Cựu chiến lược gia của ông Trump: Hoa Kỳ nên có cách tiếp cận vừa phải đối với cuộc chiến Nga-Ukraine
Trong khi phe bảo tồn truyền thống kiểu mới ủng hộ một cách tiếp cận “khai triển mọi thứ có thể” để giải quyết xung đột Nga-Ukraine, và phe đối lập muốn Hoa Kỳ không tham gia vào cuộc chiến này, thì ông Sebastian Gorka, cựu chiến lược gia của cựu Tổng thống (TT) Trump, lại ủng hộ một giải pháp vừa phải.
Ông Gorka cho biết trong một cuộc phỏng vấn mới đây trong chương trình “American Thought Leaders” của EpochTV rằng những người theo chủ nghĩa bảo tồn truyền thống kiểu mới, chính là những người thường ủng hộ việc thúc đẩy dân chủ trong chính sách ngoại giao bằng mọi cách có thể, trong đó có cả lực lượng quân sự, đã kêu gọi chính phủ Mỹ gửi xe tăng cho Ukraine và “khai triển mọi thứ có thể.” Theo ông, họ khẳng định rằng cuộc xung đột này là “phép thử cuối cùng của nền văn minh phương Tây.”
Ông Gorka xem Thượng nghị sĩ Graham (Cộng Hòa-South Carolina) là một người theo phái bảo thủ tồn truyền thống kiểu mới vì ông ủng hộ mạnh mẽ việc gửi viện trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Graham đã thúc giục Chính phủ TT Biden cung cấp vũ khí tân tiến cho Ukraine kể từ khi cuộc chiến này bùng nổ. Trong một bài xã luận hồi tháng 04/2022, ông Graham đã kêu gọi Hoa Kỳ và thế giới phương Tây cung cấp cho Ukraine “các năng lực và viện trợ sát thương bổ sung như phi cơ không người lái Switchblade lớn hơn, chiến đấu cơ, hệ thống phòng thủ hỏa tiễn tinh vi hơn, và xe tăng.”
Ông Graham cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với gói vũ khí cùng viện trợ kinh tế và nhân đạo trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine được Quốc hội thông qua hồi tháng 05/2022.
Trong chuyến thăm Ukraine hồi tháng Một cùng với hai thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ, ông Graham cho biết tại cuộc họp báo ở Kyiv rằng, “Ông Putin đang cố gắng vẽ lại bản đồ Âu Châu bằng vũ lực. Trật tự thế giới đang bị đe dọa,” theo tuyên bố của ông.
Sau chuyến thăm kể trên, trong một tuyên bố, ông Graham đã ca ngợi việc Hoa Kỳ và Đức quyết định gửi xe tăng tân tiến tới Ukraine.
“Chúng ta không thể để những lời quát tháo và đe dọa của ông Putin quyết định tiến trình tự do trong thế kỷ 21,” ông Graham nói trong tuyên bố này. “Việc Nga bị đánh bại ở Ukraine là vì lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ bởi vì tham vọng của Nga là vẽ lại bản đồ Âu Châu, hơn nữa Trung Quốc đang theo dõi.”
‘Những tân tín đồ của bà Buchan’ *
Phe đối lập, mà ông Gorka gọi là “những tân tín đồ của bà Buchan,” tin rằng Hoa Kỳ không nên tham gia vào các cuộc xung đột quốc tế vì chúng không liên quan gì đến đất nước.
Theo quan điểm của ông Gorks, ông Tucker Carlson, một người dẫn chương trình của Kênh Tin tức FOX, đã bày tỏ quan điểm như thể là một tân tín đồ của bà Buchan.
Đề cập đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Carlson cho biết tại FAMiLY Leadership Summit (Hội nghị thượng đỉnh về Lãnh đạo GIA ĐÌNH) năm 2022 ở Iowa rằng, “Tôi thực sự không quan tâm theo cách này hay cách khác [những gì ông Putin làm] bởi vì ông ấy không phải là tổng thống của tôi; ông ấy không chủ trì đất nước của tôi.”
Ông Carlson nói: “Những gì ông ấy làm ở Ukraine — tuy rằng tôi nghĩ là có ý nghĩa lịch sử, chắc chắn là có ý nghĩa đối với người dân Ukraine — nhưng đối với tôi không quan trọng hơn chi phí khí đốt. Trên thực tế, điều đó thậm chí không ở trong cùng một thế giới.”
Cách tiếp cận vừa phải
Những người theo phái bảo tồn truyền thống kiểu mới và những tân tín đồ của bà Buchan đại diện cho hai cách tiếp cận cực đoan đối với các vấn đề an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao, nhưng ông Gorka muốn áp dụng “suy nghĩ phức tạp hơn một chút” cho những vấn đề này.
Cuộc chiến Nga-Ukraine, kéo dài gần một năm, “là rất quan trọng đối với Mỹ,” ông Gorka nói, “bởi vì ông Putin, người đã đang lãnh đạo nước Nga trong khoảng 20 năm và cũng là một đại tá KGB, đã nói rằng: ‘không chỉ Ukraine, mà Ba Lan, các quốc gia vùng Baltic là những quốc gia giả tạo, bất hợp pháp vốn không có quyền tồn tại.’”
Ông Gorka, người dẫn chương trình America First cho biết: “Mặt khác, việc gửi hàng chục tỷ dollar đến Kyiv mà không có trách nhiệm giải trình cũng không mang tính chiến lược trên thực tế.”
“Gửi hàng vô số đống tiền đến bất kỳ quốc gia nào cũng là điều ngớ ngẩn. … A) điều đó không tốt về mặt địa chính trị và B) điều đó có dấu hiệu của tham nhũng.”
Ông Gorka cho biết Mỹ không nên can dự bằng quân đội hoặc có bất kỳ sự tham gia quân sự lớn nào khác vào cuộc xung đột này
Ông đề nghị rằng thay vào đó, Mỹ có thể trợ giúp một số quốc gia thành viên NATO, như Ba Lan hoặc Hungary, trong việc cung cấp cho Ukraine các thiết bị quân sự thời Liên Xô. Ba Lan, Hungary, và một số Đồng minh NATO khác ở Đông Âu từng là thành viên của hiệp ước quân sự do Liên Xô lãnh đạo, được gọi là Hiệp ước Warsaw, và vẫn có thể sở hữu vũ khí của Liên Xô.
Ông Gorka cho biết thêm, một đề nghị như vậy đã từng được đưa ra thảo luận, nhưng đã bị Chính phủ TT Biden bác bỏ.
“Ukraine cần các loại vũ khí mà họ biết cách sử dụng. Nước này không cần hỏa tiễn Patriot, những khẩu đội mà không ai ở Ukraine biết cách điều khiển, để họ có thể tự chiến đấu,” ông Gorka nói. “Hãy gửi cho họ đạn dược vì họ cần đạn dược.”
Ông Gorka cũng khuyên nên cung cấp cho Ukraine các tập hợp mục tiêu tình báo từ các vệ tinh của Mỹ để cho phép quân đội Ukraine “gây thiệt hại nhiều nhất cho các lực lượng xâm lược bằng cách nhắm mục tiêu vào họ một cách hiệu quả.”
Cựu chiến lược gia này cũng nói rằng cần tổ chức một cuộc thảo luận với các quan điểm đa dạng về việc các nước Âu Châu xâm chiếm lẫn nhau tác động đến Mỹ như thế nào.
NATO có phải là mối đe dọa đối với Nga?
Luận điệu cho rằng việc NATO mở rộng về phía đông là một mối đe dọa đối với Nga đã phần nào được sử dụng để biện minh cho việc Nga xâm lược Ukraine.
Nga xem sự mở rộng của NATO sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của mình. “Sự mở rộng về phía đông của NATO, tổ chức đang di chuyển cơ sở hạ tầng quân sự của họ ngày càng gần biên giới Nga hơn” là mối đe dọa chủ yếu đối với Nga, ông Putin nói trong bài diễn văn hôm 24/02/2022 — ngày Nga xâm lược Ukraine — theo Bộ Ngoại giao Nga.
Năm 1999, tám năm sau sự sụp đổ của Liên Xô và sự chấm dứt của Hiệp ước Warsaw, một số quốc gia thành viên cũ của Hiệp ước này, Czechia, Hungary, và Ba Lan, đã gia nhập NATO. Việc mở rộng hơn nữa diễn ra vào năm 2004 khi bảy quốc gia Âu Châu khác, trong đó có ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, gia nhập NATO.
Ông Gorka là con trai của một nhà hoạt động người Hungary bị bỏ tù và bị bức hại vì tổ chức phong trào chống cộng ở Hungary. Cha của ông được phóng thích bởi Cuộc cách mạng Hungary năm 1956 và đào thoát sang Vương quốc Anh. Mặc dù sinh ra ở Vương quốc Anh, nhưng ông Gorka nói rằng lai lịch của ông mang đến cho ông một góc nhìn nhất định về cuộc chiến Nga-Ukraine.
Ông Gorka lập luận rằng không thể ví phương Tây với phương Đông, và không thể ví Liên minh Bắc Đại Tây Dương với Hiệp ước Warsaw.
Nhìn bề ngoài, Hiệp ước Warsaw được thành lập “vì tình hữu nghị và hợp tác,” ông Gorka nói, nhưng trên thực tế, các thành viên của hiệp ước này là các thống đốc của Liên Xô. “Đây là những quốc gia bị giam cầm.”
Ông Gorka cho biết khi Hiệp ước Warsaw được thiết lập vào năm 1955, thì các quốc gia như Hungary và Ba Lan đã không được lựa chọn không tham gia Hiệp ước. Các quốc gia vùng Baltic bị Liên Xô nuốt chửng trong Đệ nhị Thế chiến, vậy nên họ nghiễm nhiên tham gia Hiệp ước này.
Ngược lại, NATO là một “hiệp hội tự nguyện,” ông Gorka nói. “Giống như tham gia một câu lạc bộ. Quý vị có thể đăng ký làm thành viên NATO, nhưng bất kỳ quốc gia nào đăng ký đều phải chứng minh với Hội đồng Bắc Đại Tây Dương, với các thành viên hiện tại, rằng họ mang lại điều gì đó có giá trị cho việc phòng thủ chung của câu lạc bộ này”.
“Từ khi nào nhiệm vụ của chúng ta là phải nói, ‘Các quốc gia như Hungary hay Ba Lan không được phép?’,” ông Gorka hỏi một cách văn vẻ.
“Đó không phải là sự bảo bọc của Liên bang Nga” — một quốc gia trải dài từ Biển Baltic đến biên giới Trung Quốc với 11 múi giờ và gần 4,500 đầu đạn hạt nhân trong kho dự trữ quân sự của mình,” ông Gorka nói. “Đó là sự thiếu hiểu biết, một sự thiếu hiểu biết tệ hại về địa chính trị ..”
Khía cạnh đạo đức
Ông Gorka cũng nêu ra khía cạnh đạo đức của việc Hoa Kỳ can dự vào cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Ukraine được thừa hưởng kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới. Chỉ có Nga và Hoa Kỳ sở hữu kho dự trữ hạt nhân lớn hơn. Ông Gorka cho biết Hoa Kỳ đã thuyết phục Ukraine giao vũ khí hạt nhân cho Nga để đổi lấy lời hứa bảo đảm an ninh cho Ukraine của chính phủ Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Năm 1994, một thỏa thuận đã được ký kết giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Nga, và Ukraine, còn được gọi là Bản ghi nhớ Budapest, đã chính thức hóa hiệp định đó.
Ông Gorka nói Ukraine đã đặt niềm tin vào Hoa Kỳ, vì vậy danh tiếng của Mỹ đang bị đe dọa.
“Đây là thực tế bi thảm thế này. Sẽ không bao giờ có cuộc xâm lược của Nga nếu Ukraine vẫn sở hữu những hỏa tiễn hạt nhân đó. Chúng ta đã bảo họ loại bỏ chúng, vì vậy chúng ta cũng phải chịu một gánh nặng đạo đức.”
Thanh Nhã và Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times