Chuyên gia Úc: Cần có kế hoạch giải quyết hàng tấn phế thải tuabin phong điện trong tương lai
“Phong điện, quang điện có thể không bền vững hơn các công nghệ cũ mà họ muốn thay thế”
Hơn 40 triệu tấn “các tấm phế thải” sẽ cần phải được xử lý trên toàn thế giới vào năm 2050, thúc đẩy các chuyên gia kỹ thuật và sản xuất kêu gọi các chính phủ thực hiện các kế hoạch “hết thời hạn sử dụng” cho rất nhiều trang trại phong điện hiện đang xuất hiện ở khắp các quốc gia phát triển.
Một nghiên cứu mới với sự tham gia của Giáo sư Peter Majewski thuộc Đại học Nam Úc đã phát hiện ra rằng Úc sẽ cần phải tìm cách giải quyết “hàng chục ngàn” cánh tuabin phong điện vào cuối thập niên này, đặc biệt là khi chính phủ tiểu bang và liên bang tiếp tục để thúc đẩy các mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính bằng “0” (Net-zero) đầy tham vọng.
Hiện tại, các tuabin phong điện có tuổi thọ khoảng 20 đến 25 năm và sau khi ngừng hoạt động, các cánh tuabin này được xử lý theo một trong ba cách: tái chế, đốt hoặc đổ vào các bãi chôn lấp – cách thứ ba sẽ bị cấm ở Âu Châu vào năm 2025.
Việc chôn lấp các cánh tuabin phong điện rất phổ biến bởi vì việc tái chế những vật liệu này đang gặp khó khăn.
Chỉ 30% vật liệu tổng hợp sợi carbon hoặc sợi thủy tinh được sử dụng để chế tạo cánh tuabin phong điện có thể được tái sử dụng, đa phần sẽ được sử dụng làm chất độn trong ngành công nghiệp xi măng.
“Vì việc tái chế các tấm tuabin này rất tốn kém và các vật liệu thu hồi rất ít giá trị, nên mong việc đợi có một giải pháp tái chế dựa trên thị trường là không thực tế. Vì vậy các nhà hoạch định chính sách cần phải vào cuộc ngay bây giờ và lên kế hoạch cho những gì chúng ta sẽ làm với tất cả các tấm tuabin này khi chúng ngừng hoạt động trong vài năm tới,” ông Majewski cho biết trong một tuyên bố hôm 20/06.
Người tiêu dùng, doanh nghiệp phải chịu chi phí
Giáo sư Majewski đang thúc đẩy áp dụng các mô hình “quản lý sản phẩm” — tương tự như cách các công ty viễn thông cung cấp dịch vụ tái chế cho điện thoại thông minh — và để điều này được tính vào chi phí của tuabin phong điện vốn có thể sẽ làm tăng chi phí cho người tiêu dùng.
“Hoặc là nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm xử lý các cánh tuabin khi chúng hết thời hạn sử dụng hoặc các nhà điều hành trang trại phong điện phải cung cấp các giải pháp “hết thời hạn sử dụng” như một phần của quy trình chấp thuận kế hoạch cho hoạt động kinh doanh của họ,” ông nói.
Ông nói thêm: “Tất cả các bên liên quan sẽ chịu một số chi phí cho việc này, nhưng chúng ta phải chấp nhận đây là một phần của chi phí sản xuất năng lượng theo cách này. Nếu không có các giải pháp như vậy, các lựa chọn năng lượng như phong điện và quang điện có thể không bền vững hơn các công nghệ cũ mà họ đang hướng tới để thay thế.”
Tân chính phủ tăng cường theo đuổi Net Zero
Sự thay đổi gần đây trong chính phủ liên bang Úc đã thúc đẩy những người ủng hộ năng lượng tái tạo theo đuổi các chính sách biến đổi khí hậu tham vọng hơn.
Chính phủ Đảng Lao Động trung tả đã cam kết nâng mục tiêu giảm phát thải của quốc gia từ 26-28% lên 43% vào năm 2030.
Đồng thời, Đảng Lao Động cũng sẽ cố gắng đại tu lưới năng lượng để 82% điện năng của Úc đến từ các nguồn năng lượng tái tạo (phong điện, thủy điện, quang điện và sinh khối, cùng các nguồn khác). Hiện tại, 64.67% (pdf) điện đến từ sản xuất nhiệt điện than.
Chính phủ các tiểu bang cũng ủng hộ mạnh mẽ các sáng kiến về biến đổi khí hậu, đưa ra các chính sách như mục tiêu Net-zero ở cấp tiểu bang, các tuyên bố về “các trường hợp khẩn cấp về khí hậu”, thiết lập mạng lưới sạc xe điện rộng hơn và hạn chế phát triển các máy phát điện chạy bằng dầu và than.
Tuy nhiên, việc theo đuổi công nghệ xanh và các khoản đầu tư lớn vào các tấm quang năng và pin sẽ chịu chi phí riêng.
Riêng Úc sẽ ngừng sử dụng 100,000 tấn tấm quang năng vào năm 2035, hầu hết trong số đó được đưa đến các bãi chôn lấp. Tuy nhiên, cũng giống như tuabin phong năng, tái chế các tấm quang năng là một thực tế tốn kém và mất thời gian cho các doanh nghiệp.
Về pin lithium-ion, CSIRO ước tính rằng Úc tạo ra khoảng 3,300 tấn phế thải pin mỗi năm, có thể lên tới 100,000 tấn vào năm 2036. Hiện tại, chỉ có 2% phế thải này được tái chế.
Hơn nữa, việc xây dựng thêm các tấm quang năng, tuabin phong năng và pin cũng sẽ làm tăng sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng của Trung Quốc nơi có nhiều nguyên liệu thô hoặc thành phẩm.
Ngoài ra, Đại học Sheffield Hallam ở Vương quốc Anh nhận thấy rằng tỉnh Tân Cương ở phía tây Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất 45% polysilicon của thế giới — 95% mô-đun quang năng cần vật liệu này. Khu vực này đã thu hút rất nhiều sự chú ý vì cuộc đàn áp đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ (Uyghur).
“Tất cả các nhà sản xuất polysilicon ở vùng Uyghur đã báo cáo về việc họ tham gia vào các chương trình chuyển giao lao động [cưỡng bức] và/hoặc được cung cấp bởi các công ty cung cấp nguyên liệu thô,” nghiên cứu cho thấy.
Anh Daniel Y. Teng sống và làm việc tại Sydney. Anh tập trung vào các vấn đề quốc gia bao gồm chính trị liên bang, phản ứng COVID-19, và quan hệ Úc-Trung. Quý vị có thể liên lạc với anh tại [email protected].