Chuyên gia: Liên kết đối tác AUKUS mới là một ‘chiến thắng’ cho các nền dân chủ
Tuần trước, các nhà lãnh đạo của Úc, Hoa Kỳ và Anh Quốc đã thông báo về việc thành lập một thỏa thuận an ninh ba bên mới có tên là “AUKUS.” Hiệp ước an ninh mới này sẽ giám sát sự phát triển của hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử ở Úc và cũng tập trung vào việc phát triển các khả năng trí tuệ nhân tạo, chiến tranh mạng và tấn công tầm xa chung.
Các chuyên gia tin rằng mối liên kết đối tác này sẽ tăng cường một cách có ý nghĩa khả năng của Hoa Kỳ và các đồng minh trong việc ngăn chặn hiệu quả chủ nghĩa phiêu lưu của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và rằng chủ nghĩa đa phương theo định hướng sứ mệnh của liên kết mới này có thể cung cấp một khuôn khổ cho các nỗ lực quân sự chung trong tương lai giữa các quốc gia dân chủ.
Hành động này cho thấy sự nhận thức ngày càng nâng cao về mối đe dọa mà ĐCSTQ gây ra đối với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và làm sao để các liên minh có thể chống lại điều này một cách tốt nhất, ông Sam Kessler, cố vấn địa chính trị tại công ty quản lý rủi ro đa quốc gia North Star Support Group, nói với The Epoch Times.
Ông nói trong một email, “Đó là một dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ đang đưa mức độ xem trọng lên cấp độ cao hơn và cho thấy họ nhận ra rằng họ cần phải vận dụng toàn diện hơn tập hợp các liên minh được thiết lập đã tồn tại trong nhiều thập niên.”
“Việc này cho thấy Anh Quốc và Úc cũng cam kết hơn trong việc giải quyết các mối lo ngại về an ninh khu vực đang leo thang ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Kessler lưu ý rằng Hoa Kỳ thường không chia sẻ công nghệ tàu ngầm của họ, về bí quyết tàu ngầm nguyên tử thì càng ít hơn nữa và rằng hành động này thể hiện sự nghiêm túc mà trong đó quốc gia này tin rằng các đồng minh của họ sẽ là [nhân tố] then chốt để chống lại các cuộc khủng hoảng an ninh toàn cầu đang nổi lên.
Lần cuối cùng Hoa Kỳ cam kết chuyển giao công nghệ như vậy là từ năm 1958 đến năm 1962, khi nước này đồng ý trao đổi năng lực nguyên tử với Anh Quốc trong một nỗ lực ngăn chặn Liên Xô khỏi hành động nguyên tử như là một phần của Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ Hoa Kỳ-Anh Quốc, mà hiện vẫn còn hiệu lực.
Những tàu ngầm nguyên tử này sẽ đưa Úc trở thành quốc gia thứ bảy trên thế giới làm chủ công nghệ như vậy, và là quốc gia duy nhất [trong số đó] không sở hữu vũ khí nguyên tử. Các quốc gia khác có tàu ngầm nguyên tử là Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Anh Quốc, Hoa Kỳ và Nga.
ĐCSTQ đã phản ứng giận dữ trước bước tiến này, với việc kênh truyền thông nhà nước Thời báo Hoàn cầu ám chỉ rằng Úc giờ đây sẽ trở thành một mục tiêu của chiến tranh nguyên tử.
Việc Úc tăng cường khả năng quân sự diễn ra sau một năm dài nỗ lực làm tê liệt nền kinh tế Úc thông qua các biện pháp trừng phạt và thuế quan của ĐCSTQ để đáp lại lời kêu gọi của các quan chức Úc về việc điều tra nguồn gốc của virus Trung Cộng, thường được gọi là virus corona chủng mới.
Ông Anders Corr, người đứng đầu công ty cố vấn Corr Analytics, nói với The Epoch Times rằng AUKUS đặc biệt quan trọng trong chừng mực liên minh này cung cấp khả năng quân sự chiến lược và bổ sung một sứ mệnh cụ thể cho các quốc gia có các thỏa thuận an ninh khác, chẳng hạn như liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes), vốn bị giới hạn trong việc chia sẻ thông tin tình báo hoặc các cuộc tập trận không có nhiệm vụ cụ thể.
“AUKUS là quan trọng vì nó tạo ra cốt lõi mạnh mẽ hơn cho liên minh Ngũ Nhãn,” ông Corr, cũng là một cộng tác viên của Epoch Times, cho biết trong một email, khi đề cập đến nhóm liên minh Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc, Canada và New Zealand.
Ông nói: “Canada và New Zealand hiện vẫn là thành viên của Ngũ Nhãn, nhưng AUKUS có thể đi tới những chỗ mà Ngũ Nhãn không thể, đặc biệt là việc răn đe chiến lược đối với Trung Quốc.”
Đồng minh và chư hầu
Cả hai chuyên gia trên cũng nhấn mạnh thực tế rằng AUKUS đóng vai trò như một lực lượng tăng cường cho các nỗ lực kết thành đồng minh nhằm tăng khả năng vận hành liên hợp — khả năng của các lực lượng quân đội riêng lẻ của họ trong việc kết hợp và hoạt động hiệu quả như một liên quân duy nhất.
Ông Kessler nói: “Việc người Úc sở hữu công nghệ tàu ngầm nguyên tử được thiết kế nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Hoa Kỳ và Anh Quốc, vì động cơ diesel có những hạn chế lớn và có cách sử dụng riêng. Đây chỉ là một ví dụ mà các đội quân có khả năng vận hành liên hợp có thể giúp bảo đảm an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Ông Corr nói rằng một thành phần quan trọng khác của việc phát triển khả năng vận hành liên hợp như vậy là khả năng chia sẻ các hệ thống vũ khí cụ thể trong tương lai, nếu các quốc gia này coi hành động đó là cần thiết.
Ông nói: “Khả năng vận hành liên hợp có thể rất quan trọng đối với sức mạnh chiến lược của AUKUS. Chẳng hạn, nếu Hoa Kỳ hay Anh Quốc quyết định cung cấp vũ khí nguyên tử phù hợp với hỏa tiễn hành trình Tomahawk vốn sẽ trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử mới của Úc.”
Như một phần của thỏa thuận, Úc sẽ nhận được hỏa tiễn hành trình Tomahawk để trang bị cho các tàu ngầm nguyên tử của mình. Tuy nhiên, cho đến nay, cả ba quốc gia AUKUS đã tuyên thệ rằng hạm đội tàu ngầm mới của Úc sẽ chỉ được cung cấp năng lượng từ máy phát điện nguyên tử và không được trang bị vũ khí nguyên tử.
Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù hỏa tiễn Tomahawk có khả năng mang đầu đạn nguyên tử, nhưng đầu đạn nguyên tử cho hệ thống này đã bị loại bỏ dần vào năm 2014.
Ngoài ra, việc tập trung xây dựng khả năng vận hành liên hợp giữa quân đội của các quốc gia này đã trở thành đặc điểm chính giúp phân biệt các liên minh quân sự của Hoa Kỳ với các liên minh của Trung Quốc.
Trong khi Hoa Kỳ cùng các đồng minh tìm cách xây dựng liên quân có thể làm việc cùng nhau hướng tới cùng một đích, thì ĐCSTQ lại thường chỉ tìm cách kiểm soát các đối tác của mình vì mục đích theo đuổi các mục tiêu riêng của mình và nhìn chung là không xây dựng bất kỳ năng lực vận hành liên hợp nào, các chuyên gia cho hay.
Đó là một hiện tượng mà ông Corr cho là bắt nguồn từ các hình thức quản trị rất khác nhau giữa phương Tây dân chủ và Trung Quốc cộng sản.
“AUKUS là một chiến thắng cho năng lực của các nền dân chủ, vốn có bản chất là chia sẻ sức mạnh, để liên minh với nhau,” ông Corr nói. “Các chế độ độc tài, bản chất vốn là thèm khát quyền lực, không có được lợi thế đó.”
