Chuyên gia: Đạo luật Giảm Lạm Phát là danh mục ao ước của chủ nghĩa xã hội
Nhà kinh tế theo trường phái thị trường tự do Thomas DiLorenzo cho biết Đạo luật Giảm Lạm Phát vừa được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua là một đạo luật chuyên chế sẽ đẩy nước Mỹ tiến xa hơn trên con đường tiến tới chủ nghĩa xã hội độc tài.
Ông DiLorenzo nói với chương trình “Crossroads” (“Giao lộ Thông tin”) của EpochTV hôm 10/08 rằng, chi tiêu chính phủ mới ở mức ước tính khoảng 737 tỷ USD đã bao gồm trong Đạo luật Giảm Lạm Phát được thông qua gần đây “sẽ làm tăng nhu cầu trong nền kinh tế.”
Ông giải thích, dự luật này quy định việc tăng thuế và đưa ra “hàng trăm quy định bổ sung, đặc biệt là về năng lượng,” do đó, sự kết hợp giữa nhu cầu tăng trong nền kinh tế và nguồn cung giảm sẽ khiến giá tăng chứ không phải giảm.
“Luật này không liên quan gì đến việc chống lạm phát. … Về căn bản, đó là Thỏa thuận Xanh Mới (Green New Deal) được ngụy trang, giống như một con ngựa thành Troy.”
Ông DiLorenzo trích dẫn nhận xét của cựu tham mưu trưởng của Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez (Dân Chủ-New York) về Thỏa thuận Xanh Mới.
Ông Saikat Chakrabarti, cựu tham mưu trưởng của bà Ocasio-Cortez, nói với tờ Washington Post hồi năm 2019: “Điều thú vị về Thỏa thuận Xanh Mới … là ban đầu nó không liên quan gì đến vấn đề khí hậu. … Chúng tôi thực sự nghĩ về nó như một cách-quý vị-làm-thay-đổi-toàn-bộ-nền-kinh-tế.”
Ông DiLorenzo gọi dự luật Giảm Lạm Phát là “một nỗ lực về căn bản nhằm tiêu diệt chủ nghĩa tư bản Mỹ, và áp dụng một số hình thức chủ nghĩa xã hội và kế hoạch hóa tập trung.”
“Và họ đang làm từng bước một. Và đây là bước mới nhất trong cái gọi là Thỏa thuận Xanh Mới.”
Tại sao kế hoạch hóa tập trung không hiệu quả
Ông DiLorenzo, tác giả của cuốn sách sắp ra mắt, “Hướng Dẫn Không Chính Xác về Chính Trị đối với Kinh Tế Học” (“The Politically Incorrect Guide to Economics”), cho biết ở mọi nơi trên thế giới mà kế hoạch hóa tập trung được thử nghiệm, thì cơ chế này đã gây ra một thảm họa.
“Quy hoạch tập trung không hiệu quả vì để một nền kinh tế hoạt động; nó đòi hỏi rất nhiều kiến thức trong tâm trí của hàng triệu người, tất cả những người tham gia thị trường, người mua, người bán, doanh nhân.”
Ông DiLorenzo giải thích, những người tham gia vào các hoạt động kinh tế có kiến thức chuyên môn về công việc họ làm và kiếm tiền từ công việc của họ, sau đó họ chi tiền để mua hàng hóa hoặc dịch vụ mà người khác chuyên môn hóa.
“Không có nhóm nhà hoạch định chính phủ nào có thể bắt chước hoặc sở hữu kiến thức cần thiết để làm thứ đơn giản nhất như làm một chiếc bánh pizza.”
Để làm ra một chiếc bánh pizza từ những bước sơ khởi, các nhà lập kế hoạch phải bắt đầu với việc trồng lúa mì và cà chua và có kiến thức sâu rộng không chỉ về nông nghiệp mà còn về toàn bộ chuỗi cung ứng cho bánh pizza.
Ông DiLorenzo nói, trong nền kinh tế thị trường tự do, các quyết định về cách sản xuất mọi thứ được hướng dẫn bởi giá cả do cung và cầu xác định, và người mua và người bán.
“Quý vị chỉ có thể có điều đó trong một xã hội sở hữu tư nhân. Quý vị không có điều đó dưới chủ nghĩa xã hội, nơi chính phủ tuyên bố sở hữu tài sản và quy định giá một cách ngẫu nhiên và tùy ý. Cách thức ấy tạo ra sự hỗn loạn.”
Ví dụ, ông Thomas Sowell, cựu giáo sư kinh tế, đã viết trong cuốn sách của mình, “Trí Thức và Xã Hội” (“Intellectuals and Society”) rằng văn phòng định giá hàng hóa của Liên Xô cũ phải định giá cho 24 triệu loại hàng hóa khác nhau.
Sự phức tạp và biến đổi của xã hội và con người không thể được giải quyết thông qua một nền kinh tế kế hoạch thống nhất. Ngay cả khi sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo hiện đại, thì suy nghĩ của con người vẫn không thể được tích hợp vào hệ thống, vì vậy nền kinh tế sẽ luôn luôn không hoàn thiện.
Ông DiLorenzo nói, ví dụ mới nhất về sự thất bại của kế hoạch hóa tập trung là Venezuela, nước đã đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, khiến đất nước là một trong những quốc gia thịnh vượng nhất ở Nam Mỹ này sụp đổ kinh tế.
Ông Fergus Hodgson, người sáng lập kiêm tổng biên tập một ấn phẩm tình báo Mỹ Latinh, cho biết chính phủ Venezuela định giá hầu hết các mặt hàng gia dụng, điều này gây ra tình trạng thiếu lương thực và các hàng hóa khác.
Ông Hodgson viết cho The Epoch Times rằng việc đóng cửa các doanh nghiệp tư nhân và quốc hữu hóa các ngành công nghiệp đã trở thành một chính sách chủ yếu của chính phủ Venezuela.
Kiểm soát giá lan truyền như thế nào
Ông DiLorenzo cho biết Đạo luật Giảm Lạm Phát sẽ đánh thuế cao hơn đối với các tập đoàn và doanh nghiệp nhỏ, do đó sẽ làm giảm sản lượng. Khi sản xuất giảm, ít việc làm được tạo ra hơn, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, từ đó làm tăng chi tiêu của chính phủ cho trợ cấp thất nghiệp và phúc lợi, ông giải thích.
Ngoài ra, ông DiLorenzo cho biết, các quy định về năng lượng mà dự luật này áp đặt đối với các doanh nghiệp sẽ làm tăng chi phí, vì vậy các doanh nghiệp cần dành nguồn lực của mình để thực hiện các quy định này bằng chi phí mà sản xuất hàng hóa và dịch vụ phải gánh chịu.
“Tất cả những điều đó sẽ gây hậu quả làm giảm nguồn cung trong nền kinh tế, và từ đó sẽ mang đến áp lực tăng giá hơn nữa.”
Ông DiLorenzo đã giải thích, khi giá tăng cao, chính phủ có thể thực hiện kiểm soát giá, và sau đó người dân sẽ yêu cầu chính phủ giảm giá nhiều hơn nữa, điều này sẽ khiến sản xuất kém lợi nhuận hơn. Ông nói thêm, kết quả là nguồn cung sẽ giảm.
Ông DiLorenzo chỉ ra, ngược lại, mức giá thấp hơn do chính phủ đặt ra sẽ làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa được kiểm soát bởi vì mọi người sẽ muốn có nhiều hàng hơn.
“Như vậy, quý vị tăng số lượng người muốn có hàng, đồng thời quý vị giảm nguồn cung có sẵn, [do đó] quý vị bị thiếu hụt. Chợ đen sẽ trở nên thịnh hành hơn.”
“Thường là những người nghèo nhất trong số những người nghèo bị tổn hại nặng nề nhất, bất cứ khi nào có tình huống như vậy.”
