Có 5 điều khiến bạn già đi, 1 điểm quan trọng để chống lão hóa
Y học hiện đại hiểu như thế nào về hiện tượng lão hóa của cơ thể con người? Các khoa học gia tuyến đầu đã phát hiện ra “bộ điều khiển đồng hồ sinh vật” – Telomere. Vậy những kiểu suy nghĩ nào sẽ có thể làm hỏng các telomere, và làm cách nào để cải thiện chúng?
Quá trình lão hóa của con người được kiểm soát bởi một “bộ điều khiển đồng hồ sinh vật”
Từ góc độ của sinh vật học, sự lão hóa của cơ thể con người, sinh – lão – bệnh – tử là một quá trình diễn ra từ từ và không thể đảo ngược. Biểu hiện của lão hóa là sự thoái hóa cấu trúc tế bào, ví dụ như tế bào giảm số lượng và thể tích.
Giới khoa học đã phát hiện ra rằng quá trình sao chép và phiên mã của gene chịu ảnh hưởng của các telomere và telomerase. Các telomere và telomerase này có thể bảo vệ nhiễm sắc thể, do đó các khoa học gia còn gọi telomere là “bộ điều khiển đồng hồ sinh học”.
Mỗi lần phân chia tế bào sẽ rút ngắn các telomere đi một chút, và khi các telomere quá ngắn không thể co lại được nữa, tế bào sẽ không thể tiếp tục phân chia và sẽ chết. Do đó, nếu bạn có thể tìm ra cách để làm chậm quá trình rút ngắn telomere, bạn sẽ có thể trì hoãn quá trình lão hóa.
Bà Elizabeth Blackburn, nhà sinh học phân tử và là giáo sư tại Khoa Hóa – Lý sinh tại Đại học California, San Francisco, đã đoạt giải Nobel về Sinh lý và Y học vào năm 2009. Sau khi đoạt giải, bà đã viết cuốn sách “The Telomere Effect” (Tạm dịch: Hiệu ứng của Telomere). Bà chỉ ra trong cuốn sách của mình rằng, những quan sát và thử nghiệm khoa học đã chứng thực được mô thức tư duy hoặc mô thức tâm lý của con người có thể ảnh hưởng đến các telomere, và những suy nghĩ bất hảo là một yếu tố quan trọng khiến telomere bị thương tổn.
5 hành vi khiến các telomere của bạn bị tổn thương
1. Thái độ thù địch
Ví dụ như cảm giác tức giận mạnh mẽ, thường xuyên oán giận, coi thường người khác – đặc biệt là sự oán hận với bạn bè và đồng nghiệp trong môi trường làm việc.
Kết luận này đến từ đâu? Bà Elizabeth đã tiến hành một cuộc nghiên cứu đối với các công chức Anh và phát hiện ra rằng, những người đàn ông có điểm cao về “thái độ thù hận” sẽ có telomere ngắn hơn so với những người điểm thấp.
2. Chủ nghĩa bi quan
Chủ nghĩa bi quan có những tác động rất tiêu cực đến telomere. Trong một nghiên cứu nhỏ với 35 phụ nữ, bà Elizabeth phát hiện ra rằng ở những phụ nữ có điểm số bi quan cao hơn, telomere của họ tương đối ngắn. Ngoài ra còn một nghiên cứu trên 1,000 nam giới cho thấy cảm xúc bi quan là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe. Khi những người bi quan mắc các bệnh liên quan đến lão hóa, chẳng hạn như ung thư hoặc bệnh tim, bệnh thường có xu hướng tiến triển nhanh hơn.
