Công thức hạnh phúc: ‘Đầu tiên là Chúa, rồi đến người khác, cuối cùng mới là bản thân mình’
Một thứ tự ưu tiên đúng đắn trong cuộc sống sẽ đem lại một lối sống đúng đắn.
F. Washington Jarvis (1939-2018) là một mục sư Episcopalian; ông đã giữ chức hiệu trưởng trường Boston’s Roxbury Latin trong 30 năm – ngôi trường lâu đời nhất vẫn tiếp tục tồn tại ở Bắc Hoa Kỳ. Jarvis thường xuyên diễn thuyết những chủ đề đầy cảm hứng cho các nam sinh trong trường của mình, và 40 trong số các bài phát biểu đó đã được tập hợp trong cuốn “Với tình yêu và những lời cầu nguyện: Hiệu trưởng chia sẻ với thế hệ tiếp theo” (With Love and Prayers: A Headmaster Speaks to the Next Generation).
Một trong số này là bài diễn thuyết “Chiều sâu tinh thần”, Jarvis kết thúc với những dòng sau:
“Tôi đã xem một đoạn trích trên truyền hình hồi tháng 7 về một trại hè, trên cổng có viết những dòng chữ này – một câu tổng hợp hết thảy hy vọng và những lời cầu nguyện của tôi dành cho tất cả các trò, một câu tóm tắt tất cả những điều tôi cố gắng truyền tải: ‘Đầu tiên là Chúa, rồi đến người khác, cuối cùng mới là bản thân mình.’ Đó là công thức cho cuộc sống tốt đẹp nhất.”
Đầu tiên là Chúa, rồi đến người khác, cuối cùng mới là bản thân mình.
Đó có vẻ là một hệ thống cấp bậc khôn ngoan và giá trị về mặt nghĩa vụ, nhưng chúng ta phải tự hỏi mình hai câu hỏi. Đầu tiên, hầu hết người Hoa Kỳ có thực hành công thức này không? Và nếu không, chúng ta có thể làm sống lại lý tưởng này bằng cách nào?
Chọn một con đường đúng đắn
Trong 50 năm qua, số tín hữu nhà thờ ở Hoa Kỳ đã giảm đáng kể. Ngày càng có nhiều người tự nhận mình là người vô thần trong khi một số lượng lớn hơn nhiều tuyên bố họ “tin vào tâm linh nhưng không theo tôn giáo”, như thể nói rằng: “Chà, tôi tin có điều gì đó ngoài kia, nhưng chỉ thế thôi”. Không một người tỉnh táo nào lại đặt một niềm tin mơ hồ như vậy trong cuộc sống.
Nhưng có một cách để làm cho công thức này hiệu quả với tất cả chúng ta, bất kể quan điểm của chúng ta về tôn giáo là gì. Chúng ta có thể cam kết bản thân thực hành bộ quy tắc về danh dự và sự chính trực, vốn đóng vai trò như một chiếc la bàn trong cuộc sống hàng ngày, dẫn dắt ta ra quyết định và đối xử với người khác. Ví dụ, chúng ta có thể biến các đức tính truyền thống cùng với chân, thiện, mỹ (điều một số người cho là quá cao siêu) là kim chỉ nam cho mọi phán đoán của chúng ta. Bằng cách đó, chúng ta có thể duy trì quy tắc của Jarvis.
Có lẽ hầu hết chúng ta đôi khi không tuân theo các nguyên tắc như vậy. Một ngôi sao điện ảnh di chuyển bằng máy bay riêng nửa vòng trái đất đến một hội nghị về biến đổi khí hậu; chính trị gia hứa hẹn với cử tri sẽ tạo ra sự thay đổi, nhưng sau đó rơi vào bế tắc với đồng nghiệp sau cuộc bầu cử; một phụ nữ trẻ nhìn người bạn đại học bị mạng xã hội “mổ xẻ” chỉ vì một từ phát âm sai và quá sợ hãi để bảo vệ cô ấy: báo chí của chúng ta luôn đưa tin về những người như vậy.
Giống như họ, đôi khi, chúng ta cũng có thể thất bại trong việc thực hành những chân lý sống của mình, nhưng nếu chúng ta sở hữu thứ ánh sáng dẫn đường như vậy, thì đó chỉ là những bước đi sai lầm, chúng ta có thể nhận ra và tìm thấy con đường đúng đắn.
Hãy biết cho đi
Nhiều người trong chúng ta thường đặt người khác lên trên bản thân mình. Chúng ta chăm sóc con cái và cha mẹ già, chúng ta nhường chỗ ngồi trong nhà thờ cho người phụ nữ mang thai, chúng ta quyên góp một phần tiền mồ hôi nước mắt cho một tổ chức từ thiện, hoặc dành một buổi tối mỗi tuần để phục vụ bữa ăn trong một mái ấm cho người vô gia cư.
Chắc chắn công thức của Jarvis bao gồm cả Quy tắc vàng – “Đối xử với người khác theo cách mà bạn muốn được đối xử” – và ở đây chúng ta thường thất bại thảm hại. Một thợ sửa ống nước lừa một người đàn ông rằng đường ống nước bị đóng băng để tính phí nhiều hơn mức thông thường. Một cô gái tuổi teen tâm sự với một người bạn rằng cô ấy đang mang thai và ngay sau đó người bạn đó cũng chia sẻ tin tức này với những người khác. Một người cha hứa với con trai rằng mình sẽ đến xem trận bóng tiếp theo của con, nhưng cuối cùng lại thất hứa và đi chơi golf với sếp.
Ngày nay, một số kẻ tồi tệ nhất trong số những kẻ phá vỡ Quy tắc Vàng thuộc về đám đông sùng bái văn hóa tẩy chay, những người thông qua mạng xã hội tấn công người lạ một cách ác ý vì hành vi cưỡng đoạt văn hóa, vì có quan điểm chính trị sai lầm, hoặc chỉ đăng một nhận xét ngây ngô thiếu suy nghĩ trên Facebook. Quy tắc Vàng không tồn tại trong đấu trường xấu xí này.
Đặt người khác lên trước nhu cầu và mong muốn của bản thân bao hàm nhiều việc hơn là giúp đỡ một cụ bà qua đường hoặc mang một ít trà thảo mộc cho người hàng xóm bị bệnh. Nó có nghĩa là đối xử với gia đình, bạn bè và người lạ bằng phẩm giá và lòng bác ái mà chúng ta mong muốn cho chính mình.
Cái tôi vĩ đại
Trong “thời đại của selfie” hiện nay, việc đặt bản thân sau mọi thứ có vẻ là một khái niệm cổ hủ giống như phim truyền hình hay truyện cổ tích. Nhiều người nổi tiếng và nhân vật công chúng thực tế truy cầu sự ngưỡng mộ, nâng cao thành tích của họ để được mọi người chúc tụng hoặc thu hút sự chú ý và thông cảm bằng cách làm nổi bật sự bất bình của họ.
Sách “Cuộc ly hôn vĩ đại” của C.S. Lewis đưa ra một số suy nghĩ mà tất cả những người bị ám ảnh bởi cái tôi có thể suy ngẫm: “Địa ngục là một trạng thái của tâm trí – bạn chưa bao giờ nói một lời nào chân thật hơn thế. Và mọi trạng thái tâm trí đều để lại những sinh vật câm lặng trong ngục tối – cuối cùng đó chính là Địa ngục.” Khi chúng ta hoàn toàn tập trung vào bản thân, vào chiến thắng, vào nỗi đau và sự khốn khổ của mình, chúng ta từng bước tự xây dựng hầm ngục đó bên trong mình.
Mặt khác, khi chúng ta hướng tầm nhìn ra bên ngoài, khi chúng ta dành thời gian và sự chú ý của mình cho người khác, chúng ta có thể phá bỏ những bức tường của ngục tối đó. Bằng cách giúp đỡ người khác, chúng ta giúp chính mình. Thông thường, tôi nhận thấy rằng việc tập trung vào các vấn đề của người khác – một đứa cháu khóc hết nước mắt vì bài toán khó, một người bạn đang vật lộn với tài chính – làm giảm bớt những khó khăn và lo lắng của chính tôi.
Trật tự của sự hài hòa
Công thức của Jarvis cho cuộc sống tốt đẹp nhất đã có lịch sử lâu đời. Khổng Tử, Plato, Thánh Paul, Thomas Aquinas: những nhà tư tưởng này và nhiều nhà tư tưởng khác đã cống hiến hết mình để tìm ra thứ tự ưu tiên của nghĩa vụ, khát vọng và lòng trung thành của con người sẽ mang lại cho những người thực hành nó sự bình yên và thỏa mãn, và nhiều người trong số họ đã đi đến kết luận giống như Jarvis. Khi chúng ta tuân theo thứ bậc này, chúng ta sống một cuộc sống hài hòa. Khi trật tự đó bị phá vỡ, khi chúng ta bị xáo trộn, chúng ta thấy mình đang ở trong một mớ hỗn độn của những trách nhiệm đặt sai vị trí và những hậu quả khôn lường. Và điều đó thường mang lại nỗi buồn và đau thương cho người khác cũng như cho chính bản thân mình.
Trong “Overture” (Lời mở đầu) cho “12 Rules for Life” (12 quy tắc cho cuộc sống), Jordan Peterson viết: “Nếu mỗi cá nhân sống đúng đắn, chúng ta sẽ cùng phát triển mạnh mẽ.”
Nói cách khác, một thứ tự ưu tiên đúng đắn tương đương với lối sống đúng đắn. Phương trình hạnh phúc chỉ đơn giản mà cũng phức tạp như vậy.
Tác giả: Jeff Minick có bốn người con và một trung đội cháu chắt đang lớn. Trong 20 năm, ông dạy lịch sử, văn học và tiếng Latinh cho các cuộc hội thảo của học sinh giáo dục tại nhà ở Asheville, NC. Ông là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết, “Amanda Bell” và “Dust on their Wings,” và hai tác phẩm phi hư cấu, “Learning as I Go” và “Movies Make the Man.” Ngày nay, ông sống và viết ở Front Royal, Va.
Jeff Minick
Ngân Hà biên dịch
Xem thêm: