Chuyên gia: Kế hoạch chi tiêu cho khí hậu sẽ không giúp ích cho khí hậu, mà sẽ đẩy quốc gia đến chế độ toàn trị
Kế hoạch của chính phủ Tổng thống Biden áp đặt một loạt các quy định tài chính nhằm chống biến đổi khí hậu cuối cùng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc giảm nhiệt độ toàn cầu. Nhưng các biện pháp này sẽ khá hiệu quả trong việc làm tổn thương nền kinh tế, mở rộng quyền lực của chính phủ, và đưa đất nước tiến đến chủ nghĩa toàn trị, theo một số chuyên gia.
Kế hoạch của ông Biden, được phác thảo trong một bản báo cáo “lộ trình” gần đây của Tòa Bạch Ốc, sẽ đưa các dự báo về biến đổi khí hậu vào các quyết định trong toàn ngành tài chính (pdf). Đăng ký một khoản vay thế chấp hoặc các khoản vay khác? Ngân hàng sẽ xem xét “rủi ro khí hậu” khi bảo lãnh cho khoản vay đó. Mua bảo hiểm? “Rủi ro khí hậu” sẽ đóng vai trò quan trọng trong phí bảo hiểm của quý vị. Bỏ tiền vào quỹ hưu trí hay quỹ đầu tư? Các nhà quản lý quỹ sẽ được tự do xem xét “rủi ro khí hậu” khi quyết định đầu tư tiền của quý vị vào đâu. Tự mình mua cổ phiếu? Các công ty đại chúng sẽ cần chuyển một phần sự chú ý của họ sang việc giải thích “các rủi ro khí hậu” mà họ phải đối mặt. Đấu thầu cho một hợp đồng chính phủ? Chuẩn bị để biện minh cho lượng khí thải carbon của quý vị đi.
Trong một số lĩnh vực, chính phủ kết hợp biến đổi khí hậu với một loạt các vấn đề khác. Ví dụ, Bộ Lao động dự kiến cho phép người được ủy thác quản lý quỹ hưu trí xem xét các tiêu chí “ESG” – môi trường, xã hội, và quản trị – trong các quyết định đầu tư. Ngoài “rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu”, các tiêu chí đó cũng sẽ bao gồm “các cân nhắc công bằng về chủng tộc và kinh tế” và “tính bền vững”.
Kế hoạch của Tổng thống Biden đã nhận được những lời khen từ các nhóm môi trường cấp tiến.
Trong một tuyên bố hôm 15/10, giám đốc chiến dịch tài chính không hóa thạch Ben Cushing của Sierra Club cho biết, “Chiến lược do Tòa Bạch Ốc công bố hôm nay đặt nền tảng quan trọng để thực hiện lời hứa của Tổng thống Biden nhằm giải quyết các mối đe dọa mà biến đổi khí hậu gây ra cho nền kinh tế của chúng ta.”
Tuy nhiên, các chuyên gia đã cảnh báo rằng việc ước tính những thay đổi về khí hậu có gây thiệt hại hay không cho một năm kinh doanh cụ thể nào đó trong tương lai không phải là một môn khoa học chính xác.
Ảnh hưởng đến nhiệt độ toàn cầu?
Dù nhiều nhà khí hậu học đồng ý rằng việc khí hậu Trái Đất thay đổi sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho con người, chẳng hạn như thông qua các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, nhưng mô hình khoa học dẫn đạo cho các cảnh báo của họ lại cung cấp một loạt các ước tính rộng rãi dựa trên một số giả định. Rồi sau đó các nhà kinh tế học lại giả định thêm nữa về cách các kịch bản từ các mô hình khí hậu này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế, và sau đó nền kinh tế sẽ phản ứng như thế nào, rồi mới đến chính phủ sẽ phản ứng ra sao, và nền kinh tế sẽ phản ứng như thế nào với phản ứng của chính phủ, v.v.
“Việc đánh giá ‘các rủi ro’ như vậy nhìn chung sẽ là võ đoán vì các giả định ‘đúng’ không hề rõ ràng,” ông Benjamin Zycher thuộc tổ chức nghiên cứu ủng hộ kinh tế thị trường Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ cho biết trong lời khai trước Thượng viện hồi đầu năm nay.
Nếu các công ty phải thực hiện một cuộc đánh giá nghiêm túc về những rủi ro loại này, thì “mức độ chi tiết và sự phức tạp về mặt khoa học cần thiết để đáp ứng một yêu cầu như thế” sẽ dẫn đến các báo cáo dài “hàng ngàn trang, với danh sách tham khảo dẫn đến hàng ngàn trang khác” và cuối cùng vẫn sẽ lại “hoàn toàn mang tính suy đoán,” ông nói.
Ông David Burton của tổ chức theo tư tưởng bảo tồn truyền thống Heritage Foundation đã dự đoán nhiều điều tương tự về việc tiết lộ thông tin về rủi ro khí hậu.
Các công ty sẽ cần “phát triển chuyên môn về mô hình khí hậu, khả năng đưa ra các dự báo kinh tế vĩ mô dựa trên các mô hình này, và sau đó đưa ra các đánh giá kinh tế cụ thể của công ty dựa trên các mô hình kinh tế và khí hậu này,” ông nói trong một bức thư hồi tháng Sáu cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC).
Trong khi đó, các cơ quan quản lý của chính phủ sẽ cần phải phát triển năng lực để kiểm soát những việc công khai thông tin này. Hiện tại, các cơ quan liên bang có liên quan đến quản lý tài chính không có đủ chuyên môn để phân biệt khoa học khí hậu chân chính và ngôn ngữ sáo rỗng vô nghĩa, cả hai chuyên gia chỉ ra.
Ông Zycher nói, “Tiền đề rằng yêu cầu ‘công khai thông tin’ này sẽ tạo điều kiện cho cải thiện việc ra quyết định của các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính khiến người ta khó có thể xem trọng.”
Ông Zycher gợi ý rằng rất có thể các công ty sẽ không thực sự cố gắng đoán những rủi ro từ khí hậu của họ có thể là gì.
“Cục Dự trữ Liên bang và các tổ chức tài chính sẽ có động cơ áp dụng các giả định (hoặc giữ chân các nhà tư vấn sẽ làm như vậy) giảm thiểu mức độ mà các phân tích của họ có thể khiến họ trở thành đối tượng của các cuộc tấn công chính trị, các hành động quy định bất lợi, và kiện tụng,” ông nói.
Ông gợi ý rằng các công ty có khả năng áp dụng bất kỳ giả định nào về tác động của khí hậu được chính phủ ủng hộ, chẳng hạn như thông qua Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA).
Ông cho biết, “Do đó, họ sẽ hướng tới sự đồng nhất về phân tích, tạo ra mối nguy thực sự về một sự ‘đồng thuận’ giả tạo giữa các tổ chức tài chính bất kể bằng chứng thực tế, và có lẽ còn tương phản với bằng chứng ở mức độ cao.”
Tác động của tất cả những nỗ lực kiểu như vậy đối với khí hậu, ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, sẽ hầu như không đem lại điều gì, ông gợi ý.
Ông nói, “Nếu chúng ta áp dụng mô hình khí hậu của Cơ quan Bảo vệ Môi trường … cho lượng phát thải GHG [khí nhà kính] ròng của Hoa Kỳ bằng không với hiệu lực ngay lập tức sẽ làm giảm nhiệt độ toàn cầu xuống 0.104 độ C vào năm 2100.”
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là các biện pháp như vậy sẽ không có tác động gì.
Chi phí của kế hoạch
Quy định bắt buộc cho tất cả các loại đánh giá khí hậu rõ ràng là sẽ tốn kém tiền bạc, các chuyên gia chỉ ra.
“Không có nghi ngờ gì rằng những chi phí này sẽ lên tới hàng tỷ dollar,” ông Burton nói. “Các chi phí liên quan đến việc tạo ra mớ ngôn ngữ hàn lâm dài dòng này sẽ gây hại cho các nhà đầu tư bằng cách làm giảm lợi nhuận của cổ đông.”
Ông cho rằng các quy định sẽ tạo ra một lớp các nhà tư vấn về khí hậu và các chuyên gia tuân thủ, những người sẽ sử dụng một phần tiền lương của họ để vận động hành lang cho việc tiếp tục các quy định này.
Các quy định như vậy cũng sẽ làm cho hoạt động tài chính trở nên kém minh bạch hơn, các chuyên gia lưu ý.
Hiện tại, các công ty đại chúng đã phải công khai tất cả các dữ kiện “quan trọng” đối với hoạt động kinh doanh của họ, có nghĩa là các dữ kiện có khả năng ảnh hưởng đến quyết định hành động hay không hành động của một nhà đầu tư hợp lý. Nếu rủi ro khí hậu thực sự là quan trọng, thì không cần phải có các quy định mới vì các công ty vốn đã có nghĩa vụ phải công khai chúng rồi, ông Burton nói.
Ông cho hay, “Một yêu cầu, dù chính thức hay không chính thức, rằng ‘các rủi ro’ về khí hậu được đưa vào các quyết định kinh doanh của các tổ chức tài chính sẽ làm suy yếu tiêu chuẩn về tính quan trọng của việc công khai thông tin của các tổ chức đó.”
Ông lập luận rằng các hoạt động công khai như vậy sẽ càng cô lập ban lãnh đạo các công ty đại chúng khỏi việc chịu trách nhiệm – một lĩnh vực mà họ vẫn đang thiếu sót, ông lập luận.
Ông nói, “Ở các tập đoàn lớn, hiện đại, có một sự tách biệt giữa quyền sở hữu và quyền kiểm soát. Có một vấn đề lớn [về xung đột lợi ích] giữa người ủy thác-nhậm thác, do ban lãnh đạo và hội đồng quản trị thường theo đuổi lợi ích của họ hơn là lợi ích của cổ đông ở những mức độ khác nhau.”
Cho đến nay, ban lãnh đạo thường có thể không phải chịu trách nhiệm với hành vi của họ miễn là giữ cho công ty có lời. Ông nói, việc bắt buộc tiết lộ thông tin về khí hậu sẽ cho phép họ sử dụng việc tiến tới các mục tiêu khí hậu “phần lớn không thể đo lường” như một cái cớ cho tình trạng tài chính kém hơn.
Quyền lực chính trị
Các quy định mới cũng sẽ khá hiệu quả trong việc làm cho chính phủ trở nên toàn trị hơn, một số học giả lưu ý.
Ông William Anderson, giáo sư kinh tế tại Đại học Frostburg State ở Maryland, cho biết, “Tất cả chuyện này là về việc áp dụng quyền lực chính trị.”
Ông nói với The Epoch Times rằng chỉ riêng chính sách tước đi vốn của ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ gây ra những gián đoạn hơn nữa đối với chuỗi cung ứng và khiến lạm phát tồi tệ hơn, làm giảm mức sống của người Mỹ. Chính phủ và các nhà hoạt động chính trị sau đó sẽ quay ngoắt lại và “đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản.”
“Sẽ mất một thời gian để biến Hoa Kỳ thành Venezuela, nhưng việc này có thể thực hiện được.”
Ông Michael Rectenwald, cựu giáo sư NYU và chuyên gia về chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp, đã dự đoán rằng việc công khai về các tiêu chí ESG sẽ phục vụ cho việc báo hiệu sự tuân thủ về mặt tư tưởng của một người, tương tự như cách các chủ cửa hàng ở các nước xã hội chủ nghĩa trang trí cửa hàng của họ bằng các khẩu hiệu chính trị, như được mô tả trong tiểu luận nổi tiếng “Power of the Powerless” (“Quyền Lực Của Những Kẻ Không Có Quyền”) của cựu Tổng thống Czech Václav Havel.
“Hoặc trang bị biểu tượng phù hợp (các khẩu hiệu của đảng, hoặc trong trường hợp này là điểm chỉ số ESG) hoặc đối mặt với hậu quả,” ông Rectenwald nói với The Epoch Times qua email. “Tình cờ, điều này trùng khớp với lập luận của tôi về những gì mà tôi đã gọi là ‘chủ nghĩa xã hội doanh nghiệp.’”
“Mặc dù ‘các bên liên quan’ tới tập đoàn được chấp thuận không nhất thiết phải là các công ty độc quyền, ảnh hưởng của chỉ số ESG là trao càng nhiều vốn vào các tập đoàn này càng tốt, đồng thời loại bỏ những nhà sản xuất được coi là không cần thiết hoặc chống đối. Điểm số ESG có tác dụng loại bỏ sự cạnh tranh.”
Bất chấp việc chính phủ nói về giúp đỡ các cộng đồng kém may mắn, một số chuyên gia chỉ ra rằng các tập đoàn lớn là những doanh nghiệp ở trong vị trí tốt nhất để ứng phó với các quy định về khí hậu như vậy.
Ông Burton nói với The Epoch Times qua email, “Không có nghi ngờ gì rằng những quy định này sẽ có tác động bất lợi một cách không cân xứng đối với các doanh nghiệp phát hành [điểm ESG] nhỏ vì chi phí [tuân thủ] quy định không tỷ lệ thuận với quy mô.”
Ngay khi chính phủ tiến hành đổ hàng ngàn tỷ dollar nợ vào nỗ lực khí hậu, nhiều trong số các tập đoàn lớn nhất đang dự đoán sẽ có một cơn gió thuận chiều từ tác động của sự thúc đẩy về khí hậu này.
Một cuộc khảo sát năm 2018 về 500 công ty trong danh sách Fortune của Dự án Công khai Thông tin Carbon (CDP) cho thấy 81 công ty Hoa Kỳ cung cấp các ước tính tài chính dự kiến tổng thiệt hại về cơ sở vật chất do biến đổi khí hậu gây ra là dưới 56 tỷ USD, chẳng hạn như thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt hơn. Họ ước tính thiệt hại hơn 54 tỷ USD do “rủi ro chuyển đổi”, chẳng hạn như các quy định của chính phủ và những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, họ đã kỳ vọng hơn 450 tỷ USD vào “các cơ hội” liên quan đến khí hậu. Ngay cả các công ty nhiên liệu cũng dự đoán rằng họ sẽ là người được hưởng lợi ròng từ việc thúc đẩy khí hậu (pdf).
Phương pháp tiếp cận của chính phủ
Một số chuyên gia chỉ ra rằng không chỉ các chi tiết cụ thể trong kế hoạch của ông Biden, mà toàn bộ ý tưởng chống biến đổi khí hậu thông qua quy định của chính phủ đều là sai lầm.
Ông Mark Thornton, nhà kinh tế học của Viện Mises thuộc trường phái tự do cổ điển, cho biết các chính phủ có thành tích kém trong việc giải quyết các vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu.
Ông nói với The Epoch Times, “Đây thuộc loại những vấn đề hoàn toàn không phù hợp với quy trình chính trị. Thị trường mới thực sự là thích hợp nhất để giải quyết vấn đề này.”
Ông đề cập đến một bài nghiên cứu sắp tới xem xét về sự phát triển hiệu quả năng lượng, cho thấy “việc thúc đẩy hiệu quả năng lượng được bắt đầu với cuộc khủng hoảng dầu mỏ” của những năm 1970 và đã tự đem lại “hiệu quả kỹ thuật rất đáng kể vì nó hướng đến hiệu quả kinh tế,” ông nói.
Mặt khác, ông cho biết, bài nghiên cứu cho thấy rằng “các lệnh bắt buộc ngắn hạn không hiệu quả – rằng quý vị đang bỏ ra quá nhiều nguồn lực để có được các loại kết quả mà quý vị thực sự đang cố gắng tạo ra.”
Ông Anderson cũng đồng tình.
“Chính phủ hoạt động như thế nào? Nó đặt ra các thời hạn. Chính phủ nói, ‘Được rồi, đến năm nay, chúng ta sẽ có cái này. Chúng ta sẽ bắt đầu chuyển dịch tài nguyên theo hướng này.’ Chà, các nền kinh tế không hoạt động như vậy.”
Chẳng hạn, có thể các xe hơi điện sẽ trở nên rẻ hơn so với ô tô chạy bằng khí đốt, nhưng rất tốn kém để thúc đẩy công nghệ phát triển theo lệnh bắt buộc, ông Thornton lưu ý. Trên thực tế, lệnh còn có thể chuyển hướng các nguồn lực từ rất nhiều con đường cải tiến mà có thể đưa ra một giải pháp hoàn toàn khác cho nền giao thông sạch hơn.
Sự can thiệp của chính phủ cũng có xu hướng hoạt động trên thực tế khác so với trên giấy tờ, ông Thornton chỉ ra.
“Một khi quý vị bắt đầu những điều này, chúng ta không biết chúng sẽ đi đến đâu, trừ việc chúng thường trở nên tồi tệ hơn,” ông nói.
Chẳng hạn, Chương trình Bảo hiểm Lũ lụt Quốc gia lẽ ra phải khuyến khích người dân không xây nhà ở những vùng dễ bị lũ lụt. Trên thực tế, nó thường làm điều ngược lại, trợ cấp bảo hiểm lũ lụt cho những người quyết định sống trong vùng lũ lụt, theo một báo cáo của Viện Brookings – một tổ chức thiên tả. Chính phủ đã chi hàng chục tỷ để duy trì sự tồn tại của chương trình này kể từ năm 1968, mà phần lớn là để cung cấp bảo hiểm lũ lụt giá rẻ cho các chủ nhà khá giả ở các vùng ven biển. Một nghiên cứu cho thấy 1/4 trong số các bảo hiểm được trợ cấp một cách rõ ràng này đã về tay các khu nhà nghỉ mát.
Ông Thornton cho rằng những cạm bẫy tương tự cũng sẽ áp dụng đối với những nỗ lực lập kế hoạch kinh tế xung quanh các mục tiêu khí hậu.
“Chúng ta không có đủ kiến thức hay thông tin để biết tất cả những điều này sẽ hoạt động như thế nào.”
Ông nói, kế hoạch tài chính khí hậu của ông Biden “là một tượng đài minh chứng cho sự thiếu hiểu biết đó.”
Ông Petr Svab là một phóng viên chuyên đưa tin về New York. Trước đây, ông đã đưa tin về các chủ đề quốc gia bao gồm chính trị, kinh tế, giáo dục và việc thực thi pháp luật.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: