Chuyên gia: Trung Quốc không định giúp Hoa Kỳ trong các sáng kiến về biến đổi khí hậu
Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tăng cường tổ chức các cuộc đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề khí hậu, ông Kelly Sloan, thành viên cao cấp về năng lượng và môi trường tại Viện Trăm năm (Centennial Institute), đã nói rằng Trung Quốc không có ý định giúp đỡ phương Tây trong vấn đề này.
Trong Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm ngoái tại Davos, Đặc phái viên về Biến đổi Khí hậu của Hoa Kỳ John Kerry nói với hãng thông tấn The Associated Press rằng Hoa Kỳ đang đạt được tiến bộ với Trung Quốc về các vấn đề khí hậu.
“Chúng tôi sẽ nghiên cứu tính thực tế về cách làm sao để chúng tôi hành động nhanh hơn [trong việc giảm lượng khí thải],” ông nói. “Có lẽ chúng ta có thể giúp chút nào đó về mặt công nghệ để giúp Trung Quốc hành động nhanh hơn. Có lẽ Trung Quốc có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một số điều mà chúng ta có thể làm tốt hơn.”
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 04/2021 với tạp chí Chính sách Ngoại giao (Foreign Policy), ông Kerry nói rằng Hoa Kỳ cần Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
“Tôi không nghĩ rằng tham vọng của CHND Trung Hoa thực sự hướng đến việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu hoặc giúp phương Tây giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Tham vọng của họ là nâng cao vị thế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” ông Sloan nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu điểm) của đài truyền hình NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Ông nói thêm, “Tôi nghĩ rằng sẽ là khôn ngoan nếu phương Tây chuẩn bị sẵn các công nghệ vốn không phụ thuộc vào Trung Quốc, chẳng hạn như hạt nhân. Và thật không may, đó vẫn là một vấn đề chính trị, không phải là vấn đề về kinh tế hay môi trường.”
Vũ khí kinh tế
Chuyên gia này nêu thêm lo ngại rằng Hoa Kỳ không có “chính sách ngoại giao đủ cứng rắn để có thể chống lại bất kỳ tác động chiến lược tiềm tàng nào đối với các nguồn nguyên vật liệu, đặc biệt là từ một đối thủ cạnh tranh toàn cầu và các đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc.”
Theo báo cáo năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, từ năm 2010 đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất polysilicon toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 26% lên 82%.
Với các kế hoạch thúc đẩy và khai triển một cuộc cách mạng xanh, nhu cầu về vật liệu để sản xuất pin cho xe điện — chẳng hạn như lithium và coban — dự kiến sẽ tăng mạnh.
Ông Sloan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Trung Quốc có thể đang tìm cách lũng đoạn thị trường và sử dụng chiêu thức này “như một loại vũ khí kinh tế chống lại Hoa Kỳ.”
Ông Sloan chỉ ra thỏa thuận giữa Công ty Ford Motor và Công ty TNHH Công nghệ Amperex Đương đại (CATL) có trụ sở tại Trung Quốc để cung cấp các loại pin cho dòng xe điện của Ford.
Theo một bản tin của Bloomberg, thỏa thuận này sẽ đủ điều kiện để CATL nhận được các lợi ích hấp dẫn về thuế sản xuất theo Đạo luật Giảm Lạm Phát mới. Bản tin cho biết điều này sẽ được thực hiện với thỏa thuận biến Ford trở thành chủ sở hữu 100% của nhà máy này, trong khi CATL sẽ sở hữu công nghệ và vận hành cơ sở.
Ông tự vấn, “Chúng ta có nên tham gia vào các thỏa thuận với các địch thủ địa chính trị tiềm tàng, đặc biệt là một địch thủ cho thấy rõ những hành vi vi phạm nhân quyền và cho thấy rằng họ là một mối đe dọa đối với hòa bình ở [khu vực] Tây Thái Bình Dương đặc biệt là đối với Đài Loan, như Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không?”
Ưu tiên hạt nhân
Vị chuyên gia này cho rằng vấn đề lưu trữ là trở ngại chính khi nói đến năng lượng tái tạo như quang năng và phong năng.
“Thật sáo rỗng khi nói rằng quý vị chỉ có thể thu thập những năng lượng này khi có gió thổi, hoặc có mặt trời chiếu sáng thì mới lưu trữ được năng lượng,” ông cho biết và nói thêm, “Chúng ta cần tìm ra cách lưu trữ năng lượng đó, chúng ta không giỏi lắm trong lĩnh vực này.”
Ông Sloan chỉ ra rằng nếu là than đá và nhiên liệu hóa thạch, thì các nhà khai thác có thể điều chỉnh sản lượng của họ dựa trên nhu cầu thị trường.
“Quý vị có thể tạo ra những biến động đó và đáp ứng những biến động đó theo nhu cầu vốn xảy ra trên một cơ sở gần như liên tục. Quý vị không thể làm điều đó với năng lượng tái tạo,” ông nói.
Ông nói, một vấn đề khác luôn thường trực đó là “làm thế nào để đáp ứng nhu cầu, đặc biệt là khi nhu cầu của chúng ta ngày càng tăng.”
Theo ông Sloan, việc truyền dẫn những năng lượng này cũng là một vấn đề lớn.
Ông Sloan, “Quý vị có thể vận chuyển hoặc dẫn khí đốt tự nhiên từ nơi khai thác nguồn năng lượng này đến bất cứ nơi nào quý vị cần để sản xuất điện. Quý vị thực sự không thể làm điều đó với quang năng và phong năng. Nguồn điện đó là nguồn điện được tạo ra tại chỗ.”
Chuyên gia này cho rằng Hoa Kỳ cần có một chính sách năng lượng nội địa ưu tiên năng lượng hạt nhân, điều này có thể khiến Hoa Kỳ bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.