Chúng ta học vẽ như thế nào?
Một cuộc phỏng vấn với người sáng lập New Masters Academy, Jacobo
Có một điều chắc chắn là hội hoạ có thể đưa chúng ta du hành đến những chân trời mới, những thế giới giúp chúng ta không bị mắc kẹt trong trí tưởng tượng của riêng mình. Vấn đề đặt ra là, chính xác thì một người cần học vẽ như thế nào?
Hẳn là nhiều người trong chúng ta đã từng có động lực cầm bút chì lên để vẽ vào một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Chúng ta có thể đã được truyền cảm hứng để nắm bắt vẻ đẹp của một khung cảnh hoặc miêu tả một bức tranh mà chúng ta hình dung trong tâm trí, hoặc có lẽ chúng ta bị lôi cuốn bởi một hàng tá sách hướng dẫn nghệ thuật nằm khiêm tốn trên kệ của hiệu sách. Khi còn thơ bé, có lẽ tất cả chúng ta đều được tặng bút màu và bút dạ, và chúng ta có thể mặc sức khám phá thế giới của màu sắc và đường nét.
Có một điều chắc chắn rằng hội hoạ có thể đưa chúng ta du hành đến những chân trời mới, những thế giới giúp chúng ta không bị mắc kẹt trong trí tưởng tượng của riêng mình. Vấn đề đặt ra là, chính xác thì một người cần học vẽ như thế nào?
Joshua Jacobo là người sáng lập học viện nghệ thuật trực tuyến danh giá New Masters Academy. Cuộc hành trình của Jacobo đến Florence, Ý vào 15 năm trước, là chiếc chìa khóa vén mở bức màn bí ẩn về kỹ năng phác thảo. Khi ông đi ngang qua Casa Buonarroti, một bảo tàng dành riêng cho những kiệt tác của danh họa Michelangelo, niềm đam mê của ông đối với nghệ thuật đã thật sự bùng cháy. Bị thu hút bởi sự điêu luyện tài tình được thể hiện trong những tác phẩm vĩ đại, Jacobo cảm thấy như được mời gọi để học hỏi thêm những kỹ pháp nghệ thuật này. Ngày hôm đó, ông rời viện bảo tàng với một số lượng lớn sách nghệ thuật và một hoài bão rõ ràng.
Ông Jacobo bộc bạch, “Lần đầu tiên tôi tự học cách phác thảo từ kho lưu trữ tác phẩm của Michelangelo, đó là bốn quyển sách tầm cỡ được phát hành vào những năm 1970. Gần như mọi bản vẽ nổi danh của Michelangelo đều được nhắc đến trong những cuốn sách này. Jacobo đã nhân bản các bức tranh sau khi vẽ xong, thường là sao chép lặp đi lặp lại trên cùng một tác phẩm.
Ông giải thích, “Trong hội họa, học viên thường được hướng dẫn bằng cách sao chép các tác phẩm của những bậc thầy. Nhưng chỉ trong hơn 100 năm qua, phương pháp này ngày càng trở nên ít phổ biến.”
Thông qua việc chép lại những tác phẩm của danh họa Michelangelo, Jacobo đã nghiên cứu phương pháp làm thế nào mà Michelangelo có được sự nhạy bén như vậy trong các bức vẽ của mình. Học hỏi các kỹ pháp của những bậc thầy cổ đại là hữu ích vô cùng và tài năng phác thảo của Jacobo đã được cải thiện nhanh chóng. Ông đã nâng cao khả năng phân tích tác phẩm của Michelangelo để gặt hái được nhiều lợi ích nhất.
Ông Jacobo chia sẻ, “Hãy cố gắng đảo ngược quy trình suy nghĩ đằng sau mỗi tác phẩm. Loại di chuyển nào của cổ tay, tốc độ nào, chất liệu gì đã được dùng đến? Cố gắng di chuyển cơ thể của bạn theo cách có được cảm giác tương tự như trong hình vẽ.”
Ông nhấn mạnh rằng quá trình này đòi hỏi những lần thử nghiệm và sai sót liên tiếp để cảm nhận nhịp điệu của các chuyển động và trí nhớ cơ bắp có thể được tạo nên thông qua việc không ngừng nỗ lực và lặp đi lặp lại.
