Cuốn sách mới kể chi tiết cách Bắc Kinh thao túng giới tinh hoa phương Tây
Tỷ phú Soros, cựu đồng chủ tịch ngân hàng Thornton, và cựu Thủ tướng Úc Hawke là những ví dụ điển hình về sức ảnh hưởng của ĐCSTQ lên giới tinh hoa
Theo một cuốn sách mới của anh Alex Joske, một chuyên gia nghiên cứu về sự can thiệp ngoại quốc của Trung Quốc, Bộ An ninh Quốc gia (Ministry of State Security, MSS) tối mật của Bắc Kinh đã lợi dụng và thao túng giới tinh hoa chính trị và kinh doanh hàng đầu của phương Tây để làm sâu sắc thêm ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trên khắp thế giới.
Những trang đầu tiên của cuốn sách “Gián Điệp và Lừa Dối: Cách Đại Chiến Dịch Ngầm của Trung Quốc đã Đánh Lừa Thế Giới” (“Spies and Lies: How China’s Greatest Covert Operations Fooled the World”) nêu chi tiết cách tỷ phú George Soros, được truyền cảm hứng từ việc ông thiết lập Quỹ Xã hội Mở (Open Society Foundation) ở Hungary thời hậu cộng sản, đã thực hiện công việc tương tự cho Trung Quốc trong suốt thời kỳ cải tổ kinh tế của nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Theo anh Joske, một nhà phân tích cao cấp tại Viện Chính sách Chiến lược Úc, phương tiện truyền bá này, do ông Soros và đối tác Lương Hằng (Liang Heng) đặt ra, có mục đích thiết lập Quỹ Cải tổ và Mở cửa Trung Quốc (Quỹ Trung Quốc) nhằm hỗ trợ về văn hóa, kinh doanh, và nghiên cứu khoa học để trợ giúp quá trình mở cửa của nước này.
Tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến chính trị giữa các phe phái hồi những năm 1980, Quỹ Trung Quốc buộc phải hợp tác với Trung tâm Trao đổi Văn hóa Quốc tế Trung Quốc (CICEC), một tổ chức tuyên bố nằm dưới sự kiểm soát của Bộ Văn hóa.
Anh Joske cho rằng cả ông Soros lẫn ông Lương Hằng đã sớm phát hiện ra rằng CICEC có các động cơ riêng cho Quỹ Trung Quốc, và đó là hỗ trợ các sáng kiến chính trị hơn là các hoạt động liên quan đến tự do hóa Trung Quốc.
Sau đó, ông Soros đã đóng Quỹ Trung Quốc với đồng chủ tịch CICEC Vu Ân Quang (Yu Enguang), được tiết lộ là một “quan chức cao cấp thuộc lực lượng cảnh sát ở ngoại quốc” hoặc Bộ An ninh Quốc gia.
Anh Joske viết, “Việc Bộ An ninh Quốc gia chiếm lấy Quỹ Trung Quốc để lộ ra ấn tượng về sự tự tin của cơ quan này trong việc hợp tác với một trong những người giàu có nhất và có những mối liên kết tốt nhất Hoa Kỳ. Những gì mà Bộ An ninh Quốc gia học được có thể được áp dụng cho các hoạt động về sau khi cơ quan này phát triển mạnh mẽ hơn và tập trung vào các vấn đề quốc tế trong thập niên tiếp theo.”
Bản thân CICEC sẽ tiếp tục là một “cơ quan được thiết kế đặc biệt” để gặp gỡ và gây ảnh hưởng một cách bí mật đến những người được tuyển mộ từ khắp nơi trên thế giới.
Ông nói: “Các nhiệm vụ nhạy cảm về mặt chính trị như giao thiệp trực tiếp với ông George Soros hoặc đóng giả thành những người thiên tả để chiếm được lòng tin của người ngoại quốc là công việc quen thuộc đối với các sĩ quan này.”
Lợi dụng tham vọng
Anh Joske cũng lưu ý rằng Bộ An ninh Quốc gia rất thành thạo trong việc lợi dụng tham vọng của giới tinh hoa phương Tây đồng thời dẫn chứng ví dụ về ông John Thornton, cựu đồng chủ tịch của Goldman Sachs.
Sau khi rời khỏi đại ngân hàng này, ông Thornton đã nắm giữ một số vị trí nổi bật tại các tổ chức lớn của Trung Quốc, kể cả vị trí giám đốc tại Đại học Thanh Hoa trứ danh.
Ký giả Josh Rogin cho rằng ông Thornton đã phát triển một trong những “mạng lưới cao cấp và đáng tin cậy nhất với các gia tộc điều hành ĐCSTQ,” điều này đã định hình quan điểm của ông Thornton về cách quản lý các mối quan hệ với Trung Quốc.
Anh Joske viết, “Niềm tin của ông Thornton về tương lai Trung Quốc là đặc trưng cho những tường thuật sai lầm tương tự mà Cục Điều tra Xã hội của Bộ An ninh Quốc gia đã thúc đẩy ở các học giả, nhà ngoại giao, và giới tinh hoa ngoại quốc. Năm 2008, ông đã nêu rõ trong một bài xã luận viết cho tạp chí Foreign Affairs rằng Đảng đang tích cực xem xét việc hướng tới nền dân chủ.”
“Các bài viết của ông Thornton phản ánh tư duy lạc quan tương tự về Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo Đảng và Bộ An ninh Quốc gia đã học cách tận dụng từ nhiều thập niên trước.”
Vị cựu giám đốc điều hành Goldman Sachs này đã tiếp tục khuyến khích chính phủ cựu Tổng thống Trump trực tiếp kết bằng hữu với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Tuy nhiên, những nỗ lực hứa hẹn về ngoại giao với giới lãnh đạo Trung Quốc cuối cùng đã nhường chỗ cho các biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Trung Quốc nhằm khắc phục tình trạng đánh cắp tài sản trí tuệ và thương mại không công bằng trong nhiều năm.
Ông Thornton, cùng một số nhân vật lớn ở Wall Street, cũng được cho là đã cố gắng làm xoay chuyển [quan điểm của] chính phủ Tổng thống Biden về chính sách Trung Quốc của họ, nhưng những nỗ lực này cũng đã thất bại khi Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày càng bị cộng đồng quốc tế soi xét kỹ lưỡng.
Lợi dụng sự yêu mến Trung Quốc
Anh Joske cũng thu hút sự chú ý đến việc nhà cầm quyền Trung Quốc lợi dụng sự yêu mến của mọi người đối với Trung Quốc, nêu ra ví dụ liên quan đến cựu Thủ tướng Đảng Lao Động Úc Bob Hawke.
Ông Hawke đã vô cùng xót thương trước hậu quả của cuộc Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 và phản ứng nổi tiếng của ông là cấp phép tị nạn cho 42,000 công dân Trung Quốc.
Anh Joske cho biết, bốn năm sau vụ thảm sát này, lãnh sự Trung Quốc ở Sydney đã gửi một thông điệp mời ông đến thăm Trung Quốc.
Ông Hawke cảm thấy mối bang giao Úc-Trung ngày càng phát triển là điều quan trọng, do đó ông đã đồng ý đến thăm Trung Quốc. Tại đây, ông được lãnh đạo Trung Quốc đương thời Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng chào đón và tiếp đãi.
Anh Joske viết, “Tình hữu nghị keo sơn giữa các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Úc đã trở lại đúng hướng. Ông Hawke nghĩ rằng số phận của [cựu Thủ tướng] Triệu Tử Dương với kết cục đã thiệt mạng vì bị quản thúc tại gia là ‘vô cùng đau buồn,’ nhưng tầm quan trọng của việc xây dựng mối quan hệ với ban lãnh đạo Đảng được đặt lên hàng đầu.”
Ông nói thêm rằng vấn đề Thiên An Môn cuối cùng đã bị “giấu nhẹm đi,” và cựu Thủ tướng Hawke tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong việc quảng bá Trung Quốc cho phần còn lại của thế giới.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times