Chuyên gia: Hoa Kỳ chưa sẵn sàng ‘sống xanh’, Trung Quốc sẽ là bên đắc lợi chính
Hoa Kỳ chưa sẵn sàng thực hiện các chính sách xanh, và việc thúc đẩy quá trình này hầu như sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc, theo ông Kelly Sloan, thành viên cao cấp về năng lượng và môi trường tại Viện Centennial, tổ chức nghiên cứu thuộc Đại học Cơ Đốc Giáo Colorado.
Ông Sloan nói rằng việc các nhà lập pháp thúc đẩy các loại năng lượng xanh để cố tìm cách và khuyến khích thị trường đi đến một nơi mà nó chưa sẵn sàng để đi đến thì đương nhiên là không hiệu quả.
“Mặc dù trong ngắn hạn, điều đó có thể mang lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc, nhưng về lâu dài, tôi nghĩ điều đó sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ, ngay cả khi không tính đến phần đóng góp của Trung Quốc,” ông Sloan nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu Điểm) của đài truyền hình NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
Đạo luật Giảm Lạm Phát, được Tổng thống Joe Biden ký thành luật hồi tháng Tám năm ngoái (2022), tìm cách quản lý chi tiêu, tín dụng thuế, và các khoản vay để thúc đẩy công nghệ như tấm quang năng và thiết bị để giảm ô nhiễm tại các nhà máy điện chạy bằng than và khí đốt.
Mức giá cao nhất cho các chính sách khí hậu của dự luật này là khoảng 369 tỷ USD.
Đạo luật Giảm Lạm Phát nhấn mạnh các ưu đãi thuế cho những công ty và cá nhân chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo.
Chẳng hạn, dự luật này sẽ phân bổ tới 28,500 USD ưu đãi thuế cho các gia đình Mỹ nào mua các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng hơn, lắp đặt các tấm quang năng trong nhà của họ, và mua xe điện mới. Mặc dù các gia đình sẽ cần phải làm toàn bộ những điều kể trên để có được con số 28,500 USD đó, nhưng số tiền này cho thấy đây là một trong những ưu đãi lớn nhất từ trước đến nay về khí hậu của chính phủ dành cho cá nhân từng gia đình.
Ông Sloan gọi hành động lập pháp này là một “quyết định chính trị”.
“Nguồn tài nguyên tái tạo hiệu quả nhất chủ yếu là gió ngoài khơi; ngay cả với những tiến bộ trong công nghệ tái tạo, thì năng lượng mặt trời mặc dù vậy tạo ra chỉ một phần không đáng kể trong tổng năng lượng tái tạo, phần đóng góp năng lượng chung giữa các loại năng lượng tái tạo,” ông cho biết.
Trung Quốc hưởng lợi
Theo vị chuyên gia này, dự luật xanh theo đuổi các mục tiêu hai tầng: khuyến khích nhu cầu và sản xuất trong nước.
“Vấn đề với việc khuyến khích sản lượng trong nước, việc sản xuất trong nước, thì đó là một phạm vi hoạt động rất dài hạn. Và sẽ mất nhiều thập niên, chứ không phải vài tháng hay vài năm, để mang lại kết quả,” ông nói.
“Vì vậy, nếu quý vị định khuyến khích các công nghệ xanh, thì nhất thiết phải bao gồm cả Trung Quốc vào vì họ là nước chiếm ưu thế,” ông nói thêm.
Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp lớn nhất thế giới các thành phần và vật liệu cần thiết cho các công nghệ năng lượng tái tạo.
Từ năm 2010 đến năm 2020, thị phần polysilicon toàn cầu của Trung Quốc đã tăng từ 26% lên 82% — trong khi thị phần của Hoa Kỳ giảm từ 35% xuống còn 5%, theo một báo cáo năm 2021 của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế.
Theo thống kê, silicon là thành phần chính trong các tấm quang năng, và vào năm 2021, Trung Quốc chiếm 75% sản lượng mô-đun (PV) quang điện toàn cầu.
Do đó, ông nói, bất kỳ điều luật nào về khí hậu cố gắng khuyến khích nhu cầu về năng lượng tái tạo cho xe điện (EV), cho các tấm quang năng, ở Hoa Kỳ đều sẽ có lợi cho Trung Quốc bởi vì “Trung Quốc có quyền kiểm soát trên thị trường đối với nguồn cung nguyên liệu thô cho những thứ đó.”
Giá nhiên liệu tăng
Ông Sloan dự đoán rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục đi theo con đường giảm quy mô sản xuất năng lượng truyền thống trong nước, tức là, nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân, thì người Mỹ sẽ chứng kiến giá nhiên liệu tăng lên.
“Nếu giữa mớ bòng bong luật pháp này là một ý định chính trị nào đó nhằm tăng cường việc sử dụng hạt nhân của chúng ta, tăng cường việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch của chúng ta, và tăng cường việc sử dụng các loại năng lượng tái tạo của chúng ta một cách thông minh, thì điều đó có thể giảm thiểu gánh nặng đó. Nhưng nếu chúng ta cho phép Trung Quốc làm điều tương tự như OPEC đã làm trong những năm 1970 với dầu mỏ, nếu như hôm nay chúng ta không cố gắng làm điều tương tự với một số nguyên liệu thô quan trọng này để tận dụng nó, và chúng ta không có bất kỳ giải pháp thay thế nào, thì khi đó chúng ta chắc chắn có thể chứng kiến giá tiêu dùng tăng, đơn giản là từ phía đó cũng vậy,” ông nói.
“Tôi nghĩ rằng sẽ có một chút thiệt hại cho Hoa Kỳ nếu chúng ta theo đuổi các chính sách bắt buộc sử dụng nhiều tấm quang năng hơn,” ông nói thêm.
Để chứng minh quan điểm này, ông dẫn chứng về những gì đã xảy ra ở châu Âu trong thời gian diễn ra chiến tranh Ukraine.
“Chúng ta đã thấy ở Âu Châu sau khi Nga xâm lược Ukraine và nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên từ Nga sang Âu Châu trên thực tế đang bị cắt đứt, việc Âu Châu phải điều chỉnh chính sách năng lượng của họ theo hướng thực tế hơn chỉ để duy trì hoạt động. Họ đã duy trì hoạt động của các nhà máy hạt nhân, họ đã mở cửa trở lại các nhà máy điện than, và họ đang tìm kiếm trên khắp thế giới các nguồn mới, đặc biệt là, khí đốt tự nhiên để sản xuất điện,” ông nói, và nói thêm rằng Hoa Kỳ nên làm như thế.
Ông Sloan cũng dẫn chứng về việc chính phủ Tổng thống Biden đã thông qua một dự án khoan dầu lớn ở Alaska hồi giữa tháng Ba.