Ông giải thích, “Ban đầu các đường nét của bạn có thể thô kệch và không uyển chuyển, cho đến khi bạn học được rằng mình cần phải vẽ từ vai và cổ tay. Điều chúng ta thường không mấy chú ý đến trong phác thảo, hội họa và điêu khắc là nó tương tự như khiêu vũ ở chỗ không có đường tắt cho cơ thể. Cơ thể phải di chuyển theo những cách cụ thể để tạo nên những đường nét thanh thoát tự nhiên.
Nghệ thuật vừa là một phương tiện biểu đạt mạnh mẽ vừa là một nghề nghiệp nghiêm túc vô cùng. Dường như có một làn sương mù tinh vi của sự tách biệt thường xuyên bao trùm chúng ta trong xã hội đương đại với một nhịp sống hối hả. Hãy thoải mái khi khám phá ra rằng chúng ta có thể nhận được cảm giác kết nối sâu sắc luôn rộng mở nếu biết cách khai thác kiến thức chuyên môn của những bậc tiền nhân. Tương tự như việc nghiên cứu âm nhạc, điều căn bản là chúng ta cần nghiên cứu lịch sử và các tác phẩm của những bậc thầy để phát huy tiềm năng cao nhất của chính mình.
Học hỏi từ quá khứ ban cho chúng ta một nền tảng vững chắc hơn để hoàn thiện những gì chúng ta làm ở hiện tại. Vĩ nhân Isaac Newton đã từng có câu nói nổi tiếng trong bức thư gửi nhà khoa học Robert Hooke, “Nếu tôi nhìn thấy được xa hơn [người khác], ấy là bởi vì tôi đứng trên vai những người khổng lồ.” Chúng ta có thể đạt được thành tựu lớn hơn thế nếu chúng ta đứng hoàn toàn từ góc độ truyền thống mà nhìn nhận về những gì mà chúng ta đang theo đuổi.
Các nghiên cứu nghệ thuật chuyên sâu mang tính cá nhân của Jacobo đã đưa ông đến với một tuyển tập các bản khắc được sáng tạo bởi nghệ sĩ Phục hưng Ordardo Fialetti vào năm 1608. Fialetti là một họa sĩ và thợ in có kỹ thuật tay nghề cao, người đã học việc với danh hoạ Giovanni Battista Cremonini và sau đó được đào tạo với bậc thầy Tintoretto ở Venice, Ý.
Việc đào tạo vẫn còn mang tính độc quyền cao trong thời gian Fialetti học nghệ thuật. Những người nghệ sĩ đầy khát vọng chủ yếu học nghệ thuật tại các xưởng học việc. Tuy nhiên, công nghệ khắc đã thay đổi điều này. Sách khắc của Fialetti là cuốn sách đầu tiên thuộc loại này, và nó đã chuyển hướng nền giáo dục nghệ thuật bằng cách làm cho việc đào tạo kỹ thuật có thể tiếp cận đông đảo học viên hơn nữa. Cuốn sách khắc cuối cùng đã cải tiến quá trình giáo dục nghệ thuật, chuyển mình sang một giai đoạn tiếp theo: học từ sách hướng dẫn.
Jacobo giải thích: “Họ đã mô hình hóa dựa trên phác thảo từng bước của nghệ thuật thư pháp, theo truyền thống của sổ tay thư pháp. Khi quý vị xem xét những bản khắc của Fialetti, các đường nét bay lượn và gạch chéo chính xác đã giải thích cách mà một bản giao hưởng tạo nên với đầy những dấu ấn trong đó. Một số ngắn, một số dài, và tất cả dường như lướt qua trang giấy một cách nhẹ nhàng.
Ông bày tỏ lòng biết ơn đối với những người phụ trách bảo tàng, những người đã cố gắng đưa các kiệt tác này ra mắt công chúng. Nhờ những nỗ lực của họ trong việc số hóa những bản sao chép mà giờ đây chúng ta có cơ hội tìm thấy mối liên hệ sâu sắc hơn với lịch sử của công việc này. Những gì trước đây chỉ có sẵn trong các hội thảo và sau đó là trong các ấn phẩm chọn lọc, giờ đây đã có thể tiếp cận cho một lượng lớn sinh viên trên toàn cầu.
Jacobo đang tiếp bước di sản của những bậc thầy cổ đại này bằng cách cung cấp các nghiên cứu bản sao thông qua Học viện New Master. Tuyển tập Master Monday trực tuyến là một nhóm nghiên cứu tương tác về các bản vẽ tổng thể. Ông hướng dẫn sinh viên xem qua các bản sao chính của họ, đưa ra cho họ những lời phản hồi và đề xuất về cách họ có thể tiếp cận những bài học quan trọng với nhãn quan phân tích nhạy bén. Jacobo nói thêm: “Nếu chúng ta cho rằng đó là một phương pháp, khi mà chúng ta có thể bắt đầu một cách nghiêm túc.”
Jacobo khiêm tốn bày tỏ rằng ông chỉ đơn thuần là người hướng dẫn, trong khi bậc thầy, người có các tác phẩm đang được sao chép mới là người hướng dẫn thực sự. Thành công của nhóm nghiên cứu này đã thúc đẩy khoảng 1.000 người kết nối với nghệ thuật cổ điển. Mỗi sáng thứ Hai, một nhóm họa sĩ non trẻ háo hức tập hợp lại để tiếp nối di sản truyền thống đáng kính này, phát triển khả năng kỹ thuật của họ và khám phá nên vẻ đẹp toát lên từ phương pháp này.
“Mỗi đường nét đều có một chuyển động, một cử chỉ. Tuy nhiên, khi bạn quan sát những đường nét này và bắt đầu vẽ chúng, bạn sẽ nhận thấy rằng mỗi đường nét được vẽ nên đều có chủ đích. Chúng tương tự như các nốt nhạc riêng biệt và các nghệ sĩ chơi những nhạc cụ khác nhau kết hợp lại với nhau như một phần của dàn nhạc để hòa tấu một bản giao hưởng duy nhất,
“Bố cục đó là một tổng thể chuyển động; có độ tròn trịa hơn là cứng nhắc . Đó là tất cả của sự hòa quyện. Đó là cách diễn đạt giàu cảm xúc và rung động,” Jacobo giải thích trong những bài hướng dẫn vào Thứ Hai của mình.
Ông khuyến khích sinh viên ở mọi cấp độ chăm chỉ nghiên cứu các tác phẩm của các bậc thầy thời Phục hưng, những người vẫn được coi là đỉnh cao của sự thành thạo trong loại hình nghệ thuật này. Khi sinh viên vận dụng các nghiên cứu cổ điển cần thiết và nâng cao lên bằng cách phác họa từ thiên nhiên và từ trí sáng tạo, họ sẽ gặt hái được lợi thế vô song.
Mục tiêu của New Masters Academy là nuôi dưỡng một cộng đồng các nghệ sĩ được truyền cảm hứng từ nghệ thuật truyền thống và sau đó tiếp tục di sản với tư cách là “những bậc thầy mới.” Jacobo tìm thấy niềm vui thích khi ngắm nhìn các em học sinh nâng cao tài năng của mình thông qua vận dụng các hoạ pháp và kỹ thuật vượt thời gian được truyền tặng từ những bậc tiền nhân, người đã tạo nên những di sản nghệ thuật quý giá này.
“Bạn có quyền thừa hưởng những kiến thức này,” ông nói. “Chúng ta không cần phải tự mình mày mò ra mọi thứ.”
Mặc dù có vẻ như đó là lời khuyên dành cho các nghệ sĩ đang hành nghề, nhưng việc học hỏi từ quá khứ có thể giúp tất cả chúng ta định hướng tương lai của chính mình. Cho dù mục tiêu là tạo ra các tác phẩm nghệ thuật hay để làm chủ bất kỳ khả năng nào khác nhằm hướng tới sự thành thạo, thì tất cả mọi người đều áp dụng một phương pháp tiếp cận giống nhau. Khi chúng ta tìm kiếm nguồn gốc của sự thông thạo trong bất kỳ một khía cạnh truyền thống nào, chúng ta có thể khám phá ra một chân trời mới đong đầy cảm hứng và trí tuệ đang chờ được tiết lộ!
Sarah Hodges làm việc như một nhà văn tự do hiện đang sinh sống ở Honolulu, Hawaii. Cô học mỹ thuật tại Học viện Mỹ thuật Pennsylvania, The Grand Central Atelier ở New York và Học viện Nghệ thuật Florence ở Florence, Ý trước khi trở thành một nhà văn học. Ông nội của cô, một họa sĩ theo trường phái hiện thực đương đại ở Hawaii, là nguồn cảm hứng ban đầu cho nghệ thuật cổ điển của cô.