Các loại rau củ có thể giúp giảm chứng mất trí nhớ
Về phương diện chống suy giảm nhận thức, có một số loại rau chiếm ưu thế như cà rốt, cà chua, bưởi hồng, cải xoăn, rau bina, đậu Hà Lan, bông cải xanh, rau diếp và thậm chí cả nước cam.
Bệnh Alzheimer – ước tính sẽ ảnh hưởng đến 14 triệu bệnh nhân vào năm 2060, gấp ba lần tỷ lệ hiện tại – đang lan rộng, đe dọa khả năng ghi nhớ, ngay cả những người thân yêu nhất.
Nghiên cứu mới đây cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm có chứa một số dưỡng chất nhất định có thể ngăn ngừa suy giảm nhận thức nghiêm trọng.
Người bệnh Alzheimer đang thiếu những dưỡng chất nào?
Một nghiên cứu gần đây trên Tập san Journal of Alzheimer’s Disease (Bệnh Alzheimer) cho thấy người bệnh Alzheimer có nồng độ lutein, zeaxanthin, lycopene và vitamin E trong não thấp hơn 50% so với những người khỏe mạnh.
- Lycopene là một carotenoid tạo ra màu đỏ hoặc hồng cho thực phẩm như cà chua và bưởi hồng.
- Zeaxanthin cũng là một carotenoid có trong mắt người, bảo vệ các mô mắt khỏi tổn thương do ánh nắng mặt trời.
- Lutein là chất chống oxy hóa giúp bảo vệ và cải thiện chức năng mắt.
Hàm lượng lutein và zeaxanthin trong bữa ăn cao có liên quan chặt chẽ với chức năng nhận thức tốt hơn.
Theo tác giả chính của nghiên cứu C. Kathleen Dorey, người có bằng tiến sĩ về sinh học tế bào và là giáo sư tại Khoa Giáo dục Khoa học Cơ bản tại Trường Y khoa Virginia Tech Carilion, đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy bệnh nhân Alzheimer thiếu một số dưỡng chất trong não, trong đó có carotenoid dồi dào trong các loại rau nhiều màu sắc như cà rốt.
Giáo sư Dorey cho biết, “Những kết quả này phù hợp với các nghiên cứu dân số quy mô lớn vốn phát hiện thấy nguy cơ bị bệnh Alzheimer thấp hơn đáng kể ở những người có thực đơn ăn uống dồi dào carotenoids, hoặc có nồng độ lutein và zeaxanthin trong máu cao, hoặc tích tụ trong võng mạc dưới dạng sắc tố điểm vàng.”
Bà Amargo Couture, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Đại học Northwell Staten Island, nói với The Epoch Times rằng, cà rốt không phải là nguồn cung cấp carotenoid duy nhất bữa ăn. Bà lưu ý rằng có thể thấy chất này trong các loại trái cây và rau quả có màu cam đậm như xoài, mơ, dưa đỏ, bí ngô và khoai lang.
Cũng theo bà Couture, một số thực phẩm chứa rất nhiều cả zeaxanthin và lutein là các loại rau lá xanh, bao gồm cải xoăn, rau bina, đậu Hà Lan, bông cải xanh và rau diếp.
Bà nói thêm, “Lutein và zeaxanthin cũng được tìm thấy trong một số loại trái cây yêu thích của chúng ta như nho, kiwi và thậm chí cả nước cam.”
Tại sao chúng ta cần chất chống oxy hóa để có bộ não khỏe mạnh?
Bộ não của chúng ta đặc biệt dễ bị stress oxy hóa, có lẽ vì cơ quan này dùng tới 20% năng lượng mặc dù chỉ chiếm một phần nhỏ khối lượng cơ thể.
Chất chống oxy hóa trong rau lá xanh và các loại rau củ khác giúp bảo vệ tế bào não khỏi tình trạng stress này.
Tiêu thụ nhiều rau củ cũng đã được chứng minh là làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể vì chất chống oxy hóa có đặc tính chống viêm. Viêm mạn tính có liên quan đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ. Bằng cách giảm viêm, rau củ có thể giúp bảo vệ tế bào não và cải thiện chức năng nhận thức.
Tính linh hoạt của hệ thần kinh đề cập đến khả năng hình thành các kết nối thần kinh mới của bộ não trong suốt cuộc đời. Chất chống oxy hóa trợ giúp khả năng này bằng cách bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương, cho phép tối ưu chức năng và khả năng thích nghi của bộ não.
Các bà mẹ luôn đúng: Hãy ăn rau!
Bên cạnh chất chống oxy hóa, rau củ còn cung cấp vitamin K, giúp cải thiện chức năng nhận thức và giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ. Vitamin K cho phép protein Osteocalcin trợ giúp sức khỏe tế bào não. Một nghiên cứu gần đây phát hiện thấy vitamin K làm giảm các mảng amyloid liên quan đến bệnh Alzheimer ở chuột.
Một nghiên cứu năm 2018 của Tập san Neurology (Thần kinh học) cho thấy người tiêu thụ một đến khẩu phần rau xanh mỗi ngày sẽ gặp ít các vấn đề về trí nhớ hơn và ít suy giảm nhận thức hơn so với người hiếm khi tiêu thụ.
Ngoài chất chống oxy hóa và vitamin K, rau củ cung cấp chất xơ để duy trì sức khỏe tiêu hóa và đường huyết. Lượng đường huyết cao cũng có liên quan đến tăng nguy cơ bị bệnh sa sút trí tuệ.
Nghiên cứu về mối quan hệ giữa ruột và não bộ đã phát hiện thấy sức khỏe của hệ vi sinh đường ruột có ảnh hưởng đến chức năng của bộ não. Chất xơ cung cấp dinh dưỡng cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Hệ vi khuẩn ruột khỏe mạnh sẽ khiến chức năng nhận thức được cải thiện.
Các loại rau họ cải như bông cải xanh cũng chứa sulforaphane (là chất giúp thải độc, thanh lọc cơ thể, ngăn ngừa ung thư) được chứng minh là có tác dụng tăng cường nhận thức và bảo vệ khỏi thoái hóa thần kinh.
Ngoài đặc tính chống oxy hóa và chống viêm, sulforaphane cũng có tác dụng bảo vệ thần kinh, nghĩa là bảo vệ tế bào thần kinh khỏi tổn thương. Việc bảo vệ thần kinh này rất quan trọng do ngăn ngừa hoặc làm chậm sự tiến triển của các bệnh thoái hóa thần kinh.
Nấu chín có phá hủy chất dinh dưỡng thực vật không?
Mọi người có thể lo ngại việc nấu chín có thể phá hủy những hợp chất thực vật lành mạnh. Một quan niệm sai lầm đã tồn tại từ trước rằng ăn rau sống là cách tốt nhất để tối ưu hóa dinh dưỡng có bên trong.
Nhưng theo bà Couture, bằng chứng cho thấy nấu chín nhanh với chất béo có thể giúp tăng hấp thụ những chất chống oxy hóa trong rau. Beta carotene không phải là dưỡng chất nhạy cảm với nhiệt, “nghĩa là chất này không bị phá hủy khi nấu trong thời gian ngắn.”
Bà Couture còn cho biết, nấu chín làm mềm thành tế bào thực vật, cho phép các hợp chất liên kết nhiều hơn với chất xơ và tăng cường sinh khả dụng. Nghĩa là cơ thể sẽ hấp thụ được nhiều chất dinh dưỡng có lợi hơn.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times