Bản khai hữu thệ cho trát khám xét tư dinh của cựu Tổng thống Trump được công bố
Tài liệu thuyết phục một thẩm phán phê chuẩn trát khám xét tư dinh của cựu Tổng thống (TT) Donald Trump ở Florida đã được công bố hôm 26/08 dưới hình thức được biên tập lại rất nhiều phần.
Các quan chức chính phủ đã đệ trình một bản sao của bản khai hữu thệ trát khám xét, do một đặc vụ FBI biên tập lại, theo yêu cầu của Thẩm phán Tòa án Sơ thẩm Hoa Kỳ Bruce Reinhart.
Vị thẩm phán này đã phê chuẩn trát hôm 05/08. Các đặc vụ FBI đã thi hành trát này ba ngày sau đó tại Mar-a-Lago ở Palm Beach.
Mặc dù ông Reinhart đã yêu cầu Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (DOJ) công bố một bản sao của bản khai hữu thệ này, nhưng ông vẫn đồng ý với mọi phần thông tin được biên tập lại mà chính phủ đưa ra.
Trong bản sao được công bố hôm thứ Sáu, một đặc vụ FBI có tên được bảo mật cho biết cuộc điều tra của chính phủ được thúc đẩy bởi một đề nghị từ Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia, cơ quan cho biết họ xác định các tài liệu mật trong các hộp được chuyển cho họ từ Mar-a-Lago hồi tháng Một.
Theo bản khai hữu thệ, sau đề nghị đó, và sau khi chính phủ TT Biden quyết định từ chối các tuyên bố đặc quyền của ông Trump, các đặc vụ đã xem xét các hộp hồ sơ từ ngày 16/05 đến ngày 18/05. Họ xác định các tài liệu có đánh dấu hồ sơ mật là 14 trong số 15 hộp, tổng cộng có 184 tài liệu.
Một số tài liệu “có vẻ như chứa thông tin quốc phòng”, đặc vụ này cho biết.
Các nhà chức trách yêu cầu trát khám xét này vì họ tin rằng ông Trump đã vi phạm một số luật, trong đó có một luật quy định việc sở hữu và truyền tải thông tin quốc phòng.
Ông Trump cho biết ông đã giải mật nhiều tài liệu, bao gồm cả những tài liệu ở Mar-a-Lago. Một phần của bản tuyên thệ đã đề cập đến vấn đề đó, nhưng chúng đã bị bôi đen.
Các quan chức đã cố gắng giữ niêm phong tài liệu
Các quan chức DOJ đã cố gắng giữ niêm phong toàn bộ bản khai hữu thệ, tuyên bố rằng phần thông tin cần thiết được biên tập lại sẽ để lại một sản phẩm không cung cấp cho công chúng cái nhìn sâu sắc về vụ việc. Các hãng thông tấn và các tổ chức bất vụ lợi, bao gồm cả tổ chức Judicial Watch (Giám sát Tư pháp), đã phản đối cơ sở lý luận này. Họ cho biết quyền truy cập hợp lý có nghĩa là bản khai hữu thệ phải được công bố, ngay cả khi có các phần được biên tập lại, và lưu ý rằng nhiều chi tiết được cho là của tài liệu đó đã được trình bày trong các bản tin trích dẫn từ các nguồn ẩn danh.
Sau đó, các quan chức DOJ tuyên bố rằng họ cần biên tập lại một số thông tin để bảo vệ danh tính của các nhân viên chấp pháp và các nhân chứng, cũng như các chi tiết về cuộc điều tra đang diễn ra đối với ông Trump, và thông tin về đại bồi thẩm đoàn.
“Chính phủ đã xem xét cẩn thận bản khai hữu thệ này và đã xác định năm loại thông tin phải được giữ niêm phong để bảo vệ sự an toàn của nhiều nhân chứng dân sự – những người có thông tin trong bản khai hữu thệ và góp phần vào việc tìm ra căn cứ hợp lý, cũng như tính toàn vẹn của cuộc điều tra đang diễn ra,” các quan chức cho biết trong một tài liệu riêng biệt cũng đã được công bố hôm thứ Sáu.
Ông Reinhart đã cho biết trong phán quyết ngày 25/08 của mình rằng DOJ “đã đáp ứng được trách nhiệm của mình trong việc đưa ra lý do thuyết phục/lý do chính đáng để niêm phong một phần của Bản khai hữu thệ,” và rằng các thông tin được biên tập lại đó “đã được thực hiện một cách tỉ mỉ để phục vụ cho lợi ích hợp pháp của Chính phủ đối với tính toàn vẹn của cuộc điều tra đang diễn ra và là giải pháp thay thế ít nguy hiểm nhất cho việc niêm phong toàn bộ Bản khai hữu thệ này.”
Ông Reinhart cho biết thông tin trong bản khai hữu thệ này là thông tin duy nhất mà ông dựa vào khi phê chuẩn trát khám xét.