Có khả năng tự kỷ luật thì mới có cơ hội thành công!
Sống trong thế giới này, không phân biệt quốc gia hay sắc tộc, con người miễn là còn sống thì cần có trách nhiệm. Để có một phiên bản tốt nhất của chính mình, chỉ có tự kỷ luật thì mới có thể làm tốt bổn phận của bản thân và trở thành một con người “xứng đáng”!
Tự kỷ luật là một yêu cầu thiết yếu trong cuộc sống của mỗi người. Trẻ em cần nghe theo người trưởng bối, anh em hòa hảo, hiếu thuận với cha mẹ, học tập đạo lý đối nhân xử thế; làm học sinh thì phải học tập tốt; làm cha mẹ thì phải gương mẫu, chăm sóc gia đình, giáo dục con trẻ, v.v. Ngay cả khi sống một mình, bạn cũng phải có trách nhiệm với chính mình, nếu không sẽ trở thành nô lệ của dục vọng, hoặc rượu chè ăn uống quá độ, thức khuya xem phim, biến cơ thể trở thành một mớ hỗn độn!
Người xưa có câu: “Người đáng thương tất có chỗ đáng giận.” Tự nhìn lại bản thân và thay đổi, mới có thể tự mình trưởng thành. Trong đó, tính tự kỷ luật giống như một vị giáo viên nghiêm khắc, không ngừng đốc thúc bản thân. Ngược lại, những người không tự kỷ luật thường phóng túng bản thân, được ngày nào hay ngày đấy, không tự suy ngẫm. Họ đến già vẫn không làm nên chuyện gì, không nơi nương tựa, để rồi ra đi trong hối tiếc.
Người tự trọng mới có thể duy trì tâm tự kỷ luật. Có một thí nghiệm tâm lý như sau: Người ta đưa một nhóm trẻ em khoảng 4 tuổi vào trong phòng và nói với các bé rằng, kẹo dẻo trong phòng muốn ăn thì hãy lấy, những trẻ nào chờ họ quay lại rồi mới ăn thì sẽ được cho nhiều kẹo hơn, nhưng họ không nói cho chúng biết khi nào họ sẽ quay trở lại.
Kết quả của thí nghiệm là, có một số đứa trẻ rất nhanh đã lấy kẹo và ăn; một số bé đã chờ vài phút rồi mới ăn; nhưng cũng có một số bé xác thực đã đợi 15 phút, sau khi họ quay lại rồi mới ăn kẹo.
Sau nhiều năm theo dõi, họ phát hiện rằng những đứa trẻ biết tự kỷ luật và không ăn kẹo có thành tích học tập ở trường rất nổi trội, thói quen sống tốt và quản lý cảm xúc khá ổn định. Những trẻ em biết tự kỷ luật từ nhỏ đã thể hiện những đặc điểm tính cách tuyệt vời nhiều năm sau đó, và là những nhân tài trong tương lai.
Những lợi ích do tự kỷ luật mang lại
Khi biến tự kỷ luật thành thói quen, giống như một vị giáo viên nghiêm khắc luôn nhắc nhở chính mình, thì bạn sẽ có rất nhiều lợi ích:
- Dễ dàng dưỡng thành những thói quen tốt và kiên trì khi giải quyết sự việc.
- Mối quan hệ giữa các cá nhân trở nên tốt hơn, mặc dù không dễ hứa hẹn, nhưng đã hứa thì sẽ cố hết sức để thực hiện.
- Cải thiện kiến thức và kỹ năng, trân trọng thời gian nghỉ ngơi và đề cao sự tập trung.
- Khi gặp thất bại hay khó khăn, sẽ không nản lòng thoái chí, ngã thì sẽ đứng dậy và tiến về phía trước.
- Từng bước tiến bộ trong cuộc sống, có ý chí sắt thép và kỷ luật của một người lính.
- Cuộc sống đầy ý nghĩa, biến mình thành phiên bản tốt nhất, làm việc sẽ làm cho đến tốt nhất.
Phương pháp để rèn luyện tính tự kỷ luật
Ông Murakami Haruki, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Nhật Bản đã rèn luyện tính tự kỷ luật bằng cách chạy bộ. Vốn dĩ ông ăn uống không có tiết chế, thích an nhàn và không có kế hoạch tập thể dục, nhưng một ngày nọ, ông đột nhiên nhận ra rằng cứ như thế này thì sẽ không ổn. Trong suốt hai năm, ông đã kiên trì dậy sớm mỗi ngày để chạy bộ, không hề gián đoạn và dưỡng thành thói quen, đến thời gian đó là nhất định phải dậy chạy bộ. Về sau, ông đã có một thân hình rắn chắc, có thể làm việc và nghỉ ngơi một cách chính thường, cơ thể cũng khỏe mạnh hơn. Điều tuyệt vời hơn nữa là khi nhìn thấy món ăn yêu thích, ông cũng đã có thể tự kiểm soát số lượng tiêu thụ.
Tập thể dục là một cách tốt để rèn luyện tính tự kỷ luật. Chúng ta cũng có thể tham khảo các phương pháp sau đây:
- Thức dậy sớm mỗi ngày để rèn luyện ý chí, cho dù thời tiết lạnh đến đâu cũng không thể nằm ỳ trên giường.
- Thay đổi thói quen xấu và quyết tâm rèn luyện, chẳng hạn như giảm thời gian xem TV để tập trung vào học tập.
- Suy nghĩ kỹ trước khi làm việc, đặc biệt là khi tức giận, trước tiên nên bình tĩnh và cân nhắc, như thế sẽ không dễ tức giận bốc hỏa mắng người.
- Định ra mục tiêu nhỏ và nỗ lực hoàn thành. Cảm giác thành tựu có thể khích lệ bản thân, sau đó lại tiếp tục định ra mục tiêu nhỏ có tính kỷ luật.
- Tự nói với bản thân, gặp phải khó khăn thì đừng dễ dàng bỏ cuộc, dùng những từ tích cực để khích lệ bản thân.
Nhà đầu tư nổi tiếng người Mỹ, ông Warren Edward Buffett cho rằng, tự kỷ luật là phải ước thúc bản thân từ chi tiết nhỏ. “Nếu không thể ước thúc bản thân trong những điều nhỏ nhặt, rất có khả năng bạn cũng không ước thúc được bản thân trong những việc lớn lao.”
“Tướng tướng bổn vô chủng, nam nhi đương tự cường”, ý rằng các vị tướng không phải sinh ra đã thành, đấng nam nhi phải biết tự lực tự cường. Nếu muốn đạt được thành tựu trong tương lai, bạn cần phải nỗ lực ngay từ khi còn trẻ, thời thời khắc khắc tự nhìn lại bản thân mình và thay đổi, mới có thể nhìn thấy tương lai chói lọi.
Tăng Yến Quân biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