Chuyên gia cho rằng khuyến nghị mới về thịt của WHO mang tính ‘chính trị’
Một nhà nghiên cứu cho biết: “Có một khuynh hướng tư tưởng đã thúc đẩy phần lớn khuyến nghị đó.”
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đưa ra khuyến nghị rằng mọi người nên ăn uống tiết chế bớt các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật chứa chất béo bão hòa, thay vào đó tăng cường ăn nhiều loại ngũ cốc và các loại thực phẩm giàu carbohydrate. Theo một chuyên gia, khuyến nghị này căn cứ nhiều vào chính trị hơn là khoa học dinh dưỡng.
Ông Kevin Bass, một nhà nghiên cứu và nghiên cứu sinh tiến sĩ trong ngành y khoa, nói với The Epoch Times rằng dường như nhu cầu dinh dưỡng của những người mà tổ chức này có bổn phận phải phục vụ không phải là tiêu chí duy nhất hình thành nên các hướng dẫn của WHO.
“Tôi nghĩ rằng có một sự thúc đẩy chung, một động lực chung, nhằm giảm lượng thịt đỏ nạp vào [cơ thể] cũng như đưa ra các khuyến nghị cho sức khỏe tổng thể của hành tinh theo những hướng này,” ông Bass cho biết, và nói thêm rằng có “một khuynh hướng tư tưởng đã thúc đẩy phần lớn khuyến nghị đó.”
“WHO rất cổ hủ trong các hướng dẫn dinh dưỡng của mình. … Tổ chức này vẫn ủng hộ chế độ ăn ít chất béo,” ông nói thêm. “Không ai nhìn nhận điều này một cách nghiêm túc.”
Trong hướng dẫn gần đây nhất của mình, WHO tuyên bố rằng “việc tiêu thụ 10% hoặc ít hơn lượng calories hàng ngày dưới dạng các acid béo bão hòa sẽ làm giảm LDL cholesterol, có liên quan đến việc giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân, và có thể liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.”
Sự thúc đẩy của WHO nhằm thuyết phục mọi người tiêu thụ ít thịt hơn và chuyển sang chế độ ăn giàu carbohydrate vẫn tiếp tục vào ngày 17/07 khi tổ chức này đưa ra thông điệp trên mạng xã hội rằng mọi người nên tránh acid béo chuyển hóa có trong “thịt và thực phẩm từ sữa động vật như bò và cừu.”
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), bệnh tim tiếp tục là một vấn đề nghiêm trọng và là “nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nam giới, phụ nữ, và người thuộc hầu hết các nhóm chủng tộc và sắc tộc ở Hoa Kỳ.” Cơ quan này báo cáo rằng “cứ 33 giây lại có một người tử vong vì bệnh tim mạch ở Hoa Kỳ”; khoảng 695,000 người Mỹ tử vong vì bệnh tim vào năm 2021, chiếm khoảng 1/5 số ca tử vong. Hơn nữa, theo báo cáo năm 2023 của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, gần một nửa số người Mỹ từ 20 tuổi trở lên, khoảng 122 triệu người trưởng thành, được chẩn đoán bệnh cao huyết áp.
Tuy nhiên, phần lớn bằng chứng về mối liên hệ giữa chất béo bão hòa trong các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật và bệnh tim vẫn chưa đủ thuyết phục hoặc, trong một số trường hợp, đã bị bác bỏ. Ngược lại, một số chuyên gia y tế lại cho biết đường và carbohydrate mới là thủ phạm chính gây ra bệnh tim và một loạt các vấn đề về sức khỏe liên quan đến quá trình trao đổi chất.
Tiêu thụ thịt được cho là làm tăng lượng phát thải carbon
WHO tuyên bố trong một thông cáo ngày 12/10 rằng việc tiêu thụ thịt đã dẫn đến lượng phát thải carbon tăng lên, gây ra sự biến đổi thời tiết vốn “góp phần trực tiếp vào tình trạng khẩn cấp nhân đạo do các đợt nắng nóng, cháy rừng, lũ lụt, bão nhiệt đới, và cuồng phong ngày càng tăng về quy mô, tần suất, và cường độ.”
Bản thông cáo tiếp tục nói rằng nghiên cứu “cho thấy 3.6 tỷ người đã sống ở những khu vực có khả năng cao bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Từ năm 2030 đến năm 2050, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ gây ra thêm khoảng 250.000 ca tử vong mỗi năm do suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy, và sốc nhiệt.”
Hơn nữa, dường như có một số xung đột lợi ích giữa WHO và ít nhất một nhà lãnh đạo ngành công nghiệp. Theo trang web của tổ chức này, tính riêng trong năm 2019, tổ chức từ thiện Quỹ Bill and Melinda Gates đã đóng góp 9.8% tổng doanh thu của WHO. Ông Gates, người đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Impossible Foods chuyên về sản xuất thịt giả, khẳng định rằng thịt bò tổng hợp là chiến lược cần thiết để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Vào tháng 02/2021, ông Gates nói với Technology Review: “Tôi nghĩ tất cả các quốc gia giàu có nên chuyển sang sử dụng 100% thịt bò tổng hợp. Quý vị có thể quen dần với sự khác biệt về hương vị, và khẳng định của tôi là họ sẽ làm cho hương vị trở nên ngon hơn theo thời gian. Cuối cùng, khoản chi phí xanh [tiết kiệm được nhờ sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường] đó đủ khiêm tốn để quý vị có thể thay đổi [hành vi của] mọi người hoặc sử dụng quy định để thay đổi hoàn toàn nhu cầu của họ.”
Ông Bass nói rằng trong khi một số nghiên cứu khoa học chỉ ra việc tiêu thụ nhiều thịt đỏ có thể dẫn đến những kết quả tiêu cực về sức khoẻ, thì WHO dường như đã phóng đại việc bài xích thịt, tạo ra một cơn bão chính trị hoàn hảo về biến đổi khí hậu mà có thể đã gây tác động bóp méo các nghiên cứu khoa học.
“Điều mấu chốt cuối cùng lại là quan điểm chính trị và môi trường trong việc cố gắng giảm lượng thịt đỏ nạp vào cơ thể. Nhìn chung, mọi chuyện diễn ra đúng như họ dự tính,” ông Bass nói. “Và rồi, mọi người sẽ nghĩ rằng, chà, chúng ta chắc chắn nên khẳng định vững chắc những khuyến nghị này mặc dù các nghiên cứu khoa học làm cơ sở cho những khuyến nghị đó không đủ mạnh, và ngay cả khi lợi ích lâm sàng từ việc giảm tiêu thụ thịt đỏ cũng không đặc biệt rõ ràng.”
Ông Bass tin rằng những người tuân theo hướng dẫn dinh dưỡng về thịt của WHO có thể gặp kết quả bất lợi nhiều hơn là có lợi.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times