Chuyên gia: Nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc không thể tránh khỏi vỡ nợ hàng loạt
Tại Trung Quốc, các chính quyền địa phương đang báo cáo những tình hình tài chính ngày càng xấu đi. Tỷ lệ nợ của họ đang tăng lên hàng năm, đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc quản lý những rủi ro tài chính một cách hiệu quả.
Các chuyên gia về Trung Quốc cho rằng với 31 chính quyền cấp tỉnh trên cả nước đang bước vào một cuộc suy thoái tài chính sâu sắc và không thể đảo ngược, đồng thời chính quyền trung ương kiên quyết chống lại việc cứu trợ, thì việc vỡ nợ là không thể tránh khỏi.
Đầu năm nay, Đại học Nhân dân Trung Quốc đã công bố một báo cáo về tình hình tài chính địa phương, nói rằng các chính quyền địa phương hiện đang phải đối mặt với căng thẳng tài chính chưa từng có — sự suy thoái của cấu trúc doanh thu trong hai năm qua, những nguồn tài chính không đồng đều giữa các khu vực, sự mở rộng nhu cầu chi tiêu cứng nhắc, khoảng cách ngày càng lớn giữa chi tiêu và thu nhập công, và sự gia tăng nhanh chóng các khoản vay của địa phương để giải quyết vấn đề chênh lệch.
Các chính quyền địa phương chật vật để trả nợ
Hãng thông tấn Đài Loan Central News đưa tin, trong số 35 thành phố lớn ở Trung Quốc, chỉ có Hàng Châu có một tỷ lệ tự túc tài chính vượt quá 100%, trong khi bảy thành phố có một tỷ lệ tự túc tài chính dưới 50%.
Sáu thành phố bị thiếu hụt hơn 100 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14.28 tỷ USD). Thâm hụt của Trùng Khánh là 279.9 tỷ nhân dân tệ (khoảng 40.27 tỷ USD), của Bắc Kinh là 129.2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 18.59 tỷ USD), của Thiên Tân là 122.8 tỷ nhân dân tệ (khoảng 17.67 tỷ USD), của Quảng Châu là 119.2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 17.15 tỷ USD), của Vũ Hán là 117.7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 16.93 tỷ USD), và của Thượng Hải là 105.6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15.19 tỷ USD).
Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, đang phải đối mặt với nợ nần chồng chất. Theo Báo cáo Thực hiện Ngân sách năm 2022 và Dự thảo Ngân sách năm 2023 do chính quyền thành phố này công bố, tổng thu nhập ngân sách công của thành phố năm ngoái là 26.22 tỷ nhân dân tệ (khoảng 3.77 tỷ USD), giảm 28.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái, trong khi tổng chi tiêu ngân sách công là 106.55 tỷ nhân dân tệ (khoảng 15.33 tỷ USD), tăng 7.4% so với cùng thời kỳ năm ngoái.
Cộng thêm tiền lãi trái phiếu và các khoản chi tiêu khác, tổng chi tiêu chạm 154.55 tỷ nhân dân tệ (khoảng 22.24 tỷ USD), dẫn đến một tỷ lệ tự túc tài chính chỉ còn 29.22%.
Báo cáo này cho biết, tính đến cuối năm 2022, dư nợ của chính quyền thành phố này là 289.86 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41.71 tỷ USD).
Dữ liệu công khai cho thấy Cáp Nhĩ Tân đã mắc những khoản nợ rất lớn trong vài năm. Năm 2019, trước đại dịch COVID-19, thành phố này đã có một số dư nợ công là 213.12 tỷ nhân dân tệ (khoảng 30.66 tỷ USD).
Thành phố Đằng Xung của tỉnh Vân Nam đã tổ chức một cuộc họp hôm 24/04 về tài chính và thuế. Ông Mã Tử Hưng, bí thư thành ủy thành phố này, tiết lộ rằng tình hình tài chính của thành phố rất xấu, và chính quyền thành phố hầu như không thể trả lương nếu chỉ dựa vào các nguồn tài chính địa phương.
Ông Mã nói, “Thành phố Đằng Xung đang gặp khó khăn về tài chính,” nêu ra sự mất cân đối giữa thu nhập và chi tiêu, sự khó khăn trong việc bảo đảm được nguồn thu, nguồn thu chất lượng thấp, tỷ lệ tự túc tài chính thấp, số nợ lớn, suy giảm sức khỏe tài chính toàn diện của chính quyền thành phố, tỷ lệ nợ tăng dần qua các năm, và khó khăn trong việc phòng ngừa và quản lý rủi ro.
Nhà bình luận các vấn đề thời sự người Mỹ gốc Hoa, Tiến sĩ Jason, cho biết trong chương trình YouTube Hoa ngữ của mình rằng Bắc Kinh đã chuyển ngân quỹ từ các khu vực “dư thừa” sang các khu vực “thiếu hụt” để bù đắp thâm hụt và bảo đảm một ngân sách cân bằng trên toàn quốc, do đó tạo ra sự phụ thuộc hoàn toàn vào chính quyền trung ương.
Ông nói, điều kiện tiên quyết để duy trì một sự cân bằng như vậy là phải có đủ các khu vực có “dư thừa” với thu nhập cao hơn chi tiêu mỗi năm. Tuy nhiên, trong hai năm qua, sự cân bằng này đã sụp đổ. Ông nói thêm rằng ĐCSTQ không có cách nào giải quyết các vấn đề tài chính của 31 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc.
Các chính quyền địa phương yêu cầu Bắc Kinh trợ giúp
Hôm 12/04, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của chính quyền tỉnh Quý Châu đã đăng một bài báo trên trang web chính thức của họ, nói rằng vấn đề nợ của tỉnh này rất khó tự giải quyết và cần có sự trợ giúp từ chính quyền trung ương. Đây là lần đầu tiên một chính quyền cấp tỉnh công khai yêu cầu Bắc Kinh trợ giúp để bảo đảm sự ổn định tài chính, và đồng thời, họ đe dọa rằng, nếu không thì, các quan chức địa phương sẽ “thảng bình” — một câu cửa miệng mới của Trung Quốc có nghĩa là “buông xuôi, không làm gì cả” — và vỡ nợ sẽ là điều không thể tránh khỏi.
Hôm 30/12 năm ngoái, công ty Cầu và Đường Tuân Nghĩa, vốn là công ty đầu tư đô thị lớn nhất ở thành phố Tuân Nghĩa, tỉnh Quý Châu, bất ngờ thông báo rằng việc tái cấu trúc khoản vay ngân hàng của công ty này liên quan đến một khoản nợ lên tới 15.59 tỷ nhân dân tệ (khoảng 2.24 tỷ USD). Khoản vay ngân hàng tái cấu trúc này sẽ được kéo dài đến 20 năm với lãi suất hàng năm được điều chỉnh thành 3–4.5%, chỉ trả lãi, không trả gốc trong 10 năm đầu và trả gốc dần trong 10 năm tiếp theo. Thông báo này truyền đạt rằng chính quyền địa phương đó đã không trả được các khoản vay cơ sở hạ tầng của họ.
Khủng hoảng nợ của Tuân Nghĩa không phải là một trường hợp cá biệt. Theo các thống kê chưa đầy đủ của Huaan Securities, tính đến cuối năm ngoái, 31 công ty đầu tư đô thị — tại 12 tỉnh trên cả nước — đã có khoản vay quá hạn, nợ lãi, hoặc gia hạn nợ. Trong số 31 công ty này, hai công ty có khoản vay rủi ro hơn 6 tỷ nhân dân tệ (khoảng 860 triệu USD), và sáu công ty có khoản vay rủi ro hơn 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 290 triệu USD).
‘Không cứu trợ’
Ngay sau khi chính quyền tỉnh Quý Châu yêu cầu trợ đỡ trên mạng, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ngay lập tức yêu cầu chính quyền Quý Châu xóa bài báo này khỏi Internet, đồng thời nói rõ rằng chính quyền trung ương không có tiền để cứu trợ các chính quyền địa phương.
Hôm 27/03, cựu Bộ trưởng Tài chính Lâu Kế Vĩ cho rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc “không cứu trợ” để giải quyết các khoản nợ của chính quyền địa phương.
Theo tình hình thực hiện ngân sách năm 2022 của Quý Châu, dư nợ của chính quyền tỉnh này là 1.24 ngàn tỷ nhân dân tệ (khoảng 179 tỷ USD), và tỷ lệ tự túc tài chính của tỉnh là 24.2%.
Nếu chỉ dựa vào thu nhập tài chính hàng năm, tỉnh Quý Châu sẽ mất 6.6 năm để trả hết số tiền gốc của các khoản nợ này, và khoảng 25 năm nếu bao gồm cả lãi suất. Ngoài ra, một khi chính quyền tỉnh ngừng đầu tư vào tài sản cố định, thì nền kinh tế địa phương vốn đã thiếu sự trợ giúp về công nghiệp, sẽ đi vào bế tắc. Nếu Bắc Kinh không can thiệp để giúp giải quyết tình trạng này, thì Quý Châu sẽ không bao giờ trả được khoản nợ rất lớn này.
Tiến sĩ Jason cho biết có hai lý do chính khiến Ủy ban Trung ương ĐCSTQ đã quyết định không làm gì đối với vấn đề nợ địa phương. Một là tự thân chính quyền trung ương thực sự đã hết tiền. Lý do còn lại là ĐCSTQ biết rằng những cuộc khủng hoảng nợ khu vực như thế này hiện hữu ở khắp mọi nơi. Một khi một tiền lệ được đặt ra ở một nơi, thì toàn bộ cả nước sẽ ngay lập tức làm theo và tuyên bố rằng bong bóng nợ địa phương sẽ vỡ nếu Bắc Kinh không cung cấp một gói cứu trợ tài chính.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times