Công ty khai thác mỏ Trung Quốc mua 15% cổ phần trong công ty khoáng sản trọng yếu Solaris Resources của Canada
Một công ty khai thác mỏ Trung Quốc đang mua lại 15% cổ phần của công ty phát triển khoáng sản trọng yếu Solaris Resources Inc. của Canada. Hành động này đánh dấu thách thức mới nhất mà các đại công ty khai thác mỏ Trung Quốc đặt ra cho chính sách an ninh quốc gia của Canada đối với các khoáng sản trọng yếu.
Solaris đã tiết lộ về một thỏa thuận đăng ký mua cổ phần với Tập đoàn Khai thác Khoáng sản Tử Kim (Zijin Mining Group) có trụ sở tại Trung Quốc hôm 11/01. Thỏa thuận này liên quan đến việc một chi nhánh của Tử Kim mua số cổ phiếu phổ thông được phát hành riêng lẻ trị giá khoảng 130 triệu USD của Solaris với giá đăng ký là 4.55 USD/cổ phiếu. Phát hành riêng lẻ là việc bán cổ phiếu hoặc trái phiếu cho các nhà đầu tư và tổ chức được lựa chọn thay vì bán trên thị trường mở.
Theo thỏa thuận, Tử Kim có thể đề cử một thành viên vào hội đồng quản trị của Solaris miễn là thành viên đó nắm giữ tối thiểu 5% số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành. Thỏa thuận cũng cho phép Tử Kim có quyền tham gia mua thêm chứng khoán trong một số trường hợp nhất định để duy trì lợi ích tương ứng của mình trong công ty.
Tập đoàn Tử Kim, có trụ sở tại tỉnh Phúc Kiến, phần lớn thuộc sở hữu của một công ty đầu tư cấp thành phố của chính quyền Trung Quốc, Công ty Quản lý và Đầu tư Tài sản Nhà nước Mân Tây Hưng Hàng (Minxi Xinghang). Thỏa thuận với Solaris thể hiện nỗ lực gần đây của họ nhằm thiết lập sự hiện diện tại một công ty khai thác mỏ ở Canada. Hồi năm 2021, Tử Kim cũng đã tìm cách mua lại toàn bộ số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành của công ty phát triển lithium Neo Lithium Corp. của Canada với giá 960 triệu USD.
Các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia
Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học và Công nghiệp Canada Francois-Philippe Champagne đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì không xem xét các tác động tiềm ẩn đến an ninh quốc gia của việc Tử Kim mua lại Neo Lithium. Tất cả các thương vụ tiếp quản các công ty Canada của ngoại quốc đều phải trải qua sàng lọc ban đầu, với các mối đe dọa an ninh tiềm ẩn phải được xem xét kỹ lưỡng hơn theo mục 25.3 của Đạo luật Đầu tư Canada. Việc mua cổ phần của Tử Kim đã bỏ qua quá trình xem xét này, dẫn đến các phiên điều trần tại Nghị viện Canada và khiến chính phủ đề ra các chính sách cứng rắn hơn.
Hồi tháng 11/2022, ông Champagne đã yêu cầu ba công ty tài nguyên Trung Quốc thoái vốn khỏi các công ty lithium của Canada. Ba công ty này bao gồm Công ty TNHH Khai thác Kim loại Hiếm Trung Quốc (Sinomine Rare Metal Resources Co. Ltd.) — phải thoái vốn đầu tư khỏi Power Metals Corp., Công ty Lithium Quốc tế Thịnh Trạch (Chengze Lithium International Ltd.) — phải thoái vốn đầu tư khỏi Lithium Chile Inc., và Công ty TNHH Đầu tư khai thác Tàng Cách (Zangge Mining Investment Co. Ltd.) — phải thoái vốn đầu tư khỏi Ultra Lithium Inc.
Ông Champagne đã trình bày một dự luật vào cuối năm đó để sửa đổi Đạo luật Đầu tư Canada và giải quyết “các mối đe dọa đang thay đổi có thể phát sinh từ đầu tư ngoại quốc.” Những sửa đổi được đề nghị bao gồm trao cho bộ trưởng thêm thẩm quyền để mở rộng việc xem xét về mặt an ninh quốc gia đối với các khoản đầu tư và áp dụng các hình phạt mạnh mẽ hơn đối với việc không tuân thủ. Dự luật đã được thông qua trong lần đọc thứ hai tại Thượng viện hồi tháng trước (12/2023).
Các khoáng chất và kim loại trọng yếu, bao gồm lithium, cadmium, nickel, và cobalt, là thành phần chính trong nhiều ứng dụng năng lượng xanh khác nhau, từ tuabin gió và xe điện đến các tấm pin quang năng và pin sạc. Trung Quốc hiện đang thống trị chuỗi cung ứng khoáng sản trọng yếu toàn cầu, chiếm tới 80% thị phần trong một số trường hợp.
Canada và các đồng minh, trong đó có Hoa Kỳ, đang nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và thiết lập khả năng tiếp cận độc lập với các nguồn tài nguyên. Vào cuối năm 2022, quân đội Hoa Kỳ đã cân nhắc việc cung cấp tài chính thông qua chương trình an ninh quốc gia cho các dự án khai thác mỏ của Canada đang tìm kiếm nguồn vốn công từ Hoa Kỳ.
Sự trỗi dậy của tiền đầu tư từ Trung Quốc
Bất chấp lập trường cứng rắn của Ottawa đối với đầu tư ngoại quốc, các đại công ty khai thác mỏ Trung Quốc đã có những nỗ lực mới nhằm thiết lập chỗ đứng trong lĩnh vực khai thác mỏ và khoáng sản trọng yếu của Canada trong những tháng gần đây.
Các nghị viên Đảng Bảo Thủ Rick Perkins (bộ trưởng đổi mới của đảng đối lập) và Shuvaloy Majumdar đã đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 08/12 trên nền tảng truyền thông xã hội X, kêu gọi ông Champagne tiến hành đánh giá an ninh đối với đề nghị mua lại cổ phần của công ty phát triển đất hiếm Canada Vital Metals của Tài nguyên Thịnh Hòa (Shenghe Resources), một công ty Trung Quốc thuộc sở hữu một phần của nhà nước Trung Quốc.
Tuyên bố viết: “Các vụ thâu tóm công ty của Trung Quốc một lần nữa lại đe dọa đến an ninh kinh tế của Canada.”
“Các thành viên Đảng Bảo Thủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Đổi mới, Khoa học, Công nghiệp viện dẫn thẩm quyền theo mục 25.3 của Đạo luật Đầu tư Canada để xem xét thỏa thuận này trong khoảng thời gian tối đa cho phép, để chúng ta có thể bảo vệ tài nguyên và việc làm của Canada khỏi sự kiểm soát của Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Thịnh Hòa đã công bố kế hoạch tiến hành thỏa thuận đăng ký mua cổ phần với Vital Metals hôm 23/10/2023, tìm cách mua tới 18.2% tổng số cổ phiếu đã phát hành của công ty Canada này. Vital Metals điều hành mỏ đất hiếm duy nhất của Canada: dự án Nechalacho ở Lãnh thổ Tây Bắc.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times