Cựu cố vấn Peter Navarro của ông Trump bị buộc tội khinh thường Quốc hội
Hôm 03/06, một bồi thẩm đoàn đã truy tố ông Peter Navarro, cựu cố vấn của Tổng thống (TT) Donald Trump, vì các tội khinh thường Quốc hội sau khi ông từ chối hợp tác với cuộc điều tra gây tranh cãi của Ủy ban 06/01 về vụ xâm phạm Điện Capitol.
Hồi cuối tháng Ba, Ủy ban Hạ viện 06/01 đã bỏ phiếu để đưa ra cáo buộc hình sự đối với ông Navarro và ông Dan Scavino giữa một cuộc chiến pháp lý gay gắt về đặc quyền hành pháp.
Tại thời điểm diễn ra cuộc bỏ phiếu nói trên, Chủ tịch Ủy ban 06/01 Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi) đã bác bỏ những tuyên bố về đặc quyền hành pháp.
“Đặc quyền hành pháp hoàn toàn không thuộc về bất kỳ quan chức Tòa Bạch Ốc nào. Đặc quyền này thuộc về tổng thống,” ông Thompson tuyên bố. “Ở đây, Tổng thống Biden đã nói rõ rằng đặc quyền hành pháp không ngăn cản sự hợp tác của ông Scavino hoặc ông Navarro với Ủy ban Đặc biệt.”
“Ngay cả khi một tổng thống chính thức viện dẫn đặc quyền hành pháp liên quan đến lời khai của một nhân chứng — vốn không phải là điều xảy ra ở đây — nhân chứng đó có nghĩa vụ tuyên thệ và khẳng định đặc quyền theo từng câu hỏi một. Nhưng những nhân chứng này thậm chí còn không thèm xuất hiện.”
Hạ viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát sau đó đã bỏ phiếu để chứng nhận cáo buộc nói trên.
Hiện tại, một đại bồi thẩm đoàn đã biểu quyết để tiến hành các thủ tục tố tụng hình sự chống lại ông Navarro.
Ông đã bị truy tố vì hai tội danh khinh thường Quốc hội. Một tội do ông không cung cấp các tài liệu do Ủy ban yêu cầu trong khi tội danh còn lại là do ông không trả lời trát đòi hầu tòa của Ủy ban để xuất hiện và làm chứng.
Quyết định này khiến ông Navarro trở thành cựu quan chức Tòa Bạch Ốc thứ hai của ông Trump bị truy tố.
Ông Navarro đã không phúc đáp yêu cầu bình luận từ The Epoch Times.
Hồi tháng 10, Ủy ban đã nhắm vào cựu cố vấn Tòa Bạch Ốc Steve Bannon, người đã rời Tòa Bạch Ốc nhiều năm trước cuộc biểu tình ngày 06/01.
Ông Bannon, với lý do đặc quyền hành pháp, đã từ chối lệnh triệu tập. Hạ viện do Đảng Dân chủ lãnh đạo nhanh chóng đưa ra cáo buộc khinh thường Quốc hội đối với ông Bannon và Bộ Tư pháp của TT Joe Biden kể từ đó đã truy tố ông Bannon về tội này.
Các luật sư của cựu TT Trump đã lập luận rằng ông Bannon và các cựu quan chức khác không nên tuân thủ vì thông tin được yêu cầu được đặc quyền hành pháp của ông Trump bảo vệ.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với cựu Tham mưu trưởng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows, người cũng từ chối lệnh triệu tập của Ủy ban 06/01 vào tháng 11/2021 với lý do đặc quyền hành pháp.
Kể từ đó, Ủy ban này đã mở rộng phạm vi tìm kiếm hơn nữa, nhắm mục tiêu đến các thành viên đang tại vị trong Quốc hội như Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio), Dân biểu Scott Perry (Cộng Hòa-Pennsylvania), và thậm chí cả lãnh đạo Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California).
