Credit Suisse vay 53 tỷ USD từ ngân hàng trung ương Thụy Sĩ sau khi cổ phiếu lao dốc
Credit Suisse đã chấp nhận lời đề nghị cho vay lên tới 50 tỷ Franc Thụy Sĩ (53.7 tỷ USD) của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB) sau khi ngân hàng trung ương Thụy Sĩ tuyên bố sẽ cấp cho ngân hàng này một cứu cánh thanh khoản “nếu cần thiết.”
Trong một tuyên bố, Credit Suisse cho biết họ đang thực hiện “hành động quyết đoán để tăng cường thanh khoản để phòng trước” sau khi cổ phiếu của tổ chức cho vay Thụy Sĩ này giảm tới 30% vào thứ Tư (15/03), làm gia tăng lo ngại rằng một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang cận kề.
Ngân hàng cho biết họ dự định thực hiện tùy chọn vay tới 50 tỷ Franc Thụy Sĩ từ SNB theo một cơ sở cho vay được bảo hiểm cũng như một cơ sở thanh khoản ngắn hạn, được thế chấp hoàn toàn bằng tài sản chất lượng cao.
Ngân hàng đầu tư này cho biết: “Lượng thanh khoản bổ sung này sẽ hỗ trợ các khách hàng và doanh nghiệp cốt lõi của Credit Suisse khi Credit Suisse thực hiện các bước cần thiết để tạo ra một ngân hàng đơn giản hơn và tập trung hơn được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng.”
Tuyên bố cho biết thêm: “Credit Suisse cũng công bố các đề nghị của Credit Suisse International để mua lại một số chứng khoán nợ cao cấp OpCo (Công ty điều hành) nhất định với số tiền mặt lên tới khoảng 3 tỷ CHF” (3.2 tỷ USD).
Ngoài ra, Credit Suisse cho biết họ đã mua lại 2.5 tỷ USD trái phiếu USD và 500 triệu euro (529 triệu USD) trái phiếu euro từ khoản nợ của chính mình để quản lý các khoản nợ và chi phí trả lãi.
Cả hai đề nghị đều phải tuân theo các điều kiện khác nhau được đề ra trong thỏa thuận chào mua và sẽ hết hạn hôm 22/03/2023.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cung cấp cứu trợ
Ngân hàng này cho biết: “Các giao dịch này phù hợp với cách tiếp cận chủ động của chúng tôi để quản lý các thành phần trong tổng nợ và tối ưu hóa chi phí lãi vay, đồng thời cho phép chúng tôi tận dụng các mức giao dịch hiện tại để mua lại nợ với giá hấp dẫn.”
“Những biện pháp này thể hiện hành động quyết đoán nhằm củng cố Credit Suisse khi chúng tôi tiếp tục chuyển đổi chiến lược để mang lại giá trị cho khách hàng và các bên liên quan khác,” Giám đốc điều hành Ulrich Koerner cho biết. “Chúng tôi cảm ơn SNB và FINMA khi chúng tôi thực hiện quá trình chuyển đổi chiến lược của mình. Nhóm của tôi và tôi quyết tâm tiến nhanh về phía trước để cung cấp một ngân hàng đơn giản hơn và tập trung hơn được xây dựng dựa trên nhu cầu của khách hàng.”
Thông báo của Credit Suisse được đưa ra ngay sau khi SNB, trong một tuyên bố chung với cơ quan quản lý thị trường tài chính Thụy Sĩ FINMA, nói rằng Credit Suisse đã đáp ứng “các yêu cầu nghiêm ngặt về vốn và thanh khoản áp dụng cho các ngân hàng quan trọng trong hệ thống” để bảo đảm sự ổn định của họ.
Ngân hàng trung ương cho biết, “Nếu cần, SNB sẽ cung cấp thanh khoản cho CS (Credit Suisse).”
Ngân hàng trung ương này cũng tìm cách trấn an những lo ngại khi tuyên bố rằng “tình trạng hỗn loạn hiện tại trên thị trường ngân hàng Hoa Kỳ” không cho thấy có “nguy cơ lây lan trực tiếp” đối với các tổ chức và thị trường tài chính Thụy Sĩ. SNB đang đề cập đến sự sụp đổ gần đây của Silicon Valley Bank và Signature Bank.
Tuyên bố cho biết thêm, “FINMA và SNB đang theo sát các diễn biến và liên hệ chặt chẽ với Bộ Tài chính Liên bang để bảo đảm ổn định tài chính.”
Credit Suisse là ngân hàng toàn cầu lớn đầu tiên được cung cấp cứu trợ khẩn cấp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Hành động này diễn ra trong bối cảnh Credit Suisse vừa trải qua 12 tháng đầy biến động khi ngân hàng này vướng phải một số vụ bê bối, bao gồm các cáo buộc liên quan đến các hoạt động kinh doanh bị cáo buộc hoặc việc thiếu thẩm định của họ sau khi các tài liệu bị rò rỉ được cho là đã xác định trong số hơn 18,000 tài khoản của khách hàng ngoại quốc có những tài khoản của tội phạm, của các nhà độc tài, và các diễn viên chính trị bị trừng phạt, những người đã cất giấu tiền của họ tại công ty có trụ sở tại Thụy Sĩ này.
Chủ tịch Credit Suisse Group AG, ông Antonio Horta-Osorio cũng đã từ chức vào tháng Một năm ngoái sau có tin tức đưa rằng ông đã vi phạm các quy định cách ly COVID-19.
Các vụ bê bối, thua lỗ
Ngân hàng này cũng chịu tổn thất tài chính nặng nề do sự sụp đổ của văn phòng gia đình Archegos ở Mỹ và tổn thất của khách hàng do sự sụp đổ của công ty tài chính chuỗi cung ứng Greensill.
Lạm phát và lãi suất tăng mạnh đã khiến các vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn và Credit Suisse đã ghi nhận khoản lỗ hàng năm lớn nhất vào tháng trước (02/2023) kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, vì “môi trường kinh tế và thị trường đầy thách thức, tiền gửi và tài sản ròng chảy ra đáng kể vào đầu quý, và việc thực hiện các hành động chiến lược của chúng ta.”
Ngân hàng này cũng cảnh báo rằng họ dự kiến sẽ báo cáo “một khoản lỗ đáng kể” trước thuế trong năm nay.
Credit Suisse trước đó đã trì hoãn báo cáo hàng năm của mình, với lý do có “điểm yếu quan trọng” trong quy trình báo cáo tài chính của họ trong những năm trước.
Khách hàng đã rút hàng tỷ USD khỏi Credit Suisse trong những tháng gần đây khi ngân hàng này gặp khó khăn trong việc duy trì niềm tin của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm thêm vào hôm thứ Tư (15/03) khi nhà đầu tư lớn nhất của ngân hàng, Ngân hàng Quốc gia Saudi, loại trừ việc cung cấp thêm vốn cho ngân hàng Thụy Sĩ này, vì những hạn chế về quy định.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Saudi Ammar Al Khudairy đã lưu ý rằng nhóm của ông hài lòng với kế hoạch chuyển đổi của Credit Suisse, đồng thời lưu ý rằng đây là một “ngân hàng rất mạnh.”
Ông nói, “Tôi không nghĩ họ sẽ cần thêm tiền; nếu quý vị nhìn vào các tỷ lệ của họ, thì họ vẫn ổn.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times