Cựu giám đốc phòng thí nghiệm virus học Trung Quốc đột ngột qua đời
Đầu tháng này (10/2022), nhà nghiên cứu nổi tiếng Trung Quốc Ngô Kiến Quốc (Wu Jianguo) đã đột ngột qua đời, hưởng thọ 66 tuổi. Một chuyên gia về Trung Quốc tin rằng sự ra đi không đúng lúc của ông Ngô có thể liên quan đến cuộc đấu tranh chính trị giữa các quan chức cao cấp trước thềm Đại hội Đảng lần thứ 20, được tổ chức hôm 16/10.
Ông Ngô, cựu giám đốc Phòng thí nghiệm Trọng điểm Nhà nước về Virus học (State Key Laboratory of Virology, SKLV), đã qua đời vì “phát bệnh đột ngột” sau nửa đêm hôm 03/10 tại thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, theo lời cáo phó được tài khoản WeChat chính thức của phòng thí nghiệm này công bố hôm 04/10.
Đáng chú ý, SKLV được Viện Virus học Vũ Hán (WIV) hỗ trợ, là nơi “có khả năng là nguồn gốc” của dịch COVID-19, theo một bản ghi nhớ của các chuyên gia công cộng, như The Epoch Times đã đưa tin trước đây.
Bên cạnh vô số những thành tựu của ông Ngô về virus học, vi sinh, và sinh học phân tử, ông đã được bổ nhiệm làm giám đốc SKLV từ năm 2004 đến năm 2016, giám đốc Viện Vi sinh Y tế tại Đại học Tế Nam từ năm 2016, và giám đốc Viện Vi sinh Y tế Phật Sơn từ năm 2020.
Ông Ngô cũng là một thành viên của “Chương trình Học giả Trường Giang,” được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập vào năm 1998 để tài trợ cho các học giả hàng đầu và phát triển giáo dục bậc cao. Bắc Kinh tuyển chọn thành viên cho chương trình này, và họ nhận được trợ cấp trực tiếp từ Quốc Vụ viện của ĐCSTQ.
Các cuộc đấu tranh chính trị trong nội bộ Đảng
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một chuyên gia về Trung Quốc và là nhà bình luận các vấn đề thời sự sống tại Hoa Kỳ, tin rằng việc ông Ngô qua đời là dấu hiệu cho thấy sự tranh giành quyền lực giữa các lãnh đạo cao cấp của ĐCSTQ. Giữa Đại hội Đảng lần thứ 20, ông Tập Cận Bình tìm cách bảo đảm một nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có và xác thực quyền lực của mình bằng cách tuyên bố rằng việc giải quyết đại dịch COVID-19 của ông đã thành công.
“Sự qua đời của ông Ngô là một chủ đề nhạy cảm vì một số lý do,” ông Lý nói trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. “Việc này xảy ra ngay trước Đại hội Đảng lần thứ 20, và ông ấy, với tư cách là giám đốc của SKLV trong 12 năm, là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành virus học Trung Quốc và, có lẽ, đã trực tiếp tham gia vào nghiên cứu virus học bí mật của Trung Quốc.”
Ông Lý nói: “Ngoài ra, đặc biệt là trong vài năm gần đây, đã có nhiều nhà virus học hoặc nhà nghiên cứu vaccine Trung Quốc lần lượt qua đời ‘phát bệnh đột ngột’ một cách bất thường.”
Sự qua đời của ông Ngô đã thu hút sự chú ý rộng rãi của công chúng ở Trung Quốc vì một số nhà nghiên cứu lẫy lừng cũng đã qua đời vì phát bệnh đột ngột trong những năm gần đây.
‘Băng nhóm Thượng Hải’ đằng sau các phòng thí nghiệm hàng đầu của Trung Quốc
Theo các nguồn tin nội bộ am tường về các vấn đề chính trị ở Bắc Kinh của ông Lý, thì “Băng nhóm Thượng Hải” đang đứng sau WIV và SKLV. Hơn nữa, nhóm này đã tạo ra một nhóm lợi ích lớn bao gồm Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS), Viện Khoa học Sinh học Thượng Hải (SIBS), và các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện dân sự và quân sự của Thượng Hải. Nhóm lợi ích này, bắt nguồn từ lĩnh vực công nghệ sinh học y tế của Thượng Hải, kiểm soát việc phân bổ tài trợ cho tất cả các dự án nghiên cứu sinh học trong thành phố.
“Băng nhóm Thượng Hải” hay “Bè cánh Thượng Hải” là tên gọi của một nhóm quan chức ĐCSTQ đã lên nắm quyền thông qua mối quan hệ với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, nguyên là thị trưởng Thượng Hải. Ông Giang là địch thủ chính trị của ông Tập.
Hơn nữa, các nguồn tin nội bộ của ông Lý cũng nói rằng nhóm này kiểm soát WIV và SKLV bằng cách chỉ định những người hỗ trợ của họ cho các phòng thí nghiệm này vào các vị trí giám đốc và ủy viên chủ chốt.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times