Tối cao Pháp viện bác bỏ yêu cầu của ông Trump về việc giữ tài liệu Tòa Bạch Ốc khỏi Ủy ban 06/01
Đảng Dân Chủ giành chiến thắng trong cuộc điều tra về ‘cuộc nổi dậy gây thương vong’.
Hôm 22/02, Tối cao Pháp viện đã chấm dứt cuộc tranh tụng pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm giữ lại các tài liệu từ nhiệm kỳ Tòa Bạch Ốc của ông khỏi những thành viên Đảng Dân Chủ trong Quốc hội đang điều tra về vụ xâm phạm Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021. Ông tuyên bố các tài liệu này được bảo vệ bởi đặc quyền hành pháp.
Đặc quyền hành pháp đã được các tổng thống viện dẫn để ngăn chặn truy cập vào các tài liệu nội bộ của Tòa Bạch Ốc, dựa trên giả thuyết rằng việc tiết lộ công khai những tài liệu đó không nằm trong lợi ích tốt nhất của quốc gia. Nếu các cố vấn không được tự do nói lên suy nghĩ của họ trong khi thảo luận các vấn đề quốc gia với tổng thống vì họ biết rằng một lúc nào đó những sự bàn tính nội bộ này sẽ được công khai, thì quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng, lý do là như vậy.
Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện, trong đó có Chủ tịch Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) đã tỏ ra vô cùng phấn khích trước phán quyết này.
“Hôm nay, Tối cao Pháp viện đã tuyên bố rõ ràng một cách vang dội rằng không ai đứng trên luật pháp — kể cả một cựu tổng thống đã kích động một cuộc nổi dậy gây thương vong,” bà nói trong một tuyên bố.
“Bằng cách một lần nữa bác bỏ nỗ lực của cựu tổng thống để che giấu các tài liệu liên quan đến ngày 06/01, quyết định của tòa án là một chiến thắng cho sự thật, cho pháp quyền, và cho người dân Mỹ,” bà Pelosi nói, cáo buộc ông Trump tham gia một “chiến dịch nguy hiểm và phi pháp để che giấu sự thật khỏi người dân Mỹ.”
Các tòa án cấp dưới đã bác bỏ tuyên bố của cựu Tổng thống (TT) Trump rằng đặc quyền hành pháp không cho phép truy cập vào các tài liệu này. Chính phủ TT Biden cũng đứng về phía Ủy ban 06/01 sau khi TT Joe Biden, người được nhậm chức hai tuần sau vụ việc, nhận thấy rằng các hồ sơ Tòa Bạch Ốc của chính phủ tiền nhiệm không được đặc quyền hành pháp bảo vệ.
Bà Pelosi và các đồng sự của bà hy vọng các tài liệu được đề cập sẽ làm sáng tỏ những hành động của cựu TT Trump xung quanh vụ xâm phạm an ninh xảy ra cách đây 13 tháng rưỡi, vốn đã trì hoãn việc chứng nhận chính thức kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 trong vòng vài giờ và dẫn đến việc bắt giữ cũng như kết án những người ủng hộ ông Trump sau đó bằng các tội danh khác nhau, chẳng hạn như cản trở quy trình của chính phủ. Ủy ban 06/01 đã yêu cầu xem nhật ký khách đến thăm Tòa Bạch Ốc, hồ sơ điện thoại, và văn bản liên lạc giữa các cố vấn của ông Trump.
Các thành viên Đảng Dân Chủ và một số thành viên Đảng Cộng Hòa đã coi các sự kiện ngày hôm đó là một cuộc nổi dậy nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử, trong đó ông Joe Biden cuối cùng đã được tuyên bố là người chiến thắng cho vị trí tổng thống. Trong khi đó tại cuộc mít tinh của ông Trump cách đó hơn một dặm, gần khu đối diện chỗ cuối National Mall, vị tổng thống đương thời này đã kêu gọi những người ủng hộ mình biểu tình một cách ôn hòa, nhưng các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện vẫn cho rằng ông Trump đã góp phần kích động gây ra vụ bạo lực diễn ra vào ngày hôm đó. Các điều tra viên Hạ viện đã yêu cầu xem các tài liệu từ Tòa Bạch Ốc dưới thời ông Trump mà họ tuyên bố có thể làm sáng tỏ thêm những gì đã xảy ra ở hậu trường ngày hôm đó.
[Do đó để giữ bí mật hồ sơ tổng thống của mình, ông Trump đã đệ đơn kiện,] vụ án chính thức tên là Trump kiện Thompson, hồ sơ tòa án số 21-932. Bị đơn chính của vụ kiện là Dân biểu Bennie Thompson (Dân Chủ-Mississippi), chủ tịch Ủy ban Đặc biệt Hạ viện về Điều tra Vụ xâm phạm Điện Capitol Hoa Kỳ vào ngày 06/01 (Ủy ban 06/01). [Ban đầu vụ kiện được đệ trình lên Tòa án Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn để phân xử, và tòa đã phán quyết có lợi cho Ủy ban 06/01. Ông Trump đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Phúc thẩm Khu vực Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, nhưng cũng bị tòa này xử thua kiện. Tòa cho ông hai tuần để yêu cầu xem xét tại Tối cao Pháp viện.]
“Đơn yêu cầu xem xét lại phán quyết của tòa án cấp dưới đã bị từ chối,” Tối cao Pháp viện tuyên bố hôm 22/02, trong một lệnh chưa ký. Theo thông lệ thông thường, pháp viện không đưa ra bất cứ lý do gì cho quyết định của mình. Không có thẩm phán nào bất đồng với lệnh này.
Quyết định từ chối đơn yêu cầu nói trên của ông Trump diễn ra sau khi Tối cao Pháp viện trước đó đã bác bỏ một đơn khẩn cấp khác của ông Trump nhằm giữ lại các tài liệu của Tòa Bạch Ốc khỏi ủy ban của ông Thompson, bằng một lệnh được bỏ phiếu với tỷ lệ 8–1, như The Epoch Times đã đưa tin hôm 19/01. Người duy nhất có ý kiến bất đồng với lệnh đó (pdf) là Thẩm phán Clarence Thomas.
Trong vụ kiện hiện tại, ông Trump đã đệ đơn khởi kiện (pdf) lên Tối cao Pháp viện vào ngày 23/12/2021, mô tả yêu cầu được cung cấp nhiều tài liệu trong hồ sơ tổng thống bí mật của mình từ phía Ủy ban 06/01 là “sâu rộng”. Cựu tổng thống lập luận rằng yêu cầu của ủy ban đối với các tài liệu này “mang lại những lo ngại quan trọng về Hiến Pháp và luật định phát sinh từ Đạo luật Hồ sơ Tổng thống, nguyên tắc tam quyền phân lập, và đặc quyền hành pháp.”
The Epoch Times đã liên lạc với luật sư đại diện của ông Trump trong quy trình tố tụng pháp lý này, ông Jesse Ryan Binnall, nhưng chưa nhận được hồi đáp vào thời điểm phát hành bài báo này. Còn cố vấn pháp lý của Hạ viện, ông Douglas N. Letter, đã từ chối bình luận.
Tính đến thời điểm phát hành bài báo này, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ vẫn chưa phúc đáp yêu cầu bình luận.
Ông Matthew Vadum là một ký giả điều tra từng đạt giải thưởng và là một chuyên gia được công nhận về hoạt động của cánh tả.
Bản tin có sự đóng góp của Zack Stieber và Mimi Nguyen Ly
Việt Phương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: