Cựu Giám đốc Tình báo Quốc gia: Không có gì trong bản khai hữu thệ ủng hộ cuộc đột kích ‘cực đoan’ của FBI
Một cựu quan chức tình báo hàng đầu cho biết không có phần nào trong bản khai hữu thệ của trát khám xét được biên tập lại ủng hộ chính phủ Tổng thống (TT) Biden thực hiện bước đi chưa từng có tiền lệ trong việc đột kích tư dinh của một cựu tổng thống.
“Tôi nghĩ rằng bản khai hữu thệ đó cung cấp một bản tóm tắt chung về việc FBI và Bộ Tư pháp tin rằng có các tài liệu mật ở Mar-a-Lago. Nhưng tôi không thực sự thấy bất cứ điều gì trong bản khai có thể biện minh cho điều vẫn có vẻ là một cách tiếp cận cực đoan của FBI và Bộ Tư pháp để truy xuất những tài liệu đó nếu trên thực tế chúng đã được giải mật,” ông John Ratcliffe, một giám đốc tình báo quốc gia dưới thời chính phủ cựu TT Trump, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng trên CBS News hôm 26/08.
Bản khai hữu thệ này, do một đặc vụ FBI biên soạn, đã thuyết phục Thẩm phán Tòa sơ thẩm Liên bang Bruce Reinhart phê chuẩn một trát khám xét hôm 05/08. Trát đã được thực thi ba ngày sau đó tại dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump ở Palm Beach, Florida. Bản khai hữu thệ đã được công khai vào sáng thứ Sáu (26/08) với các thông tin đã được biên tập lại.
Các quan chức cho biết họ có lý do để tin rằng ông Trump đã vi phạm luật liên bang, bao gồm luật cấm phá hủy, làm sai lệch, hoặc thay đổi một số hồ sơ và truyền tải hoặc làm mất thông tin quốc phòng.
Theo thông tin từ những phần không bị bôi đen, khám phá cốt lõi thúc đẩy cuộc điều tra là việc xác định thông tin đã được giải mật trong 15 hộp tài liệu được chuyển từ Mar-a-Lago đến Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia vào đầu năm 2022. Theo nội dung trong bản khai hữu thệ, các nhân viên FBI đã tự xem xét các tài liệu này hồi tháng Năm, và có lý do để tin rằng nhiều tài liệu như vậy vẫn được lưu trữ tại Mar-a-Lago.
“Không có gì trong đó thực sự sẽ làm xoa dịu căng thẳng đang leo thang ở đất nước này với người dân Mỹ về việc liệu điều này có chính đáng hay không,” ông Ratcliffe, cựu nghị sĩ Đảng Cộng Hòa, nói với CBS.
“Nếu quý vị đặt ra mục tiêu làm sâu sắc thêm sự chia rẽ giữa người Mỹ và tăng mức độ hoài nghi hoặc không tin tưởng vào FBI và Bộ Tư pháp, thì họ đã thành công,” ông nói thêm.
Ông Richard Grenell, người từng giữ quyền giám đốc tình báo quốc gia trước khi ông Ratcliffe được Thượng viện Hoa Kỳ xác nhận, nói rằng có quá nhiều thông tin được biên tập lại trong bản sao của bản khai hữu thệ đã được công bố này.
“Tài liệu này bị biên tập lại quá nhiều. Tiết lộ một nguồn hoặc một phương pháp là lý do duy nhất để biên tập lại. Điều này được thực hiện bằng cách biên tập lại các từ, chứ không phải cả đoạn văn. Các cơ quan tình báo trung ương đã tạo ra một cuộc khủng hoảng niềm tin,” ông Grenell viết trên Twitter.
Ông nói thêm: “Điều này hoàn toàn mang tính chính trị và người dân Mỹ nhận thấy điều đó.”
Ông Stephen Miller, người từng là một cố vấn cao cấp của tổng thống dưới thời chính phủ cựu TT Trump, cũng thuộc trong số các cựu quan chức chính phủ khác đưa ra những lời chỉ trích sau khi bản khai hữu thệ được công bố.
“Ý đồ, được thể hiện rõ ràng trong bản khai hữu thệ, rằng Cục Lưu trữ đã ra lệnh cho FBI tấn công Tổng thống Trump — với tiền đề là các quan chức không được bầu chọn này, không phải là POTUS (Tổng thống Hoa kỳ), có thẩm quyền cuối cùng về an ninh quốc gia — chỉ có thể được hiểu là một nỗ lực để lật đổ toàn bộ trật tự hiến pháp dân chủ của chúng ta,” ông nói trong một bài đăng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, một số cựu quan chức khác không đồng tình.
Ông Andrew Weissman, một cựu công tố viên, cho biết bản khai hữu thệ cho ông thấy Bộ Tư pháp “dường như đã hành động nhanh chóng” sau khi các nhân viên FBI xem xét các tài liệu được gửi từ Mar-a-Lago.
Ông Weissman, người đã quyên góp cho đối thủ một thời của cựu TT Trump, bà Hillary Clinton, nói với NPR: “Bộ này thực sự trông khá tuyệt về những gì họ đang làm.”