Ông DiLorenzo tiếp tục cho biết, sau đó, chính phủ có thể hành động để khắc phục tình trạng thiếu hàng hóa được kiểm soát giá bằng cách áp dụng biện pháp kiểm soát giá đối với các thành phần đầu vào của sản phẩm, với hy vọng giảm chi phí sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường nhiều hơn.
Tuy nhiên, chính sách này sẽ gây ra tình trạng thiếu nguyên liệu, và nó sẽ tạo ra hiệu ứng tuyết lăn to dần (snow ball), vị chuyên gia giải thích. “Chính sách này có thể bắt đầu chỉ với giá sữa và giá bánh mì, nhưng chắc chắn nó sẽ lan ra nhiều hơn thế.”
“Chính sách đó khiến tình hình ngày càng trở nên tệ hơn và tệ hơn, cho đến khi quý vị có được chủ nghĩa xã hội toàn trị toàn diện, với sự kiểm soát của chính phủ đối với mọi loại giá cả của mọi thứ.”
Theo báo cáo của Heritage Foundation (Quỹ Di Sản), trong số các điều khoản của dự luật (pdf) có:
- Năng lượng và biến đổi khí hậu. Phân bổ chi tiêu tổng cộng 369 tỷ USD, bao gồm các ưu đãi cho các nhà sản xuất tấm quang năng, tuabin gió, và xe điện cũng như cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tăng sử dụng các thiết bị và phương tiện chạy bằng điện. Trong số các ưu đãi có các khoản tín thuế, trợ cấp, và cho vay. Dự luật cũng đưa ra các biện pháp để giảm tác động môi trường của nông nghiệp và tăng chi phí khoan dầu khí.
- Mở rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe do chính phủ điều hành. Gia hạn thêm ba năm việc mở rộng tạm thời các khoản trợ cấp của Đạo luật Chăm sóc Giá cả phải chăng do COVID-19.
- Giá thuốc Medicare. Quy định giá thuốc trong Medicare thông qua thương lượng giá ba bước. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh đề nghị giá thuốc cho các nhà sản xuất, các nhà sản xuất này có thể gửi phản đối của họ. Tuy nhiên, bộ trưởng đưa ra quyết định cuối cùng về giá thuốc và, trong một số trường hợp nhất định, có quyền phạt những công ty không đồng ý với giá cuối cùng do mình quy định.
- Thuế doanh nghiệp tối thiểu mới. Đánh thuế tối thiểu 15% đối với các doanh nghiệp và thay đổi các quy tắc để khấu trừ chi phí máy móc và thiết bị mà các công ty mua để phát triển kinh doanh của họ. Điều này có thể cản trở đầu tư, giảm tạo việc làm, và giảm sản lượng, do đó góp phần làm tăng giá.
- Tài trợ cho một “đội quân” gồm gần 87,000 nhân viên IRS mới. Khoản tài trợ cho Sở Thuế vụ (IRS) với số tiền 78.9 tỷ USD mà dự luật phân phối sẽ vượt quá gấp nhiều lần ngân sách hiện tại hàng năm của cơ quan này. IRS sẽ có nhiệm vụ tìm ra tiền để giảm thâm hụt ngân sách liên bang.
Các Thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ tuyên bố rằng Đạo luật Giảm Lạm Phát sẽ giảm “giảm lượng khí thải carbon khoảng 40% vào năm 2030” và sẽ tạo ra hàng triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong lĩnh vực năng lượng sạch, theo một tuyên bố (pdf).
Thỏa thuận Mới Xanh
Ông DiLorenzo giải thích rằng nghị trình về biến đổi khí hậu luôn nhằm để tiêu diệt chủ nghĩa tư bản và áp dụng chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm 1970 và những năm 1980, đã có những cảnh báo về một kỷ băng hà mới do ô nhiễm không khí cản trở ánh mặt trời. Ông DiLorenzo cho biết một số tiền rất to lớn đã được chi trong nhiều thập niên để giảm thiểu ô nhiễm mà không áp đặt chủ nghĩa xã hội, và do đó, có nhiều ánh sáng mặt trời chiếu vào hơn.
Ông tiếp tục nói, sau đó vào những năm 1980, chủ nghĩa xã hội được coi là một giải pháp để chống lại sự nóng lên toàn cầu, nhưng sáng kiến này không hoàn toàn tiêu diệt chủ nghĩa tư bản của Mỹ.
Sau đó, vấn đề về biến đổi khí hậu xuất hiện, và mọi người được nói rằng chủ nghĩa xã hội là cần thiết để ngăn chặn hậu quả của biến đổi khí hậu, ông chỉ ra. Các chính sách để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu được đặt tên là “Thỏa thuận Xanh Mới.”
Ông DiLorenzo cho rằng Đạo luật Giảm Lạm Phát “có lẽ là đạo luật toàn trị nhất” mà ông có thể nhớ lại khi đọc trong suốt 40 năm sự nghiệp học thuật của mình. Nhưng đối với những người theo chủ nghĩa xã hội là chưa đủ, ông cho biết.
“Hoặc là chúng ta dừng việc này ngay bây giờ, hoặc là không. Và nếu chúng ta không làm vậy, họ sẽ xem đó là một chiến thắng lớn và tiến xa hơn nữa … và có một Thỏa thuận Mới thậm chí còn xanh hơn nữa.”
“Một điều mà người Mỹ phải thức tỉnh là những người này là ai. Họ không phải là thành viên Đảng Dân Chủ; họ không phải là những người thiên tả và không phải là những người cấp tiến. Họ từng tự gọi mình là thành viên Đảng Dân Chủ kinh tế, là bất cứ điều gì trừ bản chất của họ. Họ là những người theo chủ nghĩa xã hội toàn trị.”
Ông DiLorenzo gọi những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội để chống lại biến đổi khí hậu là “dưa hấu”, bởi vì “bên trong chúng có màu đỏ” và bên ngoài thì màu xanh.
Làm thế nào để đảo ngược các chính sách xã hội chủ nghĩa
Ông DiLorenzo không lạc quan về việc liệu xu hướng toàn trị này có thể bị đảo ngược hay không, ngay cả khi Đảng Cộng Hòa xoay xở để tiếp quản Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022.
“[Đảng Cộng hòa] có xu hướng chần chừ rất nhiều và không làm được nhiều việc.”
Theo quan điểm của ông, đất nước cần phi tập trung hóa, nghĩa là tước bỏ quyền lực khỏi trung tâm ở Hoa Thịnh Đốn. Ông DiLorenzo nói, một hình thức phân quyền là làn sóng di cư ồ ạt hiện nay của người dân ra khỏi những nơi như California và New York, những nơi bị kiểm soát bởi các chính phủ xã hội chủ nghĩa lớn hơn, và hướng tới các tiểu bang có xu hướng tự do hơn như Florida, Texas, và các tiểu bang North và South Carolina.
“Đó là một kiểu ly khai nhẹ nhàng,” ông nói. “[Người dân] đang di cư vì họ không đồng tình và chúng ta cần làm nhiều hơn thế nữa.”
Bà Ella Kietlinska là phóng viên của The Epoch Times chuyên về chính trị Hoa Kỳ và thế giới.
Anh Joshua Philipp là một phóng viên điều tra từng đạt giải thưởng của The Epoch Times và là người dẫn chương trình “Crossroads” (“Giao lộ thông tin”) của EpochTV. Anh là một chuyên gia được công nhận về chiến tranh không hạn chế, chiến tranh hỗn hợp phi cân xứng, hoạt động lật đổ, và các quan điểm lịch sử về các vấn đề ngày nay. Hơn 10 năm nghiên cứu và điều tra về Đảng Cộng sản Trung Quốc, hoạt động lật đổ, và các chủ đề liên quan giúp anh có cái nhìn sâu sắc về mối đe dọa toàn cầu này và bối cảnh chính trị.