‘Công cụ diệt chủng’ của chính quyền Trung Quốc: Sát hại tù nhân lương tâm để lấy nội tạng
Theo Dân biểu Chris Smith (Cộng Hòa-New Jersey), sát hại hàng loạt tù nhân lương tâm để thu hoạch nội tạng là một “công cụ diệt chủng” của chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ông cho biết hoạt động thu hoạch nội tạng cưỡng bức của Bắc Kinh liên quan đến “việc hành quyết những người bị tuyên bố là kẻ thù của nhà nước, như thể là theo đơn đặt hàng để cung cấp một số nội tạng đáp ứng nhu cầu cấy ghép. Đây rõ ràng cũng là một hình thức trừng phạt, và thực sự là một công cụ diệt chủng nhằm tiêu diệt các nhóm thiểu số bị nhà nước coi là ‘không mong muốn.’”
Hôm 12/05, ông Smith đã đưa ra nhận xét này tại phiên điều trần của Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện để xem xét bằng chứng về hoạt động thu hoạch nội tạng của Trung Quốc. Thành viên Đảng Cộng Hòa đến từ tiểu bang New Jersey này là đồng chủ tịch của ủy ban.
Một tòa án độc lập năm 2019 đã phát hiện “vượt lên mọi nghi ngờ hợp lý” (pdf) rằng trong nhiều năm qua, chính quyền Trung Quốc đã thu hoạch nội tạng cưỡng bức trên quy mô đáng kể từ các tù nhân lương tâm bị giam giữ, và không có dấu hiệu cho thấy hoạt động này đã dừng lại. Tòa án này phát hiện, các nạn nhân chủ yếu là các học viên Pháp Luân Công bị cầm tù. Họ cũng kết luận rằng hành vi này đã cấu thành “tội ác chống lại nhân loại.”
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần gồm các bài tập thiền định và các bài giảng đạo đức theo các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Sau khi môn tập này trở nên phổ biến rộng rãi tại Trung Quốc trong những năm 1990, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã coi sự phổ biến này là một mối đe dọa và bắt đầu một cuộc đàn áp trên toàn quốc nhắm vào Pháp Luân Công cùng những người tu luyện môn này. Kể từ đó, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các trại giam, nhà tù, và trại lao động trên khắp đất nước và trở thành một ngân hàng nội tạng sống cho chính quyền cộng sản Trung Quốc.
Ông Smith cũng thúc giục Quốc hội thông qua luật của ông nhằm trừng phạt những người liên quan đến hoạt động buôn bán nội tạng thu hoạch cưỡng bức của Trung Quốc.
Ông cho biết đệ trình này, tức Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (H.R. 1592), sẽ áp các lệnh trừng phạt lên những thủ phạm đã biết chẳng hạn như các quan chức Trung Quốc, cấm các thiết bị phẫu thuật được chứng minh là được sử dụng để thu hoạch nội tạng cưỡng bức xuất cảng từ Trung Quốc, và yêu cầu Bộ Ngoại giao báo cáo về các biện pháp này.
Những chi tiết rợn người
Tại phiên điều trần, ông Ethan Gutmann, nhà nghiên cứu về Trung Quốc thuộc Quỹ Tưởng niệm Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản và là tác giả của cuốn “Đại Thảm Sát” (“The Slaughter”), đã kể lại các cuộc phỏng vấn của ông với các nạn nhân bị cầm tù trong các trại tập trung ở Trung Quốc. Các nạn nhân đã chia sẻ những chi tiết kỳ dị và rợn người mà ông cho rằng là những dấu hiệu cho thấy họ là một ngân hàng những người hiến tạng sống không tự nguyện.
Khi kể về cô Sayragul, một giáo viên trong trại, ông cho biết: “Sau khi kiểm tra sức khỏe toàn trại, vốn gồm cả xét nghiệm máu toàn diện, một số cá nhân nhất định được xét nghiệm đọ chéo để lấy nội tạng.” Cô Sayragul nói với ông rằng cô có các bản in kết quả xét nghiệm máu, trên đó “một dấu kiểm màu hồng” đã được thêm thủ công vào một số danh tính nhất định.
“Các nhân chứng khác kể lại rằng một số cá nhân bị buộc phải đeo vòng tay hoặc áo ghi-lê màu, đôi khi là màu hồng, đôi khi là màu cam,” ông cho biết. “Dù bằng cách nào, thì khoảng một tuần sau khi xét nghiệm, các cá nhân bị phân biệt theo màu sắc này bị biến mất vào giữa đêm.”