Ông McCarthy đã gọi những nỗ lực để ra trát đòi hầu tòa các thành viên đang tại vị trong Quốc hội là một sự “lạm quyền”, và cả ba thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện này đều từ chối điều trần trước Ủy ban.
Gần đây, Ủy ban cũng đã nhắm đến bà Ginni Thomas, vợ của Thẩm phán Tối cao Pháp viện Clarence Thomas, vì có tuyên bố cho rằng bà ấy đã nhắn tin cho ông Meadows trong cuộc biểu tình ngày 06/01.
Xét đến bản chất đảng phái của các lệnh triệu tập và cáo buộc do Ủy ban đưa ra, một số thành viên Đảng Cộng Hòa, bao gồm cả ông Trump, đã cáo buộc đó là một “cuộc săn phù thủy” chỉ nhắm vào các đối thủ của Đảng Dân Chủ trong Đảng Cộng Hòa.
Những người khác, như ông McCarthy, đã ít rõ ràng hơn trong lời phê bình của họ đối với ủy ban này. Khi Ủy ban gửi trát đòi hầu tòa đến ông Bannon, ông McCarthy lập luận rằng các tranh chấp pháp lý đang diễn ra khiến tính hợp pháp của trát đòi hầu tòa đó không xác định được.
“Họ đang đưa ra một trát đòi hầu tòa không hợp lệ,” ông McCarthy nói. “Việc ban hành một trát đòi hầu tòa không hợp lệ làm suy yếu quyền lực của chúng ta. Ông ấy có quyền đến tòa án để xem ông ấy có đặc quyền hành pháp hay không. Tôi không biết ông ấy có đặc quyền hành pháp hay không, nhưng Ủy ban cũng vậy. Vì vậy, họ đang làm suy yếu quyền lực của chính Quốc hội bằng cách ban hành trát đòi hầu tòa không hợp lệ.”
Sau quyết định gần đây của Ủy ban về việc gửi trát hầu tòa tới một số thành viên Đảng Cộng Hòa nổi bật — đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ rằng các thành viên đương nhiệm của Quốc hội bị một cơ quan Quốc hội ra trát đòi hầu tòa — ông McCarthy lại tiếp tục lập luận của mình rằng trát hầu tòa có khả năng không hợp lệ.
“Tất cả các trát đòi hầu tòa hợp lệ và được ban hành hợp pháp phải được tôn trọng và tuân thủ,” ông Elliot S. Berke, luật sư của ông McCarthy, viết trong một bức thư dài hôm 27/05. “Thật không may, những lời nói và hành động của Ủy ban Đặc biệt cùng các thành viên của Ủy ban đã nói rõ rằng Ủy ban này không thực hiện việc sử dụng hợp lệ hoặc hợp pháp quyền ra trát đòi hầu tòa của Quốc hội.”
“Trên thực tế,” ông Berke tiếp tục, viện dẫn việc Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) từ chối đưa các thành viên do phe thiểu số lựa chọn vào Ủy ban, “Ủy ban Đặc biệt thậm chí không hoạt động tuân thủ các quy tắc mà các thành viên của chính họ đã biểu quyết để ban hành.”
Ông Jordan, một thành viên Đảng Cộng Hòa khác đã nhận được trát đòi hầu tòa từ Ủy ban, cũng đã từ chối tuân thủ điều mà ông gọi là một “cuộc trả thù chính trị”.
Với quyết định của đại bồi thẩm đoàn liên bang về việc buộc tội ông Navarro, vụ án bây giờ sẽ chuyển sang thủ tục tố tụng hình sự. Nếu bị kết án, mỗi tội danh sẽ phải chịu mức án tối thiểu là một tháng tù giam hoặc bản án tối đa là 12 tháng tù giam, ngoài ra còn bị phạt tiền từ 100 USD đến 100,000 USD.
Ông Joseph Lord là phóng viên chuyên đưa tin về Quốc hội cho The Epoch Times.