Cựu Giáo sư Đại học Bắc Kinh tiết lộ tâm tư ít người biết của ông Tập Cận Bình
Phần I: Tư tưởng Mao cực đoan ẩn sâu bên trong con người ông Tập
Trong thế giới ngày nay, mô hình cai trị độc tài giám sát công nghệ cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được xem là một điều khá bất thường. Cấu trúc quyền lực phức tạp là đặc điểm rõ nét nhất của chế độ này, quan lại thì dày đặc, nhưng mọi chuyện đều được giữ kín như bưng, rất ít người biết được những sự tình phát sinh trong nội bộ. Cho nên, trong nhiều quyết sách mà đảng này đưa ra, đối với thế giới tự do mà nhìn thì đúng là vô cùng kỳ quặc, nhưng đối với nội bộ ĐCSTQ thì những quyết định đó vẫn duy trì tính logic và tiêu chuẩn của riêng họ.
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing), một công dân Úc và là cựu giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, có một quan điểm khá khác biệt về ĐCSTQ và lãnh đạo của đảng, ông Tập Cận Bình. Ngoài việc quan sát chính trị Trung Quốc trong một thời gian dài, ông đã có một khoảng thời gian kết giao thân thiết với ông Tập trong những năm 1980.
Ông Viên đã quan sát cách hệ tư tưởng Mao Trạch Đông được gieo rắc vào đầu ông Tập lúc thời trai trẻ ra sao, từ đó phần nào hiểu được tâm lý độc đoán đẩy ông Tập thành nhà độc tài quyền lực nhất thế giới.
Trong một lần xuất hiện gần đây trên chương trình Diễn đàn Tinh Anh (Pinnacle View) của The Epoch Times, ông Viên đã thảo luận về những lần tiếp xúc riêng tư của mình với ông Tập, từ các chủ đề xung quanh Chiến tranh Triều Tiên, Cách mạng Văn hóa, cho đến các sửa đổi kinh tế của ông Đặng Tiểu Bình. Ông cũng phân tích sự trỗi dậy và sụp đổ của các phe phái khác nhau trong nội bộ ĐCSTQ.
Cuối cùng, ông Viên tin rằng một cuộc chiến tranh ở Eo biển Đài Loan là không thể tránh khỏi vì mục tiêu lý tưởng của ông Tập về sự thống trị của ĐCSTQ.
Buổi phỏng vấn ông Viên với chương trình Diễn đàn Tinh Anh đã đưa ra một góc nhìn độc đáo về tư tưởng của một trong số các nhà độc tài quyền lực nhất thế giới, sẽ được The Epoch Times phát hành thành ba phần.
Ông Tập từng là “tửu hữu”
Cả ông Tập lẫn ông Viên đều sinh vào những năm 1950. Hai người đã là bằng hữu thân thiết của nhau ở Bắc Kinh từ năm 1987 đến 1989, giai đoạn đó họ thường uống rượu cùng nhau. Người bằng hữu xưa kia giờ đã là một nhà độc tài nguy hiểm của một chế độ chuyên quyền độc đoán, còn người còn lại thì bị chế độ đó đàn áp đến mức phải lưu vong.
Điểm lại những lần qua lại giữa mình và ông Tập, vị giáo sư này tin rằng ông Tập đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chủ nghĩa Mao khi còn trẻ, nhưng chỉ một vài người thân thiết mới có thể nhận ra hệ tư tưởng cực đoan của ông ta.
Ông Viên cho biết ông đã gặp ông Tập khi những người theo đường lối cứng rắn của ĐCSTQ thanh trừng cha ông Tập. Đó là sau năm 1987 khi ông Hồ Diệu Bang, cựu tổng bí thư ĐCSTQ, bị buộc phải từ chức vì ông Đặng Tiểu Bình, ông Bạc Nhất Ba, và những người theo đường lối cứng rắn khác trong chế độ không ưa ông ta.
Ông Hồ tương đối cởi mở với những ý tưởng mới, gồm cả những ý tưởng từ các xã hội tự do, vốn thường bị ĐCSTQ phỉ báng là “thế giới tư bản tội lỗi.”
Cha của ông Tập, ông Tập Trọng Huân (Xi Zhongxun) cũng bị nhắm đến vì đã ủng hộ ông Hồ.
Ông Viên ngụ ý rằng mặc dù bản thân ông không tán thành ông Tập Cận Bình, nhưng ông đánh giá tích cực về ông Tập Trọng Huân.
“Ở đây chúng ta cần khách quan. Ông Tập Trọng Huân là một người có lương tâm,” ông nói. “Sau khi ông Hồ bị truất phế, chỉ có hai thành viên của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ từ chối kết án ông Hồ: đó là ông Vương Chiêu Quốc và ông Tập Trọng Huân. Ông Tập Trọng Huân đã phải chịu một loạt các cuộc đàn áp chính trị và tâm lý. Ở giai đoạn bức hại tồi tệ nhất, ông Tập Trọng Huân được cho là đã mắc chứng tâm thần phân liệt và không còn khả năng làm việc bình thường.”
