Chuyên gia: Tại sao Nhật Bản lại coi tình trạng khẩn cấp của Đài Loan là của mình?
Các chế độ độc tài chỉ làm cho phe dân chủ trở nên đoàn kết hơn
Theo một cuộc thăm dò gần đây, hơn 90% người Nhật trưởng thành tin rằng Nhật Bản nên chuẩn bị cho một phản ứng khẩn cấp trong trường hợp Bắc Kinh quyết định xâm lược Đài Loan.
Theo một cuộc thăm dò từ ngày 27/05 đến ngày 29/05 của hãng thông tấn Nhật Bản Nikkei Asia về vấn đề Nhật Bản nên chuẩn bị như thế nào cho một cuộc xâm lược Đài Loan tiềm tàng từ phía Trung Quốc, 50% số người được hỏi cho rằng Nhật Bản nên làm càng nhiều càng tốt trong phạm vi luật hiện hành; và 41% nói rằng Nhật Bản nên cải thiện khả năng phản ứng của mình, bao gồm cả việc sửa đổi hiến pháp của đất nước khi cần thiết. Cùng nhau, hơn 90% cho biết họ tin rằng Nhật Bản cần chuẩn bị trong trường hợp Đài Loan gặp tình trạng khẩn cấp, trong khi 60% cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Nhật Bản có khả năng phản công của riêng mình.
Trong trường hợp xảy ra tình trạng khẩn cấp ở Đài Loan, Nhật Bản có thể thực hiện hành động phù hợp với các quy định của Luật Hòa bình và An ninh, vốn cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) cung cấp các hoạt động hỗ trợ cần thiết trong một tình huống có ảnh hưởng quan trọng đến hòa bình và an ninh của Nhật Bản hoặc đe dọa đến hòa bình và an ninh quốc tế.
Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng đã công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với Đài Loan.
Trong một cuộc gặp qua video hôm 22/03 với bà Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen), Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc, Thủ tướng Abe nói: “Năm ngoái, tại một cuộc hội thảo do một tổ chức tư vấn Đài Loan tổ chức, tôi đã nói rằng nếu Đài Loan gặp bất trắc, thì Nhật Bản cũng gặp bất trắc, và liên minh Nhật-Mỹ cũng gặp bất trắc. Tất nhiên, đây là một cách thể hiện cảm giác cấp bách của riêng tôi, và bản thân tôi cũng ủng hộ khái niệm về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở.”
3 lý do Nhật Bản muốn giúp đỡ Đài Loan
Vậy tại sao Nhật Bản lại ủng hộ Đài Loan một cách mạnh mẽ?
Trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times hôm 01/06, ông Tô Tử Vân (Su Tzu-Yun), một đồng nghiệp nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, cho biết có ba lý do chính [để trả lời câu hỏi trên].
Ông Tô cho biết lý do đầu tiên là bảo vệ giá trị chung của nền dân chủ, vì hệ thống dân chủ hiện đang bị chủ nghĩa độc tài của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) đe dọa, và rõ ràng là ĐCSTQ đang cố gắng bành trướng quyền cai trị độc đoán của mình.
Theo ông, ĐCSTQ “sử dụng các phương tiện dân chủ để phá hoại nền dân chủ, và sử dụng quyền tự do ngôn luận để phá hoại quyền tự do ngôn luận.”
“Đúng như cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói, ĐCSTQ phá hủy thương mại tự do thông qua thương mại tự do; nói cách khác, thông qua cạnh tranh không lành mạnh. Do đó, những hành xử xấu xa này của ĐCSTQ đều theo cùng một cách, bất kể là ở khía cạnh kinh tế, chính trị, hay quân sự,” ông nói thêm, đồng thời cho biết rằng ĐCSTQ đã xâm nhập vào tất cả các nước dân chủ lớn, bao gồm cả các quốc gia Liên minh Âu Châu, Hoa Kỳ, và Úc.
Ngoài ra, ông Tô cho biết ĐCSTQ đang xuất cảng mô hình chuyên chế kỹ thuật số của mình, chẳng hạn như xuất cảng công nghệ giám sát sang một số chế độ quân chủ ở Trung Đông, điều này khiến các quốc gia dân chủ lo ngại.
Hơn nữa, ĐCSTQ hoạt động như một thành viên vô trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ông nói tiếp. Họ muốn phá hủy sự ổn định của xã hội quốc tế dựa trên luật lệ bằng cách tạo ra một bộ quy tắc khác.
Ông Tô cho biết, khi Hoa Kỳ mời Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ban đầu Mỹ quốc hy vọng rằng ĐCSTQ sẽ tiến hành cải tổ chính trị sau khi đã đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, thay vì bước đi trên con đường đúng đắn, ĐCSTQ đã đi lệch ngày càng xa khỏi nền dân chủ, gây ra một mối nguy cho nền văn minh nhân loại.
“Theo quan sát của tôi, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề Eo biển Đài Loan, cũng không phải là một vấn đề được gọi là tái thống nhất. Vấn đề Eo biển Đài Loan là sự cạnh tranh giữa nền dân chủ và chủ nghĩa độc tài, và đó chính là điểm mấu chốt.”
Theo ông Tô, lý do thứ hai cho thái độ ủng hộ của Nhật Bản đến từ sự cân nhắc của họ về lợi ích an ninh quốc gia.
Nhật Bản dựa vào tuyến đường thủy đi từ Biển Đông qua vùng biển xung quanh Đài Loan để chở về nước 90% dầu thô và 76% khí đốt tự nhiên. Ông Tô cho biết, họ thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào tuyến đường thủy này xét về hoạt động xuất cảng sang Âu Châu.
Ông Tô giải thích thêm, “Đó là lý do tại sao giới tinh hoa chính trị của Nhật Bản tin rằng ‘nếu Đài Loan gặp bất trắc, thì Nhật Bản cũng gặp bất trắc.’ ‘Huyết mạch hàng hải’ của nước này thực sự phụ thuộc vào an ninh của Đài Loan.”
Ông tin rằng chủ nghĩa bành trướng quân sự của ĐCSTQ là một lý do khác để Nhật Bản ủng hộ Đài Loan.
Ông Tô nói, ĐCSTQ đã trở thành một mối đe dọa thực sự đối với hòa bình của thế giới, bởi vì đảng này bị chìm đắm trong suy nghĩ về việc mở rộng quân sự, nghĩ rằng chỉ có mở rộng quân sự mới bảo đảm được an ninh quốc gia.
Phe dân chủ hiện đã hình thành một liên minh mạnh hơn dưới sự đe dọa của ĐCSTQ.
Ông Tô giải thích, “Cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin là một phép so sánh rất tốt. Ông ấy đã đạt được một điều mà cả ông Trump lẫn ông Biden đều không làm được, đó là đoàn kết toàn bộ khối NATO.”
Nới lỏng kiểm soát xuất cảng thiết bị quốc phòng
Một bài báo ngày 28/05 từ The Japan Times tiết lộ rằng chính phủ Nhật Bản đang thảo luận về việc nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát xuất cảng thiết bị quốc phòng, với hy vọng tăng cường hợp tác với các đồng minh và tăng cường khả năng răn đe đối với ĐCSTQ.
Năm 2014, Nhật Bản đã thiết lập Ba Nguyên tắc về Chuyển giao Công nghệ và Thiết bị Quốc phòng như là bước đầu tiên để nới lỏng lệnh cấm xuất cảng, nhưng việc xuất cảng vũ khí sát thương vẫn bị cấm.
Theo các nguyên tắc này, xuất cảng sang các nước không cùng phát triển vũ khí với Nhật Bản chỉ giới hạn trong các thiết bị phục vụ nhiệm vụ cứu hộ, vận chuyển, cảnh báo, giám sát, và rà phá bom mìn.
Ông Tô nói với The Epoch Times rằng hiện không có hợp tác quân sự trực tiếp giữa Đài Loan và Nhật Bản. Giả định là, đến cuối cùng khi mà Nhật Bản nới lỏng các quy tắc xuất cảng của mình, thì Đài Loan có thể cân nhắc mua tàu ngầm từ Nhật Bản.
Ông nói: “Hiệu suất của các tàu ngầm Nhật Bản là tuyệt vời, và chúng sẽ là công cụ phòng thủ rất quan trọng cho Đài Loan trong cuộc chiến chống lại cuộc chiến tranh phi đối xứng [với ĐCSTQ] này.”
“Loại thứ hai mà Đài Loan xem xét là thiết bị tác chiến điện tử, vì công nghệ điện tử của Nhật Bản cũng rất tân tiến,” ông Tô tiếp tục. “(Và) có một loại hợp tác khác tương đối dễ đạt được trong ngắn hạn, đó là hợp tác tình báo chiến lược.”
Ông Tô tin rằng Đài Loan và Nhật Bản có thể bắt đầu hợp tác an ninh kinh tế trước, trước khi tiến hành hợp tác quân sự.
Ông giải thích, “Điều này là do chúng ta muốn bảo đảm hợp tác song phương được thiết lập trên cơ sở vững chắc và ổn định.”
Cô Jessica Mao là một nhà văn của The Epoch Times, chuyên về các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Cô bắt đầu viết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times từ năm 2009.