Công ty Trung Quốc mua 13% công ty Lithium của Canada với giá 5 triệu USD
Một công ty Trung Quốc chuyên về vật liệu nổ công nghiệp đang có kế hoạch mua lại hơn 10% cổ phần của một công ty lithium của Canada với giá 5 triệu USD.
Hôm 17/04, công ty TNHH Tập đoàn Công Nghiệp Nhã Hóa Tứ Xuyên (Sichuan Yahua Industrial Group Co., Ltd) có trụ sở tại Trung Quốc đã công bố kế hoạch mua lại 13.2% cổ phần của Tập đoàn Ultra Lithium Inc., một công ty khai thác vàng và lithium có trụ sở tại Vancouver, Canada thông qua công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của họ là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Quốc tế Nhã Hóa (Yahua International Investment and Development Co. Ltd).
Thỏa thuận được ký kết giữa hai công ty này cũng sẽ chứng kiến Công ty Quốc tế Nhã Hóa (Yahua International) mua 60% cổ phần trong một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Ultra Lithium, vốn có hai dự án lithium ở Forgan Lake và Georgia Lake ở Ontario.
Do đặc điểm địa chất địa phương, Tập đoàn Nhã Hóa cho biết hai dự án này có tiềm năng phát hiện ra các mỏ spodumene lớn. Spodumene là một nguồn cung cấp lithium thiết yếu được sử dụng trong gốm sứ, điện thoại di động, và pin xe hơi, và nhiều mục đích sử dụng khác.
Theo Tập đoàn Nhã Hóa, liên doanh này sẽ xây dựng một nhà máy khai thác và chế biến cô đặc lithium, sản xuất 200,000 tấn lithium mỗi năm và tăng gấp đôi công suất trong vòng đời tối thiểu là 10 năm.
Công ty có trụ sở tại Thành Đô này nói thêm rằng thỏa thuận sẽ giúp bảo đảm các nguồn lực thượng nguồn của họ trong lĩnh vực lithium. Hội đồng quản trị của liên doanh này sẽ có năm thành viên, ba người trong số đó sẽ do công ty Quốc tế Nhã Hóa đề cử và hai người còn lại do Ultra Lithium đề cử.
Đây không phải là lần đầu tiên một công ty Trung Quốc để mắt đến một công ty khai thác của Canada. Hồi tháng Hai, doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc là Tập đoàn Khai thác Khoáng sản Tử Kim (Zijin Mining Group Co. Ltd.) đã hoàn tất việc mua lại Tập đoàn Neo Lithium Corp có trụ sở tại Toronto.
Công ty Khoáng sản Tử Kim lần đầu tiên công bố ý định mua Neo Lithium của mình hồi tháng Mười năm ngoái, mở ra khoảng thời gian 45 ngày trong đó chính phủ liên bang có thể tiến hành xem xét. Tuy nhiên, không có cuộc xem xét nào diễn ra.
Khi tin tức nổ ra vào tháng Một rằng thỏa thuận này đã được các cổ đông của Neo Lithium tán đồng hôm 10/12/2021, và rằng Tòa Thượng thẩm Ontario đã chấp thuận giao dịch này nằm ngày sau đó, Đảng Bảo Thủ đã kêu gọi đánh giá giao dịch mua này [dưới góc độ] an ninh quốc gia.
Một bản thông cáo báo chí được hai nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Michelle Rempel Garner và Ed Fast ban hành ngày 13/01 cho biết: “Điều đáng lo ngại là sự tiếp quản của ngoại quốc đối với công ty khai thác lithium của Canada là Neo Lithium không bị chính phủ của Đảng Tự Do đánh giá về an ninh quốc gia ngay lập tức.”
“Canada đang tụt hậu trong việc phát triển các ngành công nghiệp khoáng sản trọng yếu của mình, và việc cho phép các công ty ngoại quốc như Neo Lithium tiếp quản mà không có sự thẩm định có thể làm suy yếu thêm lợi ích chiến lược của chúng ta trong việc phát triển nguồn cung cấp lithium trong nước và các khoáng chất quan trọng khác.”
Thủ tướng Justin Trudeau cho biết mục tiêu then chốt của chính phủ ông là bảo đảm được các loại khoáng sản trọng yếu.
Trong một văn bản chỉ thị hồi tháng Mười Hai năm ngoái, ông đã ra lệnh cho ông François-Philippe Champagne, Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp, nỗ lực thu hút các khoản đầu tư vào “chế biến khoáng sản, sản xuất theo công đoạn, và các loại phụ tùng của xe không khí thải cũng như sản xuất lắp ráp” đồng thời “bảo đảm sự bảo vệ và phát triển các khoáng chất quan trọng của chúng ta.”
Ông Champagne, cùng với Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Jonathan Wilkinson, được cho là đã khởi động Chiến lược Khoáng sản Trọng yếu của Canada để đưa Canada trở thành nước dẫn đầu toàn cầu về khai thác và sản xuất pin.
Trong một hội thảo trên web hồi tháng Mười Một năm ngoái, bà Jane Nakano, thành viên cao cấp của Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, cho biết công nghệ năng lượng sạch đã trở thành giới tuyến mới nhất cho cạnh tranh địa kinh tế giữa Trung Quốc và phương Tây.
“Đã từng có thời gian, Trung Quốc là công xưởng của thế giới, kiểu như là một nhà cung cấp các loại khoáng sản và trung gian này, nhưng bây giờ không còn như vậy nữa. Bà Nakano cho biết, Trung Quốc đang bắt đầu giành được giá trị cuối cùng cao hơn của các chuỗi cung ứng hoặc chuỗi giá trị năng lượng sạch này.”
Bà lưu ý rằng nhu cầu ở Trung Quốc đối với các khoáng chất quan trọng cần thiết cho công nghệ năng lượng sạch cũng đang tăng lên, có nghĩa là “họ đang tiêu thụ nhiều hơn những gì họ sản xuất thay vì xuất cảng”. Bà nói, điều này đã gây áp lực lên các nền kinh tế phương Tây phụ thuộc vào nhập cảng khoáng sản để bảo đảm chuỗi cung ứng khoáng sản trọng yếu của họ.
Bà Nakano cho biết thêm, điều quan trọng không kém là Trung Quốc công nhận rằng nguồn cung cấp khoáng sản trọng yếu của họ có thể đóng vai trò là đòn bẩy địa chính trị.
Ông Isaac Teo là phóng viên của Epoch Times đóng tại Toronto.
Bản tin có sự đóng góp của Noe Chartier
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: