Cựu Giáo sư Đại học Bắc Kinh tiết lộ tâm tư ít người biết của ông Tập Cận Bình
Phần II: Tham vọng chiến tranh của nhà độc tài
Ông Viên Hồng Băng (Yuan Hongbing) sống ở Úc, một cựu giáo sư luật tại Đại học Bắc Kinh, có quan điểm khá khác biệt về ĐCSTQ và lãnh đạo Tập Cận Bình. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền gần đây trên chương trình Diễn đàn Tinh Anh của The Epoch Times, ông Viên cho biết ông tin rằng khả năng xảy ra chiến sự ở Eo biển Đài Loan là điều không thể tránh khỏi căn cứ vào mục tiêu lý tưởng về sự thống trị của ĐCSTQ của ông Tập.
Kể từ khi bắt đầu Chiến tranh Nga–Ukraine, bang giao Trung Quốc–Đài Loan đã trở thành tâm điểm chính trị và kinh tế toàn cầu, và các nhà phân tích cũng như các học giả chính trị đã đưa ra nhiều kết luận khác nhau về việc liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có tiến hành xâm lược Đài Loan hay không, và khi nào cuộc chiến này mới bắt đầu. Giáo sư Viên Hồng Băng, người am hiểu tâm lý của ĐCSTQ, cũng từng tiếp xúc trực tiếp với ông Tập Cận Bình, đã chia sẻ cái nhìn sâu sắc của mình. Ông tin rằng việc hiểu được suy nghĩ và lập luận của ông Tập là rất quan trọng trong các cuộc thảo luận xung quanh cuộc chiến có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Đài Loan.
Ông Viên, vốn lớn lên cùng thời với ông Tập Cận Bình, cho là niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa cộng sản của ông Mao Trạch Đông (hay chủ nghĩa cơ yếu cộng sản) đã có tác động rất lớn lên hệ tư tưởng của ông Tập từ khi ông còn là một thiếu niên trong thời Cách mạng Văn hóa, và ông Tập xem việc thống nhất Đài Loan bằng vũ lực quân sự như là một mục tiêu tối hậu của mình. Vì vậy, ông Tập rất có thể sẽ xâm chiếm Đài Loan khi ông ta có đủ sức mạnh kinh tế và quân sự để làm điều đó.
Phương Tây không hiểu tâm lý của các nhà độc tài
Ông Viên cho biết ông tin rằng học thuyết của Tướng Lục quân Hoa Kỳ Mark Milley về một cuộc chiến tranh Trung Quốc–Đài Loan vào năm 2027 là một ví dụ điển hình cho sự hiểu lầm phổ biến trong cộng đồng quốc tế. Sở dĩ như vậy vì hầu hết các nhận định và phân tích đều dựa trên việc so sánh về sức mạnh quân sự, mà không nghiên cứu cũng như phân tích dưới góc độ tâm lý và nguyện vọng đặc thù của một nhà độc tài.
Ông Viên nói, “Họ có xu hướng phân tích vấn đề đứng trên góc độ tư duy của một người bình thường có lý trí. Vì vậy họ đi đến đủ loại kết luận vốn không phản ánh tâm lý của nhà độc tài.”
Ông Viên giải thích rằng có hai đặc điểm thường gây khó khăn cho suy nghĩ và hành vi của một nhà độc tài: một là tính chủ quan cực độ trong lập luận và hai là sự phi lý trong các quyết định của họ.
Ông lấy hành động không ngờ của Hitler khi khởi đầu cuộc chiến tranh trên hai mặt trận trong Đệ nhị Thế chiến và sự can dự bất ngờ của ông Mao Trạch Đông vào Chiến tranh Triều Tiên làm ví dụ. Các quyết định về chiến tranh của cả hai nhà độc tài đều vượt quá sự nhận định của cộng đồng quốc tế vào thời điểm đó. Chẳng hạn, Hitler đã phát động một cuộc xâm lược vào Liên Xô trong khi vẫn đang tham chiến ở mặt trận phía Tây, điều này cuối cùng đã dẫn đến thất bại của Đức Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến; và khi bắt đầu Chiến tranh Triều Tiên, vị tướng lừng danh MacArthur của Hoa Kỳ cũng đã đánh giá sai Trung Quốc.
Ông Viên nói: “Tướng Hoa Kỳ MacArthur nghĩ là ĐCSTQ tuyệt đối sẽ không gửi quân vào Triều Tiên vì ĐCSTQ không có lực lượng không quân và hải quân hiện đại, mà chỉ có một đội quân được trang bị vũ khí vô cùng lạc hậu. Do đó, ĐCSTQ không có khả năng đánh một trận thư hùng cùng vũ khí tân tiến với Hoa Kỳ. Tuy nhiên trên thực tế, ông Mao Trạch Đông đã gửi hàng triệu quân Trung Quốc đến Triều Tiên để chiến đấu.”