Ông Tập Cận Bình khi đó đã ngoài 30 tuổi, đang giữ chức phó thị trưởng tại thành phố Hạ Môn của tỉnh Phúc Kiến, cách xa thủ đô Bắc Kinh. Theo ông Viên, ông Tập thường xuyên tới Bắc Kinh trong khi cha ông đang bị nhắm mục tiêu và bị kỷ luật, để tìm cách gây dựng mối quan hệ chính trị với giới tinh hoa trong ĐCSTQ, vì ông ta lo lắng cho sự nghiệp chính trị của mình.
Sau khi ông Hồ bị truất phế vào năm 1987, ông Viên, người cùng tuổi với ông Tập, đang làm việc với một nhóm giảng viên trẻ tại Đại học Bắc Kinh để cố gắng gây ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ, với hy vọng tiếp tục các cải tổ chính trị của ông Hồ.
Thông qua sự giới thiệu của con trai ông Hồ Diệu Bang, ông Tập và ông Viên trở nên quen biết, và cả hai thường xuyên chuyện trò ăn uống tại một nhà hàng bên ngoài khuôn viên trường Đại học Bắc Kinh trong khoảng tám tháng. Thú vị là, lý do mà con trai ông Hồ giới thiệu ông Viên với ông Tập đó là cả hai người này đều có sở thích uống rượu và có tửu lượng cao. Đây cũng là lý do hai người hợp nhau như vậy.
Bản chất thật lộ diện: Một người hoàn toàn khác sau khi uống say
Vào thời điểm đó, ông Viên và ông Tập thường cùng nhau uống rượu Mao Đài (một loại rượu nổi tiếng của Trung Quốc), và ông Viên nhớ lại rằng tửu lượng của ông còn kém xa ông Tập.
Sau khi đã ngấm hơi men, ông Tập thường biểu hiện ra một con người khác. Ông Viên mô tả ông Tập là một người bề ngoài có vẻ dè dặt và khá thận trọng, nhưng sau khi uống say, ông ta lại cho thấy mình là một người rất có ý chí và tham vọng, đồng thời thường nói huyên thuyên không dứt.
Ông Viên đưa ra một ví dụ nói rằng, sau khi uống say, ông Tập thường khoe khoang rằng ông ta có thể đi bộ vài dặm với món đồ có trọng lượng khoảng 100kg vác ở một bên vai. Khi ông Viên bác bỏ những tuyên bố của ông Tập, cho rằng làm vậy là “ngớ ngẩn” và rằng đáng lẽ ông Tập nên chuyển qua lại giữa hai vai, điều đó thực sự khiến ông Tập rất tức giận.
Ông Viên nhớ lại: “Ông ấy rất tức giận, và ông ấy là kiểu người như vậy. Sau khi uống rượu, ông ấy trở thành một con người hoàn toàn khác. Quan điểm của ông ấy trở nên rất chủ quan, và hành vi của ông ấy trở nên khá hung hăng.”
Còn về tính cách của ông Tập, ông Viên tin rằng ông Tập bị ảnh hưởng nặng nề sau bi kịch của gia đình mình. Kể từ năm 1959, khi ông Tập chưa đầy 10 tuổi, cha của ông đã dính líu đến một cuộc thanh trừng chính trị của ông Mao Trạch Đông, và cả gia đình rơi vào tình trạng căng thẳng, điều này có thể góp phần khiến ông Tập có thói quen che giấu sự nhìn nhận và quan điểm thật sự của mình trước mặt người khác.
Ông tin rằng ông Tập thường che giấu suy nghĩ thật của mình và những cảm xúc bộc phát sau khi uống rượu mới là con người thật của ông Tập.
Kế thừa chủ nghĩa Mao chính thống
Ông Viên nhớ lại hai sự cố trong quá trình qua lại với ông Tập, từ đó ông đã hiểu rõ hơn về tư tưởng Mao bám rễ sâu trong con người ông Tập.
Sự cố đầu tiên là cuộc trò chuyện trong khi say xỉn của ông Tập về ý tưởng kỳ lạ đó là “để 4 tỷ người Trung Quốc cai trị thế giới.” Từ cuộc trò chuyện này, ông Viên nhận ra rằng suy nghĩ của ông Tập có thể được xem là chủ nghĩa Mao chính thống.
Vào ngày hôm đó, ông Viên đang thảo luận với ông Tập về sự đồng thuận chung trong giới trí thức Trung Quốc, rằng tình trạng dân số bùng nổ của Trung Quốc sẽ cản trở quá trình phát triển kinh tế của đất nước và họ lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế sẽ không bắt kịp tình trạng dân số ngày càng tăng. Tuy nhiên, một ông Tập ngất ngây men rượu đã thẳng thừng bác bỏ nhận xét của ông Viên.
Ông Viên nhớ lại cuộc trò chuyện giữa hai người, nói rằng: “Lúc đó ông Tập Cận Bình nói với tôi rằng tôi đã sai, và ông ấy chỉ vào mặt tôi vì ông ấy đã uống khá nhiều rượu. Tôi hỏi tôi đã nói gì sai. Ông Tập nói dân số của Trung Quốc không phải là quá nhiều, mà là quá ít. Tôi hỏi sao anh lại có ý tưởng lạ lùng thế? Ông ấy nói rằng chúng ta cần 4 tỷ người Trung Quốc để cai quản thế giới này. Câu nói đó đã thực sự để lại kỷ niệm ấn tượng trong tâm trí tôi. Ông Tập nói rằng để đạt được mục tiêu toàn cầu của chủ nghĩa cộng sản, chúng tôi cần có những người quản lý thế giới này. Vì vậy, dân số Trung Quốc không phải là quá nhiều, mà thực tế lại đang quá ít.”
Một tình tiết khác khiến ông Viên nhớ mãi đến giờ, đó là cuộc tranh luận giữa ông Tập và ông Bạch Ân Bồi (Bai Enpei), một quan chức cấp tỉnh của ĐCSTQ (người mà sau đó bị kết án tử hình treo). Hai người này đã lời qua tiếng lại khi say rượu và thậm chí còn ẩu đả về chủ đề liệu ông Mao có phải chịu trách nhiệm về số thương vong quá lớn trong một trận chiến của Chiến tranh Triều Tiên hay không.
Ông Viên kể lại rằng ông Bạch tin rằng ĐCSTQ đã không chuẩn bị quần áo ấm cho 150,000 binh sĩ được cử đến Triều Tiên, và kết quả là hơn 2/3 binh sĩ đã mất mạng vì băng giá, ông Mao phải chịu trách nhiệm về việc này. Những bình luận của ông Bạch khiến ông Tập rất tức giận.
Ông Viên kể, “Một ông Tập Cận Bình thường hay điềm tĩnh và thận trọng đột nhiên nổi giận và mắng mỏ ông Bạch Ân Bồi, cáo buộc ông ấy xúc phạm chủ nghĩa anh hùng của quân đội Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên.”
Ông Viên tiếp tục nói: “Ông Tập Cận Bình tin rằng mặc dù chúng ta tổn thất rất nhiều nhân lực, nhưng chúng ta đã đánh bại Hoa Kỳ và đánh đuổi họ ra khỏi Triều Tiên, đó là một chiến thắng chiến lược to lớn, cho nên sự hy sinh đó là không thể tránh khỏi và là cần thiết. Vì vậy, ông Tập tin rằng giới lãnh đạo quân đội đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng vào thời điểm đó.”
Cả hai người — đều đã say khướt — bắt đầu tranh cãi, và cuối cùng, trận cãi vã leo thang thành một cuộc ẩu đả. Ông Viên đã cố gắng can ngăn nhưng vô ích, vì cả hai người đàn ông đều đã quá hăng máu trong cuộc ẩu đả, và ông Tập cao đến 5’11” (1m80).
Vào năm 2015, ba năm sau khi ông Tập nhậm chức, ông Bạch, người đã thôi giữ chức bí thư tỉnh ủy Vân Nam, đã bị kết án tử hình treo vì tội tham nhũng, khiến ông Bạch trở thành quan chức cao cấp đầu tiên của ĐCSTQ nhận bản án nặng nề như vậy dưới thời ông Tập.
Ông Viên nghi ngờ rằng điều này có thể liên quan đến việc ông Tập nảy sinh thù hằn với ông Bạch sau trận cãi vã của họ về Chiến tranh Triều Tiên nhiều năm trước.
Theo một báo cáo của BBC Hoa ngữ, ông Tập đã ca ngợi Chiến tranh Triều Tiên là một “thắng lợi vĩ đại” và là “bản tuyên ngôn cho sự đứng lên của người dân Trung Quốc ở thế giới phương Đông” vào tháng 10/2020, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày “Chí nguyện quân Nhân dân Trung Quốc” đứng lên chống Mỹ và các lực lượng đồng minh.
Năm 2021, để kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ, bộ phim chiến tranh yêu nước với nguồn kinh phí khổng lồ “Trận Chiến Hồ Trường Tân” của Trung Quốc, đã được công chiếu trên toàn quốc sau nửa thập niên sản xuất. Những hành động tuyên truyền như vậy của ĐCSTQ có thể phản ánh quan điểm cá nhân của ông Tập về lịch sử đảng và tham vọng dân tộc cực đoan của ông ta.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times