3. Suy nghĩ quá nhiều
Có nhiều người khi suy nghĩ thường rơi vào trạng thái lo lắng và bức bối, không thể buông bỏ suy nghĩ về một điều gì đó. Ví dụ như thường xuyên nghĩ đến mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình và mâu thuẫn trong mối quan hệ giữa các cá nhân.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ám ảnh quá mức về những vướng mắc này cũng sẽ ảnh hưởng đến các tế bào miễn dịch của cơ thể và làm ngắn các telomere. Đồng thời, những người suy nghĩ nhiều hơn có xu hướng bị trầm cảm lâm sàng và rối loạn lo âu hơn, mà những điều này đều liên quan đến việc các telomere bị ngắn lại.
4. Ức chế tư tưởng
Trong cuộc sống, dường như ai cũng sẽ gặp phải những chuyện “đau đầu”. Và đôi khi, chúng ta sẽ chủ động đẩy những thứ khiến bản thân khó chịu này đi mà không tìm ra cách tháo gỡ và giải quyết chúng. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến độ dài telomere của bạn.
Nhà tâm lý học xã hội quá cố của Đại học Harvard, Giáo sư Daniel Wegner đã từng đọc được câu nói này từ nhà văn Nga vĩ đại Leo Tolstoy: “Thử cố gắng không nghĩ về gấu Bắc Cực, và rồi bạn sẽ thấy rằng cứ mỗi giây mỗi phút tiếp theo, chú gấu Bắc Cực đó sẽ lại hiện lên trong tâm trí bạn”. Điều này có nghĩa là bạn càng đẩy suy nghĩ của mình ra xa, chúng sẽ càng thu hút sự chú ý của bạn.
5. Mất tập trung
Mất tập trung cũng chính là phân tâm. Như các bạn đã biết, rất nhiều khoa học gia thành đạt khi làm việc gì đều luôn rất tập trung. Khi Vương Hiến Chi, một nhà thư pháp nổi tiếng vào thời Đông Tấn đang viết chữ, cha ông là Vương Hi Chi đã thử lặng lẽ rút bút của ông từ phía sau, nhưng ông ấy không thể rút nổi, điều này chứng tỏ sự tập trung của Hiến Chi khi luyện tập thư pháp.
Do ảnh hưởng của một số ngoại cảnh, cho nên nhiều người rất dễ bị phân tâm khi làm việc. Nghiên cứu của bà Elizabeth phát hiện ra rằng khi con người không thể tập trung tinh lực, không thể chú tâm làm việc, nó cũng sẽ ảnh hưởng đến độ dài của telomere.
Phương pháp để kéo dài telomere và chống lại sự lão hóa
Thực nghiệm của bà Elizabeth đã cho chúng ta một gợi ý rất hay: Nếu chúng ta có suy nghĩ tích cực, thì sức khoẻ của chúng ta sẽ có thể được cải thiện.
Ở cuối cuốn sách, bà Elizabeth đã đề cập đến một điều rất quan trọng: Mặc dù suy nghĩ tiêu cực có thể khiến các telomere của chúng ta ngắn lại như đã đề cập trong 5 trạng thái tâm lý nêu trên, nhưng mọi người có thể thay đổi nó thông qua sự tự thức tỉnh (thought awareness). Khi chúng ta thấy mình ở trong trạng thái thù địch, hoặc khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta thường xuyên suy nghĩ quá mức và đè nén những tư tưởng, thì nếu chúng ta tự thức tỉnh, chúng ta có thể thay đổi các telomere; từ đó làm chậm quá trình lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
Bà Elizabeth đề cập đến sự tự thức tỉnh, kỳ thực đây cũng là điều mà văn hóa Nho giáo truyền thống nói đến: “Nhất nhật nhi tam tỉnh ngô thân”. Mỗi ngày hãy suy nghĩ ba lần, hôm nay bạn đã làm gì sai – người xưa có yêu cầu rất cao đối với bản thân mình mỗi ngày. Cuộc sống hiện tại của chúng ta tuy bận rộn, nhưng ít nhất chúng ta cũng có thể nhìn lại bản thân mình một lần mỗi ngày. Bằng cách thay đổi những suy nghĩ và hành vi xấu, bạn có thể gia tăng chiều dài của telomere.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