Công ty công nghệ Nam Hàn lựa chọn sản xuất tại Hoa Kỳ hay Trung Quốc?
Một nhà sản xuất vi mạch bán dẫn lớn của Nam Hàn đang có kế hoạch đưa các thiết bị tân tiến sang một nhà máy ở Trung Quốc. Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng đây là một nguy cơ quân sự; và một chuyên gia nói rằng điều cốt yếu là các công ty Nam Hàn phải chuyển hoạt động sản xuất sang Hoa Kỳ thay vì Trung Quốc do sự hiện diện ngày càng nhiều tại thị trường Hoa Kỳ.
Theo Reuters, SK Hynix, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn thứ hai trên thế giới, có kế hoạch đưa máy sản xuất vi mạch in thạch bản cực tím (EUV) mới nhất tới Trung Quốc. Máy này được sản xuất độc quyền bởi ASML, một công ty công nghệ cao ở Hà Lan, và điểm đến là một nhà máy DRAM bán dẫn ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
Nhà máy Wuxi là liên doanh của SK Hynix với Trung Quốc, với vốn đầu tư hỗn hợp hơn 370 tỷ Won (khoảng 313.4 tỷ USD). Đầu tháng Mười khởi công xây dựng. Theo hãng thông tấn Yonhap của Nam Hàn, nhà máy này có thể chiếm một nửa sản lượng DRAM của SK Hynix và 15% sản lượng DRAM toàn cầu.
Hôm 18/11, một quan chức cấp cao của Tòa Bạch Ốc nói với Reuters rằng chính phủ của ông Biden sẽ tiếp tục nỗ lực ngăn chặn Trung Quốc khai thác công nghệ tân tiến từ Hoa Kỳ và các đồng minh, đặc biệt là những công nghệ được sử dụng cho mục đích quân sự.
Bà Katherine Tai, đại diện của Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, người gần đây đã đến thăm Nam Hàn, nói với đài phát thanh Nam Hàn CBS hôm 22/11 rằng Hoa Kỳ phản đối việc công ty liên quan giới thiệu thiết bị tân tiến ở Trung Quốc vì lo ngại rằng nó sẽ gây ra nguy cơ với an ninh quốc gia.
Theo báo cáo năm 2020 của Reuters, để hạn chế đảng cầm quyền của Trung Quốc mở rộng sức mạnh quân sự, cựu Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu các công ty Hoa Kỳ và các công ty ngoại quốc có sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ phải có sự chấp thuận trước của Bộ Thương mại Hoa Kỳ trước khi xuất cảng công nghệ, thiết bị, và linh kiện bán dẫn sang Trung Quốc. Reuters đưa tin vào tháng 1/2020, Chính phủ của ông Trump cũng đã có nhiều nỗ lực thuyết phục chính phủ Hà Lan ngăn ASML bán công nghệ cao cho công ty bán dẫn hàng đầu của Trung Quốc.
Tờ Financial Times trích dẫn các nhà phân tích cho rằng Hoa Kỳ có thể chặn việc bán máy móc EUV của ASML cho Trung Quốc vì thiết bị này liên quan đến công nghệ của Hoa Kỳ.
Các công ty công nghệ cao của Nam Hàn phải đối mặt với sự lựa chọn
Ông Lee Seok-hee, giám đốc điều hành SK Hynix, nói với Financial Times rằng công ty này sẽ phản hồi những lo ngại của Hoa Kỳ “một cách khôn ngoan trong khi hợp tác với các bên quan tâm.” Trung Quốc là nhà nhập cảng lớn nhất mua 40% chất bán dẫn do Nam Hàn sản xuất, cùng với lượng nhập cảng khứ hồi qua Hồng Kông, tổng nhập cảng vượt quá 60%.
Theo một báo cáo của Global Economic News hôm 23/11, ông Lee cũng cho biết, “Vẫn còn nhiều thời gian, vì vậy chúng tôi sẽ hợp tác để áp dụng thiết bị EUV tại nhà máy ở Trung Quốc của chúng tôi.”
Hãng Dong-A Ilbo, một phương tiện truyền thông có trụ sở tại Seoul, đưa tin hôm 19/11 rằng các công ty Nam Hàn bị mắc kẹt giữa cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung có khả năng phải chịu sự trả đũa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), như đã xảy ra trong “Triển khai THAAD [ hệ thống phòng thủ tên lửa] của Nam Hàn.”
Vào tháng 07/2016, Seoul và Hoa Thịnh Đốn đã đồng ý triển khai THAAD (Phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) để đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, khiến Trung Quốc bất bình và áp đặt kinh tế mạnh mẽ đối với Seoul. Do đó, các công ty Nam Hàn đã trải qua một tình huống khó khăn ở Trung Quốc.
Ông Lee Jin-woo, người đứng đầu nhóm chiến lược đầu tư và thành viên nghiên cứu của Công ty chứng khoán Meritz tại Nam Hàn, nói với The Epoch Times rằng bản thân xung đột Mỹ-Trung có thể mang lại một số tổn thất cho các công ty Nam Hàn tại Trung Quốc trong khu vực địa phương. Tuy nhiên, đối với SK Hynix, ông cho biết rất khó để xác định liệu điều đó có gây ra thiệt hại về lâu dài hay không vì Nam Hàn đã kết nối với chuỗi cung ứng của Mỹ và hưởng lợi từ chuỗi cung ứng này.
Ông Lee nói: “Đó là một câu hỏi về sự phân cực của chuỗi cung ứng giữa Mỹ và Trung Quốc.”
Các công ty bán dẫn của Nam Hàn như Samsung và SK Hynix đã thiết lập thế độc quyền của mình trong lĩnh vực bộ nhớ bán dẫn, ông Lee nói thêm: “thị trường bán dẫn ngày nay được hình thành thông qua nhiều vòng cạnh tranh về nguồn cung cấp.”
Ông nhấn mạnh những lý do thiết thực để Nam Hàn nghiêng về thị trường Mỹ. Ông Lee nói: “Ngoại trừ một số lĩnh vực của AI, hầu như tất cả sự thống trị về công nghệ đều do các công ty Mỹ nắm giữ. Do đó, hướng đi thực tế là tăng cường liên kết với Hoa Kỳ và củng cố chuỗi cung ứng do Hoa Kỳ dẫn đầu.”
Ông Lee giải thích, mặc dù Nam Hàn là nhà xuất cảng lớn nhất sang Trung Quốc, nhưng số lượng xuất cảng của nước này đã không tăng trong hơn 10 năm. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Nam Hàn đối với chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ tiếp tục tăng cao và ông cho rằng việc mở rộng thị trường tại Hoa Kỳ sẽ đưa ra lựa chọn rõ ràng.
Ông Lee nói, “Bây giờ là lúc cho bên quan trọng,” nhấn mạnh rằng “từ quan điểm của Nam Hàn, nước này sẽ lựa chọn Hoa Kỳ và nên chọn Hoa Kỳ.”
Sự phụ thuộc kinh tế của Nam Hàn đang nghiêng về phía Hoa Kỳ
Theo một báo cáo do Ngân hàng Trung ương Nam Hàn công bố ngày 03/11, tổng xuất cảng của Nam Hàn sang Trung Quốc phần lớn bị đình trệ kể từ năm 2010. Điều này là do chi phí lao động ở Trung Quốc tăng cao, các công ty đa quốc gia chuyển cơ sở sản xuất toàn cầu từ Trung Quốc sang Đông Nam Á và Ấn Độ, và xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài. Theo hãng truyền thông hàng đầu Nam Hàn Chosun hôm 03/11, Ngân hàng Nam Hàn dự đoán rằng xuất cảng sang Trung Quốc sẽ không thể tăng trưởng nhanh như trước đây.
Ngược lại, xuất cảng và đầu tư của Nam Hàn vào Hoa Kỳ đang tăng lên. Liên đoàn các ngành công nghiệp Nam Hàn (FKI) cho biết hôm 24/11 rằng xuất cảng tích lũy của Nam Hàn sang Hoa Kỳ đã tăng 17.9% trong giai đoạn 2017-2021 so với 5 năm trước đó (2012-2016), và đặc biệt, xuất cảng sang Hoa Kỳ đã tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15% tổng kim ngạch xuất cảng, tỷ trọng cao nhất kể từ năm 2004.
Số liệu thống kê của FKI cũng cho thấy kể từ năm 2017, các khoản đầu tư của Nam Hàn vào Hoa Kỳ đã bắt đầu vượt qua các khoản đầu tư vào Trung Quốc. Năm 2020, đầu tư vào Hoa Kỳ đạt 118 tỷ USD, đầu tư vào Trung Quốc là 94.2 tỷ USD và vào Đông Nam Á là 108.7 tỷ USD. Đầu tư trực tiếp vào Hoa Kỳ dự kiến sẽ tiếp tục tăng, với việc Samsung, Hyundai Motor, SK Hynix và LG Electronics đang xây dựng các nhà máy lớn về chất bán dẫn, xe hơi, và pin tại Hoa Kỳ.
Theo ông Lee, việc Hoa Kỳ phản đối việc nâng cấp công nghệ SK Hynix cho nhà máy ở Trung Quốc có thể khiến ngành công nghiệp bán dẫn trong nước tránh đầu tư vào Trung Quốc. Ông cho biết xu hướng ưa chuộng Trung Quốc đã qua đi, bởi vì “quá trình thoát Trung đã bắt đầu… và Trung Quốc không thể cung cấp chi phí lao động thấp như trước đây trong các lĩnh vực nhạy cảm với công nghệ.”
Ông Lee nói: “Có thể xây dựng các nhà máy cho mục đích bán hàng tại thị trường nội địa của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc sẽ ngày càng trở nên kém hấp dẫn hơn với tư cách là [một] cơ sở sản xuất hoặc trung gian. Điều đó có nghĩa là, bản thân quy mô đầu tư có thể kém linh hoạt hơn so với trước đây.”
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Bài viết có sự đóng góp của Lee Yunjung.
Chánh Tín biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: