Chuyên gia: Các cơ quan liên bang thường xuyên thu thập các cuộc gọi, tin nhắn, thư điện tử của công dân Mỹ
Quốc hội tranh luận về việc gia hạn Mục 702 của FISA trong bối cảnh các báo cáo về việc lạm dụng ‘tiếp diễn’
Bất chấp Tu chính án thứ Tư của Hiến Pháp vốn nghiêm cấm chính phủ điều tra mà không có trát lệnh hợp pháp, hơn bao giờ hết, các cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ đang cho thấy việc giám sát một cách thường xuyên các hoạt động và phát ngôn của người Mỹ của họ chưa từng đáng lo ngại hơn thế.
Các cơ quan như FBI thường hợp tác với các công ty tư nhân và ngân hàng, và đã lạm dụng luật chống khủng bố ngoại quốc để thu thập và sàng lọc dữ liệu riêng tư của hàng triệu người Mỹ mà không có lệnh hoặc bất kỳ bằng chứng phạm tội nào.
Khi Quốc hội hiện đang tranh luận về việc tiếp tục cho phép các phần có liên quan của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA) sắp hết hiệu lực trong năm nay, thì Viện Cato theo chủ nghĩa tự do đã tổ chức một hội nghị kéo dài bốn ngày vào tuần trước (05-11/06), trong đó các diễn giả theo phái bảo tồn truyền thống và thiên tả đã đưa ra lời kêu gọi cải cách pháp lý lớn.
Ông Jake Laperruque, phó giám đốc Trung tâm Dân chủ và Công nghệ, nói với những người tham dự rằng: “Những vi phạm mà chúng tôi đã chứng kiến không chỉ có quy mô lớn mà còn diễn ra dai dẳng, và lặp đi lặp lại.”
“Để đặt quy mô của con người vào vấn đề này, những gì chúng ta đang nói đến không chỉ là lỗi chính tả ngẫu nhiên hoặc những cú nhấp chuột sai; chúng tôi đang nhìn vào những thứ như thu hút hàng ngàn nhà tài trợ chính trị trong một lần, mà không có bất kỳ nghi ngờ nào về hành vi sai trái,” ông Laperruque nói. “Chúng tôi đã có báo cáo của các ký giả, nhà bình luận chính trị, một đảng chính trị trong nước; những vi phạm tuân thủ này là kiểu giám sát tập trung vào chính trị đáng lo ngại nhất.”
Năm 2001, Quốc hội đã thông qua Đạo luật PATRIOT như một biện pháp chống khủng bố ngoại quốc sau vụ tấn công ngày 11/09. Hồi năm 2008, Quốc hội đã bổ sung một sửa đổi đối với FISA, Mục 702, cho phép giám sát không cần trát lệnh đối với những người không phải là người Mỹ sống ở hải ngoại. Các nhà phê bình cho rằng bản sửa đổi này là nguồn gốc của nhiều hành vi lạm dụng, và dự kiến sẽ “hết hiệu lực” vào ngày 31/12.
Bằng chứng về hành vi lạm dụng
Các cuộc tranh luận của Quốc hội về việc có nên gia hạn Mục 702 đến trong bối cảnh có nhiều tin tức cho thấy FBI và các cơ quan tình báo liên bang khác đã lạm dụng thẩm quyền giám sát mà luật này trao cho họ. Những người chỉ trích nói rằng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy các cơ quan liên bang đã sử dụng luật này, vốn nhằm vào những kẻ khủng bố ngoại quốc, để tiến hành các chiến dịch gián điệp nội địa dài hạn và quy mô lớn đối với công dân Hoa Kỳ.
Bà Elizabeth Goitein, giám đốc cao cấp tại Trung tâm Tư pháp Brennan của Đại học New York, nói với những người tham dự hội nghị rằng: “Để ngăn không cho Mục 702 được sử dụng như một nỗ lực ngấm ngầm nhằm né tránh các biện pháp bảo vệ [Tu chính án thứ Tư], Quốc hội đã làm hai việc: Quốc hội yêu cầu chính phủ giảm thiểu việc thu thập, chia sẻ và lưu giữ thông tin cá nhân của người Mỹ… và yêu cầu chính phủ chứng nhận với tòa án FISA hàng năm rằng họ không sử dụng Mục 702 để cố gắng truy cập thông tin liên lạc của những người Mỹ cụ thể.”
“Quá rõ ràng là những biện pháp bảo vệ này đã không có tác dụng trong 15 năm qua,” bà Goitein nói. “Tất cả các cơ quan nhận dữ liệu dưới Mục 702 đều có các thủ tục được tòa án FISA chấp thuận, cho phép họ tiến hành tìm kiếm điện tử… nhằm mục đích tìm và truy xuất các cuộc gọi điện thoại, tin nhắn văn bản và thư điện tử của người Mỹ.”
Một báo cáo của Trung tâm Tư pháp Brennan cho thấy “từ năm 2006, dưới một loạt yêu cầu thường xuyên được gia hạn của Cục Điều tra Liên bang (FBI), cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) đã bí mật thu thập hồ sơ điện thoại của hàng triệu người Mỹ từ một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất ở Hoa Kỳ.”
Ngoài ra, báo cáo còn cho biết “trong sáu năm qua, NSA đã có được quyền truy cập chưa từng có vào dữ liệu do 9 công ty mạng hàng đầu của Hoa Kỳ xử lý. Việc này được mạng máy tính có tên PRISM trợ giúp. Các công ty liên quan bao gồm Google, Facebook, Skype và Apple.”
Sự gia tăng số lượng các nhà môi giới dữ liệu
Nói chuyện với những người tham dự hội nghị của Viện Cato, ông Nathan Wessler, một giám đốc của Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU), đã trình bày chi tiết về “sự gia tăng số lượng các nhà môi giới dữ liệu” chuyên thu thập cơ sở dữ liệu rất lớn về nhận diện ảnh trong giấy tờ cá nhân để bán cho cơ quan chấp pháp nhằm kiếm lời.
“Nhiều công ty đang bán các thuật toán nhận dạng khuôn mặt cho những người mua thuộc chính phủ và khu vực tư nhân,” ông Wessler cho biết. “Đó có thể là ảnh bằng lái xe của tiểu bang, ảnh bị bắt giữ, ảnh hộ chiếu liên bang.”
“Và sau đó, có một công ty khác, ClearView AI, lùng sục trên mạng hàng tỷ bức ảnh,” ông nói. “Lần cuối cùng tôi nghe nói, họ có một cơ sở dữ liệu gồm 30 tỷ bức ảnh của mọi người từ mạng xã hội, từ các trang web của nhà tuyển dụng, từ các tờ báo địa phương, và bất kỳ nơi nào khác trên internet nơi có một bức ảnh có thể được gắn với tên, xây dựng cơ sở dữ liệu rất lớn về nhận dạng khuôn mặt được trích xuất từ những bức ảnh đó và bán chúng cho các sở cảnh sát và cơ quan chấp pháp khác trên khắp đất nước.”
Ông Wessler cho biết, điều này “thể hiện một khả năng thực sự chưa từng có của chính phủ trong việc xác định ngay lập tức bất kỳ ai trong bất kỳ tình huống nào và sau đó hành động mà thường không có bất kỳ hình thức giám sát nào của tòa án, và thường là hết sức bí mật.”
Bà Clare Garvie, cố vấn tại Hiệp hội Luật sư Biện hộ Hình sự Quốc gia cho biết: “Chúng tôi có bộ dữ liệu ảnh được lưu trữ trong những hệ thống khó truy cập về hầu hết tất cả chúng ta. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều nằm trong số này, và gần như ngay lập tức chúng được chuyển thành bộ dữ liệu sinh trắc học.”
Theo bà Garvie, việc thu thập các bộ dữ liệu sinh trắc học này của cơ quan chấp pháp bắt đầu vào khoảng năm 2001 và đang được mở rộng.
Bà Garvie nói: “Điều đó thực sự xảy ra mà không có bất kỳ thông báo nào cho công chúng, bất kỳ hình thức đàm phán hay thảo luận nào về việc ghi danh. Việc thu thập này đã có trước gần 20 năm so với bất kỳ hình thức thảo luận công khai nào về quy định, kiểm soát, v.v.”
Việc thu thập dữ liệu diễn ra vào thời điểm Cục Quản lý An ninh Vận tải (TSA) đang mở rộng việc sử dụng phần mềm nhận dạng khuôn mặt tại các phi trường. Việc này cũng diễn ra vào thời điểm sau nhiều vụ bê bối, ngày càng có nhiều người Mỹ mất niềm tin vào FBI và Bộ Tư pháp. Theo các cuộc thăm dò vào năm 2021 và 2022, khoảng một nửa số người Mỹ có ý kiến tiêu cực về FBI.
Hôm 12/05, Biện lý Đặc biệt John Durham đã công bố báo cáo của mình liên quan đến cuộc điều tra của FBI về cáo buộc thông đồng với Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016 của ông Donald Trump, cáo buộc đó cuối cùng được chứng minh là một trò lừa bịp. Ông Durham nhận thấy rằng trong suốt cuộc điều tra “dựa trên thông tin tin đồn chưa được kiểm chứng”, các nhà lãnh đạo cao cấp của FBI đã vi phạm các quy tắc của chính họ và áp dụng tiêu chuẩn kép trong cách họ đối xử với ông Trump và với đối thủ Đảng Dân Chủ của ông, bà Hillary Clinton.
“Những gì ông Durham phát hiện là dường như không ai trong FBI hoặc Bộ phận An ninh Quốc gia tại DOJ nghĩ rằng nên đến gặp NSA và CIA và hỏi họ, ‘Này, quý vị có bất cứ điều gì có thể chứng thực điều này không?’” Ông Patrick Eddington, một thành viên cao cấp tại Viện Cato cho biết. “Và khi quý vị đang nói về một cuộc điều tra nhắm vào chiến dịch tranh cử của một ứng cử viên tổng thống mà họ lại cẩu thả như vậy, thì họ còn cẩu thả hơn thế nào với những người không có quyền lực và tầm ảnh hưởng như ông Donald Trump, hay bà Hillary Clinton?”
Hạ viện làm việc để gia hạn Mục 702
Hôm 22/03, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã thành lập một nhóm làm việc lưỡng đảng để đánh giá xem Mục 702 nên được gia hạn trong những điều kiện nào. Đồng thời, áp lực hủy bỏ điều khoản này đang đến từ những người lo ngại về một mô hình vi phạm quyền công dân của các cơ quan liên bang ở cả cánh tả và cánh hữu.
“Nhiều người Mỹ hoàn toàn đã mất niềm tin vào FBI và quy trình FISA,” Dân biểu Darin LaHood (Cộng Hòa-Illinois) cho biết vào thời điểm đó, dẫn chứng các vụ lạm dụng trong báo cáo của ông Durham, ông nói, “vụ việc này, cùng với các vụ lạm dụng được nêu ra khác, phải là một hồi chuông cảnh tỉnh.”
Mặc dù Mục 702 nhằm mục đích chống khủng bố ngoại quốc, nhưng FBI đã bị cáo buộc sử dụng quy định này vì những lý do hoàn toàn trong nước, kể cả việc truy tìm những người Mỹ đã tham gia vụ đột nhập Điện Capitol của Hoa Kỳ vào ngày 06/01/2021. Và nỗ lực này được cho là một phần trong mô hình giám sát của FBI đối với công dân Mỹ, trong đó có các cáo buộc gần đây nhất là FBI đã nhắm vào các bậc cha mẹ phản đối chương trình giảng dạy ở trường và những người theo Đạo Công Giáo phản đối quyền phá thai.
Trong một bức thư ngày 24/03/2022 gửi Giám đốc FBI Christopher Wray, Dân biểu Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio) và Dân biểu Mike Turner (Cộng Hòa-Ohio) đã trích dẫn một báo cáo của Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) rằng “từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021, FBI đã tiến hành 3.3 triệu cuộc điều tra người dân Hoa Kỳ trái với nội dung mà Mục 702 của họ quy định. Đây là một sự gia tăng đáng kể so với số lượng truy vấn người Mỹ mà FBI đã thực hiện từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2020, tương đương khoảng 1.3 triệu lượt.”
Ông Bob Goodlatte, cựu Dân biểu Hoa Kỳ và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện cho biết: “Đây là những chương trình dài hạn, đang diễn ra và không liên quan đến chiến tranh theo nghĩa truyền thống của từ này. Chúng được thực hiện theo cách mà các quyền của người Mỹ theo Tu chính án thứ Tư bị vi phạm liên tục không ngừng nghỉ.”
“FBI thường tiến hành các truy vấn này ở giai đoạn ‘đánh giá’ trong quá trình điều tra của họ, tức là trước khi Cục có một cơ sở thực tế hợp lý để nghi ngờ hoạt động tội phạm, chưa nói đến có sở chính đáng và lệnh khám xét,” bà Goitein cho biết. “FBI đã tiến hành khoảng 200,000 cuộc điều tra bí mật chỉ riêng trong năm 2022, vì vậy đó là hơn 500 cuộc điều tra thông tin liên lạc của người Mỹ mỗi ngày mà không có lệnh khám xét.”
Bà Goitein tiếp tụ,: “NSA và CIA cũng tiến hành hàng ngàn cuộc điều tra bí mật mỗi năm. Khi quý vị nhìn vào những con số này, rõ ràng là những gì được cho là một cơ quan chỉ tập trung vào các đối tượng ngoại quốc trên thực tế đã trở thành một công cụ gián điệp rất mạnh mẽ trong nước.”
Báo cáo của ODNI cũng trích dẫn một cuộc điều tra hàng loạt của FBI đối với 19,000 nhà tài trợ cho một chiến dịch tranh cử của quốc hội. Ngoài việc FBI bị cáo buộc hợp tác với các công ty công nghệ và viễn thông để thu thập dữ liệu về người Mỹ, còn có cáo buộc về sự hợp tác với các ngân hàng.
Sau một bản tin về “người tố cáo” FBI cho biết “Ngân hàng Hoa Kỳ (BoA) đã cung cấp cho FBI — một cách tự nguyện và không theo bất kỳ quy trình pháp lý nào — danh sách các cá nhân đã thực hiện giao dịch ở khu vực đô thị Washington, D.C. bằng thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ của BoA trong khoảng thời gian từ ngày 05/01 đến ngày 07/01/2021,” ông Jordan và Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky) đã viết hôm 12/06 cho JPMorgan Chase, Citigroup, Truist Financial Corp., Wells Fargo và US Bank, yêu cầu cung cấp thông tin về việc liệu họ có đã hành động như vậy hay không.
‘Trong tầm ngắm của chính phủ’
Ông Eddington nói: “Nếu quý vị thực sự nhìn lại trong lịch sử, sẽ thấy rất nhiều nhóm, cả về sắc tộc, tôn giáo, chính trị, đều đã lọt vào tầm ngắm của chính phủ, và đó là một mô hình hoàn toàn nhất quán. Đối với tôi, đó là điều nói lên vấn đề lớn hơn mà chúng ta đang giải quyết ở đây.”
“Điều thú vị và đáng sợ là xem qua các hồ sơ từ thời Đệ nhất Thế chiến và để xem chính xác người Mỹ gốc Đức đã trở thành nạn nhân như thế nào, và tôi đang nói về những vụ hành quyết, tôi đang nói về những vụ sát nhân,” Ông Eddington nói. “Việc tập trung vào người Mỹ gốc Ả Rập và người Hồi Giáo dễ dàng quay trở lại thời kỳ nhân quyền của người Palestine.”
“Một số vụ lạm dụng giám sát tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây đều được thực hiện theo ý tưởng giám sát phòng thủ này” đối với kẻ thù ngoại quốc, ông Laperruque cho biết, trích dẫn các trường hợp như ông Martin Luther King bị theo dõi vì các phong trào dân quyền và phản chiến được cho là đại diện cho các mối đe dọa an ninh trong suốt thời gian chiến tranh Việt Nam. “Hành động đó đã được chứng minh là một trong những kiểu giám sát dễ bị lạm dụng nhất.”
Ông Brett Holmgren, trợ lý ngoại trưởng, cho biết hôm 30/05 rằng, mặc dù ông thấy việc lạm dụng Mục 702 là “đáng lo ngại,” nhưng chương trình này vẫn nên tiếp tục. Ông Holmgren, người giám sát Cục Tình báo và Nghiên cứu (INR) của Bộ Ngoại giao, cho biết việc sử dụng 702 cho mục đích an ninh quốc gia và ngoại giao là rất cần thiết và đồng thời hạ thấp mức độ lạm dụng.
“Ngày nay, INR và Bộ Ngoại giao mà chúng tôi phục vụ, có nguy cơ mất quyền truy cập vào một trong những nguồn thông tin tình báo quan trọng nhất mà chúng tôi dựa vào… Mục 702 của Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc,” ông Holmgren nói.
Ông Goodlatte nói rằng Mục 702 có thể được cải tổ theo cách lưỡng đảng để ngăn chặn nhiều vi phạm hiện tại tái diễn.
Ông Goodlatte cũng cho hay: “Đây là một cơ hội to lớn vì nhận thức của cả hai đảng trong Quốc hội về những lạm dụng này đã được nâng cao. Quốc hội có thể hành động theo cách rất lưỡng đảng, và tôi nghĩ họ sẵn sàng hành động theo cách rất lưỡng đảng.”
Bà Goitein nói: “Ở một mức độ nào đó, Mục 702 là một dự luật vô cùng kỹ thuật và phức tạp, và tôi nghĩ chính phủ sử dụng điều đó để trục lợi cho mình. Nhưng nếu chúng ta bị lạc trong cuộc thảo luận về các chi tiết kỹ thuật, chúng ta sẽ bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh.”
Bà Goitein tiếp tục: “Điều mà Mục 702 hiện đang được sử dụng cho không phức tạp chút nào; nó đang được sử dụng để truy cập vào thông tin liên lạc của người Mỹ mà không cần sự cho phép. Đó là nguyên tắc mà chúng ta cần tuân thủ, rằng việc giám sát ở đất nước này, giám sát người Mỹ, phải được cấp lệnh, và cần có các quy định mạnh mẽ để bảo đảm trách nhiệm giải trình và giám sát.”
Bà Goitein cho rằng: “Tôi nghĩ miễn là chúng ta luôn chú ý đến những nguyên tắc lớn đó và không bị lạc trong những thứ chi tiết hợp pháp không quan trọng, thì chúng ta sẽ đạt được một kết quả khá tốt.”
Đào Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times