Ông Gutmann lưu ý rằng “lời khai của nhân chứng từ khoảng 20 trại rất nhất quán — trong toàn trại có từ 2.5% đến 5% số vụ mất tích thường niên.”
Theo ông, những vụ mất tích này chủ yếu là những người ở độ tuổi 28, “được giới chức y tế Trung Quốc cho là độ tuổi lý tưởng để nội tạng phát triển hoàn thiện.”
Bổ sung cho lời chứng là câu chuyện đầy hối tiếc của Tiến sĩ Enver Tohti, một cựu bác sĩ phẫu thuật ung thư, người bị chính quyền Trung Quốc ra lệnh thực hiện ca thu hoạch nội tạng sống đầu tiên được biết đến hồi năm 1994. Ông Tohti được chỉ thị mổ lấy nội tạng của một tù nhân được tuyên bố là vừa bị hành quyết, nhưng hóa ra người đàn ông này được phát hiện vẫn còn sống nguyên trên bàn mổ.
“Toàn bộ ca phẫu thuật kéo dài khoảng 30 đến 40 phút. Các bác sĩ phẫu thuật trưởng vui vẻ đặt các bộ phận nội tạng đó vào một chiếc hộp trông kỳ quái, và nói, ‘Được rồi, bây giờ ông hãy dẫn nhóm của ông trở lại bệnh viện; nhớ là không có gì xảy ra ngày hôm nay,” ông Tohti làm chứng.
Phiên điều trần diễn ra vài tuần sau khi các nhà nghiên cứu xuất bản một bài báo trên Tạp chí Ghép tạng Hoa Kỳ (American Journal of Transplantation) xem xét hơn 2,800 bài báo Hoa ngữ từ năm 1980 đến năm 2015, và kết luận rằng các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép Trung Quốc đã cưỡng bức mổ lấy nội tạng từ người mà không thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định trạng thái chết não.
“Nói một cách dễ hiểu, các bài báo dường như cho thấy những người hiến tặng, vốn là tù nhân, vẫn còn sống tại thời điểm phẫu thuật và đã bị sát hại bởi các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép trong quá trình chiết tim,” ông Matthew Robertson, đồng tác giả của bài báo về cấy ghép nói trên và là một ứng viên tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Úc, làm chứng tại phiên điều trần.
Cộng đồng quốc tế và các tổ chức y tế cần hành động nhiều hơn nữa
Những người khác tại phiên điều trần kêu gọi cộng đồng quốc tế và các tổ chức y tế hành động nhiều hơn nữa.
Dân biểu Gus Bilirakis (Cộng Hòa-Florida), người đồng bảo trợ của Đạo luật Chấm dứt Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức, cho biết: “Chủ đề cho phiên điều trần hôm nay, thu hoạch nội tạng, đã bị cộng đồng quốc tế bỏ qua quá lâu.”
“Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta phải gửi một thông điệp mạnh mẽ và kiên định để bảo vệ các quyền căn bản của con người và bảo vệ tất cả mọi người.”
Tuần trước (hôm 05/05), Liên minh Âu Châu đã thông qua một nghị quyết bày tỏ “những lo ngại nghiêm trọng” về “tội ác chống lại nhân loại” của chính quyền Trung Quốc.
Ông Josep Borrell, quan chức chính sách đối ngoại hàng đầu của EU, cho biết: “Tôn trọng nhân quyền không phải là một lựa chọn, mà là một yêu cầu trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực đầy thách thức về mặt y tế và đạo đức như hiến và cấy ghép nội tạng.”
Trong khi đó, cộng đồng y tế hầu như im lặng về vấn đề này vì các cơ hội tài chính và chuyên môn đáng kể ở Trung Quốc, ông Gutmann nói.
“Thảm họa này là do Bắc Kinh gây ra. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, nó đã liên tục được kích hoạt bởi một số ít bác sĩ phương Tây nghĩ rằng họ có thể cưỡi rồng Trung Quốc và trở về nhà như thể mọi thứ vẫn bình thường,” ông nói.
Ông Robert A. Destro, cựu trợ lý bộ trưởng ngoại giao về dân chủ, nhân quyền, và lao động dưới thời chính phủ cựu Tổng thống Trump, kêu gọi Hoa Kỳ có hành động cụ thể.
Quốc hội phải sử dụng “quyền lực ngân quỹ của mình để yêu cầu chịu trách nhiệm từ bộ máy hành chính và cộng đồng doanh nghiệp.”
Anh Gary Bai là phóng viên của Epoch Times Canada, đưa tin về Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Theo NTD News
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: