Cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc bắt cóc luật sư nhân quyền Tạ Dương
Hôm 11/01, luật sư nhân quyền Trung Quốc Tạ Dương (Xie Yang) được đưa tin là đã mất tích. Một người trong cuộc đã kêu gọi sự chú ý của cộng đồng quốc tế, tin rằng ông Tạ đã bị cơ quan an ninh nhà nước tại thành phố Trường Sa bắt cóc.
Ông Tạ là một trong những nạn nhân của “Cuộc đàn áp 709” khi hơn 300 luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền bị chính quyền bắt giam, thẩm vấn, và bỏ tù vào ngày 09/07/2015.
Hôm 13/01, vợ của ông Tạ, bà Trần Quế Thu (Chen Guiqiu) nói với tờ The Epoch Times ấn bản Hoa Ngữ rằng bà mới hay tin ông Tạ đã bị nhân viên an ninh nhà nước bắt đi vào ngày 11/01. “Lần cuối cùng tôi nói chuyện với anh Tạ Dương là vào sáng ngày 10, theo giờ Bắc Kinh. Tôi thường gọi điện cho anh ấy và cầu nguyện cho anh ấy vào các buổi sáng. Vào ngày 11, điện thoại không thể kết nối được nữa.”
Bà đã thử lại vào ngày 13, nhưng chỉ nhận được tin thư thoại. Bà tin rằng cơ quan an ninh nhà nước đã tịch thu điện thoại của ông Tạ.
Khi được hỏi liệu bà có biết cơ quan an ninh nhà nước cụ thể nào không, bà Trần trả lời: “Tôi không biết, họ chỉ đơn giản là những tên cướp.”
Bà Trần và hai con gái của họ hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ.
Một người chiến đấu vì nhân quyền
Dòng tweet cuối cùng của ông Tạ được nhìn thấy vào ngày 07/01, khi ông lên án việc đàn áp giáo sư kinh tế, ông Dương Thiệu Chính (Yang Shaozheng), một người thẳng thắn lên tiếng phản đối chính quyền, với nhận xét “Điều này là vô nhân đạo!”
Một tweet gần đây được đăng bởi Những người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc (Chinese Human Rights Defenders, CHRD) cho biết chi tiết về tình trạng của ông Dương Thiệu Chính. Theo bài đăng này, ông Thiệu Chính bị rơi vào hôn mê nhiều lần vì ông thường xuyên bị đánh đập và lạm dụng tinh thần trong quá trình giám sát tại khu dân cư, theo tiết lộ của luật sư này.
Ông Thiệu Chính trước đây là một giáo sư tại Đại học Quý Châu, bị đình chỉ công tác hồi tháng 11/2017 và bị sa thải vào tháng 08/2018 vì các bài viết học thuật “nhạy cảm về chính trị” của mình. Viện kiểm sát đã bắt giữ ông hôm 05/10/2021, với những cáo buộc không rõ ràng. Trước khi bị bắt, ông đã bị quản thúc trong khu dân cư trong 18 tháng tại một nơi không xác định. Luật sư này không được phép đến thăm ông cho đến ngày 06 và 07/01.
Cô Lý Điền Điền (Li Tiantian) là một nạn nhân khác mà ông Tạ bận tâm. Trước đó, ông Tạ đã đến tỉnh Hồ Nam với hy vọng giúp đỡ cô Lý, một giáo viên tiểu học đang mang thai bị bắt cóc vào bệnh viện tâm thần vào ngày 18/12/2021, sau khi thực hiện quyền tự do ngôn luận của cô trên mạng.
Ông Tạ đã tweet: “Trong gió tuyết, chúng ta chỉ có thể kiên trì!”
Không rõ liệu việc mất tích của ông Tạ có liên quan đến chuyến đi đến Hồ Nam của ông hay không, nhưng vợ ông đã cố gắng gọi điện cho cơ quan an ninh nhà nước, nhưng không có hồi âm.
Một người trong cuộc tin rằng chính quyền chỉ đang thao túng sự việc của cô Lý Điền Điền như một cái cớ. Mục đích là để trả đũa cho các hoạt động nhân quyền của ông. Người trong cuộc này cho biết: “Ông ấy đã bị nhân viên an ninh nhà nước ở thành phố Trường Sa bắt cóc.”
Ông Đàm Vĩnh Phái (Qin Yongpei) là một luật sư khác đã bị buộc tội và xét xử về tội “kích động lật đổ”. Trong một phiên tòa gần đây, ông Tạ cũng có mặt để thể hiện sự ủng hộ của mình với ông Đàm.
Người trong cuộc: ‘Không đủ bằng chứng để bắt giữ’
Người trong cuộc nói với The Epoch Times rằng vụ bắt giữ được thực hiện mà không được thông báo trước vì không có đủ bằng chứng và “họ chỉ muốn bịt miệng ông ấy.”
Người trong cuộc cho hay: “Họ nghĩ rằng ông Tạ đã gây rắc rối cho chính quyền, điều đó khiến họ mất mặt.”
Một người trong cuộc khác nói với The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ rằng gia đình của ông Tạ đã được cảnh báo không chấp nhận các cuộc phỏng vấn từ các hãng thông tấn.
Theo người trong cuộc này, bởi vì ngày nay ở Trung Quốc chẳng còn mấy ai dũng cảm đấu tranh vì nhân quyền nữa, nên những người như ông Tạ đã mang lại cho nhiều người bị đàn áp niềm tin và hy vọng. Đó là điều khiến chính quyền này lo sợ.
Ông nói, “Chúng ta phải trân quý một người như ông ấy, người luôn mang lại hy vọng cho mọi người.”
Vợ của ông Tạ hy vọng rằng cộng đồng quốc tế sẽ chú ý đến vụ việc của ông.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm và Hồng Ninh
An Nhiên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: