Cựu triệu phú Trung Quốc: ‘Sau khi chúng tôi trở nên giàu có nhờ làm việc chăm chỉ, ĐCSTQ sẽ hớt tay trên’
Ông Phùng Chấn Quốc (Feng Zhenguo) từng là chủ một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất làm ăn thành đạt ở tỉnh Hà Bắc, miền trung Trung Quốc. Ông đã bị các nhà chức trách trong cục bảo vệ môi trường và công an Trung Quốc tống tiền, và buộc phải bán xưởng của mình cho công an với giá bèo bọt.
Ông Phùng nói: “Cái gọi là cải cách và mở cửa của nhà cầm quyền cộng sản chỉ là để nới lỏng xiềng xích quanh cổ người dân Trung Quốc, khi cả sự cai trị lẫn nền kinh tế của đảng này đều trên bờ vực sụp đổ.”
“Chính quyền cho phép quý vị thể nghiệm một chút tự do và cho phép quý vị làm việc chăm chỉ cho đến khi kiếm được một số tiền. Sau đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sẽ đến lấy tiền của quý vị.”
Ông Phùng mở một xưởng sản xuất đồ gỗ nội thất nguyên khối ở Tần Hoàng Đảo, một thành phố cảng cách Bắc Kinh 190 dặm về phía đông. Ông đã đầu tư hơn 3 triệu nhân dân tệ (hơn 430,000 USD) và có khoảng 40 nhân viên trong xưởng gỗ của mình, chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất nguyên khối cao cấp. Nhưng ông đã buộc phải bán nhà xưởng của mình cho công an với giá chỉ 400,000 nhân dân tệ (57,000 USD).
“Tôi từng nghĩ rằng mình có thể làm tốt một điều gì đó nếu tôi thực sự yêu thích và thực hiện nó bằng cả trái tim,” ông Phùng bộc bạch. Ông quyết định mở công ty, vì ông luôn tâm huyết với nghề mộc và những ngành thủ công mỹ nghệ đòi hỏi tay nghề khéo léo và tinh xảo.
Tuy nhiên, chính quyền cộng sản đã biến giấc mơ của cuộc đời ông thành cơn ác mộng, khi vòi tiền ông hết lần này đến lần khác với nhiều lý do và chiêu bài khác nhau, ông Phùng nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 14/09.
Ông Phùng nói, “Tôi đột nhiên hiểu ra rằng, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, những người dân Trung Quốc bình thường như chúng ta đây chỉ như những con kiến, thuộc hạng vô danh tiểu tốt và dễ bị đè đầu cưỡi cổ, bất kể chúng ta làm việc chăm chỉ đến đâu.”
Bảo vệ môi trường ở Trung Quốc là một ‘chiến dịch vòi tiền’
Ông Phùng tiếp tục chia sẻ với The Epoch Times về cách mà các nhà chức trách cục bảo vệ môi trường và lực lượng công an của đảng cộng sản đã tống tiền ông.
Năm 2016, ông Phùng đã trải qua các thủ tục khác nhau mà chính quyền yêu cầu để mở một nhà máy, bao gồm việc nộp đơn xin đánh giá tác động môi trường (EIA), vốn là thủ tục rắc rối nhất trong toàn bộ quy trình này, theo ông Phùng.
Cơ quan lập pháp trên danh nghĩa của đảng cộng sản tuyên bố trên trang web chính thức của mình rằng, việc đánh giá tác động môi trường là “một quy định pháp lý bắt buộc xác định liệu một dự án xây dựng có thể được tiến hành hay không.” Cục sinh thái và môi trường địa phương sẽ thực hiện đánh giá của họ về một dự án xây dựng, sau đó sẽ đệ trình một báo cáo lên trên để chờ phê chuẩn về việc lựa chọn địa điểm khởi công dự án, những tác động mà dự án này có thể gây ra cho môi trường xung quanh, cũng như các biện pháp phòng ngừa sẽ được thực hiện. Một doanh nghiệp không thể hoạt động nếu không có sự chấp thuận của cục sinh thái và môi trường.
Nhưng trên thực tế, việc đánh giá tác động môi trường thật ra đang tạo điều kiện cho cơ quan môi trường giám sát quy trình đánh giá này liên tục vòi tiền, theo ông Phùng.
Ông Phùng cho biết, “Ví dụ, cục sinh thái và môi trường sẽ chỉ định một nhà cung cấp sản phẩm bảo vệ môi trường nhất định. Các chủ doanh nghiệp sẽ phải mua từ nhà cung cấp này. Với một thiết bị bảo vệ môi trường trị giá hơn 100,000 nhân dân tệ (21,000 USD), nhà cung cấp này có thể bán với giá 400,000 nhân dân tệ (57,000 USD) đến 500,000 nhân dân tệ (71,000 USD).”
Đây chỉ là một trong những con đường mà cục này kiếm tiền từ các doanh nghiệp nộp đơn xin đánh giá tác động môi trường, ông lưu ý.
Ông Phùng nói: “Họ cũng chỉ định một nhà thầu xây dựng và một công ty nghiệm thu để thẩm định ở giai đoạn hoàn công.”
Ở thành phố ông, lãnh đạo của công ty nghiệm thu này nguyên là phó giám đốc cục sinh thái và môi trường, ông Phùng cho hay.
“Vị phó giám đốc này tuyên bố rằng ông ta đang nghỉ không lương, đó là một thông tin đánh lạc hướng,” ông Phùng nói.
Cục môi trường và công ty nghiệm thu nói trên đã thông đồng với nhau để buộc các chủ doanh nghiệp phải trả thêm tiền thiết bị và trả thêm tiền để bảo đảm doanh nghiệp có thể vượt qua quy trình thẩm định.
Ông Phùng cho biết ông may mắn là sau khi bỏ ra vài trăm ngàn nhân dân tệ, ông đã vượt qua quy trình thẩm định và có thể bắt đầu sản xuất.
“Nhiều người buộc phải phá dỡ nhà máy của họ vì họ không thể vượt qua quy trình thẩm định, và họ đã phá sản. Một số đã tự vẫn vì điều này,” ông Phùng cho hay.
Sau khi ông vượt qua quy trình thẩm định, các nhân viên từ cục môi trường và sinh thái đã đến nhà máy của ông thường xuyên — hầu như vài lần một tháng. “Họ đã cử đến những người khác nhau với các cáo buộc khác nhau. Chúng tôi không bao giờ có thể đáp ứng các yêu cầu của họ vì mục đích của họ là vòi tiền,” ông nói.
Có lần phó giám đốc, cũng là chủ của công ty nghiệm thu, đã nói với ông rằng: “Chúng tôi phải thu đủ 3 triệu nhân dân tệ (429,559 USD) hạn mức tiền phạt của mình trong năm nay.”
Ngoài những khoản phải chi thường xuyên, ông Phùng còn cần chuẩn bị cho những khoản chi bất ngờ.
Ví dụ, chỉ vài tháng sau khi bắt đầu sản xuất, ông đã phải lắp đặt một bộ thiết bị bảo vệ môi trường mới, vì cục sinh thái và môi trường có giám đốc mới, ông này nói rằng thiết bị của ông không đủ tiêu chuẩn và cần phải thay mới.
Ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo, vì ông phải tiếp tục công việc kinh doanh của mình. Ông đã đầu tư hàng triệu USD tính đến thời điểm đó.
Ông Phùng than thở, “Việc bảo vệ môi trường của ĐCSTQ là một chiến dịch vòi tiền. Nó không phải là vì sự bảo vệ lâu dài cho doanh nghiệp hay môi trường.”
Bị bức hại vì tín ngưỡng
Ông Phùng và vợ, bà Hàn Ngạn Tinh (Han Yanjing), cùng con gái đến Vancouver để học vào năm 2019. Tại đây, một người bạn cùng quê đã đưa bà Hàn đến nhà thờ.
Bà Hàn sau đó quay trở lại Trung Quốc vào đầu năm 2020, ngay trước khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán, để coi sóc hoạt động hàng ngày của nhà xưởng, trong khi ông Phùng ở lại Canada với con gái họ.
Bà Hàn đã đến một nhà thờ tại gia ở thành phố Tần Hoàng Đảo nhiều lần với một nhân viên, sau đó bà đã bị cảnh sát địa phương nhắm tới.
Trịnh Sĩ Dũng (Zheng Shiyong), một cảnh viên từ Đồn công an phường Hải Dương ở Tần Hoàng Đảo, bắt đầu viếng thăm nhà của ông Phùng. Anh ta đến gặp bà Hàn, nói với bà rằng ai đó đã trình báo về việc bà tham gia một “cuộc biểu tình bất hợp pháp.” Anh ta nói rằng trưởng đồn công an sẽ không báo cáo bà với các cơ quan cấp cao hơn miễn là bà sẵn sàng trả tiền.
Bà Hàn đã đưa cho anh ta 5,000 nhân dân tệ (715 USD).
Vài ngày sau, Trịnh lại cùng trưởng đồn đến nhà bà Hàn. Lần này, một vọng lâu bằng gỗ thủ công trong sân của bà đã thu hút được sự yêu thích của vị trưởng đồn công an này. Ông ta yêu cầu bà Hàn làm một chiếc cho ông ta với giá gốc.
Bà Hàn biết ý nên đã nói: “Nếu ông thích thì cứ lấy về đi.” Vài ngày sau trưởng đồn công an đã đến lấy vọng lâu này đi.
Công việc kinh doanh có lời
Ông Phùng đã thuê một mảnh đất rộng 1.58 mẫu Anh để xây dựng một nhà xưởng với diện tích sàn là 0.74 mẫu Anh.
“Tôi coi nhà xưởng này như đứa con bé bỏng của mình,” ông Phùng nói, “Tôi có một khao khát mãnh liệt về một tương lai tươi sáng.”
Ông đã tham gia vào quá trình vận hành, sản xuất, và lập kế hoạch một cách hết sức cẩn thận. Hàng năm, ông đều lập kế hoạch mới về chỉ tiêu doanh số, số lượng nhân viên, và quy mô sản xuất.
Ông cho rằng sản phẩm của mình là có một không hai trên thị trường, gỗ nguyên khối dòng tự nhiên cao cấp được thiết kế và làm theo yêu cầu của khách hàng.
“Trên thực tế, xưởng của tôi làm ăn rất khấm khá. Chúng tôi đã thiết kế đồ nội thất bằng gỗ nguyên khối cao cấp cho những người có kế hoạch nâng cấp nội thất trong nhà. Ở thành phố Tần Hoàng Đảo, thương hiệu ‘Mộc Gia’ (‘Mu Jia’) của tôi đang có vị thế định giá cho đồ nội thất cao cấp. Tôi không muốn cạnh tranh với dòng sản phẩm đại trà,” ông Phùng tự hào nói.
Sản phẩm của ông đã được đón nhận trên thị trường. Trong một lần tham dự triển lãm vật liệu xây dựng và trang trí nhà cửa, sản phẩm của ông nổi tiếng đến mức các nhân viên bán hàng của ông ai cũng tất bật trả lời các cuộc gọi từ khách hàng và lên đơn đặt hàng. Ông có những vị khách đến từ vùng Tân Cương xa xôi phía tây Trung Quốc.
Gương mặt ông rạng ngời hạnh phúc khi nhớ lại quãng thời gian đó. Ông Phùng nói: “Tôi cảm thấy rất tự hào vì tôi đã có thể mang đến cơ hội việc làm cho khoảng 40 người đang làm việc cho tôi.”
Công việc kinh doanh bị tước đoạt với giá 57,274 USD
Nhưng sau những lần viếng thăm của công an, ông Phùng cảm thấy không còn an toàn để điều hành công việc kinh doanh. Vì vậy, ông nói với vợ hãy bán công ty này đi.
Một người mua tiềm năng đã chào giá 2.8 triệu nhân dân tệ (400,000 USD) để mua lại xưởng gỗ này, nhưng ông Phùng đã do dự không muốn bán nhà xưởng đi với giá đó, vì tổng số tiền đầu tư của ông đã vượt quá 3 triệu nhân dân tệ và xưởng đang thu được lợi nhuận tốt.
Nhưng sau lời chào giá đó, không ai liên lạc với họ để đưa ra mức giá khác.
Họ quyết định liên lạc với người đã đưa ra lời đề nghị nhưng người đàn ông kia nói, “chúng tôi không thể mua xưởng của ông, vì có người trong đồn công an muốn nó.”
Sau một thời gian, một người đàn ông tên là Trương Kiến (Zhang Jian) đã đề nghị với họ số tiền 400,000 nhân dân tệ (57,274 USD) để mua lại xưởng này. Ông Trương đe dọa họ rằng họ sẽ nhận được một mức giá thậm chí còn thấp hơn nếu họ không nhận lời.
Ông Phùng và vợ quyết định bán nhà máy cho ông Trương mặc dù số tiền 57,274 USD thậm chí không thấm tháp vào đâu so với khoản đầu tư của họ.
Vợ chồng ông Phùng sau đó biết rằng ông Trương đã đứng ra mua thay mặt ông Hàn Gia Tuấn (Han Jiajun), một cảnh viên tại Đồn công an Hải Dương.
Công an tiếp tục vòi tiền
Sau khi bán nhà xưởng, bà Hàn tìm việc làm thuê cho một người bạn. Vợ chồng bà không ngờ rằng công an sẽ gọi lại cho họ, để vòi thêm tiền.
Trịnh Sĩ Dũng, viên cảnh sát đi cùng đồn trưởng của anh ta để lấy vọng lâu trong sân nhà bà Hàn, đã gọi điện cho bà Hàn trước Tết Nguyên Đán năm 2021 và nói, “Chúng tôi không còn có thể che đậy vấn đề của bà lần trước nữa [việc bà Hàn đến nhà thờ tại gia]. Chúng tôi phải báo cáo cấp trên.”
Lần này, bà Hàn không còn tiền để trả cho họ. Bà đào thoát sang Canada cùng chồng và con gái khi Trung Quốc dỡ bỏ các hạn chế đi lại.
Hôm 15/09, The Epoch Times đã gọi điện đến Đồn công an Hải Dương để yêu cầu bình luận, nhưng đồn công an này đã từ chối bình luận.
Chấm dứt ĐCSTQ
Ông Phùng hiện đang tận hưởng cuộc sống làm thợ mộc ở Canada, nơi ông cảm thấy rất hạnh phúc.
“Tôi cảm thấy làm một người thợ mộc bình thường ở Canada an tâm hơn làm một ông chủ ở Trung Quốc,” ông cho biết.
Ông nói: “Nắm đấm sắt của ĐCSTQ giáng vào tôi hầu như mỗi ngày, và tôi đã không thể có một giấc ngủ ngon trong những năm tháng mà tôi có nhà xưởng riêng ở Trung Quốc.”
Giờ đây, ông nhận thấy rằng các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc cũng giống như những “cây hẹ”, một thuật ngữ được người dân Trung Quốc sử dụng để mô tả những thứ dễ trồng nhưng bị “cắt hoặc thu hoạch”.
Ông Phùng nói: “Sau khi chúng tôi trở nên giàu có nhờ làm việc chăm chỉ, ĐCSTQ sẽ xuất hiện để hớt tay trên.”
Ông nói rằng ĐCSTQ từ lâu đã đối xử với người dân Trung Quốc theo cách này. Trong những năm đầu khi ĐCSTQ mới ra đời, đảng này đã cướp đi tài sản của những người nông dân giàu có (phú nông) và sau đó sát hại họ. Rồi sau đó, khi lên nắm quyền, ĐCSTQ tiếp tục sát hại người dân Trung Quốc trong suốt thời gian cầm quyền.
Tự do tín ngưỡng
Sau khi đưa ra quyết định rời Trung Quốc, ông Phùng cho biết gia đình ông hiện được hưởng tự do tín ngưỡng ở Canada. Ông cho biết ông hy vọng một ngày nào đó người Hoa ở Trung Quốc cũng sẽ được hưởng tự do.
“Ông tôi đã nói với tôi khi tôi còn nhỏ rằng ĐCSTQ rất rất xấu xa và là một băng đảng cướp bóc có tổ chức,” ông Phùng nói.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Tầm Sâm và Thường Xuân
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times