Ông Viên còn lấy thêm ví dụ về một bài diễn văn gây chấn động của ông Mao Trạch Đông tại một hội nghị với các nhà lãnh đạo cộng sản quốc tế vào năm 1957. Trong bài thuyết nói của mình, ông Mao Trạch Đông tuyên bố rằng ông đã sẵn sàng cùng với Liên Xô tiến hành một cuộc chiến tranh hạt nhân nhắm vào Hoa Kỳ, ngay cả khi cái giá là mạng sống của một nửa trong tổng số 600 triệu người dân Trung Quốc và một nửa trong tổng số 2.7 tỷ dân số thế giới. Ông Mao Trạch Đông nói rằng để cộng sản giành chiến thắng thì sự hy sinh đó là xứng đáng.
Ông Viên hồi tưởng lại cuộc nói chuyện giữa mình và ông Tập vào những năm 1980, trong đó ông Tập bày tỏ quan điểm giống như ông Mao Trạch Đông về số lượng lớn binh lính Trung Quốc thiệt mạng trong Trận chiến hồ Trường Tân trong Chiến tranh Triều Tiên.
Ông ấy kể, “Ông Tập Cận Bình tin rằng mặc dù chúng ta thiệt hại rất nhiều quân, nhưng [Trung Quốc] đã đánh thắng Hoa Kỳ và đẩy họ ra khỏi Bắc Hàn, đó là một thắng lợi chiến lược to lớn xứng đáng với sự hy sinh này.”
Ông nói rằng các quyết sách đối nội và ngoại giao của ông Tập trong hơn mười năm qua giống như một bản sao tí hon của ông Mao Trạch Đông. Mọi quyết định mà ông Tập đưa ra đều phi lý và thậm chí có tính tự hủy diệt trong một số tình huống.
Ông cho hay, “Trong khoảng một thập niên cầm quyền của (ông Tập), ông ta đã đưa ra nhiều quyết định tàn khốc về chính sách đối nội. Ba năm phong tỏa nghiêm ngặt do COVID là một ví dụ. Ông ta đã đưa ra những lựa chọn ngu ngốc và phá hoại.”
Một ví dụ khác là chính sách cực tả của ĐCSTQ trong việc trợ giúp các doanh nghiệp nhà nước và đàn áp các doanh nghiệp tư nhân kể từ khi ông Tập lên nắm quyền.
Ông Viên tin rằng để tiên liệu được các hành động tiếp theo của chủ tịch ĐCSTQ Tập Cận Bình thì một yếu tố rất quan trọng đó là phải liễu giải được cơ sở lý luận của ông ta trong việc đưa ra những quyết định đó.
Duy hộ hệ tư tưởng của ông Mao Trạch Đông
Ông Viên giải thích rằng sau Cách mạng Văn hóa, ĐCSTQ đã trải qua cuộc đấu tranh kéo dài mười năm giữa phe kiên định lập trường và phe cải cách. Những người theo đường lối cứng rắn toàn trị, do ông Đặng Tiểu Bình lãnh đạo, kiên quyết tuân theo các nguyên tắc của chủ nghĩa cộng sản Mao Trạch Đông với việc huyết mạch kinh tế của Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của giới tinh hoa trong ĐCSTQ.
Cùng thời điểm sau Cách mạng Văn hóa, một nhóm các nhà cải cách có lương tâm trong ĐCSTQ đã nổi lên, dẫn đầu là cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ Hồ Diệu Bang, người sau này đã bị truất phế khỏi vị trí quyền lực. Phe này không chỉ cố gắng làm chính lại một số sai lầm của Cách mạng Văn hóa mà còn nỗ lực để tiến hành một cuộc cải tổ chính trị toàn diện cũng như thay đổi lại suy nghĩ của ĐCSTQ.
Ông Viên nói: “Đó là từ năm 1978 đến năm 1987 khi ông Hồ Diệu Bang thực sự thúc đẩy tự do hóa tư tưởng ở Trung Quốc. Điều này bao gồm việc bãi bỏ trại tập trung lớn nhất trong lịch sử nhân loại, Công xã Nhân dân, và những bước đầu tiên hướng tới cải cách kinh tế đều được thực hiện cùng với việc tự do hóa tư tưởng và quan niệm.”
Các chính sách do phe cải cách đưa ra cuối cùng đã chạm vào lằn ranh đỏ của phe kiên định lập trường do ông Đặng Tiểu Bình và ông Bạc Nhất Ba lãnh đạo. Mặc dù ông Đặng và những người khác cũng bị bức hại trong Cách mạng Văn hóa, nhưng về căn bản họ muốn bảo vệ sự chuyên chế của ĐCSTQ bởi vì quyền lực và lợi ích của chính họ là đến từ sự cai trị chuyên chế của ĐCSTQ do ông Mao Trạch Đông thiết lập.
Ông Viên nói: “Mâu thuẫn trong nội bộ ĐCSTQ đã dẫn đến sự xung đột giữa hai xu hướng tư tưởng, và xung đột này đã nảy sinh từ cuộc thanh trừng ông Hồ Diệu Bang vào năm 1987. Lục đục đó cuối cùng đã dẫn đến việc phe kiên định lập trường ra lệnh cho quân đội tàn sát hàng ngàn người vào năm 1989 (Thảm sát Quảng trường Thiên An Môn) với lý do ‘ổn định đất nước cho những thập niên tiếp theo.’ Điều này đã hoàn toàn làm gián đoạn tiến trình đạt được dưới thời ông Hồ Diệu Bang.”
