Các luật sư về Hiến Pháp: Trát khám xét Mar-a-Lago của FBI không có ‘cơ sở pháp lý’
Hai luật sư chuyên về Hiến Pháp từng làm việc trong các chính phủ cựu Tổng thống (TT) Bush và TT Reagan nói rằng trát được sử dụng để khám xét tư dinh Mar-a-Lago của cựu TT Donald Trump là không có cơ sở pháp lý.
Các luật sư David Rivkin Jr. và Lee Casey, cả hai đều phục vụ dưới thời các cựu Tổng thống Ronald Reagan và George H. W. Bush, viết rằng quyền của một cựu tổng thống theo Đạo luật Hồ sơ Tổng thống thay thế cho các quy chế mà Bộ Tư pháp và FBI đã sử dụng để thực hiện cuộc đột kích hồi đầu tháng này.
Hôm thứ Ba (23/08), họ viết trên Wall Street Journal: “Thẩm phán người ban hành trát khám xét Mar-a-Lago đã cho biết ông ấy có khả năng sẽ công bố một phiên bản được biên tập lại của bản khai hữu thệ vốn được sử dụng để hỗ trợ cho trát này. Nhưng bản thân trát này cho thấy câu trả lời có thể là không — FBI không có lý do hợp pháp nào cho cuộc đột kích đó.”
Trước đó trong tháng này, Thẩm phán Tòa Sơ thẩm Liên bang Bruce Reinhart đã gỡ niêm phong trát và giấy biên nhận tịch thu tài sản, cho thấy rằng tài liệu này cho phép các đặc vụ FBI lấy tất cả “tài liệu và hồ sơ hữu hình cấu thành bằng chứng, hàng lậu, thành quả của hành vi phạm tội hoặc các vật dụng khác bị sở hữu bất hợp pháp vi phạm các điều luật 18 USC 793, 2071, hoặc 1519.”
Hơn nữa, những tài liệu có thể bị tịch thu là “bất kỳ Hồ sơ chính phủ và/hoặc Tổng thống nào được tạo từ ngày 20/01/2017 đến ngày 20/01/2021”, bao gồm tất cả tài liệu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump.
Kết quả là, hai học giả này cho rằng “hầu như tất cả các tài liệu tại Mar-a-Lago đều có khả năng thuộc loại này” nhưng “luật liên bang cho phép ông Trump có quyền tiếp cận chúng”.
Ông Rivkin và ông Casey viết: “Việc sở hữu chúng hoàn toàn phù hợp với quyền đó, và do đó hợp pháp, bất luận FBI có viện dẫn điều luật gì trong trát của họ.”
“Những quy chế đó trong văn bản và sự áp dụng của họ là chung chung. Nhưng các tài liệu của ông Trump được đề cập trong một quy chế cụ thể, Đạo luật Hồ sơ Tổng thống năm 1978,” hai vị luật sư nói, đồng thời cho biết thêm rằng phán quyết của Tối cao Pháp viện năm 1974 khẳng định lập luận của họ. “Các quyền của cựu tổng thống theo [Đạo luật Hồ sơ Tổng thống] vượt trội hơn bất kỳ việc áp dụng luật nào mà trát khám xét của FBI viện dẫn.”
Đạo luật năm 1978 này, được thông qua hai năm sau khi cựu Tổng thống Richard Nixon từ chức, “đưa ra các yêu cầu chi tiết về cách Cục trưởng Cục Quản lý hồ sơ, giải quyết các tuyên bố đặc quyền, công khai hồ sơ, và áp đặt các hạn chế đối với quyền truy cập,” họ nói thêm. “Đáng chú ý là, đạo luật này không hề đề cập đến quy trình mà hồ sơ của một cựu tổng thống được chuyển một cách thực tế cho Cục trưởng Cục Quản lý Hồ sơ, hoặc đặt ra bất kỳ thời hạn nào, cho phép vấn đề này được thương lượng giữa Cục trưởng Cục Quản lý Hồ sơ và cựu tổng thống đó.”
Trong bài bình luận của mình, những tác giả này tuyên bố rằng bởi vì FBI và Bộ Tư pháp đã được đáp ứng việc lắp thêm một ổ khóa bổ sung cho một phòng lưu trữ ở Mar-a-Lago, nên những cơ quan liên bang này “có thể và lẽ ra phải tìm kiếm một phương pháp ít xâm phạm hơn” so với một cuộc khám xét.
Trong một đơn khiếu nại pháp lý đệ trình trước đó trong tuần này, cựu TT Trump viết rằng các đặc vụ đã đến thăm nhà ông hồi đầu tháng Sáu — khoảng hai tháng trước cuộc đột kích mới đây — và có vẻ như đã chấp thuận việc lắp đặt một ổ khóa khác.
Theo đơn khiếu nại này, sau khi một nhân viên FBI nhìn thấy phòng lưu trữ, họ nói với nhóm của ông Trump: “Cảm ơn. Ông không cần cho chúng tôi xem phòng lưu trữ, nhưng chúng tôi đánh giá cao về điều đó. Bây giờ mọi thứ đều rõ ràng.”
Văn bản này cho biết thêm: “Sau đó cố vấn của cựu Tổng thống Trump đã kết thúc cuộc gặp gỡ này và khuyên những quan chức Chính phủ nói trên rằng họ nên liên lạc với ông nếu có thêm bất kỳ yêu cầu nào khác về vấn đề này.”
Ông Jack Phillips là một phóng viên thời sự của The Epoch Times tại New York.