngoại lệ chỉ đơn giản là để xoa dịu khách hàng ngoại quốc.”
Lời khuyên này được đưa ra chỉ một ngày sau khi giới lãnh đạo từ các cơ quan tình báo trong nước của Hoa Kỳ và Anh cảnh báo rằng ĐCSTQ là mối đe dọa lớn nhất mà cả hai quốc gia này phải đối mặt.
Tổng giám đốc MI5 Ken McCallum nói: “Thách thức lớn và quan trọng nhất mà chúng tôi phải đối mặt đến từ Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
“Họ đang ngấm ngầm gây áp lực trên toàn cầu. Mọi người có thể cảm thấy điều này khó hiểu. Nhưng đó là sự thật và đó là một vấn đề cấp bách. Chúng ta cần nói về nó. Chúng ta cần phải hành động.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.