Kể từ đó, cái gọi là “Cải cách và Mở cửa” của Trung Quốc trên thực tế là một [chính sách] kinh tế thắt lưng buộc bụng bị biến dạng dưới sự cai trị của ông Đặng Tiểu Bình, khiến tài sản chính trị của ĐCSTQ không còn nguyên vẹn. Điều này đã dẫn đến nền kinh tế hùng mạnh và giới tinh hoa giàu có của ĐCSTQ ngày nay.
Ông Viên tin rằng ông Tập là một nhân vật điển hình được nuôi dưỡng dưới thời Cách mạng Văn hóa. Mặc dù bản thân ông Tập đã bị áp bức trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, nhưng tâm trí của ông đã bị chủ nghĩa cơ yếu cộng sản của ông Mao Trạch Đông tẩy não, vậy nên ông ta không biết gì ngoài triết lý chính trị cực đoan của ông Mao về Cách mạng Văn hóa.
Ông Viên giải thích: “Ông Tập Cận Bình không chỉ bác bỏ chính sách tự do hóa tư tưởng của ông Hồ Diệu Bang mà còn bác bỏ cả chủ nghĩa tư bản trong giới tinh hoa ĐCSTQ của ông Đặng Tiểu Bình. Đây là lý do cốt yếu tại sao hiện nay ông ta lại đang dẫn dắt Trung Quốc bước vào những năm đen tối của chủ nghĩa cơ yếu cộng sản Mao Trạch Đông.”
Hệ tư tưởng cực đoan có ảnh hưởng rất lớn đến nguyện vọng chinh phục Đài Loan của ông Tập Cận Bình
Ông Viên, từng là một tửu hữu của ông Tập, đã trực tiếp quan sát thấy tính cách và hệ tư tưởng của ông Tập nhờ quan hệ thân thiết giữa họ.
Ông ấy nói: “Tôi nghĩ ông Tập Cận Bình là một người có một số phẩm chất tốt, chẳng hạn như ông ấy khá trung thành và thẳng thắn với mọi người, cũng sẽ không lợi dụng người khác, v.v.”
Theo ông Viên, không giống như các quan chức ĐCSTQ khác, một đặc điểm nổi bật trong tính cách của ông Tập đó là lý tưởng cộng sản cực đoan của ông.
Ông ấy giải thích thêm: “Hệ tư tưởng của ông ta là gì? Hệ tư tưởng của ông là tinh thần cộng sản mà Mao Trạch Đông đã tiêm nhiễm vào tâm trí ông trong thời Cách mạng Văn hóa. Tôi có cảm tưởng rằng hệ tư tưởng nguy hiểm này đã khắc sâu trong tâm trí của ông ta và ông ta dường như đã hạ quyết tâm là bằng cách nào đó phải đạt được mục tiêu lý tưởng này. Đó là một đặc điểm quan trọng trong tính cách của ông ấy.”
Ông Viên tin rằng mọi hành vi được thúc đẩy bởi hệ tư tưởng cộng sản của ông Tập dường như đang phản chiếu hình ảnh của ông Mao Trạch Đông. Trong tương lai, ông Tập sẽ sử dụng toàn bộ sức mạnh chính trị và quân sự của mình để đạt được tham vọng toàn cầu mà ông ta đề ra, và dường như ông ta đã hạ quyết tâm tiến hành xâm lược Đài Loan.
Ông Viên giải thích: “Ở trong nước, chắc chắn (ông Tập) sẽ đưa Trung Quốc trở lại thời đại Mao Trạch Đông. Ở cấp độ quốc tế, ông ta sẽ củng cố sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đạt được nhờ ông Đặng Tiểu Bình và chủ nghĩa tư bản dựa trên tham nhũng của ông Giang Trạch Dân, và biến sức mạnh đó thành khả năng chính trị cũng như khả năng quân sự để bành trướng chủ nghĩa toàn trị khắp toàn cầu.”
Ông tiếp tục nói: “Vì vậy, phát động một cuộc chiến nhắm vào Đài Loan gần như có thể được xem là định số của ông ta, không chỉ gây chiến trên một đất nước Đài Loan tự do và thế giới tự do mà còn lôi kéo toàn bộ người dân Trung Quốc vào mưu đồ quân phiệt toàn trị của mình.”
Vào cuối cuộc phỏng vấn của mình trên Diễn đàn Tinh Anh, ông Viên nói: “Vậy kết cục của chế độ này sẽ là gì? Tôi tin rằng ngày mà [ông Tập] khởi động cuộc chiến nhắm vào Đài Loan cũng sẽ là ngày mở đầu cho sự sụp đổ của chế độ độc tài Tập Cận Bình và sự diệt vong của chế độ ĐCSTQ tà ác. Cũng có thể nói rằng đây có thể là trận quyết đấu cuối cùng trong một trăm năm giữa chủ nghĩa cộng sản và phần còn lại của thế giới.”