Chuyên gia tâm thần học Nhật Bản khuyến nghị cách ngăn ngừa sa sút trí tuệ
Chuyên gia tâm thần học Nhật Bản khuyến cáo rằng bằng cách học hỏi và luôn tò mò để kích thích bộ não, người lớn tuổi có thể ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ
Người lớn tuổi thường cảm thấy cô đơn hoặc bị cô lập khi họ già đi. Cứ khoảng 4 người Mỹ trên 65 tuổi có 1 người bị cô lập về mặt xã hội. Các nghiên cứu phát hiện rằng trạng thái cô đơn kinh niên và tình trạng cô lập xã hội có thể làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Để đối phó với điều này, các chuyên gia tâm thần học Nhật Bản khuyến cáo rằng người lớn tuổi có thể ngừa chứng sa sút trí tuệ bằng cách học hỏi và luôn tò mò để kích thích não bộ.
Theo trang web của Liên Hợp Quốc, dân số toàn cầu đang trải qua sự gia tăng tuổi thọ. Vào năm 2021, trên toàn thế giới có 761 triệu người trên 65 tuổi và con số này được dự đoán sẽ đạt 1.6 tỷ vào năm 2050.
Tuy nhiên, một báo cáo do Tổ chức Y tế Thế giới công bố vào năm 2021 cho thấy chứng sa sút trí tuệ đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của người lớn tuổi. Báo cáo nhấn mạnh rằng 8.1% phụ nữ và 5.4% nam giới trên 65 tuổi hiện đang mắc chứng sa sút trí tuệ. Những con số này dự kiến sẽ tăng lên 78 triệu vào năm 2030 và 139 triệu vào năm 2050.
Người lớn tuổi bị cô lập xã hội có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Johns Hopkins, được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Lão khoa Hoa Kỳ vào năm 2023 đã theo dõi 5,022 người từ 65 tuổi trở lên trong 9 năm. Nghiên cứu cho thấy trong số 5,022 người lớn tuổi, có 1,172 người (23.3%) báo cáo bị cô lập về mặt xã hội, trong khi có 3,850 người (76.7%) không báo cáo bị cô lập về mặt xã hội. Sau khi điều chỉnh các yếu tố nhân khẩu học và sức khỏe, những người già bị cô lập xã hội (so với những người không bị cô lập xã hội) có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn 1,28 (95 phần trăm CI: 1.10-1,.49) trong khoảng thời gian 9 năm.
Thạc sĩ y tế cộng đồng, tiến sĩ Alison Huang nói với Science Daily rằng: “Có ít cơ hội giao tiếp với người khác cũng làm giảm tương tác có nhận thức và có khả năng tăng nguy cơ sa sút trí tuệ.” Bác sĩ Huang có bằng tiến sĩ về sức khỏe tâm thần và là cộng tác viên nghiên cứu cấp cao tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg.
Cô đơn kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer
Bệnh Alzheimer là dạng sa sút trí tuệ phổ biến nhất. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Alzheimer’s & Dementia vào năm 2021 đã phân tích dữ liệu sức khỏe của những người trung niên từ 45 đến 64 tuổi trong khoảng thời gian 18 năm và phát hiện ra rằng cảm giác cô đơn dai dẳng làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer.
Công nghệ truyền thông đơn giản có thể ngăn cô lập xã hội
Theo một nghiên cứu khác của Đại học Johns Hopkins, những người cao tuổi không bị cô lập xã hội được phát hiện sử dụng các công nghệ liên lạc như email hoặc tin nhắn văn bản qua điện thoại di động hoặc máy tính để tương tác với người khác. Nghiên cứu kết luận rằng nguy cơ bị cô lập xã hội ở những người lớn tuổi này thấp hơn khoảng 30% so với những người không được tiếp cận với công nghệ truyền thông liên quan.
Mfon Umoh là nhà nghiên cứu sau tiến sĩ về lão khoa tại Trường Y khoa Đại học Johns Hopkins tin rằng nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng các công nghệ giao tiếp đơn giản có thể đóng vai trò quan trọng bảo vệ người lớn tuổi khỏi sự cô lập xã hội, vốn có liên quan đến những rủi ro sức khỏe nghiêm trọng.
Chuyên gia Nhật Bản khuyến nghị cách ngừa sa sút trí tuệ
Học tập để kích hoạt bộ não
Hideki Wada là một chuyên gia về tâm thần học ở Nhật Bản và là giáo sư tâm lý học tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế viết rằng để ngừa chứng sa sút trí tuệ, mọi người phải tìm cách kích hoạt não bộ. Nhưng xã hội hóa không phải là cách duy nhất để kích thích não bộ. Có nhiều cách để ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ và cách mà ông khuyên dùng nhiều nhất là học tập.
Khi chúng ta già đi, cuộc sống trở nên nhàm chán. Giáo sư Hideki Wada nói: “Đối với những người muốn làm điều gì đó nhưng không có cách nào để bắt đầu, tôi khuyên bạn nên học từ khi 70 tuổi.”
Ông nói rằng bắt đầu học ở tuổi 70 không phải là vào trường bạn chọn, cũng không phải là để được thăng chức mà là bắt đầu học không áp lực, học một cách vui vẻ thoải mái. Ông tin rằng việc học là niềm vui, mỗi ngày đều có thể tràn ngập hạnh phúc và là cách tốt nhất để người lớn tuổi dùng thời gian của mình.
Luôn tò mò
Ngoài ra, giáo sư Hideki Wada nhấn mạnh rằng điều rất quan trọng là luôn tò mò. Ông gợi ý người cao tuổi nếu sống một mình thì nên luôn giữ cho mình hứng thú với những điều mới mẻ. Ví dụ: khi một chiếc điện thoại thông minh mới ra mắt, hãy cố gắng học cách sử dụng các chức năng khác nhau, nghe các bài hát của giới trẻ và hát thử các bài hát khi đi hát karaoke, vận hành máy bay không người lái để trải nghiệm cảm giác mới, nghiên cứu lịch sử và văn hóa mà bạn không hứng thú khi còn trẻ.
Giáo sư Hidetoki Wada nói: “Tôi tin rằng trí tò mò là cách rèn luyện trí não tốt nhất. Cảm nhận những kích thích mới mỗi ngày cũng là cách tốt để giải tỏa cô đơn.”
Lối sống lành mạnh
Ryoichi Nakahara là tiến sĩ phẫu thuật tại Đại học Tokyo, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times rằng khi con người già đi, các chức năng sinh lý ở mọi bộ phận trên cơ thể đang dần suy giảm, bao gồm mất thính lực, các vấn đề về vận động hoặc mất đi người thân và bạn bè, những điều này có thể khiến một số người chán nản và mất tinh thần. Một số người khi cảm thấy cô đơn lại áp dụng lối sống không lành mạnh như hút thuốc, nghiện rượu, ngồi lâu làm đẩy nhanh quá trình lão hóa. Đây cũng là những yếu tố dẫn đến bệnh sa sút trí tuệ.
Tiến sĩ Ryoichi Nakahara cho rằng người cao tuổi nên có những thú vui và sở thích riêng cũng như có lối sống kỷ luật, kiên trì tập thể dục hoặc đi du lịch để thư giãn và tham gia các hoạt động cộng đồng để làm cuộc sống thêm phong phú. Tất cả những điều này có thể làm giảm bớt cảm giác cô đơn một cách hiệu quả và giúp chống lại sự suy giảm nhận thức.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times