Ông Kessler cũng tin rằng thỏa thuận này thể hiện sự tiến bộ thực sự trong năng lực của các nước đồng minh trong việc mở rộng các cấu trúc liên minh truyền thống và tận dụng các nguồn lực để hướng tới một mục tiêu chung theo một con đường tân tiến.
Ông nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là việc vẽ lại các đường ranh giới và đi ra ngoài cái khung có thể tạo ra một kịch bản mới và nhiều cơ hội mà trước đây không tồn tại, đó là lý do tại sao chủ nghĩa đa phương và các cấu trúc liên minh được thiết lập theo truyền thống ở phương Tây có thể tìm thấy chân trời và ý nghĩa mới trong thực trạng chiến lược mới này.”
Một khuôn khổ cho tương lai
Quan trọng hơn, ông Corr và ông Kessler tin rằng AUKUS có thể cung cấp một khuôn khổ để cải thiện một cách có ý nghĩa việc làm sao để các quốc gia dân chủ cùng nhau theo đuổi lợi ích an ninh, và rằng thỏa thuận này có thể cung cấp cơ hội học hỏi để cung cấp thông tin cho các thỏa thuận không chính thức khác như Đối thoại An ninh Tứ giác, hay “Bộ Tứ.”
Bộ Tứ là một diễn đàn giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ được thiết kế để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở và trật tự hàng hải dựa trên luật lệ.
“Có khả năng AUKUS có thể cung cấp một khuôn khổ để chính thức hóa các mối liên kết đối tác không ràng buộc khác như Quad,” ông Kessler nói. “Tuy nhiên, điều đó sẽ phụ thuộc vào việc làm thế nào đôi bên tìm ra cách để cùng tồn tại và giúp đỡ nhau theo những đường hướng phục vụ cho các mục đích và mục tiêu cụ thể.”
Tương tự như vậy, ông Corr nói rằng sức mạnh của AUKUS phần lớn là ở việc cống hiến để giải quyết một vấn đề cụ thể, và các thỏa thuận bảo mật khác cũng phải tập trung vào việc phát triển các giải pháp cụ thể đối với các vấn đề cụ thể.
Ông Corr nói, “AUKUS cho thấy một liên minh có thể làm gì khi có một sứ mệnh cụ thể, chẳng hạn như việc cung cấp tàu ngầm nguyên tử cho Úc. Bộ Tứ có một nhiệm vụ ít cụ thể hơn, và tương đối không rõ ràng, và vì vậy đã kém hiệu quả hơn cho đến thời điểm hiện tại.
“Khi mối nguy hiểm từ Bắc Kinh gia tăng, Bộ Tứ sẽ buộc phải tham gia vào với các nhiệm vụ cụ thể hơn.”
Ông Corr và ông Kessler hy vọng AUKUS sẽ là minh chứng cho một bàn đạp có giá trị để răn đe Trung Cộng hiệu quả ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia dân chủ trên thế giới. Hy vọng điều đó đã được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo của các quốc gia AUKUS, những người đã cùng công bố thỏa thuận hôm 15/09 báo trước một cam kết đối với các giá trị của “các nền dân chủ hàng hải.”
Hiện tại, ông Kessler nói rằng sự thành công của AUKUS sẽ phụ thuộc vào khả năng của các nhà lãnh đạo của nhóm này trong việc thừa nhận rằng mối đe dọa từ Bắc Kinh đang lên đến đỉnh điểm, đồng thời đưa ra hành động phù hợp.
Ông nói: “AUKUS với tư cách là một công cụ hợp tác đa phương có thể là một chiến thắng nếu các bên thuộc phương Tây nhận ra rằng thực tế mang tính chiến lược là nghiêm trọng hơn, với mức đánh đổi cao hơn, sau vài năm phát triển cho đến thời điểm hiện tại.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên tự do chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng và an ninh. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich và là tác giả của bản tin Quixote Hyperdrive.
Hạo Văn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: