Chuyên gia: Hoa Kỳ hướng đến Chiến tranh Lạnh mới với ĐCSTQ trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng hung hăng
Theo lời một vị Trung tá Quân đội đã nghỉ hưu của Hoa Kỳ, có một sự việc rõ ràng rằng một cuộc chiến tranh lạnh mới đang bùng phát giữa một bên là Hoa Kỳ và một bên là Trung Quốc với Nga.
Từng phụng sự là một “Chiến binh Chiến tranh Lạnh” trong những thập kỷ cuối cùng của căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Liên Xô cũ, ông Robert Maginnis nói rằng bản chất thù địch, giành giật quyền lực ngày nay của chính quyền Trung Quốc và liên minh của nhà cầm quyền này với Nga gợi cho ông nhớ lại những gì ông đã tận mắt chứng kiến về sự trỗi dậy của Liên Xô.
Ông nói với The Epoch Times rằng “Tôi đã chứng kiến điều này trước đây và bây giờ tôi lại thấy điều đó một lần nữa.”
Các nhà phân tích đã đưa ra so sánh này kể từ giai đoạn sau của chính phủ cựu tổng thống (TT) Trump khi Hoa Kỳ bắt đầu có những hành động ngày càng cứng rắn hơn để chống lại một loạt các mối đe dọa do nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc gây ra.
Nhìn chung, chính phủ TT Biden đã tiếp tục đối đầu với Bắc Kinh về những hành động xâm lược của họ, nhấn mạnh vào việc xây dựng các liên minh để đưa ra một mặt trận thống nhất trong việc chống lại Bắc Kinh. Hồi tháng Chín, Hoa Kỳ, Anh Quốc và Úc đã khởi động một liên kết đối tác an ninh mới, được gọi là “AUKUS”, tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một hành động được nhiều người coi là nỗ lực nhắm vào sự khẳng định vị thế quân sự của ĐCSTQ trong khu vực.
Gần đây, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres đã đề nghị Hoa Kỳ và chính quyền Trung Quốc hàn gắn mối bang giao “hoàn toàn rối loạn chức năng” của họ, đồng thời cảnh báo về con đường [dẫn đến] một cuộc chiến tranh lạnh mới tiềm năng. Đáp lại, Tham vụ báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã khẳng định rằng Hoa Kỳ không tìm cầu một cuộc chiến tranh lạnh với Bắc Kinh và mô tả mối bang giao này là “không phải xung đột mà là cạnh tranh.”
Dân biểu Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) không đồng tình, dám chắc rằng Hoa Kỳ “đang trên những chặng bắt đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.”
Gạt Âu Châu sang một bên
Về liên kết đối tác AUKUS vốn chứng kiến sự ủng của Mỹ quốc và Anh Quốc đối với thương vụ mua tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử của Úc, ông Maginnis nói, “liên minh với Úc Châu không có gì đặc biệt đáng ngạc nhiên.” Ông coi Úc là “một đồng minh vững chắc” ở khu vực nam Thái Bình Dương với một “vị thế rất có giá trị trong khu vực.”
Thỏa thuận này đã làm Pháp giận dữ, một quốc gia mà trước đó đã thất bại trong một thỏa thuận được ký vào năm 2016 để cung cấp tàu ngầm cho Úc. [Bởi vì] liên tục có những lo ngại về sự chậm trễ, chi phí vượt mức và các câu hỏi lớn về việc liệu tàu ngầm đó có đáp ứng được các yêu cầu quốc phòng của Úc hay không, vốn đã được tranh luận công khai trong nhiều năm.
Tuy nhiên, sự sụp đổ ngoại giao này đã khiến một số nhà phân tích cho rằng có sự rạn nứt ngày càng lớn giữa các nước nói tiếng Anh (Anglophone) và Âu Châu trong cách tiếp cận của họ với Trung Quốc.
Ông Dan Steiner, một cựu đại tá Không quân Hoa Kỳ kiêm chiến lược gia toàn cầu, cho biết dường như có một sự “thiếu tầm nhìn” bên trong chính phủ TT Biden về chính sách ngoại giao, nhưng ông nói thêm rằng liên kết đối tác AUKUS này có thể là một dấu hiệu nhỏ cho những gì sắp xảy ra.
Ông Maginnis và ông Steiner cùng đồng ý rằng có những điểm tương đồng giữa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những gì Hoa Kỳ đang hình thành dưới hiệp định AUKUS. Ông Maginnis chỉ ra rằng, “NATO là một nỗ lực rất đồng bộ, phối hợp nhằm thách thức sự bành trướng của Liên Xô sang phần còn lại của Âu Châu.” Cả hai vị sĩ quan quân đội đã nghỉ hưu này cho biết AUKUS là sự khởi đầu của việc Hoa Kỳ cố gắng hình thành một “phiên bản NATO ở Á Châu” để chống lại chính quyền Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho hay ngay sau khi khởi động AUKUS, Tổng thống Joe Biden đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tại Hoa Thịnh Đốn với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ và Úc. Các nhà phân tích cho biết, Đối thoại An ninh Tứ giác, còn được gọi là Bộ Tứ (Quad), tìm cách tương tự nhằm giải quyết sức mạnh quân sự và kinh tế ngày càng tăng của chính quyền Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Giữa AUKUS và Bộ Tứ, ông Steiner cho biết ĐCSTQ có thể đưa ra lập luận xác đáng rằng Hoa Kỳ đang bỏ rơi Âu Châu, không còn giống như ngày trước.
Ông Steiner nói: “Chính quyền Trung Quốc có thể nói rằng thỏa thuận AUKUS và cuộc họp của Bộ Tứ vừa hay chính là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ không còn quan tâm đến Âu Châu hay NATO nữa.”
Theo đó, chính quyền Trung Quốc sẽ tận dụng sự rạn nứt đã xảy ra giữa Hoa Kỳ và Pháp để làm lợi cho nghị trình của họ, ông nói. “Họ đang nói với thế giới rằng quý vị không thể tin tưởng Hoa Kỳ và họ sẽ tiếp tục thúc đẩy câu chuyện rằng Hoa Kỳ đang chuyển hướng khỏi Âu Châu.”
Đối với ông Steiner, rõ ràng là Hoa Kỳ đang cố gắng liên kết lại với các đối tác có nhiều khả năng hơn trong việc đối phó với ĐCSTQ.
Rào cản đối với liên minh mới
Ông Steiner cho biết có những rào cản đối với việc thành lập một liên minh như vậy, cho thấy “ĐCSTQ nhận ra rằng nhiều quốc gia mà Hoa Kỳ sẽ cố gắng thành lập một liên minh đã mắc vào bẫy kinh tế của Trung Quốc.”
Theo ông Steiner, nhà cầm quyền này có “những xúc tu ở hầu hết các quốc gia” mà Hoa Kỳ đã cố gắng liên kết ở Á Châu, bao gồm Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.
Ngược lại, ông nói, các quốc gia ban đầu gia nhập NATO hồi năm 1949 không có liên kết tài chính hoặc kinh tế với Liên Xô.
Ông nói: “Sẽ khó hơn nhiều để hình thành một phiên bản Á Châu của NATO so với việc thành lập NATO vào cuối Đệ nhị Thế chiến.
Chính quyền ‘hung bạo’
Đối với ông Maginnis, các liên minh tư sản đang “tập hợp chống lại một quân đội Trung Quốc đang bùng nổ” để nhận ra mối đe dọa ngày càng tăng do ĐCSTQ gây ra.
Ông nói: “Chính quyền Trung Quốc coi Mỹ quốc là kẻ thù của họ, ông [nói thêm rằng] thế trận quân sự của cả Trung Quốc và Nga đang bùng nổ trên khắp thế giới.”
Ông Maginnis cho biết, ĐCSTQ đang tiến gần đến mức có thể thách thức Hoa Kỳ trong lĩnh vực nguyên tử, khi chỉ ra các báo cáo giữa năm về việc xây dựng gần 120 hầm chứa hỏa tiễn mới gần thành phố Ngọc Môn phía tây bắc, và 110 hầm chứa hỏa tiễn khác ở xa vùng viễn tây Tân Cương.
Khi mối đe dọa từ ĐCSTQ ngày càng gia tăng, ông Maginnis cho biết liên kết đồng minh giữa chính quyền Trung Quốc và Nga cũng trở thành một mối liên kết bền chặt, làm tăng cường triển vọng về một cuộc chiến tranh lạnh mới. Cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên của họ diễn ra vào năm 2017, và thời gian gần đây đã diễn ra nhiều hơn, ông nói, “Trung Quốc và Nga cũng đang điều chỉnh vị thế của họ ở Afghanistan.”
Ông Maginnis nói, chính quyền Trung Quốc đang mở rộng ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới. “Điều đó không giống như bất cứ thứ gì người ta từng thấy trong quá khứ.”
Ông J.M. Phelps là một nhà văn và nhà nghiên cứu về các mối đe dọa của Hồi giáo và Trung Quốc.
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: